Tin thế giới sáng thứ Ba

Trung Quốc: Mất điện, mất nước đột xuất sẽ diễn ra thường xuyên

Vũ Dương

Thành phố Cát Lâm, Trung Quốc (ảnh chụp màn hình https://youtu.be/7T5yScUSabg).

Theo trang Aboluowang, công ty cấp nước Tân Bắc, thành phố Cát Lâm ngày 26/9 thông báo việc cắt điện và giới hạn sử dụng điện sẽ diễn ra thường xuyên và không báo trước cho đến tháng 3/2022.

Thông báo này đã dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng Trung Quốc. Gần đây, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã giới hạn sử dụng điện trên quy mô lớn, riêng tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc Trung Quốc thậm chí đột ngột cắt điện không báo trước, khiến dư luận phẫn nộ.

Tài khoản WeChat “Công ty cấp nước Tân Bắc thành phố Cát Lâm” đã đưa ra thông báo rằng, theo yêu cầu của Hệ thống điện Nhà nước Trung Quốc, Cục Quản lý Điện lực Đông Bắc và Cục Năng lượng tỉnh Cát Lâm sẽ thực hiện tiêu thụ điện có trật tự.

Ảnh chụp màn hình

Tình trạng mất điện đột xuất, không thường xuyên, không theo kế hoạch và không báo trước sẽ tiếp tục cho đến tháng 3/2022. Việc cúp điện và cúp nước sẽ trở nên thường xuyên, và điều này sẽ khiến 9 trạm bơm bị mất điện, không thể cấp nước bình thường. Do đó, tình trạng mất nước do mất điện sẽ xảy ra thường xuyên trong thời gian tới. Giới chức nhắc nhở các hộ dùng nước và người dân hãy chuẩn bị tích trữ nước kịp thời.

Một số khu vực ở vùng Đông Bắc Trung Quốc gần đây đã xảy ra tình trạng mất điện mà không được cảnh báo trước.

Một cư dân mạng ở tỉnh Cát Lâm cho biết, vào khoảng 4:30 chiều ngày 25/9, đèn giao thông trên đường ở địa phương của người này đều ngưng hoạt động. Một nửa trong số 400.000 hộ dân trong thị trấn nhỏ này đã bị ngắt điện. Cư dân mạng này cho hay, vì không được thông báo trước về việc cắt điện, nên mọi người cũng không chuẩn bị gì.

Người này chia sẻ: “Từ lâu chúng ta đã quen với cuộc sống có điện rồi, đột nhiên bị mất điện, biết bao chuyện phiền phức kéo đến, dùng lời cũng không nói hết được”.

WHO lập nhóm mới điều tra nguồn gốc COVID-19

Hải Lam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nối lại cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Covid-19, trong bối cảnh các quan chức cảnh báo thời gian để xác định đại dịch bắt đầu như thế nào không còn nhiều.

Tạp chí Phố Wall ngày 26/9 đưa tin, một nhóm điều tra mới gồm khoảng 20 nhà khoa học — bao gồm các chuyên gia về an toàn sinh học và an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học và các chuyên gia về bệnh động vật nắm rõ cách thức virus lây lan từ tự nhiên — đang được tập hợp để tìm kiếm những bằng chứng mới về COVID-19 ở Trung Quốc và các nơi khác.

Washington và các đồng minh đã thúc giục WHO thúc đẩy cuộc điều tra. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối và cho rằng bất kỳ cuộc điều tra mới nào cũng nên tập trung vào các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ.

Theo các quan chức WHO, các nhà khoa học dự kiến sẽ điều tra liệu virus Covid-19 có xuất phát từ phòng thí nghiệm hay không.

WHO nói thêm rằng cuộc điều tra mới sẽ tạo điều kiện để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sâu xa phát sinh virus corona chủng mới. Ngoài ra, theo tổ chức này, nếu khai triển công tác nghiên cứu tương ứng muộn hơn, thì các mẫu máu của những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên có thể không sử dụng được.

Cuộc điều tra mới diễn ra vài tháng sau khi WHO cử các nhà khoa học đến thăm thành phố Vũ Hán, Trung Quốc – nơi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 12/2019. Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết dữ liệu do các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp trong chuyến công tác không đủ để trả lời các câu hỏi quan trọng về thời gian, địa điểm và cách virus bắt đầu lây lan.

