Muốn sống đem vôi quét trả đền

Tô Văn Trường

Lư hương xưa dưới Tượng đài

Cớ sao gỡ bỏ, có ai nỡ làm?

Ơn Người muốn thắp nén nhang

Tìm Lư chẳng thấy lòng thành bơ vơ.

Thế giới dựng tượng đài cũng nhiều, mà phá đi cũng lắm. Người đời sau có thể có đánh giá khác đời trước, nên phá cũng là chuyện hay xẩy ra. Nghe nói Mỹ vừa di chuyển tượng tướng Lee. Nhưng với Đức Thánh Trần, người Việt một lòng tôn vinh, không có mâu thuẫn gì. Trước đây đã vậy, bây giờ càng như vậy.

Nhiều người dân có lương tri phản đối việc đua nhau xây dựng tượng đài, tốn đất, tốn tiền thuế của dân trong khi ngân sách đã cạn kiệt. Nước ta đất chật, người đông nhưng đã có hiện tượng một số quan chức (không phải là khai quốc công thần) khi mất, dù nghĩa tử là nghĩa tận nhưng xây mộ chiếm hàng nghìn mét vuông gây phản cảm trên công luận.

Đời người đã ngắn nhưng đời làm quan lại càng ngắn hơn nhiều, nên đừng quên lời dậy của cha ông ta trong ca dao:

Dân yêu dân lập đền thờ

Dân ghét dân đái ngập mồ thối xương

Người dân không hiểu đích xác việc mấy người cầm quyền ở TP HCM khoá trước và ở Quận 1 quyết định việc dời lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo từ động cơ gì, nhưng hoàn toàn có thể do nhận thức ấu trĩ, suy nghĩ đơn giản, chứ không nhất thiết phải do động cơ khác. Nhìn chung, trên mạng xã hội, nhiều người quan tâm đến lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo với nhiều tình cảm, cần được lắng nghe và xem xét. Có lẽ là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng việc lư hương “bị dời đi một cách “kỳ lạ”, cách đây hai năm – đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc” – thì đúng là đánh mạnh vào tâm tư của người dân rồi!

Theo tôi tìm hiểu, việc di dời như vậy không có gì mới. Sau 1975, người ta dời tượng ông Trương Vĩnh Ký ở trường Pétrus Ký vì ác cảm với ông này và ác cảm với cái tên Tây của ngôi trường (bây giờ là trường Lê Hồng Phong). Ông Trương Vĩnh Ký là nhân vật gây tranh cãi, cho nên phe có ác cảm dẹp tượng của ông thì ta đành chịu thôi.

Sau năm 1975, người ta cũng dẹp tượng của ông Lê Văn Đệ, nguyên giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn dưới chính quyền miền Nam cho đến năm 1966 khi ông mất. Sinh viên nhớ ơn ông nên mới đặt tượng của ông trên sân trường. Thế mà người ta vẫn không tha cho một nhà giáo dục kiêm họa sĩ, chỉ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật. Có lẽ người ta có ác cảm với ông Lê Văn Đệ, là người nhận công việc trang trí cho lễ đài tại Quảng trường Ba Đình khi Cụ Hồ Chí Minh tuyên cáo độc lập, rồi sau đó ông Đệ vào miền Nam, mang tiếng “phản bội”???

Trở lại vụ việc đặt lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo, tôi làm theo cách cho điểm nhận được kết quả như sau:

Quận 1 là “Đặt lư hương giữa công viên, là nơi công cộng, để thờ thì không phù hợp lắm.”.

https://vnexpress.net/quan-1-doi-lu-huong-tuong-dai-tran-hung-dao-ve-duong-vo-thi-sau-3882657.html

Trong khi ý kiến phản biện là “trên cả nước hiện đang có nhiều quảng trường, công viên hoặc điểm công cộng có đặt tượng đài Trần Hưng Đạo từ Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng đến Nha Trang, Quy Nhơn và các đảo lớn ở Trường Sa. Tại những nơi này đều có lư hương để cắm nhang tưởng nhớ, vậy mà vì sao lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên của cả nước lại bị bóc dỡ? Vốn dĩ, theo thiết kế truyền thống Á Đông, lư hương là một phần quan trọng không thể không có trong cảnh quan của các đền đài, tượng đài, bia kỷ niệm người mất, đặc biệt là các danh nhân và thần thánh.”

Điểm: Phản biện 1, chính quyền 0.

Quận 1: “”Có thể một số người cho đây là vấn đề nhạy cảm nhưng quận thấy việc này bình thường.” Cần lắng nghe và xem xét chứ không nên phớt lờ ý kiến phản biện mà cho là bình thường.

Điểm: Phản biện 2, chính quyền 0.

Quận 1: “Việc này để phục vụ người dân tham quan.” Lý do không rõ ràng.

