Tin Việt Nam sáng thứ Sáu

Cựu thiếu tướng nhận hối lộ nói sức khỏe yếu, mong được khoan hồng

Huệ Liên

Ảnh tổng hợp.

Chiều 14/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép và không tố giác tội phạm xảy ra tại nhiều đơn vị cảnh sát biển, bộ đội biên phòng với phần tranh luận.

Trong vụ án, cựu đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, bị xét xử tội buôn lậu; cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng, thuộc Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, bị xét xử tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép.

11 bị cáo bị xét xử tội nhận hối lộ, trong đó có cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh, cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3.

Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (nhân viên cây xăng Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM do Nguyễn Văn An quản lý) bị xét xử về tội không tố giác tội phạm.

Được nói tại tòa, cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh nói bản thân vô cùng hối hận khi để xảy ra hành vi như bản luận tội của Viện kiểm sát Quân sự T.Ư đã nêu.

“Tôi là người Tư lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì đã xảy ra trong thời gian qua như bản luận tội nêu. Tôi chỉ mong HĐXX căn cứ vào tình tiết vụ án và quá trình công tác của bản thân, cũng như nhân thân gia đình để xem xét lại cho tôi về mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự một cách khách quan. Tôi năm nay cũng 62 tuổi rồi, sức khỏe có nhiều bệnh nền, thường xuyên ốm đau nên kính mong HĐXX xem xét cho tôi được hưởng những tình tiết khoan hồng”, cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh mong muốn.

Hơn 320 nhân viên y tế Đà Nẵng thôi việc

Thanhnien – Ngày 14/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân  TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Võ Ngọc Đồng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình trạng công chức ồ ạt xin nghỉ việc hiện nay.

Ông Đồng cho hay, tính từ tháng 1.2021 đến nay, số lượng công chức, viên chức trên địa bàn nghỉ việc nhiều. Theo ông Đồng, tình trạng công chức viên chức nghỉ việc năm nào cũng có, tuy nhiên, gần đây số lượng xin nghỉ việc nhiều hơn.

Thời gian qua, riêng ngành y tế có 322 người nghỉ việc. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có 22 công chức nghỉ việc.

Lý giải tình trạng viên chức, công chức nghỉ việc nhiều, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết nguyên nhân đầu tiên là do lương, thu nhập thấp.

ông Đồng nói: “Tính ra lương hiện tại của công chức chỉ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Nhiều người phải đi thuê nhà để ở, nhiều khi mất một nửa tiền lương, trong khi họ phải lo trang trải đời sống hàng ngày. Cuộc sống gia đình không đảm bảo nên họ phải tính công việc khác, nhiều công chức phải làm thêm mới đảm bảo nhu cầu cuộc sống”.

Ngoài ra, theo ông Đồng, áp lực công việc và lo sợ rủi ro trong thực thi công vụ cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công chức xin nghỉ việc.

Lọt đề thi môn Toán tốt nghiệp THPT 2022 xảy ra ở Đà Nẵng

Thuỳ Dung

Lọt đề thi môn Toán tốt nghiệp THPT 2022 xảy ra ở Đà Nẵng
Hình ảnh đề thi trên ứng dụng (trái) được nam sinh chụp lại và đăng tải lên mạng được cho là “khá giống” với đề thi Toán trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay.

Bộ GD-ĐT thông tin về kết quả xác minh nghi vấn lộ đề, lọt đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ Bộ Công an.

Ngày 14/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết đã nhận được kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ Bộ Công an.

Lộ đề thi môn Toán xảy ra ở TP. Đà Nẵng

Về nghi vấn lộ đề thi môn Toán, theo kết quả xác minh: hành vi tiết lộ đề thi môn Toán trong thời gian thi là của một thí sinh tại Hội đồng thi TP. Đà Nẵng. Trong lúc làm bài thi môn Toán, thí sinh này đã sử dụng điện thoại chụp ảnh câu hỏi đề thi, đăng lên mạng (nhờ giải hộ), đã vi phạm quy chế thi.

Bộ GD-ĐT cho hay, nhà chức trách của Bộ Công an đang phối hợp với các bên liên quan làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vụ việc này không ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Nghi vấn lộ đề thi môn Ngữ văn

Theo kết quả xác minh: “hoàn toàn không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn”.

Việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức của 3 sinh viên (thuộc một trường đại học tại TP. HCM) là quản trị mạng “Kaito Kid” dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc này đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận là đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Theo cơ quan xác minh, hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nhà chức trách của Bộ Công an đang phối hợp với nhà trường và địa phương để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Thanh Hóa: Khởi tố vụ án gộp mẫu xét nghiệm COVID-19 để trục lợi

Cơ quan công an đã xác định được số mẫu mà Công ty Hợp Lực thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) là 11.089 mẫu. (Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn)

Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác định được số mẫu mà Công ty Hợp Lực thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn là 11.089 mẫu.

Báo chí nhà nước ngày 14/7 cho biết công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn.

Theo điều tra của cơ quan công an, ông Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn, đã tổ chức thu tiền, lấy mẫu PCR xét nghiệm COVID-19 từ ngày 15/8/2021 – 16/10/2021 theo hình thức xét nghiệm mẫu đơn và mẫu đôi.

