Chuyện vứt rác ở Nhật và 37 toa tàu cũ 0 đồng

Nguyễn Ngọc Huy

19-10-2021

Ảnh 1- Toa tàu 40 năm tuổi ở Nhật. Nguồn: FB tác giả

Tôi sống ở Nhật 7 năm và cũng phải mất 2 – 3 năm đầu mới thấm thía và quen với việc vứt rác ở Nhật.

Nước Nhật có không khí trong lành, ngoài đường không một mẩu rác. Người Nhật giữ cho mình bầu không khí trong lành và môi trường sạch sẽ bởi vì họ quản lý rác rất tốt. Ngoài ý thức tuyệt vời của người Nhật được dạy từ khi bắt đầu học mầm non thì việc quản lý rác bằng chính sách và chế tài là điều quan trọng. Triết lý đó chỉ đơn giản thế này: RÁC CỦA AI THÌ NGƯỜI ĐÓ PHẢI TRẢ TIỀN CHO VIỆC XỬ LÝ NÓ.

Ở Nhật có bán 4 -5 loại túi đựng rác khác nhau để người dân tự phân loại và cho vào các túi nilon rác khác nhau (Hình 4 – hình này còn thiếu túi clear đựng chai nhựa tái chế).

Ảnh 2- Túi rác hộ gia đình ở Nhật. Nguồn: Trên mạng

Tùy loại túi mà có thể đựng rác có khả năng tái chế, rác có thể tự phân hủy, rác có thể đốt,… Các túi rác này không miễn phí hoặc không rẻ và mỗi loại túi lại có giá khác nhau tùy chủng loại hoặc kích cỡ. Có loại chỉ 100 Yên 5 túi nhưng có loại 200 yên chỉ mua được một túi (100 yên = 20.000VND). Đa số các siêu thị ở Nhật không phát miễn phí túi nilon nên ai đi siêu thị quên mang túi thì phải mua túi mà đựng. Việc đánh thẳng vào hầu bao của những người khách hàng cần kiệm như người Nhật khiến đa số người Nhật tự mang giỏ đi siêu thị. Trừ khi cấp kíp lắm mới phải mua thêm túi.

Hồi mới sang Nhật, có lần tôi rủ anh em về nhà nhậu nhẹt và gom mọi thứ rác từ vỏ lon, rau thừa,… vào chung một túi clear và đem ra chỗ bỏ rác để cho xe rác gom. Sáng hôm sau dậy muộn nghe tiếng gõ cửa mắt nhắm mắt mở ra mở cửa thì thấy ông chủ nhà xách túi rác của mình để ngay ở cửa. Hết hồn! Đấy! Vứt rác không chỉ là việc bỏ đúng chỗ mà còn phải đúng chủng loại và đúng ngày. Và tất nhiên ai xả nhiều thì trả nhiều tiền theo túi rác.

Với những loại rác ngoại cỡ như bàn, ghế, tivi, lò vi sóng cũ,… thì mới đau tiền. Thường những loại rác này dù còn mới hay cũ, dùng được hay không thì khi muốn vứt phải gọi điện cho nhà chức trách đến đo đạc và dán tem vứt rác. Nhà chức trách sẽ đến nhà bạn và cúi gập đầu chào lễ phép trước khi đo đạc đồ bạn cần vứt. Đến lúc dán tem thì thôi rồi xót xa. Cứ mỗi tem là 400 yên. Một cái ghế câu cá bé tẹo được dán một tem 400 yên, một cái đệm đơn mỏng dính dán 4 tem, một cái bàn nhỏ dán 5 tem (vị chi là 2.000 yên tương đương 400.000VND để vứt một cái bàn). Vứt tivi và lò vi sóng thì khỏi nói. Đắt đến mức anh em VN mình chỉ còn nước chở xe đạp đến khu vứt rác Sinh Viên để ai đi qua cần lấy về dùng – nhưng thực chất đó là quá trình tẩu tán rác.

Ảnh 3- Nội thất tàu 40 năm tuổi. Đây là loại tàu địa phương giống nội thất xe bus vừa đứng vừa ngồi. Đi quãng ngắn. Ảnh: FB tác giả. Nguồn: FB tác giả

Giờ thì bàn đến vụ 37 cái toa tàu cũ có tuổi đời 40 năm (Ảnh 1 và 2). Nhật Bản tham gia ký kết hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu và cam kết đến năm 2050 sẽ đưa số phát thải khí nhà kính về Zero. Muốn làm vậy họ có nhiều giải pháp đồng loạt trong đó ngành đường sắt cam kết chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo có nguồn gốc là điện gió và năng lượng mặt trời (Ảnh 3). Để làm việc này họ phải loại thải toàn bộ đầu máy và toa xe có gắn động cơ loại cũ đốt dầu và gaz. (Loại toa xe định tặng Đường sắt VN là toa xe có động cơ).

Ảnh 3- Nội thất tàu 40 năm tuổi. Đây là loại tàu địa phương giống nội thất xe bus vừa đứng vừa ngồi. Đi quãng ngắn. Ảnh: FB tác giả. Nguồn: FB tác giả

Theo luật môi trường của Nhật Bản thì mọi thứ sau khi không dùng nữa sẽ được xem là rác và công ty chủ sở hữu phải trả tiền cho đơn vị xử lý nó. Ở Nhật không có nghề ve chai (ngoại trừ các chợ đồ cũ bán đồ còn dùng được) vì vậy chủ sở hữu phải trả tiền cho bên nào đó nhận xử lý số rác toa tàu kia. Mà cứ chiếu theo luật để làm thì nhà chức trách sẽ cử người đến cúi gập đầu chào, rồi đo, rồi cân và dán tem vứt rác. Nếu là rác có dính đến động cơ và dầu thì giá sẽ ngất người. Úi giời ơi dán xong tem thì chủ sở hữu ngất luôn với số tiền phải trả. Bởi thế họ mới phải tìm đến nước khác để cho đi. Nói thật là vụ cho đi này vừa được tiếng ơn huệ vừa tẩu tán cả trăm ngàn tấn rác nhẹ tâng. JR East không chỉ tìm đến VN mà họ còn đem cho cả Thái Lan, Indo và Philippines từ 2009.

Về chất lượng vỏ tàu thì tôi tin là loại toa tàu này có dùng thêm vài chục năm nữa vẫn chưa rỉ sét vì chất lượng thép của Nhật rất tốt. Tuổi thọ có khi cao hơn mấy cái vỏ đang treo trên trời ở Cát Linh – Hà Đông.

Nhưng nếu bàn về thương vụ 0 đồng này thì JR East lời to vì vứt đi được cả mấy trăm ngàn tấn rác. Còn về khía cạnh môi trường thì rất xấu mặt. Việt Nam cũng tham gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính 9% vào năm 2030. Nhập công nghệ cũ về đốt dầu thì lộ bài hết.

Related posts