Phản biện: “việc dời lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường Mê Linh không những làm mất đi phương tiện tỏ lòng tưởng niệm vị anh hùng mà còn làm giảm đi sự tôn nghiêm cần thiết của không gian này” là có lý. Hơn nữa, còn thấy “các hư hỏng nơi thân tượng và các bức phù điêu”, như vậy phục vụ người dân tham quan yếu kém rồi.

Điểm: Phản biện 3, chính quyền 0.

Quận 1: “động thái này của Quận cũng nhằm phục vụ việc thờ phụng được đúng chỗ, trang nghiêm hơn. Quận không phải là không có nơi để người dân thể hiện tâm linh, mà có hẳn ngôi đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo nên đưa lư hương về đó”.

Phản biện: “việc đặt hai chiếc lư hương bên nhau với kích cỡ và kiểu dáng khác biệt đã cho thấy một hình ảnh khập khiễng và quan niệm thờ phụng lạ lùng.” Tức là giải thích của Quận 1 không ổn.

Điểm: Phản biện 4, chính quyền 0.

Như vậy, chỉ mới xét qua 4 ý kiến phản biện và 4 giải thích của Quận 1 như phân tích ở trên thì người đọc chắc sẽ nghiêng về phía phản biện hơn. Chính quyền cần có lập luận vững chắc hơn nữa để biện minh cho hành động của họ.

Mặt khác, giới phản biện cần lập luận nghiêm túc hơn, tránh cảm tính, và càng nên tránh những gì mông lung huyền ảo kẻo mất điểm với chính quyền. Từ chuyện dời lư hương (nguyên nhân) mà kéo sang dịch Covid-19 (hàm ý hậu quả) là đi quá xa! Cụ thể, lập luận mơ hồ, đao to búa lớn, thiếu chứng cứ như dưới đây không nên có:

“Thế thì tại sao dân SG gặp nạn lớn như thế?

Có 2 nguyên nhân.

1. Di dời lư hương làm nhiều người lo lắng, bất an, những người này lại truyền sợ hãi bất an sang người khác… cứ thế lan rộng mãi ra. Xin hỏi: có cuộc điều tra nào về nhiều người lo lắng bất an hay không? Người ta có thể không đồng tình, nhưng nói lo lắng bất an thì e hơi quá.] Mà lo lắng bất an thì dễ bị tai nạn, dễ mắc bệnh. Nhận xét: ngôn từ đao to búa lớn, mộng lung quá] hơn người hạnh phúc, có thân tâm an lạc. Các nhà tâm lý học và các bác sỹ đều biết điều này. Xin hỏi: Các nhà tâm lý học nào? Bác sỹ nào?

2. Một số kẻ làm điều thất đức như đánh người, trộm cướp… vốn chẳng kiêng nể gì, nay thấy chính quyền làm chuyên bất đạo [Nhận xét: ngôn từ đao to búa lớn] như thế càng không tin gì vào Thánh Thần, nghiệp báo nữa, lại càng được thể làm càn. Xin hỏi: chứng cứ nào cho biện luận nguyên nhân-hậu quả này?

Đấy chính là nghiệp lực luân báo, hoàn toàn tự động. Muốn an lòng dân thì phải mang ngay lư hương trả về chỗ cũ. Nhận xét: ngôn từ quá nặng nề, mơ hồ. Sự việc không đến nỗi làm lòng dân không an.

Tóm lại, giới phản biện có lý phần nào mà chính quyền cần lắng nghe và xem xét. Quan trọng nhất: hai bên cần giữ bình tĩnh, tránh sa đà vào lĩnh vực huyền bí, tránh nói chung chung theo cảm tính mà thiếu chứng cứ cụ thể. Cần lập luận dựa theo truyền thống và văn hóa, đồng thời tham khảo chặt chẽ các quy định hiện hành để làm cho có bài bản.

Theo tôi hiểu tượng đài ở Việt Nam khác tượng đài ở Âu Mỹ. Ở các nước Âu Mỹ, trước tượng đài, người ta không thắp hương mà đặt hoa. Ở Việt Nam có phong tục thắp hương cho nên cần có cái lư hương. Có thể đối với những tượng đài mới xây dựng, ta không đặt lư hương cũng được. Nhưng chiếc lư hương đã có từ mấy chục năm nay trước tượng Đức Thánh Trần ở quảng trường Mê Linh và người dân cũng đã có tục lệ thắp hương trước tượng Ngài; can gì mà dời đi chỗ khác?

Tôi không nghĩ rằng có ai đó muốn dời lư hương đi để người ta không còn tụ tập trước tượng vào ngày kỉ niệm chiến tranh biên giới nữa. Bởi vì nếu nghĩ vậy thì quá hời hợt. Không còn lư hương, người dân tưởng nhớ Ngài vẫn đến và vẫn đặt hoa được chứ? Tốt nhất là rước lại chiếc lư hương thiêng về chỗ cũ. “Muốn sống, đem vôi quét trả đền”, như nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nói.

Related posts