Thanh Hải
Tiến sĩ Antonio Graceffo, một chuyên gia về Châu Á, trong bài viết của mình, ông cho rằng giấc mơ Made in China 2025 (tức sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tan vỡ.
Theo Tiến sĩ Graceffo, ngay từ những ngày đầu cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã rao giảng Trung Quốc cần phải chấm dứt sự thống trị thế giới của Hoa Kỳ, thiết lập lại trật tự toàn cầu.
ĐCSTQ đã đưa ra các mục tiêu và kế hoạch để hiện thực hoá giấc mơ này như “ Made in China 2025 ”, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), “thịnh vượng chung” và một loạt các sáng kiến khác. Gần đây, ông Tập đã tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc, nhưng có vẻ Made in China 2025 và BRI đã trở thành nạn nhân của chính sách không khoan nhượng COVID-19 của Trung Quốc và sự đàn áp của ông Tập đối với mọi thứ.
Khi Made in China 2025 được công bố vào tháng 5/2015, mục tiêu là đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ trong nước nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, biến Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu về công nghiệp công nghệ cao. Bằng cách này, ĐCSTQ hy vọng rằng các công ty Trung Quốc có thể cạnh tranh trên toàn cầu, đưa Trung Quốc từ nhà sản xuất cấp thấp sang cao cấp, mục tiêu đến năm 2035, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn.
Để hiện thực hoá giấc mơ, Bắc Kinh lên kế hoạch cải thiện tất cả các lĩnh vực từ tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đến sản xuất. Nhà nước sẽ ưu đãi thuế, trợ cấp nghiên cứu, cho vay lãi suất thấp và trái phiếu.
Tuy nhiên, các biện pháp này dẫn đến sự ưu ái dành cho các thực thể thuộc sở hữu nhà nước cũng như các công ty thân cận với chế độ. Tạo ra một khoảng cách giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc tin rằng, ngay cả trước đại dịch COVID-19, kinh tế và các cuộc đàn áp gần đây của ông Tập, Made in China 2025 sẽ không thành công. Về cơ bản, mục tiêu của Trung Quốc là bơm tiền vào nghiên cứu và phát triển để đạt được trình độ phát triển mà Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản đã đạt được. Điều đó sẽ rất tốn kém, và cuối cùng sẽ chỉ tạo thế cân bằng, không nhất thiết mang lại lợi thế cho Trung Quốc. Tiếp theo, Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản không chỉ có công nghệ tiên tiến mà còn có khả năng tiếp cận sản xuất ở Ấn Độ, nơi chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc. Ngược lại, mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển công nghệ và sau đó sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, có vẻ như Trung Quốc vẫn sẽ không có lợi thế.
Bây giờ, có vẻ như Made in China 2025 và một số chương trình trước đó đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Trước đây, ông Tập đã bơm tiền vào nghiên cứu công nghệ; bây giờ, ông ta đang yêu cầu những gã khổng lồ công nghệ phải cung cấp một phần lợi nhuận của họ.
Ví dụ, theo kế hoạch “thịnh vượng chung” mới, Alibaba đã cam kết đầu tư 15,5 tỷ đô-la Mỹ (USD) vào phát triển kinh tế và xã hội. Tương tự, Tencent cũng cam kết 100 tỷ USD cho các sáng kiến xã hội khác nhau, cũng như Pinduoduo, Meituan và Xiaomi.
Từ việc thúc đẩy và khuyến khích các công ty công nghệ khu vực tư nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước, ông Tập hiện đang bắt đầu đàn áp các công ty như Alibaba, Tencent, Meituan và Didi. Việc hủy bỏ IPO của Ant Group vào phút chót là một trong những ví dụ lớn nhất về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với những công ty công nghệ lớn. Ông Tập đang điều chỉnh hành vi của những gã khổng lồ công nghệ, đồng thời yêu cầu họ phải đưa tiền. Đây dường như không phải là chiến lược tốt nhất để phát triển công nghệ và đổi mới trong nước.
Đặc biệt, công cuộc tìm kiếm chất bán dẫn của ông Tập đã hoàn toàn đi chệch hướng. Khoảng 9 dặm bên ngoài thủ phủ Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, Quanxin, một nhà máy chất bán dẫn đang được xây dựng bởi tiền của chính phủ. Một năm sau, nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc xây dựng tạm dừng, và công ty hết tiền. Những nhân tài chất lượng cao mà Quanxin tuyển dụng đều đang từ bỏ con tàu sau khi công ty không thể đáp ứng được biên chế.
Một công ty khác, Hongxin ở Vũ Hán, cũng lấy tiền ban đầu của chính phủ nhưng cuối cùng không sản xuất được gì. Ngoài ra còn có Tacoma Nam Kinh ở Giang Tô, Kuntong ở tỉnh Thiểm Tây. Pin mặt trời và ô tô điện là những lĩnh vực khác mà các công ty đã lấy tiền của chính phủ, nhưng đã tuyên bố phá sản trước khi hoàn thành dự án.
Có thể thấy, với việc thiếu sự hỗ trợ và tài trợ của chính phủ, dường như các công ty công nghệ Trung Quốc không thể giúp ĐCSTQ thực hiện các mục tiêu của Made in China 2025 hoặc mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn vào năm 2035.
Một số chuyên gia tin rằng với sự tăng cường kiểm soát của chính phủ, các công ty công nghệ cao ở Trung Quốc sẽ trở thành giống như các doanh nghiệp bán quốc doanh, hoạt động hướng tới “sự thịnh vượng chung” thay vì hướng tới sự độc lập về công nghệ.