Phật giáo đã trải qua bốn lần Pháp nạn, nhưng luận đến phạm vi, mức độ, thủ đoạn và thời gian đều kém xa cuộc đàn áp và tiêu diệt Phật giáo sau khi ĐCSTQ giành chính quyền. Những thủ đoạn diệt Phật của ĐCSTQ rất quỷ quyệt và không ngừng biến hóa theo thời đại, lúc thì độc ác tàn nhẫn, lúc thì gian trá xảo quyệt. Và mục tiêu cuối cùng của nó là: tiêu diệt mọi tôn giáo trên trái đất, tiêu diệt niềm tin của con người vào Thần Phật.
Tam Vũ Nhất Tông so với ĐCSTQ: Ai tàn khốc hơn?
Tại Trung Hoa, Phật giáo đã trải qua bốn lần Pháp nạn, nhưng không có đại nạn nào kinh hoàng bằng thủ đoạn tiêu diệt Phật giáo của ĐCSTQ.
Bốn lần Pháp nạn trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc là do 3 vị hoàng đế tên “Vũ” và một vị hoàng đế tên “Tông” khởi xướng, nên gọi là Tam Vũ Nhất Tông. Nguyên nhân khiến 4 vị hoàng đế này đàn áp Phật giáo chủ yếu là vì cần kinh phí và quân đội để chiến đấu. Phật giáo lúc bấy giờ rất hưng thịnh, các tu viện đều có nhiều tăng nhân, hoàng đế vì chuyện binh biến nên tịch thu các tượng Phật, chuông, khánh và tất cả pháp khí của chùa, bắt các tăng nhân phải hoàn tục nhập ngũ. Đây được coi là kế nhất cử lưỡng tiện. Thái vũ đế nhà Bắc Ngụy và Vũ tông nhà Đường hạ chiếu diệt Phật còn là vì tín phụng Đạo giáo và nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu.
Trong số bốn Pháp nạn này, thảm họa ngắn nhất kéo dài 8 tháng, dài nhất không quá 6 năm. Kể từ khi đoạt được chính quyền, ĐCSTQ đã liên tiếp đàn áp tôn giáo và tín ngưỡng. Luận đến phạm vi, mức độ, thủ đoạn và thời gian đều là đứng nhất thiên hạ, khiến cho Phật giáo Trung Quốc chỉ còn lại lớp da, danh nghĩa là còn tồn tại nhưng bản chất đã méo mó cả rồi.
Các thủ đoạn diệt Phật của ĐCSTQ rất quỷ quyệt và luôn thay đổi theo thời thế, lúc thì tàn nhẫn độc ác, lúc thì xảo trá, gian ác. Chỉ khi hiểu được bản chất của ĐCSTQ và mưu đồ thực sự của nó đối với tôn giáo, chúng ta mới có thể không bị lừa dối bởi những thủ đoạn xấu xa đó.
Chính sách tôn giáo bất biến của ĐCSTQ: Cuối cùng là tiêu diệt mọi tôn giáo
ĐCSTQ tự xưng là một Đảng vô thần, nhưng trong Tuyên ngôn Cộng sản lại cho thấy rõ ràng rằng ĐCSTQ thực sự là một tổ chức tà giáo tôn sùng những bóng ma của phương Tây, về bản chất là thù hận tất các tín ngưỡng tôn giáo. Theo nguồn tin cho biết, Diệp Tiểu Văn khi là Cục trưởng Cục Quản lý về các vấn đề tôn giáo đã đề cập đến chính sách tôn giáo của ĐCSTQ trong một bài phát biểu nội bộ vào tháng 8 và tháng 9/1999, tuyên bố rằng nhiệm vụ này còn quan trọng và khó khăn hơn mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ là xóa bỏ niềm tin của mọi người vào Thần Phật.
Để đạt được mục đích tiêu diệt Phật giáo, ĐCSTQ thừa hiểu rằng chỉ dựa vào cách cũ như phá huỷ chùa chiền, đốt kinh sách và bắt các tăng nhân hoàn tục là chưa đủ, nên đã dùng thêm những thủ đoạn tà ác do bóng ma phương Tây truyền thụ lại. Lê-nin đã từng nói rằng “cách dễ dàng phá huỷ một pháo đài là huỷ hoại từ bên trong”. Là hậu duệ của chủ nghĩa Mác – Lê, ĐCSTQ nghiễm nhiên coi đó là tiêu chuẩn dùng để đối phó với Quốc dân đảng, trục xuất chính phủ hợp pháp, chiếm đóng Trung Quốc đại lục, v.v. Thủ đoạn này quả thực hễ dùng là linh nghiệm, mười phần trúng cả mười.
Nếu áp dụng thủ đoạn này, Phật giáo căn bản “lực bất tòng tâm”, chuyện sụp đổ từ bên trong cũng chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng ĐCSTQ không đơn giản chỉ dừng lại ở việc tiêu diệt Phật giáo. Như vậy thì đã đánh giá quá thấp mức độ tà ác của nó. ĐCSTQ đã giữ lại hình thức bề ngoài của Phật giáo, nhưng phá hủy nội hàm và tinh tuý thực sự bên trong, và thay thế bằng văn hoá đảng, khiến cho Phật giáo hiện đại giống như một lớp da sơn bị ĐCSTQ lợi dụng để mê hoặc thế nhân.
Thời kỳ đầu thống trị: Người không khuất phục bị trừng trị nghiêm khắc, làm tan rã từ bên trong
Linh mục người Bỉ Raymond J. de Jaegher đến Trung Quốc để truyền đạo vào khoảng năm 1930 và rời đi năm 1949. Trong hồi ký sau này, ông đã ghi chép lại những trải nghiệm mà ông tận mắt chứng kiến: “Tôi thấy ĐCSTQ đi đến đâu, nếu không phải là tịch thu tài sản của Phật giáo thì cũng là sát hại các nhà sư, hoặc trục xuất họ khỏi chùa và biến họ thành những kẻ ăn xin, khiến người dân mất đi chỗ dựa tinh thần hàng trăm hàng ngàn năm nay của họ”.
