Việt Nam ghi nhận 5.383 ca nhiễm và 130 ca tử vong
VnExpress – Trong 24 giờ qua Việt Nam ghi nhận 5.383 ca nhiễm, trong đó có 5.382 ca trong nước ghi nhận tại 37 tỉnh thành, tăng 15 ca so với hôm qua; 27.683 người khỏi bệnh; 130 ca tử vong.
Các ca tử vong ghi nhận tại từng địa phương như sau: TP.HCM 93, Bình Dương 20, Long An và Đồng Nai 5, An Giang 3, Cà Mau, Vĩnh Long, Đà Nẵng và Tiền Giang đều một.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này bao gồm: TP.HCM (400.003), Bình Dương (216.853), Đồng Nai (51.364), Long An (32.857), Tiền Giang (14.172).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 813.961 ca nhiễm, trong đó có 721.480 ca khỏi bệnh, 72.639 ca đang điều trị, 19.845 ca tử vong.
Xử phạt 2 triệu đồng người phụ nữ bị cưỡng chế xét nghiệm COVID-19
Tuoitre – Ngày 4/10, liên quan vụ “Cán bộ phường phá khóa căn hộ, cưỡng chế một phụ nữ đi xét nghiệm COVID-19”, UBND phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Phương Lan, 38 tuổi, ngụ chung cư Ehome 4.
Bà Lan bị xử phạt 2 triệu đồng vì hành vi “không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm” quy định tại điểm a, khoản 2, điều 7 nghị định 117/2020.
Ngày 29/9 (ngay sau khi xảy ra vụ việc cưỡng chế một ngày), đoàn công tác của Thành ủy thành phố Thuận An và phường Vĩnh Phú đã có buổi đối thoại với bà Lan. Tại buổi đối thoại, ông Võ Thanh Quan – bí thư Đảng ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú – đã gửi lời xin lỗi công khai bà Lan đối với việc cưỡng chế bà chưa phù hợp quy định.
Sau đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Thuận An đã họp và “thống nhất kiểm điểm, phê bình ông Quan về cách cưỡng chế không đúng quy trình, chưa khéo léo, gây phản cảm”.
Sau khi nhận quyết định xử phạt, trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, bà Lan cho biết sẽ khiếu nại, khởi kiện.
Thanh tra ngay việc kinh doanh, mua sắm kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR
Nld – Ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu kit test nhanh COVID-19, mua sắm các loại kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Theo phản ánh, thời gian qua có bất cập về giá mua, bán các loại kit test nhanh kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm COVID-19 như: Giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, giá dịch vụ xét nghiệm không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao.
Bộ Y tế cho biết, hiện đã cấp phép cho 97 loại kit test COVID-19 các loại, trong đó riêng kit test nhanh giá công bố từ 78.000-200.000 đồng/test, giá trúng thầu phổ biến tại bệnh viện, địa phương khoảng 135.000 đồng/kit test.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm đơn, tuy nhiên tại nhiều cơ sở y tế, giá dịch vụ xét nghiệm dao động nhiều mức, cao nhất lên tới 400.000 đồng/test nhanh.
Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn phải xét nghiệm, cách ly làm khó doanh nghiệp?
Tuoitre – Bộ Y tế cho phép người lao động của doanh nghiệp sản xuất đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì không phải xét nghiệm, nhưng vẫn yêu cầu đi lại giữa các vùng phải có giấy xét nghiệm và cách ly khiến nhiều doanh nghiệp khó càng thêm khó..
Cụ thể, vào ngày 3/10, Bộ Y tế ban hành văn bản 8318 về xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 quy định người đã tiêm đủ liều vắc-xin, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến vùng tương đương hoặc thấp hơn vẫn phải có kết quả xét nghiệm mẫu đơn trong 72 giờ và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Quy định này gây ngạc nhiên trong cộng đồng doanh nghiệp, bởi mới trước đó mấy ngày bộ này có hướng dẫn xét nghiệm COVID-19 với cơ sở sản xuất, kinh doanh, cho phép lao động đã tiêm đủ 2 liều vắc xin không phải xét nghiệm định kỳ.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thị Thúy Hương – ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho hay, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị hoạt động trở lại, đẩy mạnh sản xuất nên rất cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề đi lại, xét nghiệm nhằm giảm chi phí.
Trong khi đó, quy định của các văn bản trên lại thiếu thống nhất và không rõ ràng khiến doanh nghiệp lúng túng. Bởi có rất nhiều trường hợp người lao động làm việc ngoại tỉnh, phải di chuyển giữa các địa phương, nếu yêu cầu phải có xét nghiệm sẽ rất khó khăn.
Bà Hương nói: “Việc xét nghiệm như vậy làm mất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp”.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da – giày – túi xách Việt Nam, cho hay khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại là việc tạo thuận lợi trong đi lại, di chuyển của lao động, nhưng những văn bản ban hành lại thiếu tính thống nhất, nhiều địa phương tùy tiện áp dụng, đặt ra quy định riêng.
Bà Xuân đặt câu hỏi với các văn bản này, không rõ công nhân đã tiêm đủ 2 mũi, khi làm việc ngoại tỉnh, phải đi lại giữa các địa phương thì có phải xét nghiệm hay không?
Thực tế, nhiều địa phương hiện nay khi hướng dẫn thực hiện, tự đưa ra những quy định “vượt khung”, tùy tiện. Đơn cử tại Bình Dương, với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn yêu cầu tần suất xét nghiệm “dày đặc”, lao động phải xét nghiệm ít nhất 2 lần trước khi vào sản xuất và khi sản xuất phải xét nghiệm cho tất cả người lao động 2 lần/tuần…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế nhận xét so với công văn cách đây ít ngày quy định người làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan đã tiêm 2 mũi vắc-xin không phải xét nghiệm định kỳ, thì hướng dẫn mới do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành hôm 3/10 có những điểm “vênh” khi yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vẫn phải xét nghiệm, cách ly khi di chuyển giữa các vùng.
Đáng chú ý, quy định này cũng trái ngược với hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải ban hành cách đây vài ngày, người tiêm 1 mũi vắc xin sau 3 tuần, hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng đi máy bay, tàu hỏa không phải xét nghiệm.
Việc văn bản sau “đá” văn bản trước, cộng với làn sóng người dân bỏ Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê trong những ngày gần đây vì kiệt quệ tài chính, hiện đang khiến các doanh nghiệp tái khôi phục sản xuất khó càng thêm khó.