Evergrande đã trở thành từ khóa nhạy cảm ở Trung Quốc, 8 nhóm thảo luận trên Wechat đã bị chặn

Thanh Hải

Cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Evergrande (tức Hằng Đại) đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn chưa chính thức bày tỏ quan điểm có ra tay cứu hay không. Có thông tin cho rằng một số nạn nhân của Evergrande đã thảo luận với nhau trong các nhóm trên mạng xã hội để tổ chức các cuộc biểu tình đòi quyền lợi, tuy nhiên hiện các nhóm này đã bị chặn.

Một thành viên của nhóm nói với hãng tin Reuters rằng, số lượng người tham gia vào 8 nhóm này dao động từ 200 đến 500 người, họ đã thảo luận về cách bảo vệ quyền lợi và tổ chức các cuộc biểu tình trên WeChat. Nhưng kể từ sáng ngày 28/9, họ đã không thể gửi tin nhắn trong các nhóm ở WeChat.

Vào ngày 29/9, 2 người dùng WeChat cho biết họ đã nhận thông báo lỗi: “Nhóm này bị hạn chế do vi phạm các quy định liên quan”. 3 người dùng khác nói rằng các nhóm này đã bị xóa khỏi ứng dụng WeChat của họ. Nhiều người dùng nói rằng họ không thể vào nhóm trò chuyện.

Hai thành viên nhóm không muốn nêu tên tiết lộ rằng cảnh sát đã đến thăm họ vào Chủ nhật tuần trước và yêu cầu họ ký vào các tài liệu để bảo đảm rằng họ sẽ không tham gia vào các cuộc biểu tình hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác trong tương lai, nhưng họ từ chối yêu cầu của cảnh sát.

Không rõ liệu các nền tảng xã hội khác của Trung Quốc có chặn nội dung liên quan đến Evergrande hay không. Tuy nhiên, công ty mẹ của WeChat là Tencent, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc và Bộ Công an từ chối bình luận.

Gần đây, các nạn nhân của Evergrande, bao gồm người mua bất động sản và nhà đầu tư bán lẻ cổ phiếu đã phát động các hoạt động bảo vệ quyền lợi ở nhiều thành phố. Nhiều người đã bày tỏ sự không hài lòng của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội như WeChat .

Hiện Evergrande đang có núi nợ lên tới 305 tỷ đô-la Mỹ và gần như đứng trước bờ vực phá sản. Cuộc khủng hoảng này cũng đã khiến chính phủ ĐCS Trung Quốc đứng trước tình thế khó xử. Chính phủ một mặt hy vọng tăng cường kiểm soát ngành tài chính, mặt khác cũng lo ngại cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ gây bạo loạn giữa các nhà đầu tư, nhà cung cấp hoặc người mua nhà.

Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc không nói rõ rằng họ sẽ thực hiện một cuộc giải cứu, nhưng một số doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu tiếp cận Evergrande. Bắc Kinh gần đây cũng đã yêu cầu chính quyền các địa phương sẵn sàng cho khả năng tập đoàn Evergrande sụp đổ.

Related posts