Tin thế giới sáng thứ Năm

Florida không bắt buộc tiêm vắc-xin và đeo khẩu trang, số ca nhiễm đang giảm dần 

Trong hai tuần qua, ở Florida với rất ít quy định bắt buộc như tiêm vắc-xin và đeo khẩu trang, số ca mắc trung bình đã giảm 33%. 

Thống đốc Florida Ron DeSantis

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, bang Florida của Hoa Kỳ không phong tỏa thành phố, không đóng cửa các cơ sở kinh doanh, không bắt người dân tự tránh dịch ở nhà, không bắt buộc tiêm phòng, không bắt đeo khẩu trang. Kết quả là họ đã liên tục bị chỉ trích bởi những người cánh tả, nhưng xét về số ca nhiễm bình quân đầu người, tình hình ở Florida tốt hơn hầu hết các bang khác ở Hoa Kỳ.

Theo bản đồ COVID-19 và số ca nhiễm được công bố bởi New York Times, số ca nhiễm bình quân tính trên 100.000 người ở Florida là 14 ca, đứng thứ ba ở Hoa Kỳ. Chỉ có hai bang có tỷ lệ này tốt hơn Florida, đó là Louisiana với 13 ca và Hawaii là 9 ca.

Phần giải thích của New York Times viết: “Bảng này được sắp xếp theo thứ tự từ nhiều ca nhất đến ít ca nhất tính trên 100.000 dân trong 7 ngày qua. Biểu đồ hiển thị mức thay đổi trung bình hàng ngày và mỗi biểu đồ có tỷ lệ riêng.”

California và Florida ngang hàng nhau, với tỷ lệ trung bình là 14 ca trên 100.000 dân. Nhiều bang thuộc đảng Dân chủ có con số cao hơn nhiều so với California. Ví dụ, tỷ lệ này ở Michigan có 43 ca, Pennsylvania là 35 ca và New York là 23 ca.

Trong hai tuần qua, Florida đã giảm 33% số ca nhiễm, vượt trội so với California (giảm 16%) và bang New York (giảm 8%). Điều đáng chú ý là trong 14 ngày qua, Washington DC đã tái triển khai lệnh đeo khẩu trang, kết quả là số lượng các ca nhiễm đã tăng 2%. Bang Michigan cũng đã tăng 8% trong cùng kỳ.

Nhìn chung, tính đến ngày 18/10, số ca trung bình hàng ngày ở Florida là 3.042 ca. Trong 14 ngày qua, số người nhập viện giảm 40% và số người tử vong giảm 5%.

Vào thời điểm công bố những dữ liệu này, Thống đốc đảng Dân chủ của Illinois, ông JBPritzker, cũng đã tái thực hiện quy định đeo khẩu trang vì lo ngại về sự lây lan của virus. Theo New York Times, tỷ lệ ca nhiễm ở bang này là 24 ca tính trên 100.000 dân, mặc dù có quy định đeo khẩu trang nhưng số ca nhiễm đã tăng 11% trong 14 ngày qua.

Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida chưa từng yêu cầu thực hiện quy định đeo khẩu trang trên toàn bang trong thời gian xảy ra đại dịch, sau này cũng không có yêu cầu tiêm chủng bắt buộc nào. Vì vậy, ông đã nhận phải sự phản đối mạnh mẽ từ cựu Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và các thống đốc đảng Dân chủ khác. Tuy nhiên, có một thực tế là tình hình tại các bang thuộc đảng Dân chủ này còn tệ hơn nhiều về số ca tử vong lẫn ảnh hưởng đến kinh tế.

Hiện nay, khi chứng kiến một số liệu thống kê tốt như vậy ở Florida, hơn nữa tình hình ngày càng tốt hơn, những người từng chỉ trích Florida không thực hiện các biện pháp bắt buộc trong đại dịch cũng không có lời nào để nói. Kênh Yahoo News thậm chí còn đăng một bài báo vào hôm thứ Ba (ngày 19/10) với tiêu đề “Các nhà phê bình DeSantis đã im lặng khi số ca nhiễm COVID-19 ở Florida giảm”.