Sau khi cướp được chính quyền, ĐCSTQ hành ác không ngơi tay, tiếp tục phá huỷ chùa chiền và đốt kinh sách, tịch thu tài sản của chùa, bắt các tăng ni tham gia lao động và học tập tư tưởng Mác-Lênin, thậm chí còn buộc họ hoàn tục và kết hôn. Ví dụ trước ngày Phụ nữ 8-3 năm 1951, Hội Liên hiệp Phụ nữ Trường Sa tỉnh Hà Nam đã ra lệnh những nữ Phật tử trong tỉnh phải “quyết định kết hôn” trong vài ngày tới. Còn các nam Phật tử không phục tùng mệnh lệnh của ĐCSTQ sẽ bị đưa ra mặt trận làm bia đỡ đạn trong Chiến tranh Triều Tiên.
Từ cuối đời nhà Thanh, Hư Vân hòa thượng đã là một bậc cao tăng đắc đạo, và được mọi người hết sức kính trọng, trong đó có cả Từ Hi Thái hậu, Tôn Trung Sơn và Tưởng Trung Chính. Tuy nhiên, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, lão hòa thượng đức cao vọng trọng, không tranh với đời này bị coi là “phần tử phản cách mạng” trong vận động Trấn Phản năm 1951. Lực lượng quân cảnh đã xông vào chùa và đánh đập tàn bạo ông khi ông đã 112 tuổi. Ông bị đánh vỡ đầu, gãy xương sườn, máu chảy lênh láng. Ngày hôm sau, khi thấy ông vẫn chưa chết, họ tiếp tục đánh đập, rồi nhốt ông vào phòng của sư trụ trì, không cho ông ăn uống, để ông tự sinh tự diệt. Ngoài ra, 26 nhà sư trong chùa đã bị bắt giam trong huyện thành. Hòa thượng Hư Vân ngồi thiền bất động, 8 ngày sau mới xuất định, nhưng lúc đó mọi trước tác của cả cuộc đời ông đã bị phá hủy hoàn toàn.
Để minh oan cho Hư Vân, Phật Nguyên hòa thượng đã bôn ba khắp nơi để chuyển tin tức đến các lãnh đạo của ĐCSTQ, sau đó Bắc Kinh ra lệnh thả người, thì giông bão mới tạm thời lắng xuống. Nhưng đến năm 1958, Hư Vân hòa thượng 119 tuổi, lại bị chụp mũ là “phần tử cánh hữu” và bị nhốt trong chuồng bò. Cuối cùng vì sức cùng lực kiệt, ông đã qua đời. Hòa thượng Phật Nguyên ban đầu đôn đáo khắp nơi để cứu ông cũng bị liên lụy và bị giam ba năm. Một nhà sư khác tên là Định Trì, vì muốn minh oan cho nhà sư Hư Vân cũng bị gán cho tội danh cánh hữu và bị bỏ tù năm lần. Đến Cách mạng Văn hóa, Định Trì hoà thượng bị đưa ra đấu tố và áp giải lên vùng núi để nhặt phân.
ĐCSTQ một mặt đàn áp tàn bạo các nhà sư giữ giới tu hành, mặt khác lại hô hào thành lập các tổ chức Phật giáo. Năm 1952, ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị về việc thành lập Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, với sự tham gia của Trưởng ban Công tác Mặt trận Thống nhất.
Những vấn đề như tôn chỉ, nhiệm vụ và cơ cấu, v.v của Hiệp hội đã được thảo luận tại cuộc họp. Khi đó có ‘giáo đồ’ đã đề xuất: “tự do tôn giáo, sư lấy vợ, ni gả chồng, uống rượu ăn thịt, đều là chính đáng, không ai được phép quản”, “bãi bỏ thanh quy giới luật”, v.v. Lý do đưa ra là những quy định này đã “hại chết nhiều nam nữ thanh niên”. Mặc dù những đề xuất hết sức hoang đường ấy đã bị hoãn lại vì sự phản đối từ đại sư Hư Vân, nhưng khó có thể ngăn chặn được ma chướng muốn phá hoại việc tu hành của các tăng ni. Kết quả là nó đã ngấm ngầm tiếp tục xâm nhập và tha hoá các đệ tử Phật giáo.
“Thư khởi xướng của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc” được phát hành sau cuộc họp nêu rõ rằng, hiệp hội được thành lập phải “dưới sự lãnh đạo của chính quyền nhân dân, tích cực tham gia sản xuất và kiến thiết, quán triệt các chính sách của chính phủ”. Nói cách khác, mặc dù Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc được thành lập vào năm 1953 với tên gọi “Phật giáo”, nhưng về bản chất, nó là một tổ chức chính trị thế tục dưới sự lãnh đạo của chế độ độc tài độc đảng vô Thần của ĐCSTQ. Đây thực chất là một tổ chức trực thuộc để thực hiện các chính sách của ĐCSTQ.
Những tín đồ và hòa thượng chính trị phục tùng lãnh đạo của ĐCSTQ sẽ ngụy tạo những ‘Pháp lý” khác nhau để phù hợp với thời thế và chính sách của ĐCSTQ. Thế nên họ không ngần ngại đưa ra những phát ngôn như “Tôn giáo là chân lý, Chủ nghĩa Xã hội cũng là chân lý”, “Bờ bên kia (của Niết Bàn) với bờ bên này không mâu thuẫn”… thậm chí những câu như “Giết kẻ phản cách mạng là sự từ bi lớn hơn nữa”,v.v.
Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cho đến nay đã trải qua 10 khóa. Chức chủ tịch Hiệp hội hầu hết đều do pháp sư hoặc trưởng lão nắm giữ. Trong số đó, có tới ba người có chức danh chính trị, đó là: Hỉ Nhiêu Gia Thố, chủ tịch khóa 2 và 3, Triệu Phác Sơ, chủ tịch khóa 4 đến khóa 6, Thích Học Thành, chủ tịch khóa 9. Hiện vẫn chưa rõ ba người này có nhiệm vụ gì đặc biệt hay không, nhưng điều xảo hợp là những biến chất trong giới Phật giáo sau này đều có sự góp phần của ba người này.
