Tại sao Trung Quốc muốn thành lập ngân hàng ở Nigeria?

Triệu Hằng

Trong buổi lễ đón Tết Trung thu năm 2021 ở thủ đô Abuja của Nigeria, Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria, Cui Jianchun thông báo rằng ông đang đàm phán với một số ngân hàng lớn của Trung Quốc để thiết lập lại hoạt động tại Nigeria. Đề xuất mới về các liên kết tài chính nhằm củng cố sâu sắc hơn quan hệ Trung Quốc – Nigeria. 

Vào năm 2018, Nigeria và Trung Quốc ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ ban đầu có thời hạn 3 năm, trong đó Nigeria chuyển một phần dự trữ ngoại hối của mình sang Trung Quốc. Quy mô của thỏa thuận hoán đổi được đặt ở mức 15 tỷ nhân dân tệ. 

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là sự khởi đầu của sự thay đổi trong quan hệ giữa Nigeria và Trung Quốc, và trên thực tế là sự thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc và lục địa châu Phi nói chung, nơi các giao dịch tài chính từ lâu tập trung vào các khoản vay cho cơ sở hạ tầng và thương mại. Năm 2020, Zimbabwe trở thành quốc gia châu Phi thứ tư sau Nam Phi, Nigeria và Ghana ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc. 

Kể từ đầu những năm 2000, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã tăng hơn 2.000 phần trăm, đạt 200 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2019. Trung Quốc đã công bố quỹ phát triển cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường châu Phi trị giá 1 tỷ đô-la Mỹ để giúp xây dựng đường xá và cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ thương mại trên lục địa này. 

Tính đến năm 2017, đã có hơn 10.000 công ty do Trung Quốc làm chủ hoạt động trên khắp lục địa. Các doanh nghiệp Trung Quốc này được định giá hơn 2 nghìn tỷ USD.

​​Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi là một chiến lược. Trong khi cung cấp các khoản vay và đầu tư cho các nước châu Phi theo chính sách không can thiệp, có nghĩa là các khoản đầu tư này không có ràng buộc, nó có thể phát triển các đồng minh mới.

Nigeria là nước giàu mạnh nhất trong số các quốc gia châu Phi. Do đó, đề xuất mới của Trung Quốc tạo cơ hội cho Trung Quốc hội nhập sâu hơn với hệ thống tài chính của châu lục. Đối với Nigeria, đó cũng là một cơ hội để dẫn đầu, có lẽ là một trung tâm tài chính cho lục địa – giống như một London thời tiền Brexit. Đối với Trung Quốc, việc thành lập các ngân hàng ở Nigeria và sau đó là ở lục địa này nhằm giúp đạt được mục tiêu trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Arthur Dong, giáo sư Đại học Georgetown, nói với báo The Diplomat: “Đây là một phần trong chiến lược được xây dựng cẩn thận của Trung Quốc nhằm mở rộng việc chấp nhận đồng nhân dân tệ như một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trung Quốc chọn Nigeria vì một lý do cụ thể. Đó là dầu. Nigeria là một quốc gia thành viên OPEC ghi nhận doanh thu bán dầu mỏ bằng đô-la. Động thái này nhằm thuyết phục Nigeria chấp nhận thanh toán cho dầu của họ bằng đồng nhân dân tệ”.

Sau cam kết đầu tư 40 tỷ đô-la của Trung Quốc vào Nigeria, chính phủ Nigeria đã điều chỉnh mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan và ra lệnh cho phái đoàn thương mại của Đài Loan ra khỏi thủ đô Abuja của Nigeria. 

Tại Liên Hợp Quốc, 25 quốc gia châu Phi đã ủng hộ Bắc Kinh trong một cuộc bỏ phiếu gần đây về luật an ninh quốc gia Hồng Kông.

Related posts