Gordon Chang: Nếu TQ tấn công bằng tên lửa siêu thanh, sẽ không có cảnh báo

Trung Quốc có thể sẽ không thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân vào Hoa Kỳ, nhưng nếu có, cuộc tấn công đó sẽ xảy ra mà không có bất kỳ cảnh báo nào do bản chất của công nghệ này, chuyên gia Trung Quốc Gordon Chang cảnh báo trên Newsmax hôm thứ Hai.

“Chúng ta không có gì có thể so sánh được, điều đó có nghĩa là nếu Trung Quốc muốn, họ có thể tấn công Mỹ và chúng ta sẽ không có cảnh báo nào cả”, ông Chang nói trên chương trình “Wake Up America” của Newsmax khi bình luận về các báo cáo rằng Trung Quốc đã thử nghiệm một trong những tên lửa siêu thanh hồi tháng 7. Ông cho biết: “Với tên lửa đạn đạo, chúng ta còn có thể có 25 phút, nửa giờ cảnh báo.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào đầu ngày thứ Hai đã bác bỏ các cáo buộc về tên lửa siêu thanh, nói rằng họ chỉ thử nghiệm một tàu vũ trụ.

Tờ Financial Times trước đó trích dẫn độc quyền năm nguồn tin hôm Thứ Bảy (ngày 16/10), cho biết vào tháng Tám năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh để đưa một phương tiện siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân lướt vào quỹ đạo không gian Trái Đất ở quỹ đạo thấp. 

Mặc dù đã đi chệch hướng 32 km nhưng cuộc thử nghiệm này vẫn xác minh “tiến bộ đáng kinh ngạc” của ĐCSTQ về vũ khí siêu thanh, vượt quá dự liệu của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Mặc dù ĐCSTQ thường thông báo về các vụ phóng tên lửa, nhưng cuộc thử nghiệm này đã được giữ kín.

Theo Financial Times, tình báo Hoa Kỳ “không biết Trung Quốc đã làm điều này như thế nào”.

Ông Chang cho biết, vụ thử nghiệm diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang nhắm vào Hoa Kỳ với một cuộc tấn công tuyên truyền “ác ý” và đang “tạo lý do cho một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ”.

Trong khi Chang nói ông không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phóng một trong những tên lửa siêu thanh vào Hoa Kỳ, nhưng ông cho rằng có những lo ngại rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ bất ngờ thực hiện một hành động chính trị nào đó đối với Washington một cách bất ngờ.

Hoa Kỳ có “quan niệm rằng chúng ta vượt trội về mặt quân sự so với người khác”, nhưng các báo cáo về vụ phóng tên lửa siêu thanh [của Trung Quốc] đã khiến nhiều người trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ phải đặt câu hỏi về điều đó, ông tiếp tục.

Ông Chang nói: “Về vấn đề chuyển giao vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đang đi trước chúng ta rất xa.” “Chúng ta không có cách nào để bắn hạ thứ này. Chúng ta có 44 tên lửa đánh chặn ở Alaska và California. Không cách nào chúng có thể làm được điều này.”

Ngay cả khi tên lửa bắn trượt mục tiêu, độ chính xác của nó sẽ được cải thiện với nhiều cuộc thử nghiệm hơn, ông Chang nhấn mạnh.

Ông Chang cũng thảo luận về Thế vận hội Bắc Kinh sắp tới, kêu gọi Hoa Kỳ tẩy chay vì các hành động của Trung Quốc với đại dịch COVID-19 và đối với người dân nước này.

Ông Chang nói: “Theo công ước diệt chủng năm 1948, chúng ta có nghĩa vụ ngăn chặn và trừng phạt các hành vi diệt chủng mà Trung Quốc đang thực hiện,” đề cập đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. “Thậm chí ngay cả Bộ Ngoại giao của ông Blinken cũng nói rằng Trung Quốc phạm tội [diệt chủng].