Cách mạng Văn hóa: Không kiêng dè che giấu ý đồ phá hủy mọi thứ, lật đổ tất cả dù là địch hay ta
Hỉ Nhiêu Gia Thố (Shirao Gyatso) là một nhà sư Tây Tạng, là người đầu tiên gặp nạn. ĐCSTQ lợi dụng tâm lý người Tây Tạng sùng kính người xuất gia nên trước tiên lung lạc ông, sau đó để ông lung lạc những đồng bào Tây Tạng. Ông ủng hộ ĐCSTQ sử dụng vũ lực tắm máu Thanh Hải và Tây Tạng. Sau khi hết giá trị dụng ở trong nước, ĐCSTQ đã phong Hỉ Nhiêu Gia Thố là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, yêu cầu ông dẫn đầu một phái đoàn đi công du nước ngoài, tiếp tục lung lạc và tìm cơ hội trấn áp Hội Phật giáo Trung Quốc của Đài Loan (tên của tổ chức Phật giáo ở hai nước chỉ khác nhau một chữ Hiệp). Để biểu dương công lao của ông, ĐCSTQ đã tặng ông một chiếc chuông lớn từ thời nhà Minh và xây dựng một tháp chuông để có chỗ trưng bày.
Hỉ Nhiêu Gia Thố, người chủ trì lễ khánh thành tháp chuông, có thể nói là vinh quang vô hạn. Nhưng ông nào có hay, “tặng chuông” là để báo trước số ông đã tận. Khi ĐCSTQ phát động Cách mạng Văn hóa, Hỉ Nhiêu Gia Thố bị chụp lên rất nhiều tội danh và bị đưa ra đấu tố suốt bốn năm, cuối cùng là bị tra tấn đến chết trong tù.
Triệu Phác Sơ là một trong những người sáng lập Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, và giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ông cũng bị thanh trừng giống như Hỉ Nhiêu Gia Thố. Trong một Đại hội đấu tố, có người hỏi Triệu Phác Sơ: “Ông đã là đảng viên, tại sao ông lại tin vào Phật giáo?” Câu hỏi ấy đã vô tình tiết lộ cho mọi người rằng người đàn ông này còn kiêm nhiều chức vụ khác nhau như lãnh tụ tôn giáo, nhà hoạt động xã hội và văn học. Hóa ra ông là một đảng viên ngầm và giấu thân phận thực trong nhiều lĩnh vực.
Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc là một tổ chức chính thức do ĐCSTQ thao túng. Hai vị Chủ tịch trên đều là quan chức chính phủ cao cấp, hoặc ‘kẻ ngồi chung một thuyền’ với ĐCSTQ nhưng vẫn bị đấu tố. Do đó thật không thể tượng tượng được có bao nhiêu nhà sư cũng chung số phận, bị hành hạ, sát hại dã man trong cuộc Cách mạng Văn hóa thảm khốc. Sau Cách mạng Văn hóa, số lượng tăng ni cả nước Trung Quốc được thống kê vào năm 1981 chỉ có khoảng 26,000 nhà sư, bao gồm cả Mông Cổ và Tây Tạng.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tăng ni Phật tử bị đàn áp tàn bạo, vô số văn vật bị phá hoại nghiêm trọng. Từ các tu viện đến các Pháp khí, từ kỳ trân hoàng gia đến dị bảo dân gian, Hồng vệ binh đi đến đâu san bằng đến đó. Những nơi họ càn quét qua, một là hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử, hai là tan hoang đổ nát. Những ví dụ sau đây chỉ như giọt nước trong biển tang thương.
Chùa Bạch Mã là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ngôi chùa đương nhiên không thoát được kiếp nạn. Các di tích văn hóa quý giá hàng nghìn năm tuổi như Kinh Bối Diệp, tượng 18 vị La Hán và Ngựa ngọc bích,v.v. tất cả đều bị đập phá tan tành.
Có 1000 pho tượng Phật được chạm khắc ngọc lưu ly trên đỉnh Núi Vạn Thọ trong Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Sau phong trào Phá Tứ cựu, tất cả đều đã bị hư hại. Không một pho tượng nào còn nguyên ngũ quan nữa.
Có ngôi chùa Thiên Thai ở huyện Đại, tỉnh Sơn Tây. Nó được xây dựng trong thời Thái Duyên của triều đại Bắc Ngụy 1,600 năm trước. Mặc dù ngôi chùa nằm trong núi sâu hẻo lánh, nhưng ngôi chùa với tuổi đời ngàn năm này, cùng những bức tượng và bích họa quý giá, vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của Hồng vệ binh.
Sau cải cách mở cửa: Dùng “Phật giáo nhân gian” tha hoá tinh thần, và “im lặng phát đại tài” tha hoá đạo đức
Cuộc Cách mạng Văn hóa đã khiến nhân dân mất lòng tin vào ĐCSTQ và nền kinh tế rơi vào bờ vực sụp đổ. Để củng cố quyền lực và giải quyết khủng hoảng kinh tế, ĐCSTQ đã phải gác lại cuộc đấu tranh hình thái ý thức và thay bằng đường lối thực dụng với chính sách “cải cách mở cửa”, cải cách trong nước và mở cửa với thế giới bên ngoài.
Đối với Phật giáo, ĐCSTQ đã khôi phục lại đường lối đối xử ôn hòa như thời trước Cách mạng Văn hóa. Cũng tức là, nếu chịu nghe theo các chính sách của Đảng, nó cho phép tôn giáo tồn tại “ở một mức độ hạn chế”. Kết quả là, Hiệp hội Phật giáo bị ‘đắp chiếu’ trong mười năm đã hoạt động trở lại, các tài sản và tu viện bị cướp đoạt lần lượt được trả về, các tăng ni bị bắt hoàn tục được phép trở lại tu viện.
Vì có quá nhiều công trình Phật giáo bị hư hại nghiêm trọng, trong khi ngân sách trống rỗng và không cách nào kiếm đủ tiền để sửa chữa, nên ĐCSTQ đã bắt đầu tu bổ lại những ngôi chùa có thể thu hút khách du lịch. ‘Thăm quan ngắm cảnh’ trở thành chỉ tiêu tu bổ chùa chiền. Tuy nhiên, chùa chiền trùng tu xong cũng không giao lại cho các nhà sư quản lý.
Bề ngoài, ĐCSTQ đã nới lỏng kiểm soát đối với Phật giáo, nhưng về bản chất, nó vẫn kiểm soát mọi thứ bằng cách thao túng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Triệu Phác Sơ, một cư sĩ Phật giáo được ĐCSTQ gọi là “bạn thân của ĐCSTQ, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng và một lãnh tụ tôn giáo yêu nước kiệt xuất”. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa, đi đầu trong hàng loạt các cải cách của Phật giáo và có ảnh hưởng lớn đến đường hướng của Phật giáo Trung Quốc.
