TP.HCM: Dân phản ánh chưa nhận được tiền hỗ trợ COVID-19, địa phương nói hết tiền
Nhiều người dân tại hẻm 130 Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân (TP.HCM) phản ánh họ chưa nhận được tiền hỗ trợ COVID-19 đợt nào cả.
Cụ thể, theo Thanh Niên, người dân sống tại hẻm 130/25 Lê Đình Cẩn, tổ 95, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân (TP.HCM) treo băng rôn với nội dung chưa nhận được tiền hỗ trợ, mong được chính quyền các cấp xem xét, giải quyết.
Trước đó, một khu vực khác tại hẻm này (địa chỉ hẻm 130/37 Lê Đình Cẩn, tổ 96) cũng đã treo băng rôn với nội dung tương tự.
Trao đổi với chúng tôi sáng 20/10, chị T. (cư dân sống tại hẻm 130/25 Lê Đình Cẩn) kể, vợ chồng chị có 3 đứa con, tất cả đều ở trọ. “Nhà tôi có đăng ký tạm trú ở đây, tôi thì phụ nấu cơm. Chồng tôi chạy xe ba gác, đáng lý đúng diện hưởng hỗ trợ từ đợt 1 nhưng cuối cùng không được nhận gì vì hết lượt. Sau đó, tới đợt 2, chính sách là hỗ trợ cho 1,5 triệu đồng/hộ khó khăn nhưng gia đình tôi cũng không được. Đến nay là đợt 3 rồi, cư dân cứ đợi và không biết khi nào mới có”. Chị T. lý giải việc treo băng rôn này là do “cư dân trong hẻm quá bức xúc và cho biết thêm: “4 tháng qua chúng tôi không ra đường, không đi làm gì cả, chỉ được nhận gạo, túi an sinh, còn lại đi xin nhà hảo tâm được nhiêu thì ăn nhiêu. Gia đình tôi thiếu 3 tháng tiền nhà, điện nước. Nếu có thể đi làm, tôi cũng không nghĩ tới gói hỗ trợ”.
Trao đổi với PV Thanh Niên vào trưa cùng ngày, ông Huỳnh Văn Dự, Bí thư Đảng ủy P.Tân Tạo, Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tại địa phương cho biết, tính đến hiện nay, P.Tân Tạo đã chi hỗ trợ đợt 3 cho khoảng 28.000 người dân với tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng.
Trong khi đó, danh sách số người dân được hỗ trợ gói đợt 3 lần 1 là 53.000 người với tổng kinh phí là 53 tỷ đồng; còn lần 2 với danh sách bổ sung khoảng 20.000 người vẫn đang chờ quận phê duyệt.
Ông Dự cho hay hiện đã phát hết kinh phí, dân đang rất trông ngóng, chờ đợi, hỏi địa phương khi nào có tiền nhưng địa phương không dám trả lời. Bí thư phường cho hat, dự kiến của TP.HCM là kéo dài chi trả đến ngày 22/10 nhưng đến nay phường vẫn chưa có đủ kinh phí. Danh sách đã hoàn tất, phường chỉ đợi được cấp tiền.
Nhiều quận, huyện hết tiền chi hỗ trợ đợt 3
VnExpress – Ngày 20/10, phường Đông Hưng Thuận (quận 12) còn khoảng 16.000 người chưa nhận tiền hồ trợ đợt 3, chiếm 40% trong số 40.000 trường hợp cần giúp đỡ. Ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch UBND phường nói hiện các khu phố vẫn còn ít kinh phí quận vừa bổ sung, song 1-2 ngày nữa sẽ hết. “Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên sớm chuyển kinh phí còn lại để chi cho người dân”, ông Vương nói.
Cũng với lý do thiếu kinh phí, nhiều ngày qua một số phường ở quận 12 phải dừng chi trả hỗ trợ dù nhu cầu còn rất lớn. Ông Nguyễn Văn Xem, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận cho biết, toàn địa bàn có hơn 609.000 người khó khăn cần giúp đỡ, tức cần 609 tỷ đồng. Tuy nhiên, quận mới được thành phố phân bổ 300 tỷ đồng, số tiền này chi hết từ 9/10. Sau đó, địa phương ứng trước 100 tỷ đồng và chuyển hết cho các phường.
“Quận không còn nguồn nào để ứng nữa, người dân đang rất mong”, ông Xem nói và cho biết địa phương còn phát sinh thêm 70.000 người khó khăn muốn được hỗ trợ. Đây cũng là áp lực trong bối cảnh ngân sách chi trả chưa rót về kịp.
Tại Gò Vấp, Phó chủ tịch UBND quận Đào Thị My Thư cho hay, danh sách hỗ trợ đợt 3 của toàn quận hơn 374.000 người. Cuối tháng 9, địa phương được thành phố cấp 330 tỷ đồng gồm cả kinh phí chống dịch. Quận đã dùng 280 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân. Ngoài số tiền thành phố cấp, địa phương đã ứng thêm nhưng đã chi hết. Đến nay, hơn 34.000 người chưa nhận hỗ trợ.
