Thanh Hải
Không quân Mỹ đang sản xuất thử nghiệm 5 máy bay ném bom chiến lược tầm xa tàng hình B-21 “Raiders”, dự kiến máy bay quân sự này sẽ cất cánh lần đầu tiên vào giữa năm 2022. Các chuyên gia cho rằng nếu vũ khí tấn công chiến lược này được sản xuất hàng loạt, nhất định sẽ ảnh hưởng đến mô hình chiến lược của các lực lượng hạt nhân toàn cầu, trang VOA Chinese cho hay.
Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall đã công khai tuyên bố rằng có 5 chiếc B-21 mới đang trải qua công đoạn lắp ráp cuối cùng tại Nhà máy Không quân 42 ở Palm Valley, tiểu bang California.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội đã đệ trình báo cáo “Máy bay ném bom tấn công tầm xa B-21 Raider của Lực lượng Không quân” lên Quốc hội vào ngày 22/9, và đã xác nhận tuyên bố trên.
Không quân Mỹ không tiết lộ thông số và chỉ số kỹ chiến thuật cụ thể của B-21, nhưng Tuần báo Hàng không Mỹ đã ước tính trọng lượng cất cánh tối đa của B-21 là 68 đến 80 tấn, bán kính chiến đấu từ 3900 km đến 4600 km. Nhưng cũng có kênh quân sự cho rằng B-21 có thể mang 30 tấn bom và có tầm bắn lên tới 14.000 km.
B-21 có khả năng sống sót qua mạng lưới phòng không tiên tiến của đối phương. Một chỉ số kỹ thuật quan trọng khác của B-21 là ngoài khả năng bay có người lái truyền thống, nó còn có thể được sử dụng để chiến đấu ở chế độ UAV (tức chế độ không người lái).
Các máy bay ném bom chính của Mỹ hiện nay là B-52, B-1 và B-2. Quá trình phát triển của B-21 luôn được bảo mật cao. Bản báo cáo về máy bay ném bom tầm xa B-21 Raiders của Không quân Mỹ cách đây vài ngày có thể nói đã đưa ra một phác thảo tương đối đầy đủ về B-21. Theo báo cáo, mỗi chiếc B-21 trị giá khoảng 564 triệu đô-la Mỹ. Không quân Mỹ có kế hoạch mua 100 chiếc và máy bay ném bom chiến lược này tương lai sẽ thay thế các phi đội máy bay ném bom B-1 và B-2, và cả B-52.
Báo cáo cũng cho biết yêu cầu ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ cho năm tài chính 2022 bao gồm 2,98 tỷ đô la để phát triển thêm và sản xuất ban đầu của B-21. Ngân sách quốc phòng dành cho năm tài chính 2021 đã cung cấp 2,84 tỷ đô la tài trợ cho chương trình và khoản ngân sách 5,9 tỷ đô la tiếp theo sẽ tiếp tục được áp dụng.
Về vấn đề này, trong cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, học giả Thư Hiếu Hoàng, tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, cho biết: “Do Mỹ đã chuyển dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ hơn một thập kỷ nay, tầm hoạt động của máy bay chiến đấu tương đối ngắn nên phải dựa vào các máy bay ném bom tầm xa, có khả năng mang nhiều đạn dược”.
Ông cho rằng: “Điều này sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho việc triển khai của Hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Đây là lý do tại sao Không quân Mỹ đã quyết định nghiên cứu và nâng cấp các máy bay ném bom của mình trong những năm gần đây”.
Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, các máy bay ném bom B-2 và B-1 dự kiến sẽ được loại biên vào năm 2040.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông Khu Triệu Uy, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaya, cho biết B-21 có thể đối phó với tên lửa phóng từ tàu ngầm, trên mặt đất hoặc trên không. Nếu quân đội Mỹ sản xuất hàng loạt 100 chiếc B-21 trong tương lai, ngoài việc khai triển chúng ở các căn cứ ở Mỹ, chúng còn có thể được triển khai ở các căn cứ ở Tây Thái Bình Dương và Guam, Ấn Độ Dương, và thậm chí cả châu Âu hoặc Địa Trung Hải. Nói cách khác, việc sản xuất hàng loạt B-21 sẽ khiến nền tảng tấn công hạt nhân và phản công hạt nhân của Không quân Mỹ trở nên linh hoạt và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, một số phân tích chỉ ra rằng, nếu Mỹ đưa số lượng lớn B-21 lên tuyến đầu, chắc chắn sẽ làm gia tăng sức ép phòng không của đối thủ buộc họ phải tăng ngân sách quân sự, rơi vào tình thế chạy đua vũ trang.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nhận định rằng nếu B-21 được sản xuất hàng loạt trong tương lai, nó chắc chắn sẽ gây ra những thay đổi lớn đối với cơ cấu sức mạnh tấn công hạt nhân toàn cầu.
Ông nói: ” Hoa Kỳ muốn tăng cường lực lượng hạt nhân tấn công của riêng mình, và để đạt được sự thâm nhập thông qua công nghệ tàng hình tiên tiến, nó thực sự sẽ mang lại những thay đổi tương đối lớn đối với cấu trúc quân sự, cấu trúc chính trị toàn cầu. Động thái này cũng là để khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới trên thế giới”.