Thành lập ban quản lý chùa
Các ngôi chùa Phật giáo truyền thống đều đã hoạt động độc lập trong hàng nghìn năm. Các ngôi chùa là nơi để con người tu luyện, để nghe tiếng chuông chùa vào buổi sáng và tiếng gõ mõ lúc hoàng hôn, thờ Phật dưới ánh đèn dầu. Mọi người trong xã hội cũng có thể xưng tội và thờ cúng ở đó. Về mặt kinh tế, các ngôi chùa vẫn dựa vào việc làm Pháp sự, cúng dưỡng của người dân, canh tác trong chùa để duy trì cuộc sống. Chúng không giống Thiên chúa giáo phương Tây, đứng đầu là Giáo hoàng, cấp bậc phía dưới nghe theo chỉ lệnh của cấp bậc phía trên.
Truyền thống Phật giáo đã bị phá hủy hoàn toàn trong Cách mạng Văn hóa, và cũng không được khôi phục trở lại sau Cách mạng Văn hóa. Ngược lại, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đã trở thành cơ quan chỉ đạo cao nhất cho các tu viện trong nước, và các Hiệp hội Phật giáo khu vực lãnh đạo của các tu viện địa phương. Ban quản lý chùa phải hoạt động dưới sự lãnh đạo của Hiệp hội Phật giáo địa phương, và một số chùa thậm chí còn được quản lý trực tiếp bởi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Hiệp hội Phật giáo có thể bổ nhiệm và bãi nhiệm các trụ trì của nhiều tu viện, và quyền lực của ban quản trị chùa đôi khi lấn át cả trụ trì. Các nhà sư không thể tự mình quản lý tu viện, điều đó có nghĩa là sự vận hành và vận mệnh của tu viện đều nằm trong tay người khác.
Do đó, các tu viện đã bắt đầu tổ chức các hoạt động thường xuyên, ngoại trừ các nghi lễ thông thường với nhiều tên gọi khác nhau dành cho các tín đồ, như Diên Sinh Phổ Phật (niệm kinh sám hối, cầu xin phước lành và tiêu tai giải nạn, v.v.), Võng Sinh Phổ Phật (phóng Diệm khẩu, siêu độ hồn ma, v.v.). Ngoài ra còn tổ chức lễ hội ngoài khuôn viên chùa trong các dịp lễ Phật giáo và còn tổ chức nhiều Pháp hội trên danh nghĩa ngày khánh thành chùa, khai quang tượng phật, trụ trì thăng chức, v.v. Mục đích của tất cả những tổ chức kiểu này có thể được giải thích trong một câu: “Hoạt động kéo được đám đông và đám đông kéo được nhiều tiền.”
Ngoài ra còn có các hiệp hội và tu viện Phật giáo còn gây quỹ để hoạt động kinh doanh thương mại. Ví dụ, Hiệp hội Phật giáo Vân Nam đã thành lập Công ty Kim Luân, ngoài việc cho các tăng ni làm tham gia hoạt động thương mại, còn đem cho thuê bất động sản của tu viện hoặc mở cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, v.v. Ngoài ra, họ còn kinh doanh xuất khẩu đá cẩm thạch và thủ công mỹ nghệ sang Thái Lan.
Thương mại hoá Thiếu Lâm Tự là ví dụ nổi tiếng nhất. Người một tay xây dựng vương quốc thương mại Thiếu Lâm Tự là trụ trì Thích Vĩnh Tín, ông hiện còn giữ chức danh chính trị là phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Trước khi trở thành trụ trì, Thích Vĩnh Tín là giám đốc của Ủy ban quản lý dân chủ của Thiếu Lâm Tự.
Năm 1999, Thích Vĩnh Tín vì tích cực ủng hộ và tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ nên đã được Cục Tôn giáo Quốc gia và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc nâng đỡ và đề bạt làm trụ trì Thiếu Lâm Tự. Trước khi trở thành trụ trì, ông còn dùng danh nghĩa Giám đốc Uỷ ban quản lý để thành lập các tổ chức khác nhau liên quan đến Thiếu Lâm Tự như Thiếu Lâm Tự Võ tăng đoàn, Công ty TNHH Điện ảnh và Truyền hình Thiếu Lâm Tự, Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Thiếu Lâm Tự, v.v.
Thích Vĩnh Tín đã nhiều lần dẫn đoàn võ thuật Thiếu Lâm ra nước ngoài biểu diễn và hợp tác với các đài truyền hình tổ chức các cuộc thi võ thuật. Các công ty điện ảnh và truyền hình, công ty xuất bản của ông cũng đã sản xuất một số lượng lớn các bộ phim truyền hình, phim tài liệu, sách, audio liên quan đến Thiếu Lâm Tự. Nhờ phát triển hàng loạt các dự án thương mại, Thiếu Lâm Tự đã trở thành một trong những ngôi chùa giàu có nhất ở Trung Quốc, còn trụ trì Thích Vĩnh Tín được mệnh danh là “CEO của Thiếu Lâm Tự”, “Nhà sư kinh tế” và “Nhà sư chính trị”.
Xây dựng quy chế thống nhất cho các nhà sư
Một cách khác để cải tạo Phật giáo là trao cho Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc quyền xây dựng quy chế thống nhất, chẳng hạn như thống nhất tổ chức các nghi lễ Phật giáo như Lễ Tắm Phật,v.v, ban hành Các biện pháp thử nghiệm để quản lý chùa Phật giáo Trung Quốc, v.v. Đây thực chất là cái cớ để thiết lập cái gọi là “Quyền và nghĩa vụ cũng như nghi thức của tăng ni phải phù hợp với yêu cầu của tiến bộ xã hội hiện đại” được sử dụng để thống nhất quy tắc hành động của các giáo phái khác nhau. Điều này tương đương với một hệ thống riêng biệt ngoài các giới luật truyền thống của Phật giáo, quy định những gì tăng ni được phép và không được phép làm, hạn chế quyền tự do tín ngưỡng của người xuất gia thông qua các quy chế đã định.
Sau khi sư phụ Thánh Nghiêm của Đài Loan đến thăm Trung Quốc vào năm 1988, ông đã nhận xét về xu hướng này: “Các tăng ni ở Trung Quốc đại lục ngày nay không còn phù hợp với quan niệm tôn giáo nữa, vì họ không có cơ hội truyền bá Phật Pháp, cũng như không có nơi dẫn dắt tín đồ tu hành Phật Pháp. Trừ một số rất nhỏ làm công việc hồng dương Phật Pháp, hầu hết đều phục vụ cho những công việc được gọi là tham gia sản xuất như du lịch, quản lý tu viện, quản trị giáo hội, ra ngoài làm Phật sự, làm ruộng, v.v. Họ nhận lương cố định hàng tháng từ các cán bộ lãnh đạo.”