”Nhân quyền Cuba: Người biểu tình bị đàn áp và bắt giữ tùy tiện trong tháng 7

Ngày 19/10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho hay, chính phủ Cuba đã tùy tiện bắt giữ, đánh đập và ngược đãi những người tham gia các cuộc biểu tình hồi tháng 7 năm nay, nhằm gây ra nỗi sợ hãi cho dân chúng và kiềm chế những người bất đồng chính kiến.

Một người đàn ông bị bắt giữ trong cuộc biểu tình phản đối chế độ cầm quyền Cuba tại Arroyo Naranjo Municipality, Havana ngày 12/7/2021 (Ảnh: Getty Images)

Hàng nghìn người Cuba đã tuần hành trong cuộc biểu tình lớn nhất vào ngày 11/7, làm rung chuyển đất nước do chế độ cộng sản điều hành kể từ cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1959. Lực lượng an ninh đã dập tắt các cuộc biểu tình trong bối cảnh hàng loạt vụ bắt giữ và một số người bị ghi nhận là đã tử vong. Đường phố của quốc đảo này kể từ đó hầu như không còn yên tĩnh.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết, họ đã xác nhận ít nhất 130 trường hợp lực lượng an ninh vi phạm quy trình tố tụng, đánh đập, lạm dụng tình dục hoặc cưỡng bức các công dân Cuba tham gia cuộc biểu tình mà tổ chức này mô tả là “các cuộc biểu tình phản đối chính phủ quá đỗi ôn hòa”.

Cuba đã bác bỏ các báo cáo về các vụ đàn áp hoặc tra tấn có hệ thống. Chính phủ đổ lỗi cho các cuộc biểu tình là do Hoa Kỳ can thiệp, khẳng định Hoa Kỳ đã công khai tìm cách ép buộc quốc đảo láng giềng phải cải cách thông qua các biện pháp trừng phạt và tài trợ cho các chương trình dân chủ trong nhiều thập kỷ qua.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã thu thập bằng chứng về hành vi vi phạm nhân quyền của cảnh sát và quân đội Cuba từ các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các nhà hoạt động, nạn nhân, người thân, nhà báo và luật sư của họ, cũng như từ các hồ sơ vụ án, báo chí và hình ảnh và video.

Nhà nghiên cứu Juan Pappier của HRW nhấn mạnh: “Khi hàng nghìn người Cuba xuống đường biểu tình vào tháng 7, chính phủ Cuba đã đáp trả bằng một chiến lược đàn áp tàn bạo nhằm gây ra nỗi sợ hãi và trấn áp những người bất đồng chính kiến.”

Theo nhóm nhân quyền Cuba Cubalex, hơn 1.000 người đã bị bắt giữ, và hiện ít nhất 500 người vẫn đang bị giam giữ hoặc quản thúc tại gia.

Người dân Cuba đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trong vài năm qua, cũng như tình trạng mất điện trên diện rộng kể từ tháng 6. Các vấn đề này thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch kéo dài suốt hai năm đã đóng cửa ngành du lịch toàn cầu, trong khi đây là một trong những lĩnh vực chính giúp kinh tế Cuba phát triển.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Jose Miguel Vivanco cũng trao đổi với các phóng viên ở Miami: “Họ xuống đường vì họ không còn gì để mất. Và, chính phủ lại trực tiếp cho họ thấy rằng họ còn rất nhiều thứ để mất.”

Các cáo buộc lạm dụng được đưa ra chỉ vài tuần trước một cuộc tuần hành khác của những người bất đồng chính kiến, dự kiến diễn ra vào ngày 15/11 sắp tới. Đây cũng sẽ là cuộc biểu tình lớn đầu tiên kể từ ngày 11/7. Chính phủ Cuba đã tuyên bố cuộc tuần hành được lên lịch cùng ngày quốc đảo Caribe có kế hoạch mở cửa trở lại du lịch quốc tế này là bất hợp pháp.

