NATO giải thích việc trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga
Phụng Minh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 7/10 cho biết, việc trục xuất 8 thành viên trong phái bộ của Nga tại NATO không liên quan đến một sự kiện cụ thể nào, nhưng nói rằng liên minh này cần phải cảnh giác khi đối mặt với hoạt động “ác ý” của Nga, Reuters cho hay.
Ông Stoltenberg cho biết 8 người bị trục xuất được công bố hôm thứ Tư là “các sĩ quan tình báo Nga không được khai báo”. Ông nói thêm, các hoạt động của 8 người không phù hợp với quyền hạn của họ, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ với Nga đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tổng thư ký NATO nói: “Đó là do hành vi của Nga. Chúng tôi đã thấy những hành động gây hấn của họ”. Ông Stoltenberg nhắc tới việc Nga xây dựng quân đội dọc biên giới Ukraine và những hành động vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ tiếp tục cách tiếp cận “song phương” đối với Nga về quốc phòng và đối thoại.
Ông nói: “Chúng tôi cũng sẵn sàng triệu tập một cuộc họp hội đồng NATO-Nga. Thực ra chúng tôi đã mời Nga từ lâu. Cho đến nay, Nga đã không có phản ứng tích cực”.
Ông nói rằng ông đã thất bại trong cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước để đồng ý về một cuộc họp mới của hội đồng. Ông cho rằng cuộc họp này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng cao độ hiện nay.
Trước đó, vào hôm thứ Năm, Điện Kremlin cho biết các vụ trục xuất gần như hoàn toàn làm suy yếu hy vọng của họ về việc bình thường hóa quan hệ và nối lại đối thoại với NATO.
Thượng viện Pháp công nhận ‘Chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar’
Thượng viện Pháp, đã nhất trí thông qua nghị quyết công nhận Chính phủ Thống nhất Quốc gia (phe phản đối chính quyền quân sự Myanmar) là chính phủ chính thức của Myanmar, theo Scoop.
Tổng thư ký Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) Sharan Burrow nói: “Thượng viện Pháp đã làm rất tốt vì đã thiết lập tiền lệ này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ noi theo ví dụ này và không chậm trễ trong việc công nhận Chính phủ Thống nhất Quốc gia là chính phủ chính thức và hợp pháp của Myanmar”.
Bà Sharan nói thêm rằng, chính quyền quân sự của Myanmar đã không được các tổ chức như Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị Lao động Quốc tế, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận.
Bà nhấn mạnh “Đã đến lúc chế độ [quân sự Myanmar] trả lại quyền lực cho các nhà lãnh đạo hợp pháp, được [dân] bầu và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.”
Trước đó, vào tháng 4/2021, phe phản đối chính quyền quân sự Myanmar đã tuyên bố thành lập “chính phủ thống nhất quốc gia”.
Theo thông cáo phát trên Đài PTV, “chính phủ thống nhất quốc gia” gồm những nghị sĩ của chính phủ dân sự trước đảo chính, thành viên các nhóm thiểu số và những nhân vật trong phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự.
Thăm dò: Gần 7/10 phụ huynh Mỹ phản đối tiêm vắc xin bắt buộc với học sinh
Breitbart đưa tin, một cuộc thăm dò mới cho thấy, khoảng 7 trên 10 phụ huynh có con dưới 18 tuổi tin rằng, không nên có quy định tiêm vắc-xin bắt buộc cho học sinh.
Cuộc thăm dò ý kiến của đại học Quinnipiac cho thấy, 68% số phụ huynh có con dưới 18 tuổi cho biết họ không tin rằng, nên bắt buộc tiêm vắc-xin cho học sinh. Chỉ 30% số người tham gia khảo sát đồng ý rằng nên tiêm vắc-xin bắt buộc.
Khảo sát dân số nói chung, 52% người được hỏi cho rằng, không nên tiêm vắc-xin bắt buộc với học sinh, trong khi 44% cho rằng, tiêm vắc-xin nên là một yêu cầu bắt buộc với học sinh.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy, nói chung, người Mỹ hiện đang không tán thành cách Tổng thống Biden xử lý đại dịch COVID-19. Theo đó, 48% số người được hỏi tán thành và 50% không tán thành cách chính quyền hiện tại phòng chống dịch.
Khảo sát cũng đưa ra xếp hạng chấp thuận đối với tổng thống. Theo đó, 38% người được hỏi nói rằng, họ tán thành công việc mà tổng thống đã làm so với 53% không tán thành. Đây là mức xếp hạng chấp thuận thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức.
Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 10, với hơn 1.300 người trưởng thành Hoa Kỳ được khảo sát trên toàn quốc. Cuộc khảo sát có sai số cộng hoặc trừ 2,7 điểm phần trăm.
Con trai cựu lãnh đạo độc tài Philippines Ferdinand Marcos tranh cử tổng thống
Phụng Minh
Cựu Thượng nghị sĩ Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos tuyên bố hôm 05/10 rằng ông sẽ tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm tới, sau nhiều tuần đồn đoán về tương lai của ông trong chính trường, trang NTD cho hay.
Ông Bongbong Marcos, con trai duy nhất của cố tổng thống độc tài Ferdinand Marcos, người đã cai trị Philippines trong gần hai thập niên cho đến khi bị lật đổ vào năm 1986, đã tuyên bố tranh cử tổng thống của mình trong một bài đăng video trên mạng xã hội.
Ông nói: “Chúng ta hãy đưa những người Philippines trở lại với nhau để phục vụ đất nước của chúng ta, cùng nhau đối mặt với khủng hoảng và những thách thức trong tương lai… Hãy cùng tôi hoàn thành những mục tiêu cao cả này và chúng ta sẽ thành công”.
Ông Bongbong Marcos là đồng minh của Tổng thống Philippines đương nhiệm Rodrigo Duterte, người đã tuyên bố vào tuần trước rằng ông sẽ không tranh cử phó tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2022 và thay vào đó sẽ rút lui khỏi chính trường. Ông Marcos là chính trị gia thứ tư và là người mới nhất xác nhận ý định tranh cử để kế nhiệm ông Duterte.
Sự nghiệp chính trị của ông Bongbong Marcos đã kéo dài hơn ba thập niên — với tư cách là thống đốc tỉnh, dân biểu và Thượng nghị sĩ — kể từ khi gia đình ông trở về từ cuộc sống lưu vong sau khi chạy trốn cuộc nổi dậy của “nhân dân” năm 1986. Cha của ông qua đời ở Hawaii vào năm 1989.
Gia tộc Marcos là một trong những gia tộc nổi tiếng nhất của đất nước này và mặc dù Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos đã bị lật đổ từ nhiều năm, họ vẫn giữ được các mối quan hệ chính trị sâu rộng và mạnh mẽ.
Em gái của ông Bongbong Marcos là một Thượng nghị sĩ và cựu thống đốc, người mẹ 92 tuổi của ông là bà Imelda, nổi tiếng với bộ sưu tập giày khổng lồ, là một nữ nghị sĩ bốn nhiệm kỳ. Gia tộc Marcos còn có một người họ hàng là đại sứ đương nhiệm tại Hoa Kỳ, một người khác là một nhà lập pháp cấp cao.
Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận về tăng trần nợ công đến tháng 12
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer hôm thứ Năm (7/10, giờ Mỹ) đã nói rằng ông và các nghị sĩ khác trong đội ngũ lãnh đạo Đảng Dân chủ đã đạt được thỏa thuận với các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa để gia hạn trần nợ công đến đầu tháng Mười Hai.
Theo Just the News, Thượng viện Mỹ sẽ có thể bỏ phiếu về gia hạn trần nợ công vào tuần tới hoặc phiên bỏ phiếu có thể diễn ra ngay trước cuối tuần này.
Thỏa thuận mà các bên vừa đạt được sẽ tăng trần nợ công thêm 480 tỷ USD. Theo Bộ Tư pháp, con số này là đủ để gia hạn nợ đến ngày 3/12/2021.
Bộ Tư pháp cảnh báo rằng ngày 18/10 tới đây sẽ là hạn chót để Quốc hội Mỹ duyệt tăng hạn mực nợ, nếu không chính phủ sẽ rơi vào tình trạng phá sản kỹ thuật.
Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell nói trong bài phát biểu tại Thượng viện hôm 7/10 rằng: “Thượng viện sẽ xúc tiến kế hoạch mà tôi đã đưa ra vào tối qua để giúp người dân Mỹ tránh bị rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ”.
Để có thể bỏ phiếu về thỏa thuận này sớm ngay trong tuần này, tất cả các thượng nghị sĩ sẽ phải đồng ý đẩy nhanh tiến trình. Tuy nhiên, điều này khả năng khó diễn ra khi một số thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã bày tỏ thất vọng về thỏa thuận vừa đạt được giữa ông Schumer và ông McConnell.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, phát đi tuyên bố hôm 7/10 cho hay: “Tôi không ủng hộ gói chi tiêu của Đảng Dân chủ và tôi không ủng hộ tăng trần nợ để tạo điều kiện cho thực hiện gói chi tiêu đó. Nếu Đảng Dân chủ muốn tăng trần nợ, thì họ có thể sử dụng tiến trình hòa giải”.