Thế tục hóa các tín đồ Phật giáo, khởi xướng “Phật giáo nhân gian”
Triệu Phác Sơ cũng đưa ra thuật ngữ “Phật giáo nhân gian”, chủ trương “thực hiện lý tưởng về miền đất tịnh thổ tại nhân gian, kế thừa và phát huy lợi lạc hữu tình của Phật giáo Đại thừa, tư tưởng Phật Pháp tại nhân gian và không tách rời thế gian của Thiền tông.” Ông còn yêu cầu các Phật tử không nên tách rời thế gian và xã hội, nên thực hiện miền Tịnh thổ Phật quốc ngay tại thế giới hiện thực.
Đề xuất “Phật giáo nhân gian” có liên quan mật thiết đến ý đồ giảm số lượng Phật tử và xóa bỏ tín ngưỡng Phật giáo của ĐCSTQ. Một mặt, ĐCSTQ sử dụng điều này để thuyết phục những tín đồ muốn tu hành theo Phật giáo không nên đi tu, bởi vì ở trong một xã hội muôn màu muôn vẻ sẽ làm tiêu tan dần ý chí tu hành, điều này sẽ làm chậm lại sự gia tăng của tăng ni.
Mặt khác, nó được dùng để khuyến khích các tăng ni tích cực tham gia vào cuộc sống thế tục. Đây thực chất là phiên bản tiến hóa của kế hoạch “tăng lấy vợ, ni gả chồng, uống rượu ăn thịt” mà ĐCSTQ đã cố gắng quảng bá trước khi thành lập Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Trước kia, kế hoạch này đã bị Hư Vân hòa thượng ngăn chặn. Giờ đây, lợi dụng thực tế là sau Cách mạng Văn hóa, hầu hết các nhà sư và trụ trì chân tu không còn tại thế và không thể đứng ra phản đối được nữa, những tà thuyết này một lần nữa xuất hiện và trở thành tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Trung Quốc hiện đại.
Các thủ đoạn cải tạo Phật giáo liên hoàn đã ảnh hưởng khôn lường đến các tu viện, tăng ni và đông đảo tín đồ: những nơi vốn là chốn thanh tu tịnh địa, hồng dương Phật Pháp, nay đã dần biến thành địa điểm kinh doanh, trục lợi. Các tăng ni vốn mang tinh thần của Phật giáo trở nên tha hoá, các hoạt động tinh thần như tu hành, hồng Pháp, chính Pháp dần dần biến mất khỏi hoạt động thường ngày của các nhà sư. Người đến bái Phật đều ôm giữ tư tưởng thực dụng, nghĩ rằng thắp hương cúng Phật là để tiêu tai giải nạn, cầu phúc, phát tài, họ hoàn toàn quên mất rằng kính bái thần phật cần phải có thái độ đúng mực, không nên tham lam và đòi hỏi.
Từ những điều trên có thể thấy, kế hoạch cải tạo Phật giáo của ĐCSTQ là “phục hưng” Phật giáo như cách mà chính quyền tuyên truyền, hay là vô hình trung càng phá hoại thêm Phật giáo?
Sử dụng “im lặng phát đại tài” khiến đạo đức tha hoá.
“Im lặng phát đại tài” là khẩu hiệu được Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đưa ra trong cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Do cuộc đàn áp đã bị đông đảo người dân phản đối, Giang Trạch Dân không đưa ra được cái cớ thích đáng, nên ông ta khẩn cấp yêu cầu các giới lên tiếng, đặc biệt là giới Phật giáo. Các nhà sư nổi tiếng đã xuất đầu lộ diện và hết mực ủng hộ đàn áp, vu khống Pháp Luân Công.
Vào thời điểm này, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Triệu Phác Sơ đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm bằng chứng để hợp thức hoá cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông ta còn lên tiếng đả kích, bôi nhọ Pháp Luân Công trên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo giới Phật giáo hành động để chỉ trích Pháp Luân Công. Thích Vĩnh Tín và Thích Học Thành, những người được Triệu Phác Sơ đề bạt, cũng đã hoạt động như những người tiên phong và tích cực phối hợp với ĐCSTQ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nhờ tích cực tung hứng, lấy lòng Giang Trạch Dân, Thích Vĩnh Tín nhanh chóng đảm nhận vị trí trụ trì chùa Thiếu Lâm trong vòng một tháng sau khi bắt đầu cuộc đàn áp. Còn Thích Học Thành cũng lên nắm quyền Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc ngay sau đó. Triệu Phác Sơ đã qua đời sau một năm nổ ra cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Để thúc đẩy và duy trì cuộc đàn áp vốn không được nhân dân ủng hộ này, Giang không chỉ sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia khổng lồ, mà còn sử dụng khẩu hiệu “im lặng phát đại tài” để dung túng cho những kẻ theo ĐCSTQ làm điều ác, nhờ có đặc quyền nên ung dung tham nhũng, ăn hối lộ, tự tung tự tác ngoài vòng pháp luật. Vì tiền tài, danh vọng, sắc dục, không việc xấu nào không làm, đạo đức xuống dốc không phanh, ma túy lan tràn toàn xã hội, ngay cả giới tôn giáo cũng không tránh khỏi bị vấy bẩn.
Ngay từ năm 2006, doanh thu bán vé tham quan của Thiếu Lâm Tự đã vượt quá 100 triệu NDT. Đến năm 2008, khách du lịch muốn thắp hương tại Thiếu Lâm Tự thậm chí phải trả 6,000 NDT. Những tu viện do Thiếu Lâm Tự mở ở nước ngoài có thể kiếm được 10 triệu bảng Anh mỗi năm. Theo số liệu, chỉ một phần ba thu nhập rơi vào tay trụ trì. Đối với thu nhập và cách phân chia của các buổi biểu diễn và các công ty thành lập đều không có số liệu công khai.