Ông Vivanco nhận định, có khả năng chính phủ sẽ chuẩn bị kỹ hơn nhiều trong khoảng thời gian này liên quan đến cuộc biểu tình sắp tới. “Chúng tôi sẽ xem liệu, vào ngày 15/11, người dân Cuba… có được phép thực hiện quyền biểu tình ôn hòa của họ không, hay liệu họ có chùn bước vì sợ hãi hay không.”

Vì sao Trung Quốc lại sợ thuế quan và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ?

Các lệnh trừng phạt và thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Chính quyền mới cũng đang thực thi các mức thuế và hạn chế này.

Tiếp tục áp dụng hạn chế thương mại với Trung Quốc như thời chính quyền Trump, trong 10 tháng đầu cầm quyền, chính quyền Biden đã cấm nhập khẩu một số nguyên liệu từ Tân Cương và trừng phạt Bắc Kinh vì vi phạm nhân quyền tại khu vực này, hỗ trợ NATO chuyển trọng tâm sang Trung Quốc, tuyên bố chính quyền Trung Quốc là mối đe dọa an ninh toàn cầu. 

Trước đó, chính quyền Trump cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc, chặn 59 công ty Trung Quốc vì có quan hệ quốc phòng với chính quyền Bắc Kinh, chống lại các công ty viễn thông Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia và có vẻ như nhiều quốc gia khác cũng đang đi theo lộ trình tương tự.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết thuế quan thời Trump vẫn tồn tại cho đến nay; trong khi đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai có thể sẽ khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 đối với Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến nhiều mức thuế quan hơn.

Khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan ban đầu, họ đã nhắm rõ mục đích đẩy các nhà sản xuất Hoa Kỳ và nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người hy vọng rằng điều này sẽ đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán để Tai và các quan chức khác có thể đàm phán các điều khoản thương mại công bằng hơn với Trung Quốc, hoặc sự ra đi của các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài sẽ chấm dứt sự thống trị của Trung Quốc với tư cách là “công xưởng của thế giới”.

Thuế quan đã trở thành một chủ đề phân cực chính trị ở Hoa Kỳ. Nhiều chính trị gia và phương tiện truyền thông nổi tiếng đã cố gắng lên án thuế quan, nói rằng chúng không có tác dụng. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng là bất chấp chi phí tiêu dùng ở Hoa Kỳ tăng cao, thuế quan vẫn là đòn đánh hiệu quả lên nền kinh tế Trung Quốc.

Một bài báo của Washington Post cho thấy các mức thuế quan mới của Hoa Kỳ trong năm 2018 và 2019 đã khiến hơn 1.800 công ty con do Hoa Kỳ tài trợ phải dừng tất cả các hoạt động tại Trung Quốc, tăng 46% so với năm trước. Và con số này chỉ bao gồm các công ty Hoa Kỳ. Các công ty nước ngoài cũng đang học theo Hoa Kỳ – chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bao gồm Samsung Electronics của Hàn Quốc và LG Electronics, cũng như các nhà sản xuất giày Puma và Adidas của Đức,….

Thuế quan của Hoa Kỳ đã tạo ra một lỗ hổng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Khi Bắc Kinh vật lộn với một nền kinh tế đại dịch, các vấn đề vận chuyển, khủng hoảng tín dụng, thiếu điện, vỡ nợ bất động sản và đàn áp của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lên mọi thứ, thuế quan thành công ngăn cản Trung Quốc dựa vào xuất khẩu để kéo nó ra khỏi vũng lầy kinh tế.

