Sống mà nhớ lấy!

Lê Huyền Ái Mỹ

2-10-2021

Những ông tướng Cảnh sát biển Việt Nam bị kỹ luật

Chín ông tướng, nhiều ông đương chức, đủ mặt từ đảng ủy, chính ủy, tư lệnh, đủ cặp từ phó đến trưởng; người bị cách tất cả chức vụ trong đảng, kẻ bị khai trừ, khởi tố, bắt giam.

Nhìn hậu quả mà sợ cho nguyên nhân và tiến trình, với một tập thể quyền lực khép kín của cái gọi là Ban thường vụ đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, thuộc cấp nào, đảng ủy viên, đảng viên nào còn có “cửa” giám sát quyền lực tối cao của lực lượng chấp pháp trên biển?

Bản tin “nhân bản” trên các báo có câu “một số cán bộ cấp tướng, đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương; làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của nhà nước; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của cảnh sát biển và quân đội nhân dân Việt Nam; gây bức xúc dư luận xã hội”.

Dư luận xã hội thì cũng chỉ biết sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương họp và thông báo. Có bức xúc thì sự cũng đã rồi. Như bao vụ việc. Và một lần nữa, cơ chế kiểm soát quyền lực trong đảng cầm quyền vẫn là mấu chốt. Suy thoái, tha hóa, biến chất, tham ô, nhũng nhiễu…, đó là hậu quả, còn nguyên nhân và tồn tại của nó, đâu là công cụ hữu hiệu để chặn đứng, triệt tiêu? Triệt tiêu, chặn đứng bằng công cụ pháp lý chứ không phải chỉ là những “điều lệ” mang tính đạo đức, ràng buộc nhau bằng… tư tưởng, quan điểm – những thứ “giấu mặt” trong muôn hình vạn trạng.

Theo châu bản ngày 22.11 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), có ghi lại sự việc dân phu Phạm Văn Sênh vâng mệnh triều đình đi công vụ ở Hoàng Sa cùng 19 thuyền viên khác. “Sau khi từ Hoàng Sa trở về, những người này được triều đình ban thưởng, nhưng do Phạm Văn Sênh kê khai sai số người nên tiền thưởng còn thừa một ít. Nội các tấu trình lên vua để xin gia ân cho Phạm Văn Sênh vì số tiền thừa ấy vẫn còn nguyên và lại quá ít, nên xin vua miễn tội cho Phạm Văn Sênh” (trích theo tư liệu của tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn – Châu bản triều Nguyễn về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Tiền thừa vẫn còn nguyên, nội các cũng chẳng “tịch biên” mà tấu trình minh bạch, rõ là từ dân phu đến hàng công vụ, giữ được sự liêm chính làm đầu. Chế cho gần 200 năm sau, tướng tá, chỉ huy mà nhúng chàm nào “có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hoá; đấu tranh phòng, chống buôn lậu”, nào “ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; nhận hối lộ”…

Năm 2018, tôi đi Trường Sa.

Giữa biển trời bao la, nhớ về con số 125 -là lữ đoàn hải quân sản sinh ra những con tàu không số, ngay buổi trưa nắng, từ một đảo chìm, tôi cố leo lên mái, để được một lần đứng cạnh người lính biển đang nghiêm trang bồng súng canh gác. Khuôn mặt cháy nắng. Hiền lành. Cương trực. Tôi không bao giờ quên.

Và hôm nay, giữa hàng tướng lĩnh với 9 cái tên, tôi lại càng nhớ. Ngoài kia, giữa muôn trùng sóng gió và bè lũ ngoại bang cướp bóc, những người lính -như dân phu xưa – kiên gan, bền chí. Và cũng ngoài kia, có những kẻ luồn lách trong sóng, núp bóng khoan tàu mà kiếm ăn, buôn bán hàng lậu, chiếm đoạt tiền thuế của lương dân trên bờ…

Những kẻ đục khoét, bòn mót, kiếm ăn, làm giàu tham lam, bất chính từ sông biển, núi rừng, bất kể là thương nhân hay kẻ cầm quyền với bàn tay lông lá, bẩn thỉu; chúng bây không chỉ trả giá bằng những “thông báo ngày thứ Sáu”.

Rừng thiêng, biển thánh, lời nguyền rủa chỉ độc dành cho những kẻ “phá sơn lâm, đâm hà bá” đang đầy dẫy, đang đội lốt trên khắp xứ sở này, sống mà nhớ lấy!

Related posts