Phụng Minh
Tập đoàn Microsoft của Hoa Kỳ đã ra mắt hệ điều hành máy tính cá nhân mới Windows 11 vào thứ Ba tuần này (ngày 5/10). Microsoft cho biết Windows 11 sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm mượt mà hơn. Tuy nhiên, nhiều người dùng Trung Quốc không thể nâng cấp vì hệ thống của họ không hỗ trợ hoặc chưa kích hoạt chip “TPM” bị chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu, theo trang Epoch Times.
Khi Windows 11 chính thức ra mắt vào ngày 5/10, một làn sóng nâng cấp được bắt đầu trên khắp thế giới, nhiều người dùng Trung Quốc đã nhìn thấy câu “Máy tính này không thể chạy Windows 11” khi tải xuống và họ không thể trải nghiệm hệ điều hành mới nhất của Microsoft dành cho Trung Quốc. Người dùng phàn nàn:
“Tôi muốn cập nhật càng sớm càng tốt, nhưng tiếc là CPU không hỗ trợ nó và TPM cũng không hỗ trợ nó, vì vậy tôi không thể sử dụng được”.
“Chỉ vì không có TPM 2.0 ??? Microsoft buộc tôi phải thay đổi máy tính của mình. Tôi thậm chí không thể trải nghiệm Windows 11 và cảm thấy mệt mỏi”.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở một con chip nhỏ TPM.
Tên đầy đủ của TPM là “Trusted Platform Module”, là một tiêu chuẩn quốc tế dành cho các bộ xử lý mật mã an toàn. Chip TPM có thể được tích hợp vào bo mạch chủ của máy tính, hoặc nó có thể được thêm vào bộ xử lý trung tâm riêng biệt. Việc lồng ghép các tiêu chuẩn phần cứng TPM đã là trọng tâm mà Microsoft đã thúc đẩy trong nhiều năm. Không giống như các phần mềm bảo vệ an ninh khác, chip TPM có thể cung cấp cho người dùng khả năng bảo vệ dữ liệu ở mức phần cứng.
Tuy nhiên, vì lý do an ninh quốc gia, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các quy định từ năm 1999 để cấm nhập khẩu các công nghệ mật mã chính thống của nước ngoài và thúc đẩy các công nghệ mật mã sản xuất trong nước. Điều này đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và phổ biến chip TPM ở Trung Quốc. Hiện tại, nhiều máy tính cá nhân ở Trung Quốc không được trang bị chip TPM.
TPM được cập nhật và kích hoạt là một biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các cuộc tấn công phần cứng. Trong những năm gần đây, các cuộc tấn công vào phần cứng đã thu hút sự chú ý của Microsoft. Microsoft đã công bố một báo cáo khảo sát vào tháng 4 năm nay rằng 83% các tổ chức được phỏng vấn đã bị ít nhất một cuộc tấn công phần cứng trong hai năm qua. Dữ liệu do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) công bố năm nay cũng cho thấy trong 4 năm qua, các cuộc tấn công vào phần cứng máy tính đã tăng hơn 5 lần.