Trân Văn
14-10-2021
Tuy hoạt động… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng đã chấm dứt nhưng chi phí cho xét nghiệm COVID-19 vẫn còn là gánh rất nặng đối với doanh giới nói riêng và dân chúng nói chung nếu họ có nhu cầu di chuyển liên tỉnh. Thêm một lần nữa, một số cá nhân hữu trách vừa lập lại đề nghị, ít nhất là chính phủ nên đứng ra gánh chịu chi phí ngăn ngừa dịch bệnh (xét nghiệm COVID-19, vaccine) cho doanh giới (1).
Chưa biết chính phủ Việt Nam quyết định thế nào, có đáp ứng hay không nhưng quan sát diễn biến liên quan đến nỗ lực thiết lập trạng thái bình thường mới tại Việt Nam theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì dường như những khuất tất liên quan đến tình trạng sử dụng chủ trương… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để làm giàu trong thảm họa đã được… tém dẹp xong.
***
Sau một thời gian dài cảnh báo, khuyến cáo, thậm chí rất nhiều giới cùng lên tiếng chỉ trích kịch liệt chủ trương… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng nhưng không đến đâu, hồi hạ tuần tháng trước, thiên hạ vừa sửng sốt, vừa phẫn nộ khi đại diện cho doanh giới Việt Nam đề nghị Thủ tướng Việt Nam xem lại chuyện nhập cảng – cấp giấy phép sử dụng bộ xét nghiệm COVID-19 (COVID-19 test kit).
Giá bán phổ biến của các bộ COVID-19 test kit ở bên ngoài Việt Nam chỉ khỏang ¼ giá mà doanh giới Việt Nam phải trả cho các doanh nghiệp nhập cảng COVID-19 để… phòng – chống dịch tại Việt Nam (2).
Trước thắc mắc của công chúng, đại diện Bộ Y tế bảo rằng, bộ này chỉ xem xét, cho phép sử dụng loại COVID-19 test kit nào đó được doanh nghiệp nào đó nhập vào Việt Nam chứ không kiểm soát giá COVID-19 test kit. Vì… chưa có qui định, giá mua bán COVID-19 test kit do doanh nghiệp nhập cảng tự thỏa thuận với những cơ quan công quyền, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu (3)…
Tuy chưa có thống kê song ai cũng có thể hình dung, số tiền mà các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như dân chúng đã chi cho những bộ COVID-19 test kit sẽ không dưới vài chục ngàn tỉ và khoản này chỉ để thực thi chủ trương… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, dù thực tế cho thấy không hiệu quả, lãng phí, chưa kể có thể phát sinh thêm lây nhiễm, đặc biệt là khiến oán thán dậy lên như bão!
Khoản chênh lệch giữa mua và bán COVID-19 test kit đã vào túi những ai? Nguồn lợi khổng lồ này có liên quan gì đến chủ trương… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, thậm chí bất chấp can gián còn thúc ép phải… thần tốc hơn nữa… hay không?
***
Vào thời điểm dân chúng đang xôn xao trước những dấu hiệu một số cá nhân, nhóm đã sử dụng chủ trương… xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để làm giàu trong thảm họa, một số facebooker đã công bố hai trang của Công văn 7263/BYT-KH-TC mà Bộ Y tế gửi một Phó Thủ tướng tên là Lê Minh Khái… xin ý kiến về phương án lực chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV–2…
Bản chụp Công văn ký ngày 1/9/2021 này có đề cập đến chuyện… Vingroup không phải là nhà thầu, không có kinh nghiệm trong bán sinh phẩm xét nghiệm… nhưng… Bộ Y tế đề xuất áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt qui định tại Điều 26 Luật Đấu thầu… và biện giải… hình thức mua sắm này tương tự như hình thức chính phủ đã áp dụng để mua vaccine AstraZeneca của Công ty VNVC và như mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng…
Trong bản chụp công văn vừa kể, Bộ Y tế cho biết muốn… ký thỏa thuận khung với Vingroup để mua 10 triệu bộ test Realtime RT-PCR, 15 triệu bộ test nhanh kháng nguyên do Úc và Nam Hàn sản xuất, trị giá 84.120.000 Mỹ kim, tương đương 1,92 tỉ đồng…
Những facebooker công bố bản chụp Công văn 7263/BYT-KH-TC đã đính kèm một số câu hỏi: Tại sao Vingroup mua sẵn mấy chục triệu bộ test rồi giờ bắt Bộ Y tế mua lại? Trong văn bản này, Bộ Y tế còn đề xuất mua hơn 105 triệu test kit kháng nguyên. Mua của Vingroup mới 25 triệu bộ test mà ngốn gần 2.000 tỉ. 105 triệu bộ test kia không biết mua của ai và giá cả ra sao?
