Bình luận: Màn đấu đá tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ đang gia tăng

Thanh Hải

Trong bài bình luận trên Thời báo Epoch Times hôm 9/9, ký giả Ching Cheong cho biết Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang đối mặt với sự phản đối gay gắt từ nội bộ Đảng trong nỗ lực bảo đảm quyền lãnh đạo trọn đời tại Đại hội Đảng lần thứ 20 diễn ra vào năm tới.

Đến năm 2022, ông Tập sẽ ghi dấu khi giữ chức chủ tịch nước trọn 10 năm. Theo hiến pháp Trung Quốc – vốn hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm – thì ông Tập sẽ từ chức vào cuối năm sau. Tuy nhiên, ông Tập đã sửa đổi hiến pháp để xóa bỏ quy định này. Điều này đã gây ra sự bất bình rộng rãi trong chính ĐCSTQ.

Ký giả Ching cho biết, sự phản đối mạnh mẽ nổi lên gần đây khi cơ quan giám sát của Đảng, Ủy ban Kỷ luật Trung ương (CDC), thừa nhận công khai rằng có một âm mưu chống lại ông Tập.

Vào ngày 13/9, hai cổng thông tin lớn ở Trung Quốc đã đăng cùng một bài báo trích lại một “bản tóm tắt buổi sáng” của Ủy ban Kỷ luật Trung ương, trong đó tiết lộ rằng một “băng nhóm hiểm ác” trong Cục Công An đã cố gắng thực hiện một cuộc ám sát ông Tập.

Theo ký giả Ching, trong quá khứ, không thiếu tin đồn về các âm mưu ám sát ông Tập, nhưng chưa có thông tin nào được kiểm chứng cho đến nay. Bản tóm tắt của Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã lần đầu tiên xác nhận sự tồn tại của một nỗ lực như vậy. Theo báo cáo, thủ phạm được cho là La Văn Tiến (Luo Wenjin), đội trưởng đội cảnh sát hình sự công an tỉnh Giang Tô. Ông này đã cố gắng tiến hành vụ ám sát khi ông Tập tham dự một buổi lễ kỷ niệm ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh. “Hành vi phạm tội của ông ta đã bị các nhân viên An ninh Quốc gia đập tan”, bản tóm tắt của Ủy ban Kỷ luật Trung ương cho biết.

Bản tóm tắt của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tiết lộ thêm rằng Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch Công ty quản lý tài sản nhà nước Huarong, cũng đứng sau âm mưu này. Đây có thể là lý do khiến ông Lại phải nhận án tử hình hồi tháng 1 cho tội danh bề mặt là tham nhũng, làm rúng động dư luận. Ông Lại là phát súng lớn đầu tiên bị xử tử vì tội tham nhũng kể từ khi ông Tập bắt đầu chính sách chống tham nhũng mang tên “Đả hổ diệt ruồi”. 

Điều đáng chú ý là ông Lại được biết là có quan hệ mật thiết với Tăng Khánh Hồng, cựu phó chủ tịch nước Trung Quốc. Ông Tăng là một người trung thành với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Đương nhiên, điều này dẫn đến những suy đoán rằng phe Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng đã gián tiếp tham gia vào âm mưu hạ bệ ông Tập.

Không lâu sau cuộc họp giao ban của Ủy ban Kỷ luật Trung ương, một chấn động lớn khác đã diễn ra ở Bộ Công an. Vào ngày 30/9, Ủy ban Kỷ luật Trung ương thông báo rằng Tôn Lập Quân, cựu thứ trưởng Bộ Công an, đã bị tước bỏ các chức vụ trong Đảng và chính phủ. Vào ngày 2/10, Ủy ban Kỷ luật Trung ương thông báo rằng Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cũng là một cựu thứ trưởng Bộ Công An, đã bị tạm giữ để điều tra về các tội danh bị cáo buộc.

Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã buộc tội ông Tôn “chỉ trích Đảng một cách vô lương tâm, kiến tạo và tung tin đồn chính trị, bòn rút vốn chính trị để vụ lợi, nuôi dưỡng các băng nhóm và bè phái trong Đảng, từ đó phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết và thống nhất của Đảng và gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh chính trị”. Tóm lại, ông Tôn đã bị buộc tội cố gắng lật đổ ông Tập.