Thuế quan là một trong nhiều công cụ trong kho vũ khí của Hoa Kỳ để bảo vệ thương mại Mỹ, nền kinh tế Mỹ và cuối cùng là người lao động Mỹ. Nhiều tổng thống Hoa Kỳ đã phớt lờ những lời khiển trách từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc các tổ chức quốc tế về việc áp đặt thuế quan thương mại, coi việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ là việc trong nước. Các chính quyền trước đây đều tin rằng Hoa Kỳ có quyền tự vệ, và có vẻ như Yellen và Tai đều duy trì niềm tin tương tự.

Khi WTO ra phán quyết rằng Hoa Kỳ không có quyền áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc vì chuyển giao công nghệ bắt buộc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã rất vui mừng. WTO đã đi đến quyết định này, mặc cho thực tế là luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc quy định rõ ràng rằng các thực thể nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Sau đó, Đại diện Thương mại  Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã lên tiếng phản đối rằng Hoa Kỳ có quyền bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Trong khi đó, ĐCSTQ đã nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên đưa những bất bình của mình lên WTO, thay vì tự giải quyết vấn đề.

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, Hoa Kỳ đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại: 60.000 nhà máy đóng cửa, mất 4 triệu việc làm. Năm 2001, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa trị giá 102 tỷ đô la từ Trung Quốc. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 435 tỷ USD.

Ngoài việc mất việc làm, còn có những tác động đến an ninh quốc gia khi phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Đại dịch đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc xây dựng lại cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ, thay vì dựa vào quốc gia khác. Thuế quan làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, khuyến khích người Mỹ mua hàng nội địa. Người Mỹ càng mua nhiều sản phẩm trong nước, thì càng có nhiều nhà máy và việc làm được tạo ra, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Thực tế là thuế quan đã bảo vệ lợi ích của người Mỹ trong các chính quyền trước đây. Cựu Tổng thống Barack Obama đã đưa ra WTO số vụ kiện Trung Quốc nhiều gấp đôi so với chính quyền tiền nhiệm. Cùng với chính sách Sản xuất tại Mỹ, ông đã áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc, điều này làm tăng sản xuất và xuất khẩu của Hoa Kỳ. Các mức thuế nhôm thời Trump đã cứu ngành công nghiệp nhôm của Hoa Kỳ, hồi sinh ngành sản xuất, tạo việc làm và thu hút đầu tư. Thuế quan cũng có thể gửi một tín hiệu đến các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Thuế quan của Hoa Kỳ đối với thép của Hàn Quốc khiến Hàn Quốc tự nguyện giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Thương mại với Trung Quốc không phải là miễn phí. Ngay cả trước chiến tranh thương mại, mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ vẫn là 8%, cao hơn gấp đôi so với 3,1% mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Thương mại với Trung Quốc cũng không công bằng. Các công ty Hoa Kỳ buộc phải cạnh tranh trong thị trường trợ cấp của nhà nước và mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ, trung bình khoảng 20%. Các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc cũng gặp khó khăn bởi các hạn chế tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Thuế quan và các hạn chế khác đối với Trung Quốc sẽ khiến ĐCSTQ không có tiền để hiện đại hóa quân đội, đồng thời bảo vệ việc làm và đảm bảo quốc phòng của Hoa Kỳ bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài.

Bắc Triều Tiên muốn biến thử hỏa tiễn thành việc bình thường

Hôm 19/10 Bình Nhưỡng đã phóng đi một hỏa tiễn đạn đạo, được cho là từ tàu ngầm. Với vụ bắn thử thứ 7 kể từ đầu năm, chế độ Bắc Triều Tiên muốn « bình thường hóa » việc này.

Theo phân tích của Hàn Quốc, đó là một hỏa tiễn đạn đạo địa-hải tầm ngắn (SLBM), bắn ra từ tàu ngầm hoặc một bệ phóng dưới biển, hướng về vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Loại tên lửa này đã được Bình Nhưỡng phát triển từ 5 năm qua. Nếu thực sự được bắn đi từ tàu ngầm, Bắc Triều Tiên đã bước được một bước dài vì tàu ngầm có thể đi xa hơn, và tấn công đợt hai vào các căn cứ quân sự.