CEO của Thiếu Lâm Tự, Thích Vĩnh Tín làm ăn phát đạt vì theo phe cánh của Giang Trạch Dân, sau khi lên làm trụ trì lại như hổ mọc thêm cánh. Ông ta bị các đệ tử đồng môn báo cáo, nói rằng ông đã sử dụng tài sản trong chùa như là của mình và có ít nhất 3 tỷ USD gửi ở nước ngoài. Ông ta có biệt thự ở Hoa Kỳ và Đức, có quan hệ tình cảm với một số người nổi tiếng, bao nuôi một nữ sinh Đại học Bắc Kinh và còn có con nối dõi. Hiện người tình và con ông ta sống ở Đức, v.v. Thích Vĩnh Tín không phủ nhận mình là một nhà sư “quan tâm”, tích cực tham gia chính trị, lợi dụng phe cánh của Giang ra sức lộng quyền, muốn gì làm nấy. Những bê bối của ông ta thỉnh thoảng được đăng lên báo nhưng nhanh chóng bị gỡ bỏ hoặc xóa dấu vết. Đến nay ông ta vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Một đồng phạm khác liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công là Thích Học Thành, cũng dính líu đến bê bối khiêu dâm và tham nhũng. Trong thư tố giác dài 95 trang, nói chi tiết rằng ông ta đã nhắn tin quấy rối tình dục, khống chế và xâm phạm tình dục các ni cô bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Ngoài ra, cũng không rõ ông ta đã gửi số tiền khổng lồ đi đâu, và làm nhiều điều phạm pháp khác. Tin tức này đã gây rúng động toàn xã hội và kích động các quan chức cao cấp của ĐCSTQ. Cũng chính vì lý do này mà ĐCSTQ lại bắt đầu đàn áp Phật giáo, trong vòng một tháng, Thích Học Thành bị Hiệp hội Phật giáo cách chức trụ trì và cũng bị xoá bỏ tất cả các chức danh chính trị.
Năm 2017, 12 cơ quan của chính phủ Trung Quốc trên danh nghĩa đã cùng xuất bản “Một số ý kiến về việc quản lý hơn nữa việc thương mại hóa Phật giáo và Đạo giáo”, cho biết phải kiểm soát chặt chẽ nhiều tiêu cực tồn tại trong Phật giáo và Đạo giáo, chẳng hạn như không thu giá cao đối với các hoạt động tôn giáo, nghiêm cấm các nhân viên tôn giáo, người điều hành du lịch lôi kéo, ép buộc du khách và tín đồ thắp hương, bốc quẻ, bói toán dưới mọi hình thức, đầu cơ buôn bán hương, chuông chùa. Không sử dụng hình thức “cổ phần”, “liên doanh nước ngoài”, “hợp đồng cho thuê”, “hoa hồng cổ tức” và các phương thức khác để tiến hành các hoạt động thương mại trên các địa điểm Phật giáo và Đạo giáo và thu lợi ích kinh tế. Cấm coi các địa điểm hoạt động Phật giáo và Đạo giáo làm tài sản doanh nghiệp để đưa ra thị trường hoặc tiến hành các hoạt động vốn. Mọi tổ chức hoặc cá nhân đều không được đầu tư xây dựng hoặc quản lý hợp đồng các bức tượng tôn giáo ngoài trời, các địa điểm hoạt động Phật giáo và Đạo giáo không được thiết lập thành địa điểm chỉ mở cửa cho một vài người, v.v.
Từ các mục “bị cấm” và “không được phép” được liệt kê trong tài liệu, cũng như các vụ bê bối khác nhau của các nhân sĩ trong tôn giáo, có thể hiểu Phật giáo Trung Quốc đã mục ruỗng một cách đáng sợ dưới các chính sách và sự thống trị của ĐCSTQ.
Kế hoạch cải tạo Phật giáo của ĐCSTQ đã lật đổ hoàn toàn mong muốn theo đuổi việc cải thiện tâm linh và cảnh giới tinh thần của các Phật tử. Cải cách mở cửa khiến mọi người đều chạy theo đồng tiền và “im lặng phát đại tài” của Giang Trạch Dân càng khiến mọi người đánh mất tiêu chuẩn đạo đức của mình.
Tiếp tục huỷ hoại: Tiêu trừ tôn giáo trong nước bằng “Trung Quốc hóa tôn giáo” và tiến hành mặt trận thống nhất bằng ngoại giao Phật giáo ngoài nước
Sau những năm 1980, ĐCSTQ ‘khoan dung’ tôn giáo là điều bất đắc dĩ để cứu kinh tế. Nói trắng ra, bất kỳ thứ gì có thể kiếm ra tiền cứu nền kinh tế đang phá sản sẽ đều được ĐCSTQ sử dụng. Khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới cũng là lúc tôn giáo hết giá trị lợi dụng, lớp mặt nạ ngụy trang dịu dàng và khoan dung cũng không còn cần thiết nữa. Vào thời điểm này, tôn giáo có tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc vào thái độ và nhu cầu chính trị của nhà cầm quyền. Nếu ĐCSTQ bắt đầu cảm thấy khó nắm bắt hoặc nếu thay đổi chính sách do yếu tố con người, thì ĐCSTQ sẽ trở mặt bất cứ lúc nào. Những khích lệ, dung túng như trước kia có thể lập tức thay bằng tấn công, đàn áp không nương tay.
Sau khi nhà lãnh đạo đương nhiệm của Đảng lên nắm quyền, mọi tư tưởng và đường lối trở nên rõ ràng. Về mặt tôn giáo, ĐCSTQ một lần nữa sử dụng một thuật ngữ lừa bịp ở bề mặt – “Trung Quốc hóa tôn giáo”, thực chất là gia tăng đàn áp và loại bỏ tôn giáo. Nói một cách đơn giản, tôn giáo nên nghe theo ĐCSTQ, tăng cường giáo dục và đào tạo “lòng yêu nước” cho các nhà sư, ủng hộ sự cai trị của ĐCSTQ và sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, ủng hộ chủ nghĩa xã hội, thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, v.v.
Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, do ĐCSTQ kiểm soát, đã nhanh chóng phối hợp và đưa ra cái gọi là “kế hoạch 5 năm”, tuyên bố rằng tổ chức này phải “cảm ơn Đảng, nghe theo Đảng và đi theo Đảng”, yêu cầu tất cả các tín đồ phải biểu đạt lòng trung thành với Đảng. Ngoài ra còn phải “hoằng dương Phật Pháp đến toàn cầu” và khuyến khích Phật tử Trung Quốc đi các nước trên thế giới “kể chuyện Trung Quốc”, thể hiện lòng trung thành để tránh được sóng gió chính trị sắp tới.