Giá test nhanh bán trong siêu thị ở Đức chỉ có 0,95€, mua với số lượng hàng triệu thì còn rẻ nữa – tầm 17.000. Bộ Y có văn bản xác định thanh toán tại bệnh viện là 238.000. Có bệnh viện tính 300.000, thậm chí có nơi 400.000. Trên thị trường có rất nhiều loại test kit. Nhưng mấu chốt là phải do nhà nước đứng ra test và xác nhận. Ta có thể hình dung, tất cả các loại test kit này gom về một đầu mối...
Rõ ràng là họ dùng test như chơi một canh xì phé. Con át chủ bài là do nhà nước quyết định, cấp giấy mới cho ra đường, nhằm đánh vào nhu cầu đi lại làm việc, kiếm ăn một cách chính đáng của toàn thể người dân… Ai có lợi không biết, chỉ biết dân suốt ngày bị đè ra chọt chọt dù nhiều chuyên gia đã lên án việc chọt là không hiệu quả, lãng phí, là nguyên nhân của dịch lây lan nhưng dừng sao đặng?
Chọt để mà ra nhà lầu, chọt để mà ra xe hơi, chọt để ra quốc tịch Cyprus thì sao mà không chọt chớ? Chọt cho ngân khố sạch không đầm núi, chọt cho tới người Việt cuối cùng mới thôi (4)…
***
Cần lưu ý bản chụp Công văn 7263/BYT-KH-TC được người sử dụng mạng xã hội chuyền cho nhau xem với nội dung như đã đề cập chỉ có 2/5 trang nên không thể xác định thực hư. Tìm kiếm công văn này trên các website chuyên lưu trữ – giới thiệu văn bản của hệ thống chính trị, hế thống công quyền Việt Nam, có thể tìm thấy nhiều công văn khác của Bộ Y tế nhưng không có công văn này…
Trong khi Bộ Y tế im lặng thì ngày 2/10/2021, đột nhiên tờ Thanh Niên giới thiệu một cuộc phỏng vấn mà ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup dành cho phóng viên tờ báo này…
Qua cuộc phỏng vấn đó, ông Quang khẳng định, Vingroup không trục lợi trong việc được Bộ Y tế chọn làm nhà thầu cung cấp COVID-19 test kit. Theo ông Quang, vì dịch bệnh leo thang, nhu cầu khẩn cấp nên Bộ Y tế đã vận động các doanh nghiệp tự ứng kinh phí ra nhập khẩu các bộ test về rồi chuyển giao lại cho bộ với giá phi lợi nhuận. Bộ Y tế sẽ làm các thủ tục mua sắm đấu thầu để tiết kiệm thời gian.
Cũng theo ông Quang, Vingroup chỉ mới nhập về 15 triệu bộ và đang chào bán cho các địa phương, đơn vị trong nước theo đúng quy định về đấu thầu. Dù ký hợp đồng trực tiếp với Hãng SD Biosensor của Hàn Quốc, không qua bất cứ trung gian nào để nhập về với giá 61.000 đồng/bộ nhưng để hỗ trợ các địa phương, Vingroup quyết định tài trợ một phần chi phí để bán test kit giá 44.000 đồng/bộ.
Ông Quang nhấn mạnh, Vingroup không lấy đồng lãi nào và rất phẫn nộ trước những quy chụp Vingroup trục lợi. Đó là những quy chụp hồ đồ thiếu lương tâm với tâm huyết chống dịch từ trước đến nay của Vingroup cũng như của các doanh nghiệp khác (5).
***
Trung tuần tháng trước – khoảng nửa tháng trước khi công chúng xôn xao về giá mua, giá bán COVID-19 test kit – khi cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận để định hướng cho hoạt động kiểm toán của năm tới, ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội từng yêu cầu phải lưu tâm tới… việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và… phải chú ý cả tổ chức xét nghiệm (6).
Sau khi dư luận về COVID-19 test kit dậy lên thành bão, Bộ Y tế đã soạn văn bản gửi Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị gia tăng kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Đồng thời giao Thanh tra thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVID-19. Rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân… theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm… Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang Công an để xử lý theo quy định (7).
Đề nghị của Bộ Y tế có vẻ nghiêm túc nhưng chỉ như thế giống như mới xem… “khói”, bỏ qua, không xét tới… “lửa”. Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm sao có thể xem xét tổng thể tương quan giữa chủ trương… xét nghiệm thần tốc, thần tốc hơn nữa với hiệu quả thực tế là đúng hay sai? Nếu có lạm dụng, lãng phí khi huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 vào… xét nghiệm thần tốc, thần tốc hơn nữa thì kiến nghị xử lý những ai, xử lý thế nào?
Chú thích