Nhà Triều Tiên học Juliette Morillot khẳng định Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ ra tay tấn công trước các láng giềng hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa, vì từ nhiều năm qua tất cả các hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đều bay ngang qua lãnh thổ hoặc rơi xuống biển Nhật Bản. Về phía Washington, nếu các hỏa tiễn này không đe dọa lập tức nhân viên và lãnh thổ Mỹ cũng như các đồng minh thì Nhà Trắng không hành động gì.

Chad O’Carroll, giám đốc trung tâm nghiên cứu Korea Risk Group ở Seoul phân tích, sau hai năm thu mình lại vì đại dịch, Bắc Triều Tiên tái thúc đẩy ngoại giao quân sự, sau hỏa tiễn sẽ đến ngoại giao. Chuyên gia Jeongmin Kim của NKNews tổng kết: “Bình Nhưỡng muốn bình thường hóa các vụ thử nghiệm, cho đến khi chúng không còn là trở ngại cho việc tái lập đối thoại với Hoa Kỳ”.

Lực lượng lính đánh thuê Wagner phục vụ cho Kremlin

Sau khi tiếp tay cho phe nổi dậy ở miền đông Ukraina năm 2014, lực lượng không chính thức “Wagner, lính đánh thuê phục vụ cho Kremlin” liên tục làm thay quân đội Nga những công việc nguy hiểm ở nhiều nơi trên thế giới, tuy không hề được điện Kremlin nhắc tên. Ông Vladimir Putin chỉ gọi là “một tổ chức tư nhân”.
Chuyên gia Ruslan Leviev của nhóm điều tra Conflict Intelligence Team cho biết Wagner rất linh hoạt: những đội quân đông đảo bên cạnh quân ly khai thân Nga ở đông Ukraina, hàng ngàn lính đánh thuê ở Syria của Bachar Al Assad, hay những nhóm đặc nhiệm nhỏ ở Libya và Trung Phi. Matxcơva tránh bình luận về các hoạt động của Wagner, và cũng không có lời nào về Dimitri Outkine, cựu nhân viên tình báo quân đội, người đã thành lập lực lượng này. Tháng 12/2016, ông ta từng được vinh danh trong lễ đón tiếp những “người hùng” từ Syria tại điện Kremlin, và có mặt trong một tấm hình chụp với Putin.

Outkine thường có mặt ở thực địa để điều phối, và tổ chức tuyển mộ. Khoảng 5.000 lính đánh thuê đã được tuyển kể từ 2014 : các cựu binh Afghanistan, Tchetchenya, quân ly khai Ukraina, quân nhân về hưu hoặc tình nguyện viên Nga. Với lương tháng ít nhất 150.000 rúp (1.800 euro, gấp 10 lương tối thiểu ở Nga), cộng thêm nhiều loại tiền thưởng, Wagner tìm cách mở rộng đội ngũ, và huấn luyện tại căn cứ quân sự Molkino ở Krasnodar, thuộc miền nam.

Nga phá rối thông qua tổ chức của Outkine và Prigojine

Kremlin đặc biệt im lặng về khuôn mặt quan trọng khác của Wagner: doanh nhân Evgueni Prigojine, người thân cận của Putin. Trong thập niên 90 ở Saint Petersbourg, khi Putin là phó thị trưởng, ông ta lãnh đạo các nhà hàng sang trọng và nay là người cung cấp các bữa ăn cho Kremlin. Từng bị ngồi tù 9 năm thời Liên Xô cũ vì tội « ăn cắp », giờ đây Evgueni Prigojine trở thành tỉ phú nhờ nhiều hợp đồng công béo bở ; hiện đang bị Hoa Kỳ trừng phạt vì can thiệp bầu cử và Liên Hiệp Châu Âu phạt vì gây bất ổn ở Libya.