Trong khi lý do Phó Chính Hoa bị thất sủng vẫn chưa được công bố, việc ngã ngựa của ông này theo sát sự sụp đổ của Tôn Lập Quân. Khi Tôn Lập Quân bị Ủy ban Kỷ luật Trung ương hạ bệ vào ngày 19/4/2020, Phó Chính Hoa đã mất chức Bộ trưởng Tư pháp 10 ngày sau đó. Khi Tôn Lập Quân chính thức bị buộc tội vào tháng trước, Phó Chính Hoa đã lâm nạn chỉ 2 ngày sau đó. Mối liên hệ chặt chẽ này khiến mọi người suy đoán rằng 2 người đàn ông này có liên quan đến cùng một âm mưu.

Cả Tôn Lập Quân và Phó Chính Hoa đều thăng hoa sự nghiệp nhờ Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, và Chu Vĩnh Khang thì có được chức thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương nhờ Giang Trạch Dân. Ở Trung Quốc, cơ quan này kiểm soát Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao. Nó cũng chỉ huy lực lượng cảnh sát của đất nước và được coi là lực lượng vũ trang thứ hai bên cạnh quân đội. Chu Vĩnh Khang từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, cơ quan ra quyết định hàng đầu ở Trung Quốc.

Ký giả Ching nhận định, với việc Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã có một sự thừa nhận hiếm hoi sự tồn tại của một nỗ lực ám sát ông Tập, do đó những từ ngữ gay gắt được dùng khi buộc tội Tôn Lập Quân cũng có thể chính là một nỗ lực để loại bỏ ông Tập.

Một dấu hiệu khác cho thấy ông Tập có thể đang gặp rắc rối sâu sắc là khi Tạp chí uy tín Tài Tân (Caixin Media) đã đăng một bài viết trên Weibo vào ngày 2/10, công khai nói bóng nói gió về ông Tập. Bài đăng có hình ảnh năm cái đầu lợn được treo trước cửa hàng thịt, với chú thích nói rằng không ai muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với những kẻ ngốc. Trong tiếng Hán, con lợn thường được liên hệ với sự ngu ngốc. Người Trung Quốc đặt ra nhiều biệt danh xúc phạm cho ông Tập, một trong số đó là “Đầu lợn”.

Một thực tế phổ biến là tổng biên tập của tạp chí Tài Tân, Hồ Thư Lập (Hu Shuli), người có mối quan hệ mật thiết với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, ông Vương Kỳ Sơn đã hỗ trợ ông Tập hạ gục từng đối thủ chính trị lớn. Mỗi khi một quan chức bị nhắm đến, Tạp chí Tài Tân sẽ là hãng tin đầu tiên thông báo trước về sự kiện ngã ngựa này.

Bức ảnh mà Tạp chí Tài Tân công bố đã công khai chế giễu ông Tập. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng ông Vương Kỳ Sơn có thể là một nguồn khác chống lại ông Tập, sau phe Tăng Khánh Hồng – Giang Trạch Dân.

Hồ Thư Lập không phải là người thân đầu tiên của Vương Kỳ Sơn công khai chế nhạo ông Tập. Trước đó, ông Nhậm Chí Cường, cố vấn của ông Vương, đã châm biếm ông Tập Cận Bình là “lột trần quần áo rồi vẫn kiên trì làm vai hề hoàng đế”, mượn hình ảnh châm biếm này từ tác phẩm “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” của nhà văn Hans Andersen. Hành vi này đã khiến ông Nhậm đã bị kết án 18 năm tù vào tháng 9/2020. Nhiều người giải thích hình phạt khắc nghiệt này là do ông Vương Kỳ Sơn không có khả năng thách thức ông Tập Cận Bình để đảo ngược phán quyết. Liệu Hồ Thư Lập có bị trừng phạt tương tự vì công bố bức ảnh gây tranh cãi này hay không là một thử nghiệm khác đối với vị thế của ông Vương Kỳ Sơn trong chính quyền Tập Cận Bình.

Cuối bài bình luận, ký giả Ching khẳng định, tất cả những diễn biến này cho thấy nỗ lực của ông Tập để có được nhiệm kỳ không giới hạn trong vai trò lãnh đạo ĐCSTQ còn lâu mới hoàn tất.

Related posts