“Nếu tính cả số tiền còn thiếu của hai gói đầu, địa phương cần thêm 200 tỷ đồng để hoàn thành việc hỗ trợ người dân”, bà Thư nói và cho biết đã có văn bản đề nghị thành phố sớm cấp kinh phí để các phường đảm bảo hoàn thành tiến độ.
Tương tự, danh sách đợt hỗ trợ 3 của quận 11 hơn 146.000 người. Sau 20 ngày chi tiền, 80 tỷ đồng thành phố cấp về đã hết. Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó chủ tịch UBND quận cho hay địa phương đang thiếu 66 tỷ đồng và đã ứng trước nhiều nguồn để chi cho người dân. Hiện hơn 26.000 người ở quận chưa nhận được tiền.
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết, chỉ đạo của Thành ủy là phải ưu tiên nguồn tiền cho gói hỗ trợ này. Sở đã chuẩn bị đủ kinh phí cấp cho các địa phương nhưng đang chờ Văn phòng UBND thành phố hoàn tất một số thủ tục. Dự kiến, tiền sẽ được rót về quận huyện trong vài ngày tới.
Lãnh đạo TP.HCM hứa không ‘hành’ dân đi đại
Tuoitre – Trước bức xúc của dư luận về chuyện đi lại, sáng 20/10 lãnh đạo TP.HCM hứa sẽ kiểm soát đi lại đúng nghị quyết 128, không gây khó cho dân.
Phương án kiểm soát và việc có cho kinh doanh hàng ăn uống tại chỗ hay không sẽ được bàn bạc và quyết định sớm trong thời gian tới.
Trong hướng dẫn tạm của Bộ Y tế về việc xét nghiệm cho thấy các nhóm đối tượng nêu trên chưa thuộc trong diện phải làm xét nghiệm khi di chuyển, do đó việc phải có giấy xét nghiệm âm tính là điều không cần thiết (từ vùng nguy cơ thấp vào vùng nguy cơ cao).
Cụ thể, việc xét nghiệm chỉ thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ; với các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mất vị giác, khó thở…
Không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ nguy cơ rất cao hoặc vùng cách ly y tế và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ nguy cơ cao.
Với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và người đã khỏi bệnh: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ, trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và đến từ địa bàn có nguy cơ rất cao.
Nhiều chuyên gia dịch tễ khẳng định thực tế nêu trên mâu thuẫn, bất hợp lý và cần phải điều chỉnh ngay. “Chúng ta ở vùng nguy cơ cao khi đi các tỉnh bị làm khó còn có lý. Đằng này người từ các tỉnh ít nguy cơ vào vùng nguy cơ cao lại phải có giấy xét nghiệm âm tính là điều vô lý, nên bỏ ngay để tránh phiền hà và không cần thiết”, một chuyên gia đánh giá.
‘Đã xuất hiện tình trạng đói, thiếu đói do giãn cách ở các đô thị lớn’
Thanhnien – Sáng 20/10, tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Ủy ban Xã hội đã đưa ra một số đánh giá riêng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số ngành, lĩnh vực cụ thể. Theo đó, dù dịch bệnh đã tạm thời được khống chế nhưng việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ nhiều hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, cần phải được Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo, như: việc tổ chức tiêm vắc xin chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng đều tại các địa phương; xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát dẫn đến áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa phù hợp.
Theo Ủy ban Xã hội, một lo ngại lớn hiện nay là tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính 8 tháng năm 2021, đã có 85.508 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh, con số này không dừng lại mà tiếp tục gia tăng trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm bình quân cả về vốn và số lao động đăng ký.
Đã có 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực làm cho thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp; lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỷ lệ lớn. Một lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tạo nguy cơ thiếu lao động nơi đi, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động .
Vấn đề kinh tế cũng kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội cần phải được quan tâm đúng mức. Trong đó, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế. Theo báo cáo của địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19, riêng TP.HCM là hơn 1.500 trẻ mồ côi.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ: “Nhiều lao động phi chính thức không có việc làm và thu nhập để bảo đảm cuộc sống; vẫn còn không ít lao động tự do, những người không đăng ký tạm trú bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phản ánh là chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn”.
Sân Mỹ Đình không được đón khán giả ở trận tuyển Việt Nam
Zing – Sáng nay (20/10), Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và các cơ quan chức năng đã tổ chức cuộc họp liên quan đến công tác tổ chức các trận đấu của tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình vào tháng 11 tới đây.
Trong cuộc họp, lãnh đạo Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội cho biết, quan điểm của thành phố Hà Nội là không mở cửa đón khán giả vào sân trong các trận đấu sắp tới, trước mắt là trận Việt Nam – Nhật Bản.
Hiện tại, sân Mỹ Đình đang hoàn tất việc sửa chữa, cải tạo và nâng cấp các hạng mục như mặt cỏ, phòng chức năng, dàn đèn,… để chuẩn bị cho đợt “sát hạch” của Liên đoàn bóng đá Châu Á vào ngày 28/10 tới đây. Nếu đạt tiêu chuẩn, AFC sẽ cấp phép tổ chức các lượt trận trên sân nhà của tuyển Việt Nam.
