Tin thế giới sáng thứ Ba

Anh Quốc muốn có thêm nhiều hiệp ước an ninh như AUKUS

Thùy Dương

Ngoại trưởng Anh Liz Truss. Ảnh chụp ngày 20/10/2020 tại Luân Đôn. AP – Kirsty Wigglesworth

Đại hội thường niên của đảng bảo thủ cầm quyền Anh mở ra hôm 03/10/2021 tại Manchester. Tại đại hội, ngoại trưởng Anh, Liz Truss, khẳng định Luân Đôn muốn ký kết nhiều hiệp ước an ninh với các nước như Ấn Độ, Canada và Nhật Bản, tương tự như liên minh AUKUS với Mỹ và Úc.

Ngoại trưởng Liz Truss nhấn mạnh là Luân Đôn và các đồng minh phải giành thắng lợi trong « trận chiến về ảnh hưởng kinh tế » và khẳng định là về an ninh, Luân Đôn đang chuẩn bị « các hiệp ước mới để bảo vệ các tuyến đường biển, các tuyến thương mại và tự do » của nước Anh.

Ngoại trưởng Anh cho biết đang bàn với Nhật Bản về « khả năng tiếp cận quân sự và hỗ trợ hoạt động tốt hơn giữa hai nước » và đôi bên cần có « mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh chủ chốt như Ấn Độ và Canada về mọi mặt, từ chiến tranh mạng đến khả năng phòng thủ truyền thống ».

Theo trang The Sydney Morning Herald của Úc, ngoại trưởng Anh, trước đây là bộ trưởng Thương Mại, là nhân vật « diều hâu » nhất trong nội các Anh về chính sách với Trung Quốc. Bà Liz Truss tuyên bố điều quan trọng là Anh Quốc giao thương với Trung Quốc, nhưng phải bảo đảm đó là các giao dịch đáng tin cậy, tránh sự phụ thuộc về chiến lược và không được liên quan đến các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

Anh sẽ thành lập đơn vị tấn công mạng quy mô lớn

Bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, nói với London Telegraph là Trung Quốc phải « tôn trọng các quy định » trên trường quốc tế và Anh Quốc phải « thách thức các chế độ độc tài trên toàn thế giới và bằng sức mạnh ».

Bộ trưởng Quốc Phòng còn cho biết Anh đang chuẩn bị thành lập một đơn vị tin học mới, có khả năng tấn công mạng ồ ạt để trả đũa các vụ tấn công tin học của các Nhà nước thù địch, trong đó có cả Nga. Cơ quan mới này sẽ ra đời vào năm 2030, gồm hàng ngàn chuyên gia « tấn công tin học » và nhà phân tích, có khả năng tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. Bộ trưởng Ben Wallace khẳng định Anh sẽ là một trong số các quốc gia hiếm hoi có đơn vị tấn công tin học ở quy mô lớn như vậy.


Nhật Bản: Ông Fumio Kishida nhậm chức thủ tướng

Anh Vũ

Ông Fumio Kishida (G), sau khi được Quốc Hội Nhật Bản bầu vào chức thủ tướng, Tokyo, 04/10/2021. REUTERS – KIM KYUNG-HOON

Hôm 04/10/2021, tân thủ tướng Nhật chính thức nhậm chức trước Nghị Viện trong bối cảnh còn một tháng nửa đến cuộc bầu cử lập pháp. Ông Fumio Kishida, 64 tuổi, được bầu làm chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LPD), thay thế người tiền nhiệm Yoshihide Suga, xin rút lui.

Tân thủ tướng không chủ trương đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm, tập trung vào kích cầu nội địa, khôi phục sản xuất kinh tế của đất nước, đang bị suy yếu vì đại dịch.

Thông tín viên Frederic Charles tường trình từ Tokyo :

Ông Fumio Kishida không đề xuất một cải cách nào nhằm đẩy mạnh tăng trưởng và sức sản xuất của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Để dẫn dắt đảng bảo thủ của mình trong cuộc bầu cử lập pháp, dự trù diễn ra vào cuối tháng này, ông Fumio Kishida giới thiệu một kế hoạch khôi phục kinh tế trị giá 270 tỷ đô la.

