Phụng Minh
Vương Đan, một chuyên gia các vấn đề thời sự của đài RFA đã có bài bình luận về nước cờ của ông Tập Cận Bình gần đây vô tình đã giúp Đài Loan trỗi dậy và khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông.
Cách đây không lâu, ĐCSTQ đã tổ chức buổi kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Trong bài phát biểu tại cuộc họp, thế giới bên ngoài đã cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục tăng cường mối đe dọa quân sự đã làm đối với Đài Loan trong 6 tháng vừa qua và đưa ra những thảo luận mới cứng rắn hơn về vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, điều khiến thế giới bên ngoài ngạc nhiên là bài phát biểu của ông Tập Cận Bình không chỉ sáo rỗng và thiếu cảm hứng, mà còn nêu bật giọng điệu chủ đạo là “thống nhất một cách hòa bình” và không đề cập đến đề xuất nhất quán là duy trì quyền sử dụng vũ lực. Trái ngược với giọng điệu mạnh mẽ của ông tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày ĐCSTQ lên nắm quyền, lập trường của ông rõ ràng đã mềm đi. Trước khi “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20” sắp diễn ra, việc ông Tập Cận Bình từ bỏ việc kích động chủ nghĩa dân tộc chỉ có thể chứng minh một điều, đó là ông đã nhận ra rằng lập trường cứng rắn mà ông đề cao trong quá khứ là một ván cờ sai lầm.
Cảnh ông Tập Cận Bình cho máy bay quân sự đi vòng quanh Đài Loan lên đến đỉnh điểm vào dịp kỷ niệm 1/10. Hơn 100 máy bay quân sự đã được điều động trong vài ngày. Ý đồ của ĐCSTQ rất rõ ràng, đó là đe dọa người dân Đài Loan, hy vọng sẽ lay chuyển dư luận Đài Loan trên cơ sở đe dọa, nhưng kết quả thu được lại hoàn toàn ngược lại.
Kết quả của sự uy hiếp lâu dài như vậy là người dân Đài Loan đã trở nên quen dần và hoàn toàn không băn khoăn nhiều về việc mấy chiếc máy bay quân sự đi vòng quanh Đài Loan, họ cũng không hoảng sợ vì những lời đe dọa vũ lực đó mà ngược lại, chúng đã khơi dậy sự ác cảm của xã hội Đài Loan đối với Trung Quốc. Trước đây, dư luận Đài Loan có phản ứng dữ dội nhất định đối với việc gia tăng mua sắm quân sự thì nay, khi đảng Dân Tiến tiếp tục tăng chi tiêu quân sự và tăng cường mua sắm quân sự, dư luận đã không còn lý do gì để phản đối điều đó. Đây là sự sai lầm đầu tiên trong tính toán của ông Tập.
Sự đe dọa vũ lực của ĐCSTQ cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị nội bộ của Đài Loan. Bất kỳ xã hội nào cũng sẽ trở nên gắn kết nhất khi đứng trước kẻ thù xâm lược, và Đài Loan không phải là ngoại lệ. Đối mặt với mối đe dọa vũ lực từ bờ bên kia, Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan đã sử dụng thành công cơ hội này để đưa ra lời kêu gọi đoàn kết “đồng đảo nhất mạng”, nghĩa là mọi người dân trên hòn đảo có cùng một sinh mạng, khiến Quốc Dân đảng đối lập vốn thân Bắc Kinh, vừa thay đổi chủ tịch đã hoàn toàn không có khả năng phản công. Dưới những mối đe dọa như vậy từ kẻ thù nước ngoài, bất kỳ cuộc tấn công và chỉ trích nào đối với đảng cầm quyền có thể bị công chúng coi là hành động cấu kết với kẻ thù, và mất điểm về mặt chính trị.
Đảng Dân Tiến vốn đang trải qua thử thách của đại dịch. Kết quả của việc Tập Cận Bình tăng cường đe dọa vũ lực đã giúp Đảng Dân Tiến thoát khỏi tình trạng khó khăn, khiến Quốc dân đảng chân tay luống cuống. Ngay cả cái miệng nổi tiếng của đảng Xanh Lam cũng than thở: “Không có hy vọng gì cho Quốc Dân Đảng giành chiến thắng vào năm 2024”. Đây là nước đi thứ hai mà ông Tập Cận Bình đã tính toán sai lầm.
Tình hình trên eo biển Đài Loan ngày càng xấu đi cũng khiến cộng đồng quốc tế lo lắng thêm. Mặc dù Trung Quốc luôn cho rằng vấn đề xuyên eo biển là chuyện nội bộ, nhưng môi trường quốc tế đã thay đổi, tình hình ở eo biển Đài Loan không chỉ đe dọa lợi ích truyền thống của Mỹ mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cộng đồng quốc tế không thể khoanh tay đứng nhìn. Nếu không có cảm giác khủng hoảng, các nước có thể vẫn giữ tâm lý “thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện” để tránh kích động ĐCSTQ; nhưng bây giờ ĐCSTQ đã phát ra tín hiệu sử dụng vũ lực đối với Đài Loan. Để tránh xung đột quân sự thực sự, cộng đồng quốc tế lúc này thấy cần tăng cường răn đe ý đồ của ĐCSTQ.
Hiện nay đối với ĐCSTQ, áp lực từ cộng đồng quốc tế là nghiêm trọng chưa từng có. Giấc mơ của Đài Loan về “quốc tế hóa vấn đề eo biển Đài Loan”, vốn luôn khó đạt được, nay đã trở nên rất rõ ràng; theo đó, tầm nhìn của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế cũng đã được cải thiện đáng kể. Đây đều là những yếu tố cực kỳ thuận lợi cho Đài Loan, và những gì ĐCSTQ đã làm sẽ thúc đẩy một cách khách quan sự phát triển của các sự kiện bất lợi cho ĐCSTQ. Đây là nước đi thứ ba mà ông Tập Cận Bình đã tính toán sai lầm.
Nói chung, Tập Cận Bình đã mắc một sai lầm lớn trong chính sách Đài Loan của mình, đó là: Nếu ông hiện không có sức mạnh để thực sự sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, vậy thì đừng cao giọng đưa ra những lời đe dọa. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và xã hội hiện nay của Trung Quốc chưa có điều kiện để phát động chiến tranh. Bất kể thực tế ra sao, cách tiếp cận hấp tấp của ông Tập Cận Bình đã đặt mình vào tình thế xấu hổ, đồng thời cũng giúp Đảng Dân Tiến ổn định một cách khách quan quyền lực cầm quyền của mình.
Các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ thường ca ngợi ông Tập Cận Bình đang chơi một “ván cờ lớn”, nhưng ván cờ về vấn đề Đài Loan này rõ ràng ông đã đi những “nước cờ dở”, giờ đây ông Tập Cận Bình đã không thể đi tiếp, mà sẽ phải rút lui, đó là điều hợp lý.