Cục Tôn giáo Nhà nước đã tổ chức một cuộc hội thảo, yêu cầu những nhân sĩ tôn giáo phải học tập nội dung báo cáo của một hội nghị chính trị nào đó. Điều nực cười hơn nữa là màn phát biểu của một số chính trị gia “hói đầu”, ví dụ như, Ấn Thuận, phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc vào thời điểm đó, đã tuyên bố công khai: “Trung Cộng chính là Phật, là Bồ Tát hiện thế, tín đồ Phật giáo phải yêu nước yêu đảng”, mới xứng là tín ngưỡng Phật giáo. Ông ta còn tâng bốc rằng “báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ là kinh Phật của Trung Quốc đương đại”, vận động các Phật tử nên chép tay Báo cáo, và tuyên bố rằng họ đã chép được ba lần và sẽ tiếp tục chép lại mười lần.
ĐCSTQ đàn áp Phật giáo trong nước, dùng “Trung Quốc hoá” làm biến dạng bản chất của Phật giáo
Bất kể giới Phật giáo có cúi đầu khom lưng, thậm chí quỳ gối cầu xin, cũng không thể làm chậm lại việc phá hoại của ĐCSTQ. Đối với các địa điểm tôn giáo như chùa chiền, ĐCSTQ lấy cớ “xây dựng trái phép”, nếu không chịu phối hợp “Trung Quốc hoá” và cải tạo nó thành địa điểm tuyên truyền của đảng, các ngôi chùa sẽ phải đối mặt với số phận bị điều tra và phá bỏ. Chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2019, có tin truyền ra là tấm bảng ở chùa Lộ Thần ở Bình Độ, Sơn Đông đã bị thay đổi từ “Thánh địa Phật quốc” thành “Thánh địa Ái quốc”. Bốn ngôi chùa trong cùng một thành phố đã bị cưỡng chế đóng cửa, chùa Diệu Tương ở trấn Quách Điếm, Hà Nam và chùa Thiện Duyên ở Sóc Châu, Sơn Tây đã bị đóng cửa, và các nhà sư buộc phải chuyển đi hoặc hoàn tục,v.v.
Đối với những ngôi chùa chịu phối hợp, ĐCSTQ sẽ yêu cầu thêm rằng nội thất và nghi lễ trong chùa cũng phải phù hợp với “Trung Quốc hoá” và thể hiện tình cảm “yêu nước”. Vì vậy, nơi vốn trưng bày kinh Phật giờ phải được thay thế tư tưởng của Tập Cận Bình và lời dạy của Mao Trạch Đông. Nơi đặt tượng Phật nay phải treo chân dung lãnh tụ của ĐCSTQ. Việc tụng kinh niệm Phật giờ được thay bằng lễ chào cờ, học tập Báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19, v.v.
Ngoài những yếu tố nêu trên, những chùa mang đặc sắc thời đại mới ngoài việc treo những khẩu hiệu kỳ quặc như “Tiếp tục học tập tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, cùng nhau xây dựng một ngôi chùa mới hài hoà mỹ lệ”, “Thực hành Phật giáo nhân gian, giữ gìn đặc sắc Trung Quốc, đồng tâm hiệp lực với Đảng để hồng dương các giáo nghĩa của Phật Pháp”, “Không quên tâm nguyện, luôn ghi nhớ sứ mệnh, suốt đời gắn bó với lời thề gia nhập Đảng”, “Thực hành tư tưởng Phật giáo nhân gian và tích cực đi theo con đường của Phật giáo kết hợp với chủ nghĩa xã hội”, v.v. Ngoài ra, các nhà sư trong chùa còn tập trung tuyên thệ gia nhập đảng, hát Hồng ca, học tập tư tưởng và tác phong của quân đội, v.v. Tất cả những biểu hiện dị hợm này không phải là “Trung Quốc hóa Phật giáo”, mà là “Trung Cộng hóa Phật giáo”, và là phiên bản 2.0 của Cách mạng Văn hóa.
ĐCSTQ sử dụng vệ tinh để giám sát các bức tượng Phật lớn đứng ngoài trời. Cho dù bức tượng được đặt ở đâu, chỉ cần là chỗ khiến người dân có thể nhìn thấy, nó sẽ bị phá bỏ với lý do “nơi phi tôn giáo không được đặt tượng”. Được biết, các tượng Phật đã bị phá bỏ bao gồm tượng Di Lặc ở Hà Bắc và tượng Thích Ca ở Nội Mông,v.v. Một số bức tượng Phật giáo buộc phải cải tạo để tránh bị phá bỏ như tượng Bồ tát ở Sơn Đông biến thành Khổng Tử, tượng Bồ tát ở Liêu Ninh biến thành Trường An, Hằng Nga ở Phúc Kiến phải giấu trong hòn non bộ, còn tượng Bồ tát ở Tứ Xuyên lại bị thay thế bằng một ấm trà khổng lồ.
Vào năm 2020, ĐCSTQ còn ban hành một văn bản thông báo, nghiêm cấm việc thành lập các hội trường tôn giáo, tổ chức các nghi lễ tôn giáo như tụng kinh, siêu độ hoặc cung cấp đồ dùng tôn giáo,v.v. Việc “Trung Quốc hoá Tôn giáo” đã mở rộng từ “trừ khử tôn giáo trong tôn giáo” thành “ trừ khử tôn giáo trong toàn dân”.
Vừa muốn tiêu diệt Phật giáo, vừa muốn lợi dụng Phật giáo làm mặt trận thống nhất ngoài nước
Theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc tại Hoa Kỳ Vương Đạt Vỹ và hai học giả Nhật Bản Asuwa và Shiko, ĐCSTQ đã bắt đầu lợi dụng Phật giáo như một công cụ ngoại giao ngay từ khi bắt đầu cải cách mở cửa. Ví dụ, sai khiến các nhân sĩ tôn giáo vận động Hoa kiều đầu tư vào Trung Quốc, đứng về phía ĐCSTQ, nói rằng ĐCSTQ đã từ bỏ đường lối chính trị cánh tả, v.v. Sau phong trào 4/6, ĐCSTQ lợi dụng cơ hội đưa nhân sĩ tôn giáo ra nước ngoài giao lưu tôn giáo, bôi son trát phấn cho các hành động bạo ngược của ĐCSTQ, hoặc để hô hào cho các chính sách của ĐCSTQ. Tuy nhiên quy mô vào thời điểm đó không lớn và đa dạng như bây giờ.