Denis Korotkov – nhà báo điều tra về Wagner, làm việc tại Novaia Gazeta, tờ báo mà tổng biên tập vừa được giải Nobel hòa bình – thổ lộ có rất nhiều bằng chứng về vai trò của Evgueni Prigojine nhưng không thể công bố vì nguy hiểm cho nguồn tin. Bản thân ông cũng bị đe dọa. Năm 2018, khi Wagner bắt đầu hoạt động tại Trung Phi, ba nhà báo Nga điều tra đã bị ám sát. Nguy hiểm càng tăng thêm khi tổ chức lính đánh thuê này đã trở thành cơ sở làm ăn, cần bảo vệ lợi ích thương mại. Tại Syria, Wagner bảo vệ các giếng dầu và nhận được một phần tiền bán dầu, ở Trung Phi, việc bảo kê hầm mỏ mang lại lợi nhuận lớn.

Evgueni Prigojine chịu mọi chi phí của Wagner, kể cả bồi thường cho thân nhân lính đánh thuê chết trận. Chẳng hạn tháng 2/2018 Wagner bị thiệt hại nặng nề tại Syria do Mỹ oanh kích, tất nhiên do không phải là quân nhân chính thức, vợ con những người tử thương không được trợ cấp gì. Một trong những quỹ của Evgueni Prigojine đã chi ra 3 đến 5 triệu rúp (35.000 đến 60.000 euro). Tháng 12/2020, ông ta trả gần 400.000 euro cho hai người Nga được thả khỏi nhà tù Libya. Andrei Kortounov, giám đốc Russian Council nhận định, tuy Wagner tương đối tự do có những sáng kiến, nhưng trong trường hợp thất bại, Matxcơva sẽ phủi tay.

Trong bài xã luận về một “quân đội không hiện hữu”, tờ La Croix của Pháp nhận định về mặt quân sự, vài ngàn lính không thể thay đổi thế trận trong cuộc chiến ở châu Phi hay Trung Đông. Nhưng tháng trước Reuters tiết lộ về một thỏa thuận đang được chuẩn bị giữa Wagner và chính quyền Bamako nắm quyền từ vụ đảo chính tháng 8/2020, cho thấy khả năng quấy rối của Nga thông qua kiểu tổ chức này. Wagner giúp Vladimir Putin can thiệp vào các cuộc xung đột mà không bị rủi ro chính trị.

Mỹ nói Nga là trở ngại cho hòa bình ở miền đông Ukraine

Phụng Minh

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd James Austin (ảnh: Youtube/GoArmyWestPoint).

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm thứ Ba (ngày 19/10) cho biết Nga là trở ngại cho hòa bình ở miền đông Ukraine và không có quyền phủ quyết nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine.

Trong chuyến thăm tới Kyiv vào thời điểm quan hệ của Nga với phương Tây đang ở mức thấp sau Chiến tranh Lạnh, ông Austin cho biết Ukraine phải có khả năng tự quyết định chính sách đối ngoại của mình và cảnh báo Moscow dừng các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và các đồng minh.

Quân đội Ukraine đã chiến đấu với các lực lượng do Nga hậu thuẫn ở khu vực phía đông Donbass trong một cuộc xung đột bắt đầu từ năm 2014, ngay sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea từ Ukraine.

Bộ trưởng Austin nói trong một cuộc họp báo cùng với người đồng cấp Ukraine Andrii Taran rằng: “Hãy rõ ràng rằng Nga đã bắt đầu cuộc chiến này và Nga là trở ngại cho một giải pháp hòa bình”.

“Vì vậy, chúng tôi một lần nữa kêu gọi Nga chấm dứt việc chiếm đóng Crimea, ngừng kéo dài cuộc chiến ở miền đông Ukraine, chấm dứt các hoạt động gây mất ổn định ở Biển Đen và dọc theo biên giới Ukraine, đồng thời ngừng các cuộc tấn công mạng kéo dài và các hoạt động ác ý khác chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.