Kế hoạch này bao gồm việc trợ cấp cho tất cả những người dân từ 18 tuổi trở lên, để kích thích sức mua của các hộ gia đình, theo ông Nicolas Smith, thuộc ngân hàng kinh doanh CNSA tại Tokyo. Ông Fumio Kishida đưa ra ý tưởng về chủ nghĩa tư bản kiểu mới nhằm chia sẻ của cải vật chất tốt hơn.

Ở Nhật, các thủ tướng rời bỏ chức vụ nhưng đảng bảo thủ vẫn liên tục nắm quyền, vì không có một đối lập đủ tin cậy. Trung bình một thủ tướng Nhật chỉ tại vị 2 năm. Người tiền nhiệm của ông Fumio Kishida đã rút lui sau một năm cầm quyền, vì lý do quản lý không tốt khủng hoảng dịch.

Nobel Y Học 2021 vinh danh hai nhà khoa học Mỹ chuyên về hệ thần kinh

Thùy Dương

Họp báo công bố giải Nobel Y Học 2021. Trên màn hình, hai nhà khoa học Mỹ được vinh danh, David Julius (T) và Ardem Pataputian (P), Stockholm, Thụy Điển, ngày 04/10/2021. AP – Jessica Gow/TT

Mùa giải Nobel chính thức mở ra từ hôm nay 04/10/2021 và Nobel Y Học 2021 đã được trao cho hai nhà khoa học Mỹ về những phát hiện của họ liên quan đến hệ thần kinh con người.

Đó là giáo sư David Julius người Mỹ và Armenia Ardem Patapoutian, với những phát hiện về cơ chế thụ cảm nhiệt độ và xúc giác.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những nhà khoa học khám phá ra công nghệ ARN thông tin, được sử dụng để bào chế vac-xin ngừa virus corona, nằm trong số các ứng viên nhận được nhiều sự ủng hộ, thế nhưng, theo AFP, ban giám khảo lại đánh giá cao « những khám phá mang tính cách mạng » của hai vị giáo sư người Mỹ, giúp hiểu được cách thức hệ thần kinh con người phát đi tín hiệu đối với nhiệt độ nóng, lạnh và lực cơ học, từ đó cho phép chúng ta « nhận thức và thích nghi với thế giới ».

Nhà nghiên cứu David Julius, 65 tuổi, giáo sư Đại học California, đã sử dụng capsaicin, một chất cay có trong quả ớt để gây ra cảm giác nóng, nhằm xác định cảm biến ở các đầu dây thần kinh ở lớp da có phản ứng với nhiệt.

Giáo sư Ardem Patapoutian
, Scripps Research ở California, sinh năm 1967, đã sử dụng các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá ra một lớp cảm biến mới phản ứng với các kích thích cơ học trong da và cơ quan nội tạng.

Các giải Nobel trong các lĩnh vực y học, vật lý, hóa học, văn học, hòa bình và kinh tế lần lượt được công bố từ hôm nay đến ngày 11/10 tại Stockholm, Thụy Điển và Oslo, Na Uy.

Điều tra ”Pandora papers” phát giác nhiều lãnh đạo chính quyền trốn thuế

Anh Vũ

Văn phòng của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Washington, Hoa Kỳ. Philip Crowther

Sau vụ Panama papers, Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tiếp tục mở chiến dịch tấn công lớn hơn để phanh phui các thiên đường thuế và phát giác nhiều lãnh đạo chính quyền đã đặt tài sản tại các công ty bình phong ở hải ngoại để trốn thuế ở trong nước.  

Cuộc điều tra của ICIJ (International Consortium of Investigation Journalist) lần này mang tên gọi « Pandora papers » được công bố hôm 03/10/2021. Khoảng 600 nhà báo ở 117 nước, dựa trên khoảng 11,9 triệu tài liệu, thu thập từ 14 công ty dịch vụ tài chính, đã phanh phui ra 29 nghìn công ty bình phong ở các thiên đường trốn thuế. Trong số các nhân vật bị cáo giác, có không ít các chính khách, lãnh đạo chính phủ nổi tiếng như thủ tướng CH Séc, cựu thủ tướng Anh Tony Blair hay vua Jordani. Đáng chú ý là có một số lãnh đạo chính quyền lâu nay vốn nổi tiếng với quyết tâm chống tham nhũng ở trong nước. Đó là trường hợp của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

Thông tín viên Stéphane Shiohan tại Kiev tường trình :
Năm 2019, ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống sau khi đã tham gia loạt phim truyền hình « Người đầy tớ của nhân dân » trong vai một tổng thống tưởng tượng, không thể bị thoái hóa, biến chất, đấu tranh chống lại giới tài phiệt và các thế lực của đồng tiền.