Các quan chức chính quyền Biden, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, đã thúc giục Tổng giám đốc WHO gia hạn cuộc điều tra, và cho phép ít nhất một người Mỹ sẽ tham gia cùng.

Nhật Bản lần đầu ‘chỉ mặt’ Trung – Nga – Triều là mối đe dọa không gian mạng

Hải Lam

Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Hai (27/9) đã thông qua dự thảo chiến lược an ninh mạng trong ba năm tới, lần đầu tiên chỉ đích danh Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là các mối đe dọa về tấn công mạng.

Theo Kyodo News, bản dự thảo dự kiến ​​sẽ sớm được Nội các thông qua. Dự thảo cho biết tình hình trên không gian mạng có “nguy cơ phát triển nhanh chóng thành một tình huống nguy cấp” và ba quốc gia Nga, Trung Quốc, Triều Tiên bị nghi ngờ có liên quan đến các hoạt động mạng thù địch.

Dự thảo cũng tuyên bố Nhật Bản sẽ thực hiện “các biện pháp đối phó cứng rắn bằng mọi phương tiện và khả năng hiệu quả hiện có”, trong đó có các biện pháp đáp trả ngoại giao và truy tố hình sự.

Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato kêu gọi các thành viên của Trụ sở Chiến lược An ninh mạng “làm việc với các chính quyền địa phương, trong khi cân nhắc đầy đủ để đạt được sự tin tưởng của công chúng, và kiên định thực hiện các biện pháp được nêu trong chiến lược”.

Dự thảo cho biết thêm, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng với các đối tác trong nhóm Bộ Tứ – Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ – cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trên quan điểm loại bỏ rủi ro đối với các hoạt động kinh tế, chiến lược nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm rằng cơ sở hạ tầng quan trọng như cáp ngầm được bảo vệ tốt, và tạo ra các tiêu chuẩn an toàn và tin cậy mới cho các thiết bị công nghệ thông tin.

Với sự ra mắt của Cơ quan kỹ thuật số vào ngày 1/9 để thúc đẩy số hóa đất nước, dự thảo cũng kêu gọi thúc đẩy đồng thời an ninh mạng và cải cách kỹ thuật số.

Afghanistan: Liên Hiệp Quốc báo động nạn đói sắp xảy ra

Thùy Dương

Trên một đường phố tại thủ đô Kabul, ngày 16/09/2021. via REUTERS – WANA NEWS AGENCY

Gần một tháng rưỡi sau khi thủ đô Kabul thất thủ, Afghanistan chìm trong khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Trao đổi với AFP, bà Natalia Kanem, giám đốc Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) hôm qua 25/09/2021 nhận định tình hình ở Afghanistan là đáng báo động : Nạn đói sắp xảy ra.

Giám đốc Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc ước tính 1/3 dân số Afghanistan bị nạn đói đe dọa. Còn theo Chương trình Lương thực Thế giới, cứ 10 gia đình thì có đến hơn 9 hộ hiện giờ không đủ ăn. Trước khi Taliban chiếm quyền hôm 15/08/2021, 85% ngân sách công của Afghanistan là từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện giờ, khoảng 18 triệu người, từ gần một nửa dân số Afghanistan, cần được trợ giúp mới có thể tồn tại.

Tại một khu phố ở của thủ đô Kabul, người dân phải mang bán đồ đạc trong nhà chỉ để lấy vài đồng afghani (tiền Afghanistan). Từ Kabul, thông tín viên RFI Sonia Ghezali gửi về bài phóng sự :

« Hàng trăm người bán đồ cũ đã bày hàng trên vỉa hè một đại lộ dài. Những chiếc thảm, tủ lạnh, tủ, bộ bát đĩa, bình sứ thậm chí còn được đặt trên nền đất. Anh Parwaiz đang thương lượng về những món đồ chứa trong chiếc xe gần chỗ anh đứng. Cốp xe mở rộng và bên trong chất đầy đồ đạc. Anh nói : « Đó là tài sản của tôi : giường, bàn billard, đệm, xe ô tô đồ chơi của trẻ nhỏ. Tôi muốn bán để lấy 20.000 đồng afghani, nhưng chẳng có ai mua chúng với giá này ».

Cuối cùng, Parwaiz đã bán đồ với giá 16.000 afghani, tương đương 150 euro. Đây là lần thứ 3 nhà buôn đã phá sản này phải bán đồ đạc. Anh nói tiếp : « Phải bán đồ đạc đi là một việc thật là khó khăn. Lần đầu làm vậy là rất khó với tôi, tôi đã thấy rất đau khổ. Bây giờ thì tôi đã quen rồi. Nhưng lần này tôi đã phải bán cả xe ô tô đồ chơi của con trai tôi, đó là thứ cuối cùng mà tôi mang đi. Con tôi đã khóc rất nhiều. Bán đi cũng chẳng được mấy đồng, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi phải bán nó đi để lấy tiền nuôi gia đình ».

Còn cô Waheedullah đã mua đồ của anh Parwaiz để bán lại. Cô làm vậy từ một tháng nay. Cô kể: « Một hôm, có một người phụ nữ đến bán những gì cô ấy có. Cô ấy đã rất tuyệt vọng. Cô ấy phải bán toàn bộ đồ dùng, vì không còn một đồng nào. Cô ấy đã ngất xỉu ngay tại đây. Không có việc làm, cuộc sống thật là khó khăn. »

Các công chức nhà nước Afghanistan đã không có việc làm suốt 3 tháng nay, nhiều người khác cũng mất việc hoặc chuyện kinh doanh đổ bể, do sự sụp đổ của nền kinh tế vốn đã rất mong manh ».

Bắc Triều Tiên ngỏ ý sẵn sàng cho một thượng đỉnh liên Triều

Anh Vũ

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) gặp chào bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh do KCNA công bố ngày 10/02/2018, nhưng không ghi ngày) KCNA/via REUTERS

Trong một thông cáo do hãng thông tấn chính thức KCNA phát đi ngày 25/09/2021, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un đã khẳng định Bắc Triều Tiên có thể chấp nhận một cuộc gặp thượng đỉnh và thậm chí ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, với một số điều kiện.

Đây là một phản ứng của Bình Nhưỡng với diễn văn của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này, kêu gọi các bên liên quan sớm ký một Hiệp ước Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Thông tín viên RFI tại Seoul Nicolas Rocca tường trình:

Tuyên bố của Kim Yo-jong là một trong những phát ngôn cởi mở nhất kể từ năm 2019, khi đối thoại ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên bị đình lại. Trong thông cáo, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định trong trường hợp «  hai miền Triều Tiên lấy lại được lòng tin », những tiến bộ có ý nghĩa sẽ có thể đạt được nhanh chóng. Bà đặc biệt gợi đến khả năng có thể tổ chức một cuộc thượng đỉnh liên Triều cũng như về một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Đó cũng là hai mục tiêu rõ ràng của tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in không còn nhiều thời gian, vì sẽ phải rời chức vụ vào tháng 5/2022.

Nhưng bà Kim Yo-jong quả quyết rằng để thấy được tiến bộ nào đó trong quan hệ hai miền, thì Hàn Quốc phải chấm dứt « chính sách thù địch » đối với Bắc Triều Tiên. Em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên đánh giá Seoul hành xử không công bằng khi tiếp tục phát triển kho vũ khí của mình, nhưng vẫn lên án các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng tỏ thái độ khó chịu về các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ hồi mùa hè này.

Khó có thể nghĩ đến một thượng đỉnh liên Triều trong tương lai gần, khi mà Bắc Triều Tiên hoàn toàn đóng cửa từ đầu đại dịch. Nhưng một số chuyên gia có nói đến khả năng một cuộc gặp nhân kỳ Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh và tháng Hai năm tới, nếu như Trung Quốc đưa được các bên ngồi vào bàn thương lượng.

Thế nhưng  có điều Bắc Triều Tiên sẽ không được tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, sau khi đơn phương bỏ Thế vận hội mùa hè Tokyo. Dù sao thông điệp nói trên cũng đã được Seoul đón nhận một cách tích cực, bộ Thống Nhất Hàn Quốc đánh giá đề nghị của miền Bắc là « có ý nghĩa ».

Đài Loan tuyên bố cần vũ khí tầm xa để răn đe Trung Quốc

Anh Vũ

Ảnh minh họa: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên khinh hạm Minh Truyền (Ming Chuan) PFG-1112 có trang bị tên lửa dẫn đường nhân lễ biên chế con tàu tại căn cứ Hải Quân Tả Doanh (Zuoying) ở Cao Hùng ngày 08/11/2018. REUTERS – TYRONE SIU

Hãng tin Reuters dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo-cheng) hôm nay, 27/09/2021, tuyên bố rằng Đài Loan cần các loại vũ khí hiện đại tầm xa để răn đe Trung Quốc vì Bắc Kinh đang nhanh chóng phát triển các hệ thống vũ khí tấn công hòn đảo.

Tuyên bố trên của bộ trưởng Quốc Phòng đưa ra trước Nghị Viện Đài Loan hôm nay. Ông Khâu nói rõ hơn là Đài Loan cần phải triển khai trang bị các loại « tên lửa có tầm bắn xa, chính xác và cơ động hơn để cho kẻ thù thấy là chúng ta sẵn sàng khi chúng đưa quân » vào Đài Loan.

Trong tháng này, chính quyền Đài Bắc đã đề nghị bổ sung thêm gần 9 tỷ đô la cho chi phí quốc phòng trong 5 năm tới. Trong đó bao gồm cả các khoản mua sắm tên lửa thế hệ mới để đối phó với các mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Trong một báo cáo gửi Nghị Viện, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết các loại tên lửa tầm trung và xa đã từng được sử dụng trong các cuộc diễn tập đánh chặn ở bờ đông nam đảo Đài Loan. Ông Khâu từ chối cung cấp các chi tiết về tầm bắn của tên lửa Đài Loan với lý do bí mật quốc phòng.  

Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan cho rằng điều quan trọng là người dân Đài Loan phải ý thức được mối nguy hiểm đang phải đối mặt.  

Tổng thống Thái Anh Văn chủ trương tăng cường, hiện đại hóa quân đội là một ưu tiên, nhằm biến hòn đảo thành một thành lũy khó tấn công.  

Từ nhiều tháng nay, Đài Loan thường xuyên tố cáo Trung Quốc có các hoạt động quân sự gần hòn đảo, đặc biệt là đưa không quân vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và có cơ hội là thôn tính và không loại trừ sử dụng vũ lực.  

Trong một diễn biến khác liên quan đến Đài Loan. Reuters cho biết một chiến hạm của Anh hôm nay (27/09) trên đường tới Việt Nam đã đi qua eo biển Đài Loan, vùng biển đang được cho là nhạy cảm. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, hàng tháng Mỹ vẫn đưa tàu tuần tra vào vùng eo biển Đài Loan với lý do bảo đảm an toàn hàng hải.

Quốc Dân Đảng Đài Loan bầu chủ tịch: Thất bại của ứng viên được Bắc Kinh ủng hộ

Trọng Thành

Ông Eric Chu (Chu Lập Luân) đắc cử chủ tịch Quốc Dân Đảng Đài Loan, Đài Bắc, ngày 25/09/2021. AP – Chiang Ying-ying

Hôm 25/09/2021, Quốc Dân Đảng, đảng đối lập chính của Đài Loan, bầu lãnh đạo mới. Ứng cử viên được Bắc Kinh ủng hộ nổi lên như người có nhiều khả năng giành chiến thắng từ vài tuần nay, đã bất ngờ thất cử trước chính trị gia kỳ cựu của Quốc Dân Đảng.

Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :

« Bất ngờ cuối cùng đã không xảy ra. Eric Chu (Chu Lập Luân), một nhân vật kỳ cựu của Quốc Dân Đảng, rút cuộc đã được bầu làm lãnh đạo đảng, với hơn 45% phiếu bầu. Ông Tian, một đảng viên trẻ bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm : ‘‘Tôi đã bỏ phiếu cho Chu Lập Luân để chặn đường đối thủ của ông ấy (Chang Ya-Jun / Trương Á Trung), tôi không muốn ông ta đắc cử. Cuộc bầu cử này gây khó khăn rất nhiều cho đảng, giờ đây người đắc cử sẽ phải nỗ lực để đoàn kết tất cả’’.

