Thanh Hải
Thế giới đã chứng kiến sự thành hình của một Liên minh An ninh Tứ giác hay Bộ Tứ (Quad) giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ , Nhật Bản và Úc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây, đã có tin đồn về một tập hợp Bộ Tứ ở khu vực Trung Đông giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Israel và UAE.
Ngày 18/10, Ngoại trưởng 4 nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Israel và UAE đã tổ chức một cuộc họp “sơ bộ” không chính thức được tổ chức qua phương thức kết hợp trực tiếp và online.
Trao đổi với tờ The Epoch Times, Seth J. Frantzman, một nhà phân tích Trung Đông nhận định: “Mối quan hệ chặt chẽ đang nổi lên giữa Hoa Kỳ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ, với tư cách là một nhóm ‘Bộ Tứ’ là rất quan trọng, vì nó gắn kết các mối quan hệ chính giữa các quốc gia chia sẻ lợi ích chung, và bao phủ một khu vực rộng lớn trên thế giới”.
Chuyên gia Frantzman mô tả đây là “cuộc họp sơ bộ và mang tính đột phá” và cho biết bốn nước vốn đã có quan hệ song phương chặt chẽ và diễn đàn mới sẽ giúp họ chia sẻ các chính sách quan trọng tiềm tàng.
“Điều này có thể thông qua lĩnh vực công nghệ và thương mại, nhưng cũng có thể liên quan đến an ninh và các lợi ích khác. Bởi vì các quốc gia này cũng có quan hệ đối tác khác trong khu vực, họ có thể giúp tạo ảnh hưởng đến một mạng lưới lớn hơn gồm các quốc gia đối tác từ Đông Địa Trung Hải đến Úc và châu Á”, ông nhận định.
Các chuyên gia cho biết liên minh mới sẽ giúp duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và Nam Á, sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan, và cũng sẽ giúp tạo ra một sự cân bằng trong khu vực chống lại Nga và Trung Quốc.
Esra Sarim, một nhà phân tích an ninh quốc tế có trụ sở tại Pháp, chia sẻ với tờ Epoch Times: “Đội hình này được thành lập đặc biệt ngay sau thỏa thuận quốc phòng AUKUS giữa 3 nước Úc, Anh và Hoa Kỳ. Bởi vì, thông qua các thỏa thuận & liên minh này, chính quyền Mỹ sau khi rời khỏi Afghanistan có thể củng cố trục của mình và áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ đối với cả Nga và Trung Quốc, để duy trì vị thế/sự hiện diện của họ ở khu vực Trung Đông và Nam Á”.
Aukus được nhiều người coi là một hiệp ước nhằm chống lại Trung Quốc khi Mỹ lần đầu tiên chia sẻ công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.
Trao đổi với tờ The Epoch Times, Hamid Bahrami, một nhà phân tích trung đông có trụ sở tại Glasgow cho biết, liên minh Bộ Tứ mới là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ và một chiến lược lớn hơn của phương Tây, nhằm hình thành một lực lượng trải dài và thống nhất chống lại Trung Quốc.
“Thật vậy, thế giới sẽ chứng kiến một trật tự thế giới mới trong thập kỷ tiếp theo”, ông nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng diễn đàn mới và các thỏa thuận song phương khác giữa các quốc gia này cũng có ý chống lại các chương trình nghị sự lớn hơn của Trung Quốc.
Trong một phân tích trước đó trên tờ Jerusalem Post, chuyên gia Frantzman đã bổ sung Hy Lạp, Pháp, Síp, Bahrain, Ai Cập và Jordan vào danh sách “các quốc gia cùng chí hướng” như một phần mở rộng của Bộ tứ mới.
Ông chia sẻ: “Hy Lạp và Síp không có vấn đề tiêu cực nào với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hy Lạp và Síp ngày càng thân thiết hơn với Israel trên nhiều phương diện và cũng đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Hy Lạp và Síp thì đang chia sẻ quan ngại về hành vi gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ. Có những lý do chính đáng để Hy Lạp và Síp sẽ muốn liên kết với Ấn Độ, và họ đã có quan hệ chặt chẽ với UAE”.
Chuyên gia Sarim nói rằng, để đáp lại các thỏa thuận này, có khả năng “Iran, Pakistan, Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Afghanistan” sẽ xúc tiến nhiều thỏa thuận kinh tế và an ninh trong thời gian tới.