Matxcơva phủ nhận việc đóng quân ở miền đông Ukraine hoặc gửi binh lính và khí tài quân sự để hỗ trợ hai chính phủ ly khai ủy nhiệm ở Donbass. 

Hoa Kỳ là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và bùng nổ xung đột ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine đã thất vọng vì tiến độ gia nhập NATO chậm chạp, đặc biệt là sau cuộc xung đột biên giới với quân đội Nga trong năm nay. Washington đã thúc giục Kyiv thực hiện các cải cách trong lĩnh vực quốc phòng để đủ điều kiện gia nhập.

Hôm thứ Hai, Nga cho biết họ đang tạm dừng các hoạt động của phái đoàn ngoại giao của mình tại NATO sau khi liên minh quân sự phương Tây trục xuất 8 người Nga bị cáo buộc làm gián điệp.

Điện Kremlin hồi tháng trước cũng cảnh báo rằng bất kỳ sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự nào của NATO ở Ukraine sẽ vượt qua một trong những “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Austin cho biết, “Không có quốc gia thứ ba nào có quyền phủ quyết đối với các quyết định thành viên của NATO”.

Trung Quốc hô hào giúp Afghanistan nhưng mở hầu bao lấy lệ

Phe Taliban ngỡ rằng việc khó khăn nhất đã xong xuôi: thương lượng Mỹ rút quân và quét sạch chế độ cũ. Nay họ nhận ra rằng không vì vậy mà cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho họ gia nhập. Từ khi Kabul sụp đổ hôm 15/08, không có quốc gia nào công nhận chính quyền Taliban, quỹ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan bị Hoa Kỳ và châu Âu phong tỏa.

Để thoát khỏi cô lập ngoại giao và kinh tế, họ quyết định đầu tư vào đối ngoại, dựa vào các “bạn bè”. Điểm nhấn chính là hội nghị tổ chức tại Matxcơva hôm nay 20/10, mà theo chính quyền Nga là nhằm cải thiện quan hệ giữa Afghanistan với các nước và nhìn nhận chính phủ mới. Tuy nhiên hiện nay ngay cả Nga lẫn Pakistan và các nước Hồi giáo vẫn chưa công nhận, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ được mời, nhưng Washington từ chối.

Taliban loan báo gởi một đoàn đại biểu “cấp cao” đến dự hội nghị quốc tế đầu tiên này, do phó thủ tướng thứ nhì dẫn đầu và nhiều bộ trưởng trong đó có ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi. Ông Muttaqi trước khi lên đường đã liên kết vấn đề công nhận chính phủ Taliban với việc đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech), nói rằng nếu chính quyền hiện nay yếu đi thì IS sẽ có lợi. Nhưng ngoài Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có Trung Quốc kêu gọi ít nhất là giúp dân chúng Afghanistan đang bị hạn hán nặng nề.

Tuy hô hào lớn tiếng nhưng Trung Quốc chỉ hứa giúp 19 triệu đô la, còn Liên Hiệp Châu Âu sẽ viện trợ khẩn cấp đến 1 tỉ euro. Ấn Độ đòi hỏi không nước nào dùng Afghanistan để « phục vụ cho lợi ích của họ một cách ích kỷ ». Các nước Trung Á thì bắt đầu thảo luận trực tiếp về thương mại, nhân đạo và cơ sở hạ tầng. Riêng Qatar có quan hệ đặc biệt với Taliban, là nước duy nhất có thể đưa ra khỏi Kabul những người Afghanistan có giấy tờ của chính phủ các nước cấp. Với nguyên tắc “xơi thịt con voi phải từng mảnh nhỏ”, thứ trưởng ngoại giao Qatar cho rằng cần phải thực tế: “Nếu để dân Afghanistan chết đói thì nói về nhân quyền chẳng có nghĩa lý gì”.

Related posts