Ấn Độ sẽ cấm đồ nhựa dùng một lần vào năm tới để cắt giảm ô nhiễm

Ngọc Mai

Năm 2022, Ấn Độ sẽ cấm hầu hết đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, động thái này chỉ là bước đầu tiên để giảm thiểu tác động với môi trường, trang CNBC cho hay.

Lệnh cấm đối với hầu hết các loại nhựa dùng một lần của chính phủ Ấn Độ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Các nhà hoạt động môi trường nói với CNBC rằng, ngoài việc thực thi lệnh cấm hiệu quả, New Delhi cũng cần giải quyết các vấn đề quan trọng như các chính sách điều chỉnh việc sử dụng các chất thay thế nhựa, cải thiện tái chế và quản lý phân loại rác tốt hơn. 

Theo Liên Hợp Quốc, nhựa plastic rẻ, nhẹ và dễ sản xuất, do đó, trong thế kỷ trước, trên thế giới đã xuất hiện sự bùng nổ sản xuất loại chất liệu này và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới. 

Tuy nhiên, các quốc gia hiện đang gặp khó khăn trong việc quản lý lượng rác thải nhựa mà họ đã tạo ra. Theo ông Suneel Pandey thuộc Viện Năng lượng và Tài nguyên ở New Delhi, nhiều loại nhựa plastic đã sử dụng ở Ấn Độ có giá trị kinh tế thấp và không được thu gom để tái chế. Những loại nhựa này trở thành nguồn phổ biến gây ô nhiễm không khí và nước.

Nói chung, các nhà bảo vệ môi trường đồng ý rằng, lệnh cấm các sản phẩm nhựa một lần là chưa đủ và cần được hỗ trợ bởi các sáng kiến và các quy định ​​khác của chính phủ.

Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, ngoài việc cải thiện khả năng tái chế, chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp thay thế cho nhựa plastic. 

Ông Pandey giải thích rằng, Ấn Độ là một thị trường lớn, nhạy cảm về giá cả. Tại Ấn độ, các vật liệu thay thế nhựa plastic có thể được sản xuất với số lượng lớn và bán với giá cả phải chăng.

Trước đây, một số bang của Ấn Độ đã đưa ra nhiều hạn chế khác nhau đối với túi nhựa và dao dĩa dùng một lần, nhưng hầu hết các biện pháp đều không được thực thi nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lệnh cấm mới nhất là một bước tiến lớn đối với cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải, biển và không khí của Ấn Độ – và phù hợp với chương trình nghị sự về môi trường ở quy mô lớn hơn của nước này.

Related posts