Tin thế giới chiều thứ Sáu

Quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi bùng phát đợt dịch mới

Thanh Hải

Ảnh: Youtube/Ruptly.

Chính phủ Latvia thông báo sẽ tái áp đặt lệnh phong toả do COVID-19 từ ngày 21/10 đến ngày 15/11 (từ 20h tối đến 5h sáng), đồng thời đóng cửa tất cả trường học và cửa hàng không thiết yếu, sau khi quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục. Trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi bùng phát đợt dịch mới.

Thủ tướng Krisjanis Kariņs cho biết rằng chỉ những người làm công việc thiết yếu về sản xuất, xây dựng và quan trọng mới được phép hoạt động trực tiếp.

Cơ quan y tế của nước này cho biết số ca mắc mới ở Latvia tăng 49% trong tuần tính đến ngày 17/10. Số ca nhập viện tăng 56% trong tuần trước, trong khi số ca COVID-19 nặng tăng 62,8%.

Một trong 2 bệnh viện lớn nhất ở Riga đã bắt đầu lắp đặt giường tạm thời cho bệnh nhân COVID-19 để đối phó với làn sóng dịch mới. Chính phủ Latvia cũng phải hủy bỏ hầu hết ca phẫu thuật theo kế hoạch ở các bệnh viện vào tuần trước trong bối cảnh nhu cầu về giường bệnh và nhân viên y tế ngày càng lớn khi ca bệnh COVID-19 tăng đột biến.

Tổng thống Latvia Egils Levits đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào tuần trước, khiến Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người đã tiếp xúc với ông Levits một ngày trước đó, cũng phải tự cách ly.

Latvia, trong một thời gian dài được xem là một trong những khu vực ứng phó thành công với dịch bệnh ở châu Âu. Quốc gia này đã ghi nhận gần 3.000 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 2,935 ca nhiễm.

Thỏa thuận trị giá 2.6 tỷ USD cho China Evergrande sụp đổ, cổ phiếu giảm 10.5%

Lưu Đức biên dịch

Logo công ty trên trụ sở của Tập đoàn China Evergrande ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, hôm 26/09/2021. (Ảnh: Aly Song/Reuters) Tài Chính – Kinh Tế

Cổ phiếu của China Evergrande Group dự kiến ​​dự kiến sẽ giảm 10.5% vào thứ Năm (21/10) do đòn mới nhất đánh vào nhà phát triển bất động sản mắc nợ, vốn đã làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Công ty đã tiếp tục giao dịch hôm 12/10 sau hai tuần tạm ngưng kể từ hôm 04/10.

Vào cuối hôm 20/10, công ty này đã thông báo rằng họ đã không bảo đảm được thỏa thuận trị giá 2.6 tỷ USD để bán 50.1% cổ phần trong chi nhánh dịch vụ bất động sản của mình cho đối thủ nhỏ hơn Hopson Development Holdings, đặt ra các điều kiện cho một vụ vỡ nợ tiềm ẩn.

Cổ phiếu của Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Evergrande đã giảm 8% khi giao dịch cổ phiếu của cả hai công ty được nối lại.

Kể từ đầu năm, cổ phiếu của công ty đã giảm gần 80%.

Các nghĩa vụ nợ của công ty đã dồn lên đến điểm khủng hoảng trong năm nay, bị kích hoạt bởi các chính sách mới của chính phủ trung ương được đưa ra vào tháng Tám năm ngoái được thiết kế để giảm đòn bẩy vay nợ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Các nhà quản lý Trung Quốc vạch ra “ba ranh giới đỏ” để cắt các khoản vay ngân hàng mới cho những nhà phát triển sử dụng nợ quá mức, theo các chính sách mới, điều này đã ảnh hưởng đến dòng tiền của Evergrande chỉ qua một đêm.