Để lợi dụng Phật giáo thực hiện mặt trận thống nhất, ĐCSTQ đã bắt đầu đầu tư một lượng lớn nguồn lực vào các mặt trận thống nhất có liên quan, thành lập các hiệp hội hữu nghị song phương, cùng tổ chức các nghi lễ tôn giáo, thành lập các chi nhánh của Phật giáo và chùa chiền Trung Quốc, cung cấp ngân quỹ cho các ngôi chùa ở nước ngoài, v.v. Mục đích là để tăng danh tiếng và sức ảnh hưởng của các nhà sư Trung Quốc, lôi kéo các nhân sĩ tôn giáo và giới trí thức, đồng thời thiết lập các mối quan hệ với các cá nhân cần thiết cho Mặt trận Thống nhất.
Đối với những quốc gia có xung đột về địa chính trị thì ĐCSTQ xung đột cũng có những chiến lược khác nhau. Ví dụ, Học viện Phật giáo Nam Hải của Trung Quốc bắt đầu tuyển sinh người Ấn Độ vào năm 2017. Mục đích là để đoạt quyền phát ngôn về Phật giáo trên toàn thế giới. Đối với Hoa Kỳ, quốc gia theo Thiên chúa giáo, ĐCSTQ lôi kéo các tổ chức Phật giáo tại Hoa Kỳ, các nhân sĩ tôn giáo và giới trí thức nổi tiếng, nhân vật tôn giáo và văn hóa nổi tiếng, các lãnh đạo cơ quan văn hoá nước ngoài v.v.
Trước đây, ĐCSTQ đã vung tiền thành lập Viện Khổng Tử ở nước ngoài như một công cụ mặt trận thống nhất tẩy não để tuyên truyền đối ngoại. Nhưng vì bị các nước nhận ra bộ mặt thật, nên hầu hết các Viện Khổng Tử đã bị xoá bỏ. Sau đó, ĐCSTQ lại lợi dụng Phật giáo thay vì Viện Khổng Tử để tiếp tục mê hoặc các chính phủ, tổ chức và người dân nước ngoài.
Kể từ khi bùng phát virus Trung Cộng (virus COVID-19), ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp Phật giáo trong nước, loại bỏ các sách Phật giáo trên toàn quốc chưa được ĐCSTQ phê duyệt hoặc do nước ngoài xuất bản, tiếp tục phá dỡ các tượng phật lớn ngoài trời, v.v. Ở ngoài nước, ĐCSTQ thông qua Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, hợp tác với các tổ chức Phật giáo nước ngoài để tổ chức các nghi lễ Phật giáo cầu phúc cho dân chúng. Mục đích thực tế là mở rộng sức mạnh của ĐCSTQ trên trường quốc tế.
Kết luận: Hy vọng đi đôi với vô vọng
Trong kinh Phật có hai lời tiên tri về thời mạt thế, một là mang đến vô vọng, còn lại là mang đến hy vọng.
Trong các kinh sách Phật giáo như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Ma ha ma da, Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận, v.v. đều ghi chép lại những tiên tri của Phật Thích Ca Mâu Ni, đại ý là khi Phật pháp mà Thích Ca Mâu Ni suy tàn, sẽ có bầy quỷ chuyển sinh thành người đến phá hoại tu viện và giết hại các nhà sư. Chúng cũng sẽ giả danh tu sĩ, cư sĩ và đệ tử Phật giáo, chúng sẽ làm bại hoại giới luật do Đức Phật đặt ra và phá huỷ giáo pháp.
So sánh điều này với các thủ đoạn tiêu diệt Phật giáo của ĐCSTQ trong hơn 70 năm qua, rõ ràng là lời tiên tri của Đức Phật đang ứng nghiệm. Những ai nhận ra bản thân đang sống trong thời mạt kiếp, sống trong thế giới do ma quỷ thống trị, họ đều không tránh khỏi cảm giác vô vọng hoặc thậm chí là tuyệt vọng. Tuy nhiên, một lời tiên tri khác được ghi lại trong kinh Phật có thể mang lại hy vọng cho con người, đó là sự xuất hiện của Chuyển Luân Thánh Vương (Cakra-vartin).
Theo ghi chép của các kinh điển Phật giáo như Trung Bộ Kinh, Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm, khoảng ba nghìn năm sau khi Thích Ca nhập niết bàn, trên thế giới sẽ xuất hiện một loài hoa được gọi là Hoa Ưu Đàm. Hoa Ưu Đàm là hoa tiên trên trời, ba ngàn năm mới xuất hiện một lần trên thế gian, báo hiệu Như Lai Phật hạ thế, Chuyển Luân Thánh Vương sẽ xuất hiện ở thế gian.
Chuyển Luân Thánh Vương xuất sinh ở thế gian, là thánh vương tại gia, là Như Lai với thần thông và Pháp lực lớn nhất khắp mười phương thế giới, là vương của các vương (vạn vương chi vương). Chuyển Luân Thánh Vương vừa xuất thế thì “thiên hạ thái bình”, Ngài dẫn dắt chúng sinh tu hành tại gia, [đắc chính quả] thành Phật mà không cần xuất gia. Ngài sẽ trị vì thế giới và toàn vũ trụ bằng “từ bi” và “trí huệ”, khai sáng Chuyển Luân Thánh Triều. Tác giả tin rằng, bất cứ ai có tấm lòng nhân hậu và lương thiện, bất kể họ tin vào tôn giáo nào, đều có cơ hội nhận được Phật ân hạo đãng từ Chuyển Luân Thánh Vương.
Lời tiên tri đầu tiên được ghi lại trong kinh Phật đã ứng nghiệm, loài Hoa Ưu Đàm trong lời tiên tri thứ hai cũng đã thực sự nở rộ trên khắp thế giới. Hạt giống hy vọng ấy giống như loài hoa sen, lặng lẽ nảy mầm trong thế giới đầy tăm tối này. Tìm đến Chuyển Luân Thánh Vương sẽ là lựa chọn tốt nhất để chấm dứt Pháp nạn lớn nhất trong Phật giáo và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Liên Thư Hoa
Minh Phương biên dịch