Nhưng trên cơ sở của điều tra Pandora papers, các nhà báo của Slidstvo Info, một cơ quan truyền thông chuyên về điều tra của Ukraina đã chứng minh là trong nhiều năm, ông Zelensky và bạn bè của ông ở công ty sản xuất chương trình nghe nhìn Kvartal 95, đã giấu tài sản của họ ở hơn chục công ty bình phong tại đảo Chypre, Belize hay ở đảo Vierge thuộc Anh.  

Cuộc điều tra cho thấy nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky đã chuyển hơn 40 triệu đô la tiền mua các chương trình của  ông Zelensky. Số tiền này đã không bị đánh thuế ở Ukraina.  

Theo bà Anna Babinets, tổng biên tập Slidstvo Info, những phát hiện này đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh mà tổng thống đang muốn chăm chút. Bà nói : « Chuyện này cho thấy Zelensky không phải là người đơn giản như trong các thông điệp chính trị rằng ông là ”tổng thống của nhân dân”. Chúng tôi thấy có nhiều thủ đoạn ở đây, nhiều điều đáng ngờ… Bây giờ, ta thấy ông ta cũng là một doanh nhân như những người khác, cũng cố tìm cách cất tiền của mình ở bên ngoài Ukraina.»    

Chính ở bên ngoài Ukraina, nhất là tại Luân Đôn, trong các khu phố sang trọng, là nơi các đối tác làm ăn của ông Zelensky đã mua các căn hộ xa hoa. Vấn đề ở chỗ, ông Zelensky đã đưa các bạn hữu thời trẻ đó vào chính quyền, tạo thành mạng lưới mờ ám. Trong số này, có trợ lý của tổng thống, Serhiy Chefir hay Ivan Bakanov, hiện đang lãnh đạo cơ quan mật vụ của đất nước.

Tổng thống Zelensky vừa mới đưa Quốc Hội thông qua luật chống tài phiệt. Với phát hiện này về những khuất tất tài chính của ông, uy tín chính trị của tổng thống Ukraina có nguy cơ sụt giảm mạnh.  

Căng thẳng Pháp-Algérie: Alger triệu hồi đại sứ tại Paris về nước

Thùy Dương

Mặt tiền đại sứ quán Algérie tại Paris. Ảnh chụp tháng 7/2021. AFP – JOEL SAGET

Chính quyền Alger hôm 02/10/2021 thông báo « triệu hồi ngay lập tức » đại sứ Algérie tại Paris về nước để tham vấn. Quyết định này nhằm « bác bỏ thẳng thắn » phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc có một « hệ thống chính trị – quân đội » đang nắm quyền ở Alger, coi đó là hành vi can dự vào công việc nội bộ của Algérie.

Trong một thông cáo, phủ tổng thống Algérie nhấn mạnh Alger « bác bỏ bất kỳ sự can dự nào vào công việc nội bộ của đất nước », đồng thời nói rõ họ phản ứng trước những bình luận mà một số nguồn tin Pháp nói là do tổng thống Pháp Macron đưa ra. Alger coi đó là một « tình huống đặc biệt không thể chấp nhận được » do những « phát biểu vô trách nhiệm » gây ra nên quyết định triệu hồi ngay lập tức đại sứ Mohamed Antar-Daoud tại Paris về nước để tham khảo ý kiến.

Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông Algérie, dựa trên nội dung một bài tường thuật của báo Pháp Le Monde, đã chỉ trích tổng thống Macron về những lời phát biểu mà Algérie coi là rất « gay gắt »« chệch hướng ».
Bài báo của Le Monde thuật lại cuộc gặp hôm thứ Năm 30/09 giữa tổng thống Pháp với thế hệ con cháu những nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến Algérie (1954-1962), tổng thống Macron nhận định từ khi giành độc lập từ Pháp vào năm 1962, Algérie do một « hệ thống chính trị-quân sự » điều hành. Theo Le Monde, ông Macron cũng gợi lên « một lịch sử chính thức được viết lại hoàn toàn », « không dựa vào sự thật » mà vào « lập luận dựa trên lòng thù hận nước Pháp ». Trong buổi nói chuyện, ông Macron còn nói chắc chắn có quan hệ « tốt đẹp » với tổng thống Algérie Abdelmajid Tebboune, nhưng ông lại nhận định nguyên thủ Algérie « bị mắc kẹt trong một hệ thống rất cứng rắn ».

Bài viết được đăng tải trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng. Hôm thứ Tư 29/09, sau quyết định của Paris, cắt giảm một nửa số thị thực nhập cảnh cấp cho những người Algérie muốn đến Pháp, đại sứ Pháp François Gouyette tại Alger đã bị triệu mời đến bộ Ngoại Giao Algérie để nghe thông báo về « sự phản đối chính thức » của Alger.

Algérie đóng không phận với máy bay quân sự Pháp

Anh Vũ

Binh sĩ Pháp tham gia chiến dịch Bakhane tại Mali. © AP – Jerome Delay

Các phi cơ quân sự Pháp bị cấm bay qua không phận Algérie từ ngày 03/10/2021. Quyết định trên của chính quyền Algérie được đưa ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Paris và Alger xung quanh việc hạn chế cấp visa Pháp cho người Algérie.

Algérie đã đóng không phận đối với các máy bay quân sự Pháp, vẫn thường xuyên mượn đường để bay đi và đến vùng Sahel phục vụ chiến dịch Barkhane, theo thông báo của phát ngôn viên bộ tham mưu quân đội Pháp, đại tá Pascal Ianni hôm qua (03/10).  Phát ngôn viên bộ tham mưu Pháp khẳng định « đây trước hết là vấn đề ngoại giao ».

Lệnh cấm bay này rơi vào đúng lúc quân đội Pháp đang tiến hành bố trí lại lực lượng Barkhane, chủ yếu ở miền bắc Mali, giáp biên giới với Algérie. Tuy nhiên theo đại diện quân đội Pháp, quyết định của Algérie « không ảnh hưởng đến các chiến dịch cũng như nhiệm vụ trinh sát của Pháp ở Sahel ».

Những ngày qua, quan hệ giữa Paris và Alger trở nên căng thẳng vào lúc mà Algérie chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày độc lập, đặc biệt sau những phát ngôn của tổng thống Emmanuel Macron. Theo một bài báo trên nhật báo Le Monde, tổng thống Pháp trong một sự kiện gần đây đã phát biểu có ý chỉ trích chính quyền Algérie, từ sau khi được độc lập năm 1962, vẫn bám giữ vào quá khứ gây ra thái độ thù hằn với Pháp.  

Trước đó, hôm thứ Bảy, Alger đã cho triệu hồi đại sứ của mình tại Paris về nước để tham khảo ý kiến xung quanh những căng thẳng giữa hai nước, do Pháp hạn chế visa nhập cảnh đối với người Algérie, sau khi đã triệu mời đại sứ Pháp tại Algérie, để phản đối quyết định trên.

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nối lại kênh liên lạc trực tiếp

Thùy Dương

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đọc diễn văn tại một cuộc họp của Quốc Hội tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA cung cấp ngày 30/09/2021. via REUTERS – KCNA

Hai miền Triều Tiên đã thiết lập lại đường dây liên lạc trực tiếp vào lúc 9 giờ sáng, giờ địa phương hôm nay 04/10/2021. Đây được coi là một bước tiến nhỏ hướng tới việc Bình Nhưỡng và Seoul nối lại đối thoại sau một tháng được đánh dấu bằng hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa.