Thượng nghị sĩ Rick Scott cũng nói rằng ông phản đối thỏa thuận tạm thời gia hạn trần nợ công đến tháng Mười Hai.
CIA thành lập ‘Trung tâm sứ mệnh’ mới tập trung vào các mối đe dọa từ TQ
Minh Ngọc
Cơ quan Tình báo Trung ương thông báo họ đang thành lập một đơn vị cấp cao nhất nhằm vào Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh chế độ Bắc Kinh là “mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất” mà Mỹ phải đối mặt hiện nay.
Trong tuyên bố hôm 7/10, CIA cho biết Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc (CMC) được thành lập “nhằm giải quyết thách thức toàn cầu do Trung Quốc đặt ra, vốn ảnh hưởng tất cả lĩnh vực hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ”.
Theo một quan chức cấp cao của CIA, cơ quan này sẽ thuê người phiên dịch tiếng Quan Thoại và huy động các chuyên gia về Trung Quốc trên toàn cầu.
Đơn vị chuyên trách mới “sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực chung của chúng ta nhằm đáp trả mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21,” Giám đốc CIA William Burns cho hay. Ông còn giải thích, mối đe dọa là từ chính quyền Trung Quốc, không phải từ người dân Trung Quốc.
“Trong suốt lịch sử của chúng ta, CIA đã nỗ lực đối phó bất kỳ thách thức nào. Và bây giờ, khi đối mặt thử thách địa chính trị khó khăn nhất của chúng ta trong một kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh quyền lực lớn, CIA sẽ đi đầu trong nỗ lực này.”
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã bắt đầu Sáng kiến Trung Quốc vào năm 2018 nhằm chống lại gián điệp kinh tế và các hành động xấu khác từ Trung Quốc. Khoảng 80% trong tất cả các vụ truy tố gián điệp kinh tế theo cáo buộc của DOJ đưa ra đều là những hành động gián điệp có lợi cho nhà nước Trung Quốc. Hồi tháng Chín, Giám đốc FBI Christopher Wray còn tiết lộ, cơ quan của ông “Cứ 12 giờ lại mở một cuộc điều tra phản gián mới của Trung Quốc.”
Có thể thấy, Sáng kiến mới này của ông Burns đánh dấu bước đi lớn đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức vào tháng 3, và phù hợp với những ưu tiên mà ông đặt ra trước khi nhậm chức.
Trong phiên điều trần hồi tháng 2, ông Burns mô tả việc “cạnh tranh với Trung Quốc” là “chìa khóa cho an ninh quốc gia của chúng ta trong những thập kỷ tới”, mặc dù ông còn nhắc đến các vấn đề như biến đổi khí hậu và phi hạt nhân hóa.
Ngoài đơn vị trên, ông Burns cũng tuyên bố CIA sẽ bổ nhiệm giám đốc công nghệ, cũng như lập ra trung tâm sứ mệnh xuyên quốc gia và công nghệ để “giải quyết các vấn đề toàn cầu ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của Mỹ – bao gồm các công nghệ mới và đang phát triển, an ninh kinh tế, biến đổi khí hậu, và sức khỏe toàn cầu”.
Phó Giám đốc CIA David S. Cohen sẽ giám sát việc triển khai văn phòng mới.
Nhiều nhà lập pháp đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến mới của CIA. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner (tiểu bang Virginia), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện bày tỏ, ông mong muốn được hợp tác với CIA để đảm bảo rằng sự thay đổi sẽ “đáp ứng được những thách thức mà chúng ta đang đối mặt”.
Ông nhận định: “Môi trường đe dọa chiến lược đã và đang thay đổi, và cộng đồng tình báo cần phải thích ứng để đáp ứng với môi trường mới đó.”
Phó chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (tiểu bang Florida) cũng hoan nghênh tin tức về đơn vị chuyên trách ứng phó với Trung Quốc.
“Mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra là có thật và đang gia tăng,” ông bình luận. “Mỗi bộ phận trong chính phủ của chúng ta cần phản ánh sự cạnh tranh quyền lực lớn này trong thông điệp, cấu trúc và hành động.”
Căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đặc biệt leo thang trong những ngày gần đây liên quan việc Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu với số lượng kỷ lục xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Ngoài ra, Washington đã công khai cáo buộc Bắc Kinh không phối hợp với nỗ lực điều tra nguồn gốc của COVID-19 và tiếp tay cho các tin tặc tội phạm nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc Mỹ nhắm vào Bắc Kinh, và chỉ ra những thất bại trước đó của tình báo Mỹ cũng như sự sụp đổ của chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan.