Ông Tập Cận Bình kêu gọi Đài Loan thống nhất ‘hòa bình’ với Đại Lục
Nguyên Hương
Bất chấp các mối đe dọa quân sự chống lại hòn đảo dân chủ Đài Loan, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Bảy ngày 9/10 cho biết, việc thống nhất “hòa bình” Đài Loan với Trung Quốc Đại lục là vì lợi ích của Bắc Kinh.
Ông Tập đã phát biểu trong một buổi lễ ở Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh. Bài phát biểu của ông Tập chủ yếu tập trung vào sự cần thiết của Đảng Cộng sản cầm quyền tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc khi quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trên trường quốc tế.
Trước các khán giả gồm các chính trị gia, quân nhân và những người khác đang tập trung trong Hội trường Đại lễ đường Nhân dân, ông Tập tuyên bố: “Việc thống nhất đất nước phải được thực hiện, và chắc chắn sẽ được thực hiện”.
“Thống nhất bằng một cách thức hòa bình là phù hợp nhất với lợi ích chung của đất nước Trung Quốc, bao gồm cả đồng bào Đài Loan”, nhà lãnh đạo nói thêm.
Phát biểu của ông Tập được đưa ra chỉ vài ngày sau khi quân đội Trung Quốc cử một số lượng kỷ lục máy bay quân sự bay về phía Đài Loan trong các cuộc tập trận mà hòn đảo tự trị này gọi là mối đe dọa. Trong vòng bốn ngày, bắt đầu từ tuần trước, Quân đội Giải phóng Nhân dân Đại lục đã bay máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay cảnh báo sớm trên không 149 lần về phía Đài Loan, với cuộc diễn tập đơn lẻ lớn nhất có sự tham gia của 52 máy bay phản lực.
Đài Loan và Trung Quốc chia cắt vào năm 1949 trong cuộc nội chiến. Quốc dân Đảng đang cầm quyền khi đó thất thủ và bỏ chạy đến hòn đảo Đài Loan.
Buổi lễ hôm thứ Bảy tại Bắc Kinh niệm 110 năm cuộc cách mạng Trung Quốc dẫn đến việc lật đổ các Hoàng đế nhà Thanh và thành lập Trung Hoa Dân Quốc dưới thời Tôn Trung Sơn. Bài phát biểu của ông Tập đề cập đến nguyện vọng chung cho một tương lai thống nhất, bất chấp sự khác biệt rõ rệt giữa hệ thống độc đảng chuyên chế của Trung Quốc và nền dân chủ đa đảng sôi động của Đài Loan.
Ngày 10/10, Đài Loan sẽ kỷ niệm ngày Quốc khánh. Lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan năm nay sẽ có màn trình diễn hiếm có của thiết bị quân sự, bao gồm tên lửa và màn trình diễn của máy bay chiến đấu sẽ được tổ chức vào Chủ nhật trước Tòa nhà Văn phòng Tổng thống ở trung tâm thủ đô Đài Bắc.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều năm Đài Loan đưa khí tài quân sự vào lễ kỷ niệm chính thức của Đài Bắc, và là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016.
Các bản tin địa phương về các cuộc diễn tập cho lễ kỷ niệm cho thấy, các phương tiện phóng tên lửa lớn đang chạy trên đường phố Đài Bắc, mặc dù bản thân tên lửa không được nhìn thấy trực tiếp.
Kuo Yu-jen, một chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Đài Loan cho biết, trong quá khứ, chính phủ Đài Loan không phô diễn khả năng tên lửa của mình để tránh xuất hiện các hành động khiêu khích.
Ông Kuo nói thêm rằng, giờ đây Đài Bắc cảm thấy “phải chứng minh rằng Đài Loan có khả năng ngăn chặn mối đe dọa của Trung Quốc” khi Bắc Kinh trở nên “quá quyết đoán”.
Trong những năm trước, lễ kỷ niệm Quốc khánh đã có các màn trình diễn được dàn dựng bởi cảnh sát quân sự lái mô tô và lực lượng không quân của hòn đảo. Tuy nhiên, tên lửa không phải là một phần của màn trình diễn đó.
Ông Fan Shih-ping, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cho biết: “Tôi nghĩ điều này là để nâng cao tinh thần của người dân Đài Loan.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đặt quốc phòng ở mức cao hơn cho so với người tiền nhiệm của bà từ Quốc dân Đảng thân thiện hơn với Trung Quốc, khởi động một cuộc hồi sinh ngành công nghiệp đóng tàu của hòn đảo và triển khai chương trình đóng tàu ngầm trong nước. Bà cũng đã tiến hành các cải cách trong quân đội, bao gồm cải thiện quyền lợi cho quân nhân và thậm chí tăng chất lượng thực phẩm.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chinh nói với các nhà lập pháp hôm thứ Tư rằng tình hình với Trung Quốc “là tình hình nghiêm trọng nhất trong 40 năm kể từ khi tôi nhập ngũ”. Ông Khâu sau đó nói với các phóng viên rằng ông tin rằng Trung Quốc sẽ có khả năng “toàn diện” để xâm lược Đài Loan vào năm 2025.
Kể từ khi ly khai, Đài Loan duy trì nền dân chủ, nhưng chủ quyền của họ bị phủ nhận bởi Bắc Kinh, quốc gia này đã từ chối lựa chọn sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào quyền kiểm soát của mình. Bắc Kinh cũng đã tìm cách cô lập Đài Loan trên bình diện quốc tế bằng cách ngăn cấm Đài Loan khỏi Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, đồng thời phản đối các cuộc tiếp xúc chính thức giữa chính phủ và các quốc gia công nhận Trung Quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia bị ràng buộc về mặt pháp lý coi các mối đe dọa chống lại Đài Bắc là vấn đề “quan ngại.”
Các quan chức Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cảnh báo rằng khả năng ngày càng tăng của Trung Quốc gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh của Đài Loan và của khu vực.
“Vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không chịu sự can thiệp từ bên ngoài,” ông Tập nói hôm thứ Bảy. “Không ai được đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và năng lực mạnh mẽ của người Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.
Nổ mỏ vàng ở Zimbabwe: 6 người Trung Quốc thiệt mạng
Mai Hạ
Trong ngày 7 và ngày 8/10, tại mỏ vàng SAS ở làng Mazowe, Zimbabwe liên tiếp xảy ra các vụ nổ bình oxy, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người Trung Quốc.
Vụ nổ xảy ra tại một khu vực khai thác mỏ cách thủ đô Harare, Zimbabwe khoảng 50 km về phía bắc. Phát ngôn viên của phía cảnh sát Paul Nyathi nói với AFP rằng, “Chúng tôi xác nhận có 6 người nước ngoài đã chết trong vụ nổ bình oxy tại mỏ SAS”, và cho biết cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Ông Fortune Chasi, quan chức của làng Mazowe nói với Reuters rằng, 6 người nước ngoài gặp nạn là người Trung Quốc và 2 người còn lại là công nhân địa phương.
Ông nói rằng, vào tối ngày 7/10, một bình oxy đã phát nổ khi các công nhân Trung Quốc đang làm việc. Vụ nổ khiến “6 người trong số họ và 1 công nhân địa phương thiệt mạng”.
Ngày hôm sau, một công nhân Zimbabwe 21 tuổi khác cũng tử vong do bị thương nặng.
Sau vụ nổ, rất nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ tức giận, chỉ trích các thợ mỏ Trung Quốc đã “cắt xén các quy trình về an toàn và an ninh”.
“Người Trung Quốc kiểm soát rất lỏng lẻo các vấn đề về sức khỏe và an toàn. Điều đáng tiếc là, rất có thể chính quyền địa phương đã nhận hối lộ cho qua”, một cư dân mạng bình luận.
Một số công ty Trung Quốc trước đó đã bác bỏ các cáo buộc về phớt lờ quy định an toàn đối với họ.
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài chính ở Zimbabwe
Làng Mazowe nổi tiếng với các mỏ khai thác. Khu vực này có rất nhiều khoáng sản, bao gồm cả vàng. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Zimbabwe. Các công ty Trung Quốc chủ yếu tham gia vào việc khai thác vàng, chromi, kim cương ở nước này và xây dựng các nhà máy điện.
Năm 2019, công ty Tsignchan của Trung Quốc và Bộ Mỏ Zimbabwe đã ký một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD để khai thác một số khoáng sản mà Trung Quốc cần như chromi, quặng sắt, niken, than, v.v.
Trước đó, vào tháng 6/2018, công ty này đã ký thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Zimbabwe để xây dựng nhà máy thép có sản lượng hàng năm lên tới 2 triệu tấn, đồng thời luôn thăm dò, tìm kiếm thêm các thỏa thuận nhượng quyền khai thác khoáng sản tại nước này. Chính phủ Zimbabwe đã tuyên bố rằng, công ty Tsignchan sẽ xây dựng một nhà máy điện và đã được nhượng quyền khai thác mỏ lithium.
Tuy nhiên, ngành khai thác mỏ do các công ty Trung Quốc vận hành tại Zimbabwe đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và không có đủ các trang thiết bị an toàn cho công nhân.
Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (ZELA) tiết lộ rằng, các công ty khai thác mỏ Trung Quốc thực hiện hành vi lạm dụng rộng rãi “có hệ thống” đối với công nhân địa phương.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Mexico, thiết lập hiệp định an ninh mới
Phụng Minh
Hôm thứ Sáu (ngày 8/10), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tới thăm Mexico và hội đàm với Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador. Cả hai quốc gia cam kết sẽ khôi phục mối quan hệ vốn đang rạn nứt và cải thiện hợp tác thông qua một thỏa thuận an ninh mới, theo hãng tin Reuters.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken diễn ra vào thời điểm chính quyền Biden ngày càng phụ thuộc vào nước láng giềng phía nam để ngăn dòng người di cư đến Mỹ. Chuyến thăm cũng là một phần của Đối thoại An ninh Cấp cao Mỹ-Mexico đầu tiên của chính quyền Biden, trong đó hai nước sẽ đàm phán một thỏa thuận mới sâu rộng về cách giải quyết nhiều vấn đề, từ luồng ma túy sang Hoa Kỳ cho đến việc buôn lậu súng do Hoa Kỳ sản xuất.
Việc điều chỉnh thỏa thuận Sáng kiến Merida dự kiến sẽ mất nhiều tháng khi hai bên tìm ra cách tốt nhất để làm việc cùng nhau sau một thời gian hợp tác căng thẳng. Theo Sáng kiến Merida, Hoa Kỳ đã chuyển khoảng 3,3 tỷ USD kể từ năm 2007 để giúp Mexico chống tội phạm.
Ông Blinken nói: “Sau 13 năm Sáng kiến Merida, đã đến lúc cần có một cách tiếp cận mới toàn diện đối với hợp tác an ninh của chúng ta, một cách tiếp cận sẽ coi chúng ta là những đối tác bình đẳng trong việc xác định các ưu tiên chung”.
Tổng thống Mexico cho biết trong một tweet rằng có “những điều kiện tuyệt vời để bắt đầu một giai đoạn mới của mối quan hệ song phương”. Ông cũng mời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Mexico.
Các quan chức Mexico cho biết thỏa thuận mới có thể sẽ tập trung vào việc trao đổi thông tin, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực và ngăn chặn buôn lậu súng do Mỹ sản xuất sang Mexico.
Nhưng đàm phán một thỏa thuận mới sẽ rất khó khăn. Vanda Felbab-Brown, một nhà phân tích chính sách an ninh và đối ngoại cho biết, Mỹ muốn có một cách tiếp cận cứng rắn hơn để chống lại các băng đảng tội phạm trong khi ông Obrador muốn các biện pháp nhẹ nhàng và ít đối đầu hơn để chống lại các băng nhóm.
Hơn nữa, các cuộc đàm phán về hợp tác an ninh mới có thể bị lu mờ bởi những lo ngại về nhập cư.
Sự gia tăng số lượng người Haiti và những người di cư Mỹ Latinh khác đến biên giới Mỹ-Mexico đã đẩy chính quyền Tổng thống Biden vào một cuộc khủng hoảng. Washington phải phụ thuộc vào Mexico để giúp ngăn chặn dòng người di cư này.
Trung Quốc hối thúc Hoa Kỳ hủy bỏ các trừng phạt thuế quan
Minh Anh
Ngày 09/10/2021, Trung Quốc cho biết đã đề nghị Hoa Kỳ hủy bỏ các quy định áp thuế nhập khẩu cao trong cuộc thảo luận giữa đại diện thương mại của hai nước.
Theo Tân Hoa Xã, « Trung Quốc đã thương thảo về việc hủy các quy định áp thuế và các biện pháp trừng phạt, đồng thời nêu rõ quan điểm về mô hình phát triển kinh tế cũng như là chính sách công nghiệp của mình ».
Về phía Hoa Kỳ, đại diện Thương Mại, bà Katherine Tai, trình bày chi tiết những lo ngại từ Washington về cách « hành xử phi thị trường của Nhà nước Trung Quốc cũng như là các chính sách của Bắc Kinh gây tổn hại cho người lao động, các nhà nông và doanh nhân Mỹ », thông cáo của đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) cho biết.
Cuộc đàm phán, được tổ chức trực tuyến, bắt đầu từ hôm qua, giữa đại diện Thương Mại Mỹ bà Katherine Tai và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), còn là một « cơ hội để Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết xây dựng một mối quan hệ thương mại được quản lý có trách nhiệm hơn vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến người dân Mỹ mà cho cả toàn thế giới », theo như lời giải thích của vị quan chức USTR xin ẩn danh.
Hãng tin Anh Reuters lưu ý, đây là cuộc đàm phán thương mại thứ hai giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, nhằm tìm kiếm một giải pháp hồi phục quan hệ song phương đã bị sứt mẻ nghiêm trọng từ dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Chính quyền Biden, cũng như người tiền nhiệm, chỉ trích chính sách trợ giá ồ ạt của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng cưỡng ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để có thể hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc hay như không tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ. Cách hành xử này của Bắc Kinh đã khoét sâu thêm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Taliban và Mỹ đàm phán tiếp tục di tản kiều dân nước ngoài khỏi Afghanistan
Thanh Hà
Đại diện của hai phía Taliban và Hoa Kỳ cùng cho biết đôi bên trực tiếp thảo luận về các chương trình tiếp tục di tản người nước ngoài khỏi Afghanistan. Cuộc gặp diễn ra trong hai ngày 9 và 10/10/2021 tại thủ đô Doha- Qatar nơi Taliban có văn phòng đại diện. Đối thoại diễn ra một ngày sau vụ tấn công vào một đền thờ Hồi Giáo tại Kunduz, miền bắc Afghanistan, hàng chục người chết.
Hãng tin AP nhắc lại đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa đại diện Hoa Kỳ và Taliban kể từ khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan hôm 31/08/2021. Washington kết thúc chiến dịch quân sự đã kéo dài 20 năm, Taliban chiếm lại quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này.
Reuters cho biết, về phía Mỹ, tham dự cuộc họp hôm nay gồm có các quan chức trong bộ Ngoại Giao, đại diện USAID –Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ và một số nhân viên tình báo Hoa Kỳ. Washington đòi phía Taliban bảo đảm an ninh cho các công dân Mỹ và các kiều dân nước ngoài và nhất là bảo đảm rằng Afghanistan không trở thành sào huyệt mới của các nhóm khủng bố.
Cuộc họp tại Doha khai mạc hôm nay vào lúc tổ chức tự xưng là Nhà Nước Hồi Giáo nhận là tác giả vụ tấn chiều 08/10/2021 nhắm vào một đền thờ tại Kunduz, miền bắc Afghanistan, làm ít nhất 55 người thiệt mạng. Taliban giờ đây cũng phải đương đầu với đe dọa khủng bố.
Thông tín viên của đài RFI trong khu vực, Sonia Ghezali trở lại với vụ tấn công ở Kunduz:
“Một kẻ tấn công tự sát đã kích nổ bom mang theo trên người ngay tại một buổi cầu nguyện vào ngày thứ Sáu. Thông cáo của chi nhánh Daech tại Afghanistan cho biết như trên. Vụ nổ đã xảy ra chiều qua, tại một ngôi đền Hồi Giáo của người theo hệ phái Shia trong khu vực Khan Abad Bandar tại thành phố Kunduz.
Trong một vài đoạn video được cho là do dân cư tại đây ghi lại, được phổ biến trên các mạng xã hội, người ta trông thấy những tấm thảm để tín đồ cầu nguyện đẫm máu, những thi thể bị xé nát, cháy đen.
Vào đầu giờ chiều, đền thờ đông kín người cầu nguyện vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Trước đó 5 hôm đã xảy ra một vụ khủng bố khác nhắm vào một đền thờ tại thủ đô Kaboul, nơi một đám tang đang được cử hành, làm ít nhất 5 người tử vong.
Chi nhánh của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan nhận là tác giả hai vụ đánh bom nói trên. Các vụ tấn công đó thường nhắm vào thiểu số người Hồi Giáo theo hệ phái Shia hay vào các quan chức Afghanistan.
Tại thủ đô Kabul trong những ngày gần đây, Taliban tăng cường các chốt kiểm soát an ninh trong thành phố, kiểm soát giao thông. Chính phía Taliban cũng lo sợ nguy cơ Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo lại tiến hành những vụ tấn công khác. Tổ chức này đã chứng minh về khả năng tiến hành những vụ khủng bố đẫm máu.”
Pháp kỷ niệm 40 năm xóa án tử hình
Anh Vũ
Cách đây đúng 40 năm, luật hủy án tử hình có hiệu lực ở Pháp từ ngày 09/10/1981. Lời hứa trong chiến dịch tranh cử của tổng thống François Mitterrand đã được thực hiện cùng với sự đấu tranh tích cực của bộ trưởng Tư Pháp Robert Badinter.
Hôm 09/10/2021, tại điện Panthéon ở thủ đô Paris, chính phủ Pháp long trọng kỷ niệm 40 năm nước Pháp xóa án tử hình với sự tham dự của tổng thống Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Tư Pháp Robert Badinter và nhiều quan chức chính phủ Pháp.
Đây là thành quả của « lịch sử đấu tranh chính trị để xóa án tử hình ở Pháp từ thế kỷ thứ 18 đến ngày nay », thông cáo của phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Dự luật xóa án tử hình đã được Hạ Viện Pháp thông qua ngày 18/09/1981, sau đó được Thượng Viện, phê chuẩn lần cuối ngày 30/09/1981 và được ban hành ngày 09/10 cùng năm, tức 5 tháng sau khi ông François Mitterrand đắc cử tổng thống Pháp.
Khi đó Pháp là quốc gia thứ 35 trên thế giới và là nước cuối cùng trong cộng đồng Châu Âu xóa án tử hình. Cho đến tận năm 1977, hai án tử hình cuối cùng tại Pháp vẫn được thi hành bằng bằng máy chém. Năm 2007, xóa án tử hình đã chính thức được đưa vào Hiến pháp, bộ luật cơ bản của nước Pháp.
Năm 2021 này đã có ¾ các quốc gia trên thế giới xóa hoặc ngừng áp dụng án tử hình. Vẫn còn khoảng năm chục nước tiếp tục áp dụng án tử hình bằng các hình thức thi hành án như treo cổ, chém đầu, chích điện hoặc thuốc độc, theo một báo cáo về án tử hình trên thế giới năm 2020 của tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International).
Tại Mỹ, mới có 23 bang đã xóa án tử hình và 3 bang Califorrnia, Oregon, Pelsylvania tạm ngừng thi hành án tử. Trong năm 2020, ít nhất có 483 tử tù bị hành hình ở 18 nước trên thế giới, giảm 26% so với năm 2019, theo báo cáo của Amnesty International.
Bốn quốc gia thi hành nhiều án tử hình nhất trong năm 2020 gồm : Iran ( 246), Ai Cập(107), Irak (45) và Ả Rập Xê Út (27). Tuy nhiên, con số thống kê trên không tính đến Trung Quốc, nước vẫn bị Ân Xá Quốc Tế xác định là thi hành nhiều án tử hình nhất thế giới nhưng các số liệu không được công khai để có thể kiểm chứng được.
Sau nhiêu năm ngừng thi hành án tử hình, Ấn Độ, Oman và Qatar đã trở lại thi hành án tử hình.
Vẫn theo báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, số lượng bản án tử hình được tuyên trên thế giới nhìn chung có xu hướng giảm. Khoảng 1477 bản án tử hình được tuyên ở 54 nước trong năm 2020. Nước mới nhất vừa thông qua xóa án tử hình hôm 08/10/2021 là Sierra Leone, một quốc gia nhỏ ở tây Phi.
Nga: Tự do ngôn luận bị siết thêm sau giải Nobel Hòa bình cho nhà báo
Minh Anh
Vài giờ sau khi giải Nobel Hòa Bình được trao cho tổng biên tập một một trong số tòa báo độc lập cuối cùng ở Nga, chính quyền Matcơva thông báo quyết định xếp 9 cá nhân và tổ chức vào diện « tác nhân nước ngoài ». Đó là những gì diễn ra tại Nga trong ngày 08/10/2021.
Một lần nữa, trong số này, có các cơ quan truyền thông như BBC, các nhà báo và nhiều tổ chức phi chính phủ như OVD-Info, một trong số những nguồn thông tin tốt nhất tại Nga để thống kê số vụ bắt giữ trong những cuộc biểu tình.
Không chỉ thế, theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri tại Mowcow, trong tầm ngắm của chính phủ Nga lần này, những tiếng nói xã hội dân sự bắt đầu cũng bị kiểm duyệt:
“Không còn đơn giản chỉ là một nguồn tài trợ từ nước ngoài như chính quyền thường hay sử dụng như trước đây, mà kể từ giờ còn là những gì có thể được nói ra. Điều này đã được thấy trong vòng chưa tới một tuần. Bởi vì, cơ quan an ninh FSB của Nga vừa cho công bố một danh sách 60 chủ đề không được đề cập đến, bằng không sẽ bị xếp vào diện tác nhân nước ngoài.
Hai lĩnh vực có liên quan là quân đội và không gian. Chẳng hạn, kể từ giờ việc đề cập đến một vấn đề kỹ thuật hay kinh tế có liên quan đến không gian là bị cấm. Cung cấp các thông tin về không khí tinh thần và tâm lý quân đội Nga cũng bị cấm. Thông điệp này đã được Ủy Ban Các Bà Mẹ Binh Sĩ tiếp nhận. Tổ chức nổi tiếng bảo vệ quyền của người lính từ 30 năm qua này đã tự giải thể tuần.
Bà chủ tịch Ủy ban bầu cử hôm thứ Hai, 04/10/2021, còn đưa ra một lời đe dọa rất rõ ràng đối với những chỉ trích về bầu cử : “Chúng tôi sẽ khiếu nại trước công lý tất cả những ai phổ biến lời dối trá và vu khống về cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua ».
Các nhà phân tích, nhân chứng hay những công dân bình thường, nhiều người trong số họ giờ có thể gặp rủi ro.”
Singapore báo động số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục
Thanh Hà
Ngày 08/10/2021 Singapore ghi nhận thêm hơn 3.000 bệnh nhân Covid-19 trong một ngày. Đây đỉnh điểm đảo quốc này chưa bao giờ đụng ngưỡng. Dù vậy chính phủ thông báo nới lỏng các biện pháp cách ly với người nhập cảnh vào Singapore.
Thủ tướng Lý Hiển Long hôm nay 09/10/2021 cảnh báo phải mất từ ba đến sáu tháng, mới hy vọng tìm lại được cuộc sống « bình thường », Singapore sẽ phải sống chung với dịch. Theo quy định mới của chính phủ, từ ngày 19/10/2021, những ai đã tiêm đủ hai liều vac-xin chống Covid-19 tại 8 quốc gia –trong đó có Anh, Pháp, Mỹ – sẽ không còn bị cách ly. Đến giữa tháng 11, hành khách từ Hàn Quốc đến Singapore không bắt buộc phải tuân thủ quy định cách ly trong vòng 7 ngày như hiện tại. Ngược lại kể từ thứ Tư tuần sau (13/10/2021) chính quyền sẽ « nghiêm ngặt hơn » với những người chưa chích ngừa virus corona.
Hiện tại 83 % dân số trên 18 tuổi Singapore đã được tiêm chủng. Dù vậy hôm qua bộ Y Tế báo động có thêm hơn 3.590 ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày và đây là con số cao chưa từng thấy từ đầu mùa dịch tới nay tại một quốc gia với chưa đầy 5,5 triệu dân.
Thông tín của RFI trong khu vực Gabrielle Maréchaux cho biết thêm thông tin:
“Nếu như vac-xin không đem lại được phép lạ để ngăn chận mọi nguy cơ lây nhiễm, thì đối với giáo sự Dale Fisher, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại đại học quốc gia Singapore không thể phủ nhận về những kết quả từ việc tiêm chủng mang lại, khi nhìn vào số bệnh nhân phải nhập viện hay các ca tử vong vì Covid-19 tại Singapore.
Ông nói : “với những người đã chích ngừa, nguy cơ bị lây nhiêm chỉ bằng 1 phần 10 so với thành phần không được tiêm chủng. Vì không chích, những ca này chiếm đa số trong các phòng hồi sức đặc biệt, họ cần oxy và để rồi nhận lấy cái chết”.
Liên quan đến làn sóng lây nhiễm mới chưa từng thấy lần này, giới chuyên gia nêu bật những yếu tố như là mức độ lây nhiễm cao của biến thể Delta, việc một số biện pháp chống dịch đã được nới lỏng tại một quốc gia với mật độ dân số rất cao và sau cùng như giáo sư Fischer đã nhắc lại, đó là do những người có bệnh nền hay sức khỏe không tốt từ chối chích ngừa.
Giáo sư Dale Fisher giải thích : “nhìn vào mức độ tuổi tác, những người cao niên bướng bỉnh nhất. Không hẳn do họ chống vac-xin nhưng số này quan niệm là đã già rồi, hay đã có nhiều bệnh trong người, như bệnh tim chẳng hạn, vậy thì đi chích để làm gì?’”
Để xua tan quan niệm đó bộ Y Tế phổ biến video để thuyết phục các vị cao niên đi chích ngừa.
Đôi khi người ta phải trả giá đắt cho những thành kiến : trong tuần một bà cụ già đã phải nhập viện sau khi uống thuốc ivermectin, một một loại thuốc chống virus, chỉ vì nghe theo lời xúi bẩy của những phụ nữ cùng đi lễ nhà thờ với bà. Người ta đồn thổi rằng thuốc đó hiệu nghiệm lắm và đã giúp bệnh nhân thoát khỏi nanh vuốt tử thần ».
Tình hình COVID-19: Nga lại ghi nhận số ca tử vong trong ngày ở mức kỷ lục
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 8/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 391.797 ca mắc COVID-19 mới và 6.464 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 227.439.204 ca, trong đó có khoảng 4.592.444 người thiệt mạng.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 8/10, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong v dịch bệnh.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 731.000 ca tử vong trong tổng số 45.109.804 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 450.277 ca tử vong trong số 33.922.917 ca. Brazil đứng thứ 3 với 600.425 ca tử vong trong số 21.532.558 ca.
Nga lại ghi nhận số ca tử vong trong ngày ở mức kỷ lục
Tại Nga, nước này ghi nhận 936 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua – con số thống kê theo ngày cao nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 214.485 người. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 27.246 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh này lên con số 7,7 triệu người.
Ukraine bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 cho giáo viên
Ngày 7/10, Ukraine đã ra quy định bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đối với giáo viên và một số công chức nhà nước trong bối cảnh nước này ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm tăng. Theo Bộ Y tế Ukraine, giáo viên các trường học, đại học và một số công chức sẽ có 1 tháng để tiêm liều vắc-xin đầu tiên, nếu không muốn bị đình chỉ công việc mà không được trả lương. Bộ này cho biết tính đến cuối tháng 9 vừa qua, 46% giáo viên ở nước này đã tiêm phòng đầy đủ.
Moderna sẽ cung cấp 1 tỷ liều vắc-xin COVID-19 cho các nước thu nhập thấp vào năm 2022
Ngày 8/10, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng này cho các nước có thu nhập thấp vào năm 2022, ngoài các liều đã cam kết đối với chương trình COVAX.
Trong một tuyên bố, Moderna cho biết số lượng vắc-xin ngừa COVID-19 mà hãng định cung cấp cho các nước có thu nhập thấp là một phần trong số từ 2-3 tỷ liều dự kiến sẽ sản xuất vào năm 2022. Cho đến nay, đã có hơn 250 triệu người trên thế giới được tiêm vắc-xin của Moderna. Tuy nhiên, việc tiếp cận vắc-xin vẫn là một thách thức đối với nhiều nước.
Trước đó một ngày, Moderna thông báo đầu tư 500 triệu USD để xây dựng nhà máy ở châu Phi, có thể sản xuất 500 triệu liều vắc-xin theo công nghệ mRNA mỗi năm, trong đó có vắc-xin ngừa COVID-19. Tháng 5 vừa qua, Moderna cũng cam kết sẽ cung cấp 500 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX trong khoảng thời gian từ quý IV/2021 đến 2022.
Indonesia rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh
Thời gian cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh Indonesia sẽ được rút ngắn từ 8 ngày xuống còn 5 ngày.
Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức tại Yogyakarta ngày 8/10, Bộ trưởng Du lịch và kinh tế sáng tạo Sandiaga Uno nêu rõ chính sách này được thực thi trên cơ sở chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo tại cuộc họp một ngày trước đó. Theo ông, Chính phủ Indonesia đã nhận được sự đảm bảo của Bộ Y tế về việc rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh.
Chính trị gia thuộc đảng Gerindra này giải thích quyết định trên được đưa ra dựa trên các cơ sở: thời gian ủ bệnh của các biến thể virus corona trung bình là 3,7-3,8 ngày; độ bao phủ vắc-xin ngừa COVID-19 cũng như các kết quả đạt được trong công tác xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.
Trước đó, Thông tư số 74 năm 2021 của Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia quy định rằng du khách nhập cảnh nước này phải cách ly bắt buộc 8 ngày tại các cơ sở được chỉ định và trải qua hai lần xét nghiệm PCR có kết quả âm tính.
Singapore cho phép nhập cảnh hành khách đến từ Hàn Quốc đã tiêm chủng
Ngày 8/10, Hàn Quốc và Singapore đã nhất trí dỡ bỏ hoặc nới lỏng quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin COVID-19.
Theo đó, từ ngày 15/11, hành khách đã tiêm phòng đến từ Hàn Quốc nhập cảnh Singapore sẽ không bắt buộc phải thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định hiện hành ở Singapore. Khách nhập cảnh sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ từ trước đó ít nhất 2 tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona trong vòng 48 giờ hoặc 72 giờ qua.
Ngoài ra, quy định này cũng chỉ áp dụng đối với hành khách đã ở lại quốc gia khởi hành ít nhất 2 tuần trước khi rời đi và với các chuyến bay trực tiếp.