Tuy nhiên, cử chỉ mang tính biểu tượng này không hẳn là dấu hiệu chứng tỏ hai miền Nam – Bắc sẽ đạt bước tiến lâu dài trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Nicolas Rocca giải thích :

« Sau các phát biểu của Kim Jong Un là các hành động. Tuần trước, lãnh đạo Bắc Triều Tiên bày tỏ mong muốn mở đường dây liên lạc trực tiếp với Seoul, vốn dĩ đã gần như không hoạt động trong hơn một năm qua. Kênh liên lạc này đã được nối lại vào hôm nay 04/10, một ngày mang tính biểu tượng cao : Vào ngày 4 tháng 10 năm 2007, hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã dẫn tới một tuyên bố chung mở đường cải thiện quan hệ liên Triều.

Thế nhưng, những ý định tốt đẹp đó không duy trì được lâu, bởi một vài tháng sau đó, đảng bảo thủ, vốn ít cởi mở hơn nhiều trong việc đối thoại với miền Bắc, đã giành thắng lợi trong bầu cử. Kịch bản này có thể sẽ giống như kịch bản mà tổng thống Moon Jae In có khả năng sẽ trải qua. Ông Moon Jae In muốn đạt được những bước tiến đáng kể trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ kết thúc vào tháng 05/2022.

Bình Nhưỡng khẳng định đang chờ đợi Seoul « có những nỗ lực tích cực để giải quyết các vấn đề quan trọng và duy trì quan hệ liên Triều ». Đây là những tuyên bố có thể khiến mọi người lạc quan, thế nhưng từ vài tuần nay, Bắc Triều Tiên đã khéo léo giữ cân bằng giữa các hành động khiêu khích thông qua nhiều vụ thử tên lửa và những tuyên bố hướng tới đối thoại ».

Pháp được UAE vinh danh tại Triển Lãm Hoàn Cầu 2020 Dubai

Thu Hằng

Đội bay biểu diễn Patrouille de France của Không Quân Pháp bay ngang tòa nhà của nước Pháp tại Triển Lãm Toàn Cầu Expo 2020 ở Dubaï, ngày 02/10/2021. AFP – GIUSEPPE CACACE

Triển lãm Hoàn Cầu 2020 Dubai đã khai mạc ngày 30/09/2021 sau một năm bị hoãn vì đại dịch Covid-19 và kéo dài sáu tháng, đến 31/03/2022. Pháp là nước được vinh dự mở đầu cho 191 Ngày Quốc Gia, theo truyền thống triển lãm. Lựa chọn của nước chủ nhà Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có dụng ý thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã đến Dubai ngày 01/10 để tham dự lễ khai mạc Ngày Quốc Gia Pháp.

Đặc phái viên RFI Marie Normand, tường trình từ Dubai :

« Ba mầu xanh, trắng, đỏ hiện lên trên bầu trời Dubai. Đội bay « Patrouille de France » lượn trên khu Triển Lãm Hoàn Cầu. Đây là hoạt động đầu tiên trong Ngày Quốc Gia Pháp. Dưới ánh nắng chói chang, một vị khách tham quan Ả Rập đang chụp ảnh nói : « Tôi rất thích, thật ấn tượng, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất rất thích nước Pháp ! »

Và quốc gia vùng Vịnh này thích đến mức dành Ngày Quốc Gia đầu tiên của Triển Lãm Hoàn Cầu Dubai cho nước Pháp. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là đối tác thương mại lớn nhất của Paris ở vùng Vịnh. Ngoài ra còn phải kể đến hợp tác về văn hóa, đại học, quân sự với việc Pháp lập căn cứ thường trực ở Abou Dabi.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tham gia buổi lễ, phát biểu : « Đây là một đối tác lịch sử. Và điều này sẽ còn kéo dài. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất kỉ niệm 50 năm thành lập vào tháng 12 tới, tôi sẽ lại có mặt ở đây để chứng minh rằng hai nước chúng ta vừa là nhân chứng, vừa là bạn hữu và chúng tôi muốn hướng đến tương lai tại khu vực mà tôi hy vọng sẽ bình yên trở lại ».

Mối quan hệ giữa Pháp và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thậm chí còn được Thomas Pesquet nhắc đến trong cuộc đối thoại trực tiếp từ Trạm Không Gian Quốc tế (ISS) nơi phi hành gia người Pháp chuẩn bị giữ quyền điều hành. Cuộc đối thoại qua video được chiếu trong tòa nhà chính ở trung tâm khu triển lãm. Phi hành gia Pháp, người đỡ đầu cho Nhà Triển lãm Pháp tại Dubai, hứa đến thăm Triển lãm khi quay lại Trái Đất trong vài tuần nữa ».

Việt Nam tham dự Triễn lãm Dubai 2020
Nhà Triển lãm của Việt Nam tại Dubai được khai mạc ngày 01/10. Đây là lần thứ 7 Việt Nam tham dự Triển Lãm Hoàn Cầu với chủ đề « Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai ». Theo dự kiến, Ngày Quốc Gia Việt Nam diễn ra vào 30/12/2021.

Expo-2020 Dubai, với chủ đề « Kết nối trí tuệ, kiến tạo tương lai », là Triển Lãm Hoàn cầu đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông. Đây cũng là sự kiện lớn nhất mở cửa đón khách tham quan kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, trước đó, Nghị Viện Châu Âu kêu gọi tẩy chay để phản đối những vi phạm nhân quyền ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, trong đó có việc đối xử phi nhân đạo đối với công nhân xây dựng nước ngoài. Như để đáp lại chỉ trích của Nghị Viện Châu Âu, nước chủ nhà khẳng định sức khỏe của công nhân là « ưu tiên hàng đầu » của họ và trong suốt quá trình xây dựng Expo-2020 Dubai, « tiếc là có 3 công nhân thiệt mạng và 70 khác bị thương nặng ».

Theo AFP, ngày 01/10, tổ chức nhân quyền Humain Rights Watch cũng ra thông cáo lên án « những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống và phổ biến » tại quốc gia vùng Vịnh này.

‘Mũi của tôi cũng gần như bị hủy hoại’, Thủ tướng Campuchia kêu gọi ‘ngừng ngay xét nghiệm nhanh những người không triệu chứng’

Thông tin của báo Nikkei Asia ngày 3/10/2021 cho biết, theo bản ghi âm lời ông Hun Sen phát biểu hôm 29/9 mà họ thu được, ông phàn nàn rằng ngành y tế không cần thiết vào cộng đồng và xét nghiệm để tìm cho ra những người mang mầm bệnh. Các địa phương phải chấm dứt ngay các xét nghiệm nhanh ở các làng, các xã. 

Ông cũng nói kinh nghiệm cá nhân với các xét nghiệm thời gian qua: “Ngay cả mũi của tôi cũng gần như bị hủy hoại”.

Số ca mắc COVID-19 hàng ngày chính thức của Campuchia đã giảm 76% trong một ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen yêu cầu các quan chức ngừng thực hiện các xét nghiệm nhanh đối với những người không có triệu chứng. 

Hôm thứ sáu, ngày 1/10, Bộ Y tế nước này đã báo cáo 232 trường hợp nhiễm mới,  giảm sâu so với 978 trường hợp vào ngày hôm trước. Con số 232 là xét nghiệm PCR, còn các trường hợp dương tính từ xét nghiệm kháng nguyên nhanh đã bị bỏ qua, không được tính.

Ông nói thêm rằng cách tiếp cận mới sẽ giúp đất nước mở cửa trở lại, ông nói: “Chúng ta không cần phải hành động như trước đây, giờ là lúc chúng ta PHẢI HỌC CÁCH SỐNG CHUNG VỚI DỊCH”.

Năm 2020, Campuchia chỉ có ít hơn 500 trường hợp và không có trường hợp tử vong trong năm đầu tiên của đại dịch. Nhưng với biến thể Delta, hiện Campuchia đã có hơn 100.000 ca nhiễm và 2.319 ca tử vong.

Sau khi Thủ tướng Hun Sen ban hành điều mà ông ta gọi là “một con đường mới”, các thành phố lớn và và thị trấn gồm Siem Reap, Oddar Meanchey và Preah Vihear đã bỏ luôn việc phân chia vùng theo các màu khác nhau và bỏ các biện pháp khẩn cấp tại các khu vực đã được chỉ định là “vùng đỏ” vì tỷ lệ COVID-19 lây lan.

Related posts