Quốc Dân Đảng là đảng đối lập số một tại Đài Loan. Đảng này vốn có lập trường thân Bắc Kinh, nhưng cũng kiên quyết phản đối việc Trung Quốc sáp nhập Đài Loan. Chính vì vậy, điều gây ngạc nhiên là ứng cử viên chủ trương thống nhất với Trung Quốc thoạt tiên được coi là người có nhiều khả năng thắng cử. Rút cục, ứng cử viên này chỉ được hơn 30% phiếu bầu.

Brian Hioe, nhà báo và nhà tranh đấu Đài Loan, nhận định : ‘‘Giờ đây có một sự rạn nứt trong đảng, giữa một bên là những người muốn tránh xa Trung Quốc hơn và những người nghĩ rằng cần phải xích gần lại với Bắc Kinh hơn nữa. Đối với tôi, điều đó cho thấy là đảng ngày càng thân Bắc Kinh, và đảng này sẽ không có tương lai tại Đài Loan’’.

Giới trẻ Đài Loan có thiện cảm nhiều hơn hẳn đối với đảng Dân Tiến, cầm quyền từ năm 2016, có lập trường kiên quyết phản đối các yêu sách của Bắc Kinh. Các biến cố ở Hồng Kông gần đây càng củng cố thêm xu thế này. Hiện tại, gần 90% người Đài Loan phản đối việc sáp nhập với Trung Quốc ».

Hôm nay, 26/09/2021, sau chiến thắng của ông Chu Lập Luân, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết thư chúc mừng tân lãnh đạo Quốc Dân Đảng, nhưng đồng thời cảnh báo tình hình hai bờ eo biển Đài Loan là « phức tạp và đen tối ».  Trong bức thư nói trên, được Quốc Dân Đảng Đài Loan công bố, chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và Quốc Dân Đảng có chung lập trường là phản đối việc Đài Loan tuyên bố độc lập.

Chính quyền Trung Quốc từ chối đối thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đảng Dân Tiến, người khẳng định trên thực tế Đài Loan đã là một nước độc lập, và chủ trương chỉ có người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai chính trị của hòn đảo.

Anh: Khủng hoảng tài xế tác động đến chuỗi cung ứng nhiều lĩnh vực

Thu Hằng

Cảnh đẩy xe bị hết xăng đến một tram xăng của háng Texaco tại Luân Đôn (Anh Quốc) ngày 26/09/2021. REUTERS – DYLAN MARTINEZ

Cảnh tượng tưởng như chỉ có ở Liban, nhưng từ ba ngày nay, người dân Anh đổ xô đến các trạm xăng để mua về tích trữ. Sáng 27/09/2021, có đến 90% trạm xăng ở các thành phố lớn tại Anh đã phải đóng cửa vì hết xăng.

Tình hình này đã được ông Brian Madderson, chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối xăng của Anh (PRA), dự báo hôm trước. Nguyên nhân chính là thiếu tài xế xe tải vận chuyển từ nhà máy lọc đến các trạm phân phối vì Brexit và đại dịch.

Theo Reuters, đợt khủng hoảng này có thể tác động đến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đặc biệt có thể gây xáo trộn cho chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực và tăng giá trong mùa lễ Giáng Sinh. Trước những chỉ trích và lo lắng của người dân, bộ trưởng Doanh Nghiệp Kwasi Kwarteng thông báo đình chỉ quy định cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin và phối hợp biện pháp giải quyết.

Bộ trưởng Giao Thông Anh Grant Schapps giải thích tình trạng thiếu lái xe tải là do dịch Covid-19 cản trở phần nào việc đào tạo tài xế mới và thi bằng lái xe tải. Chính phủ thông báo cấp khoảng 5.000 thị thực tạm thời cho tài xế châu Âu. Tuy nhiên, theo giới chủ doanh nghiệp liên quan, giải pháp tạm thời này không giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng trong tương lai, trong khi thanh niên Anh không hào hứng làm nghề này, theo phóng sự của thông tín viên Marie Boeda tại Luân Đôn :

« Marek là lái xe tải đường dài người Ba Lan, ông vừa đỗ chiếc xe tải to ở một phố thương mại. Ông nói : « Tài xế xe tải người Anh thường từ 55 đến 60 tuổi. Nhưng thanh niên thì không muốn làm nghề này. Lương không nhúc nhích từ lâu nay, ngay cả khi họ tăng lương bây giờ, thì cũng không giải quyết ngay được vấn đề ».

