Minh Dũng
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thông báo hôm thứ Tư (29/09) rằng chỉ có công dân Trung Quốc mới được phép mua vé tham dự Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.
IOC đã đưa ra quyết định của mình sau khi “tham vấn trên diện rộng” với chính quyền Trung Quốc, ủy ban này cho biết trong một tuyên bố.
IOC cho biết: “Vé sẽ chỉ được bán cho những khán giả cư trú tại đại lục của Trung Quốc, vốn đáp ứng các yêu cầu của các biện pháp đối phó COVID-19”.
“Các yêu cầu cụ thể về các biện pháp đối phó với COVID-19 đối với khán giả từ Trung Quốc đại lục và chi tiết về việc phân phối vé đang được thảo luận và sẽ được công bố cho công chúng trong thời gian thích hợp sau khi chúng được hoàn thiện.”
Ủy ban này cũng nhắc lại chính sách tiêm chủng đầy đủ cho tất cả những người tham gia. Nhưng IOC cho biết thêm rằng “Các vận động viên có thể cung cấp [bằng chứng] miễn trừ y tế hợp lý sẽ được xem xét.” Các nhà hoạt động Tây Tạng và Uyghur cầm biểu ngữ và đeo mặt nạ trong cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 trước Bảo tàng Thế vận hội ở Lausanne vào ngày 23/6/2021 khi khoảng 200 người tham gia cuộc biểu tình. (FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)
Đã có nhiều lời kêu gọi Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 vì sự đàn áp của chính quyền Bắc Kinh với các nhóm thiểu số tôn giáo ở nước này.
Chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức đưa ra cảnh báo Hoa Kỳ không được dẫn dắt bất kỳ cuộc tẩy chay nào với Thế vận hội Mùa đông 2022. Bắc Kinh tuyên bố sẽ có “phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc” đối với bất kỳ hành động tẩy chay nào.
Đầu tháng 4, có thông tin rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhanh chóng phủ nhận.
Bất chấp điều đó, các nhóm nhân quyền khác nhau tiếp tục thúc giục tẩy chay Thế vận hội ở Bắc Kinh. Như nhóm “Vì quyền phụ nữ Không biên giới”, đã chỉ trích thế vận hội ở Trung Quốc, khi gọi đây là “thế vận hội diệt chủng”.
Động thái này diễn ra cùng lúc khi áp lực quốc tế một lần nữa đang gia tăng từ Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức khác nhằm tìm hiểu tận cùng nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Một đội ngũ mới gồm khoảng 20 nhà khoa học — bao gồm các chuyên gia về an toàn sinh học, an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học và các chuyên gia về bệnh động vật [muốn] nắm được cách thức virus lây lan từ tự nhiên — đang được tập hợp với nhiệm vụ truy tìm bằng chứng mới ở Trung Quốc và các nơi khác,” tờ The Wall Street Journal đưa tin. “Theo các quan chức WHO, đội ngũ này cũng chịu trách nhiệm tìm hiểu liệu virus Covid-19 có phải xuất hiện từ phòng thí nghiệm hay không. Đây là giả thuyết đã khiến Trung Quốc đặc biệt tức giận.”
Nỗ lực mới này được đưa ra sau khi Bắc Kinh gây khó khăn cho cuộc điều tra đầu tiên của WHO về nguồn gốc của đại dịch, khi từ chối giao dữ liệu bệnh nhân thô của các ca bệnh đầu tiên cho các nhà điều tra. Chính quyền Trung Quốc đã tìm cách làm chệch hướng sự chú ý về khả năng đại dịch khởi phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc vốn có vấn đề nghiêm trọng về an toàn bằng việc đổ lỗi cho Hoa Kỳ khi tuyên bố rằng virus này có thể xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ.
Minh Dũng