Ngọc Mai
Hơn 100 công nhân người Lào, làm việc trên tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung do Trung Quốc tài trợ tuyên bố rằng, họ không nhận được lương trong nhiều tháng.
Nhiều nhân viên thuộc Dự án Đường sắt Lào-Trung phàn nàn rằng, chủ thầu hứa sẽ trả tiền vào cuối tháng nhưng đã giữ thu nhập của họ trong hơn hai tháng.
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 16/9, một công nhân từ làng Dong Phonhae cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành xong hết công việc nhưng ông chủ người Hoa không trả tiền cho chúng tôi”.
Người này nói thêm “Chúng tôi không được trả lương từ tháng trước, và chúng tôi không còn tiền để mua đồ ăn. Chúng tôi đến từ tỉnh Luang Prabang, và chúng tôi đã làm việc ở đây được bốn tháng”.
Một công nhân khác cho biết anh chưa bao giờ được trả lương.
Một quản đốc giám sát công trường làng Dong Phonhae đang xem xét việc cắt nguồn điện của dự án để bắt người sử dụng lao động phía Trung Quốc phải trả tiền lương cho nhân viên.
Khoảng 20 công nhân Lào gần đây đã được trả lương tính tới ngày 21/9. Những nhân viên này đã rời địa điểm làm việc và trở về nhà. Tuy nhiên, những người lao động khác vẫn đang chờ nhận lương.
Những người lao động bị ảnh hưởng phàn nàn rằng, chính quyền địa phương không thể giúp họ vì hầu hết họ không có hợp đồng. Người sử dụng lao động phía Trung Quốc được cho là không thể liên lạc được.
Thực tế đây không phải chuyện hiếm. Nghiên cứu năm 2018 của Chỉ số nô lệ toàn cầu (Global Slavery Index) chỉ ra rằng, lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc được biết đến với thói quen nợ lương công nhân, đôi khi, tiền lương bị giữ lại tới một năm.
Theo báo cáo, công nhân xây dựng phải chịu các hành vi bóc lột khác như giữ lương và không trả lương, làm thêm giờ quá nhiều và bất hợp pháp, thiếu hợp đồng lao động…, tất cả đều là những dấu hiệu của nạn lao động cưỡng bức. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc gần đây đang chậm lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, vào năm 2015, gần 3 triệu công nhân Trung Quốc cho biết, họ không được trả lương đúng hạn, trong đó công nhân trong lĩnh vực xây dựng có nguy cơ bị trả lương thấp nhất.
Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ đã phát hành một báo cáo vào tháng 4 thu thập lời khai từ 100 công nhân làm việc tại các dự án “Một vành đai, một con đường” ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Báo cáo tiết lộ, các nhà tuyển dụng đã giữ tiền lương của nhân viên và liên tục trả chậm lương. Thậm chí đôi khi họ còn giảm lương mà không báo trước.
Báo cáo cho biết: “Một công nhân đã đến Jordan làm việc trên sa mạc trong 5 tháng nhưng chỉ nhận được tiền lương của 6 ngày [làm việc] đầu tiên”.
Tuyến đường sắt Lào Trung dài 260 dặm, trị giá 5,1 tỷ USD. Dự án cơ sở hạ tầng mới này chạy giữa tỉnh Luang Namtha trên biên giới Lào-Trung và thủ đô Viêng Chăn.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng tiền do ĐCSTQ cho vay để tài trợ cho dự án có thể đưa Lào vào “bẫy nợ”. Nếu quốc gia Đông Nam Á này không thể trả nợ cho các chủ nợ Trung Quốc, dự án đường sắt này có thể rơi vào tay Bắc Kinh. Điều này đặc biệt rủi ro trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nợ của Lào đã ở mức căng thẳng. Nghiên cứu được công bố trên Financial Times trong năm 2018 cho thấy, nợ nước ngoài của Lào là 93% tổng thu nhập quốc dân. Việc hoàn trả chi phí xây dựng đường sắt Lào-Trung có thể tiêu tốn gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quốc gia. Mức nợ của Lào chiếm ít nhất 65% GDP quốc gia tại thời điểm công bố.