Địa điểm lấy mẫu xét nghiệm tại nhà hàng Hoan Huệ, khách sạn Anh Phát, khách sạn Thanh Còi, khách sạn Cao Nguyễn và các trạm y tế.

Đối tượng lấy mẫu là những người vào hoặc đi qua tỉnh Thanh Hóa, chủ yếu là lái xe đường dài.

Sau khi lấy mẫu, ông Nguyễn Văn Thiệp thỏa thuận với Công ty Cổ phần Nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực để thực hiện xét nghiệm theo mẫu gộp 5 mẫu, để trục lợi.

Đến nay, cơ quan công an đã xác định được số mẫu mà Công ty Cổ phần Nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của ông Thiệp là 11.089 mẫu.

Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh và công an cấp huyện ở Thanh Hóa đã trực tiếp xác minh, liên hệ được với 1.034 người (tương đương 1.557 mẫu). Hiện còn 9.532 mẫu chủ yếu là những lái xe đường dài, ngụ tại nhiều địa phương trên cả nước chưa liên hệ, làm việc được.

Hiện số tiền trục lợi, việc đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can hay chưa, công an tỉnh Thanh Hóa chưa cung cấp thông tin cụ thể.

Các ngân hàng Việt Nam mua đồng EURO thấp hơn USD hôm 14/7

Các ngân hàng trong nước có xu hướng điều chỉnh tỷ giá EURO thấp hơn đồng USD hôm 14/7. (Ảnh minh họa: daklak.gov.vn)

Tại Việt Nam, một số ngân hàng có xu hướng mua vào đồng EURO thấp hơn so với đồng USD hôm 14/7. Động thái này theo sau diễn biến đồng EURO sau gần 20 năm mới quy đổi tỷ lệ khoảng 1:1 so với đồng USD.

Theo ghi nhận trên website của một số ngân hàng tại Việt Nam, tỷ giá mua vào – bán ra của đồng EURO so với đồng USD có chiều hướng giảm hôm 14/7. Cụ thể, ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua đồng EUR 22.819 đồng – bán ra 23.050 đồng, giá mua đồng USD 23.235 – bán ra 23.265 đồng. Chênh lệch giữa hai loại ngoại tệ này là 416 đồng – 215 đồng (mua – bán).

Như vậy, tại Vietcombank cả hai chiều mua bán thì đồng EURO đều thấp hơn đồng USD.

Còn tại ngân hàng Vietinbank, tỷ giá mua – bán EURO và USD lần lượt là 22.613 – 23.903 và 23.200 – 23.640 (đồng). Ở chiều mua vào thì tỷ giá USD cao hơn EUR (587 đồng) nhưng chiều ngược lại, Vietinbank bán ra EUR với giá cao hơn 263 đồng.

Đối với ngân hàng xuất nhập khẩu (EXIM bank), tỷ giá USD 2 chiều được niêm yết là 23.320 – 23.520 (mua – bán), còn tỷ giá EUR là 23.247 – 23.688. Tương tự ngân hàng Vietinbank, EXIM bank cũng niêm yết giá mua vào đồng USD cao hơn nhưng giá bán ra lại thấp hơn đồng EURO.

Tại ACB, giá mua đồng USD và EURO lần lượt là 23.320 và 23.276 đồng, chiều bán lần lượt là 23.720 và 23.752 đồng.

Động thái trên của các ngân hàng trong nước theo sau diễn biến của 2 loại tiền tệ này trên thị trường tài chính quốc tế. Theo đó, đồng Euro đã mất giá mạnh kể từ đầu tháng 2/2022, thời điểm đó mỗi Euro tương đương 1,13 USD. Đà giảm giá mạnh hơn bắt nguồn từ việc lo ngại Nga sẽ cắt giảm hoàn toàn khí đốt để đáp trả hoặc các lệnh trừng phạt mới liên quan đến cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực.

Đến nay, có 12 quốc gia của EU đã cắt một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga.

Chiều hôm 12/7, một đồng Euro đã ngang giá với một USD, lần đầu tiên sau 20 năm hai loại tiền tệ này được đổi tỷ lệ khoảng 1:1. Sự thay đổi này có nghĩa là các công ty và người tiêu dùng châu Âu sẽ trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ mà họ nhập khẩu, trong khi xuất khẩu của châu Âu trở nên rẻ hơn ngay lập tức trên thị trường quốc tế.

Giới đầu tư đang tính toán liệu EUR có giảm xuống dưới đồng USD hay không, lần cuối cùng điều này xảy ra là vào tháng 11/2022, khi đó 1 EURO trị giá 0,99 USD.

Tuy vậy, từ thời điểm đó, đồng Euro đã có một sự gia tăng ổn định, đạt gần 1,6 USD vào mùa hè năm 2008, khi cuộc Đại suy thoái đã tàn phá tài chính trên khắp nước Mỹ.

Nguồn cung cấp từ đường ống Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động vào đầu tuần này để bảo trì theo kế hoạch trong 10 ngày. Không rõ liệu Điện Kremlin có ra lệnh đình chỉ để kéo dài quá thời hạn đó và trở nên vô thời hạn hay không.

“Hãy chuẩn bị cho việc cắt giảm hoàn toàn khí đốt của Nga. Đây hiện là lựa chọn khả thi nhất” Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, cho biết.

Đức Minh

Related posts