Bộ trưởng Giao Thông Anh chỉ trích giới chủ trong lĩnh vực đã không trả lương hợp lý cho tài xế. Đối với chính phủ, chính những người lao động châu Âu đã khiến lương bị giảm. Chính vì thế, thủ tướng Boris Johnson đã nêu rõ là các biện pháp nới lỏng được thông báo chỉ có thời hạn ba tháng.

Đối với Marek, những thị thực tạm thời này vẫn là một điều tốt, nhất là trước mùa lễ Giáng Sinh, dịp mà những người giao hàng chưa bao giờ lại quan trọng đến như vậy để cung ứng cho các cửa hàng. Đây cũng là thời điểm được người dân Anh trông đợi vì dịp lễ cuối năm 2020 đã bị biến thể virus Delta phá hỏng.

Cuộc khủng hoảng xăng dầu gây chấn động, nhưng lĩnh vực lương thực thực phẩm cũng bị ảnh hưởng thiếu hụt do chuỗi cung ứng bị cắt khiến các kệ trong siêu thị trống rỗng. Chủ tịch phòng Thương Mại Anh Ruby Mc Gregor lo rằng tình hình này sẽ phá hoại quá trình phục hồi kinh tế ».

Serbia-Kosovo: Căng thẳng biên giới chỉ vì tấm biển đăng ký xe hơi

Anh Vũ

Cảnh sát đặc biệt Kosovo bảo đảm an ninh cho khu vực gần chốt biên giới Jarinje giữa Kosovo và Serbia ngày 20/09/2021. AFP – ARMEND NIMANI

Cách đây một tuần, chính quyền Pristina ra lệnh cấm xe mang biển số Serbia được lưu thông trên lãnh thổ Kosovo. Những ngày qua, tình hình biên giới Serbia và Kosovo trở nên căng thẳng. Hôm 26/09/2021, Beograd đặt quân đội ở biên giới trong tình trạng báo động.

Kosovo huy động cảnh sát vũ trang đối phó với những vụ bạo lực của người Serbia sống tại Kosovo chống lại lệnh cấm trên. Liên Âu và NATO không khỏi lo ngại tình hình có thể diễn biến xấu hơn.

Thông tín viên Laurent Rouy tại Beograd tường trình:

“Các chiến đấu cơ và trực thăng chiến đấu của quân đội Serbia bay lượn trên vùng biên giới, có lúc bay qua cả vùng trời Kosovo ngày hôm qua. Mặt khác bộ trưởng Quốc Phòng Serbia đã cùng với đại sứ Nga tại Beograd đến thăm các đơn vị quân đội ở biên giới mà ông đã ra lệnh đặt trong tình trạng báo động.

Những tiếng giầy đinh như vậy đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nảy sinh cách đây 7 hôm từ quyết định của thủ tướng Kosovo cấm các xe mang biển số Serbia lưu hành tại nước ông. Ngay lập tức Beograd đã bác bỏ lệnh cấm trên.  

Tai miền bắc Kosovo có đa số dân là người Serbia, cảnh sát trang bị tiểu liên và xe bọc thép hạng nhẹ đã phải đối mặt với những thường dân Serbia đã phong tỏa các con đường và hai chốt biên phòng từ một tuần nay.

Nhưng ngoài vài quả lựu đạn cay được ném ra và hay tòa nhà bị đốt cháy, không có nạn nhân nào. Pristina và Beograd đổ trách nhiệm cho nhau gây ra khủng hoảng. Các nước Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi các bên xuống thang và trở lại đàm phán. Tổng thư ký khối NATO đã nói chuyện với tổng thống Serbia và thủ tướng Kosovo, hiện tại chưa có kết quả nào.”

Related posts