Bến xe Hà Nội ‘tê liệt’: Quy định Sở GTVT đánh đố doanh nghiệp?
Sau khi Hà Nội cho 7 tỉnh, thành phố phía Bắc kết nối lại giao thông vận chuyển hành khách, tuy nhiên điều kiện thành phố Hà Nội đưa ra dường như đánh đố doanh nghiệp?.
Tiền Phong đưa tin, mặc dù Hà Nội đã là vùng xanh và thành phố có xe khách đi đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước nhưng do các quy định ngặt nghèo nên hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân có nhưng bến xe vẫn “tê liệt”.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải cho xe khách hoạt động trở lại, thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận cho 7 tỉnh, thành phố phía Bắc kết nối lại giao thông, gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La.
Tuy nhiên điều kiện thành phố Hà Nội đưa ra là: trên mỗi tuyến chỉ được phép hoạt động 5% lượt chuyến, khi hoạt động xe không được chở khách quá 50% số ghế, hành khách tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc-xin và phải có test COVID âm tính…
Quy định trên đã được thành phố đưa ra tuần qua, nhưng khi khảo sát tại bến xe Mỹ Đình hôm 19/10, phóng viên Tiền Phong ghi nhận, bến xe này chỉ có duy nhất một xe khách của nhà xe Tám Nghĩa chạy tuyến Mỹ Đình – Cao Bằng hoạt động.
Ông Lê Văn Tiến – đại diện nhà xe Tám Nghĩa cho biết, đơn vị ông là nhà xe duy nhất chạy trên tuyến Mỹ Đình – Cao Bằng từ khi Hà Nội cho phép đến nay. Đại diện nhà xe này thông tin thêm, các nhà xe khác không dám chạy vì điều kiện ngặt nghèo từ phía thành phố Hà Nội; ngoài ra, hành khách mặc dù đã tiêm vắc xin nhưng khi lên xe vẫn phải test COVID, hạn chế số lượng người trên xe… nên doanh nghiệp không thu được đủ chi phí để hoạt động.
Lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cho biết, bình thường bến xe có 900 lượt xe xuất bến/ngày, phục vụ khoảng 8.000 lượt hành khách đi đến các tỉnh phía Bắc. Nhưng từ khi thành phố cho bến xe khách được hoạt động trở lại đến nay, bến xe chỉ ghi nhận có 1 nhà xe vào hoạt động.
Theo ghi nhận của báo VnExpress, không những bến xe Mỹ Đình, mà sự việc tương tự cũng xảy ra ở 3 bến xe còn lại.
Cụ thể, ông Đinh Xuân Trường, Trưởng bến xe Yên Nghĩa, thông tin bến có 2 xe chạy tuyến Sơn La, Điện Biên với lượng khách ra vào 35-40.
Bến xe Giáp Bát chỉ có 1 chuyến chạy Lạng Sơn, nhưng 5 ngày qua không có nhà xe nào đăng ký. Khu vực sảnh bán vé, bãi xe đóng kín cửa.
Tương tự, bến xe Gia Lâm được bố trí một tuyến xe đi Hải Phòng, song cũng chưa có nhà xe nào đăng ký.
Đánh giá về khó khăn trong quá trính thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, nhiều địa phương khó thực hiện lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine. Ví dụ Nghệ An chỉ có 41 tài xế đã tiêm đủ 2 mũi trên tổng số 700 lái xe liên tỉnh. Tâm lý hành khách còn e ngại khi đi lại bằng phương tiện công cộng và phải xét nghiệm, thậm chí phải tiêm đủ liều nếu đi từ vùng dịch.
Nhiều địa phương còn quy định xét nghiệm, cách ly đối với hành khách. Một số tỉnh thành phố thuộc vùng xanh nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và chưa cho vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động bình thường.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các tỉnh thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn, tuy nhiên việc công bố cấp độ dịch tại địa phương chưa kịp thời, dẫn đến việc tổ chức vận tải lúng túng.
Mới đây, để tạo thuận lợi cho hành khách, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định chỉ yêu cầu người ở vùng dịch cấp độ 4 hoặc khu vực phong tỏa mới phải xét nghiệm âm tính khi đi xe khách liên tỉnh. Tại địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2, phương tiện chở khách được hoạt động với tần suất bình thường. Địa bàn dịch ở cấp 3, phương tiện hoạt động không vượt quá 50% tổng số xe của đơn vị và giãn cách chỗ ngồi; không vượt 50% số chuyến với xe khách liên tỉnh.
Thủ tướng kỷ luật 4 nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh
Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định thi hành kỷ luật đối với 4 nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh.
Báo Dân Việt đưa tin, ngày 20/10, tại quyết định 1765/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Vũ Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Tại Quyết định 1766/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Tại Quyết định 1767/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đặng Huy Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Theo đó, tại Quyết định 1768/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Thanh Liêm, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Theo kết luận ngày 18/6/2021 của Bộ Chính trị, ông Trần Thanh Liêm, trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hoá sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân, theo NLĐ.