Theo các nhà phân tích, vẫn còn phải xem những tác động tức thời của việc Evergrande vỡ nợ sẽ là gì đối với thị trường Trung Quốc và toàn cầu, với chính trị của Trung Cộng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quyết định tốc độ và mức độ của sự cố vỡ nợ.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các công ty đầu tư ngoại quốc BlackRock, UBS, HSBC, và Ashmore Group, nằm trong những trái chủ lớn nhất của Evergrande, với tổng số nắm giữ là 1.3 tỷ USD.

Evergrande chỉ là một trong số nhiều nhà phát triển mắc nợ cao trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, có nghĩa là các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, bao gồm tất cả nhà đầu tư Hoa Kỳ, phải chịu rủi ro rộng lớn hơn là rủi ro của riêng cuộc khủng hoảng nợ từ Evergrande.

Mỹ quan ngại về ‘sự tiếp tục xói mòn nhân quyền’ ở Hồng Kông

Phụng Minh

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price (ảnh: Youtube/ PBS NewsHour).

Mỹ cho biết họ vẫn quan ngại sâu sắc về “sự tiếp tục xói mòn nhân quyền” ở Hồng Kông và kêu gọi các nhà chức trách trả tự do cho những người bị “giam giữ vô cớ”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết: “Chúng tôi đặc biệt lưu ý sự gia tăng các vụ truy tố có động cơ chính trị, bao gồm cả thông qua Luật An ninh Quốc gia, nhắm vào giáo viên, liên đoàn lao động, luật sư, nhà báo, nhân viên chăm sóc sức khỏe, liên đoàn sinh viên và công dân của Hồng Kông”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông trả tự do cho những người bị giam giữ bất công và ngừng đàn áp các tổ chức xã hội dân sự ôn hòa. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các nghĩa vụ hiệp ước trong Tuyên bố chung Trung-Anh”.

Dưới áp lực của luật an ninh quốc gia hà khắc mà Bắc Kinh áp cho Hồng Kông từ tháng 6/2020, các nhóm xã hội dân sự ở Hồng Kông đã nhanh chóng giải thể. 

Các công chức, trong đó có cả các nhà lập pháp và các ủy viên hội đồng quận, đang đối mặt với nguy cơ bị mất chức theo một đạo luật yêu nước mới được ban hành vào đầu năm nay cho phép chính quyền Hồng Kông truất quyền bất cứ ai mà họ cho là không trung thành với Bắc Kinh.

Hơn 250 trong số 452 ủy viên hội đồng quận – đa số từ phe ủng hộ dân chủ đối lập đã giành chiến thắng vang dội vào năm 2019 – đã từ chức do áp lực hoặc do các cuộc điều tra an ninh quốc gia.

Ông Price đã chỉ trích việc chính quyền Hồng Kông nhắm mục tiêu vào các ủy viên hội đồng quận ủng hộ dân chủ. Ông nhấn mạnh rằng đây là những người đã “nhận được sự ủy nhiệm công khai từ các cuộc bầu cử tự do và công bằng”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Hồng Kông và các quyền cũng như sự tự do của họ”.

Hôm thứ Năm, cơ quan nhập cư Hoa Kỳ cũng đưa ra các tiêu chí cho một chương trình kéo dài thời gian lưu trú của người Hồng Kông ở nước này thêm 18 tháng, tạo điều kiện cho họ thoát khỏi sự đàn áp ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Hồng Kông.

Hình ảnh vệ tinh: Bắc Kinh mở rộng và nâng cấp 3 căn cứ không quân gần Đài Loan

Frank Yue

Bản đồ thể hiện Trung Quốc, Đài Loan và Eo biển Đài Loan. (Nguồn ảnh: Cục Tình báo Trung ương) Trung Quốc

Trung Quốc đang mở rộng và nâng cấp ba căn cứ không quân ở một tỉnh ven biển đối diện Đài Loan. Các chuyên gia cho rằng hành động này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các phi cơ phản lực quân sự bay đến một tiền tuyến tiềm năng trên Eo biển Đài Loan.

Theo The Drive, một trang web công nghệ và quân sự của Hoa Kỳ, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng và nâng cấp các căn cứ không quân hồi đầu năm 2020 tại làng Long Điền, huyện Huệ An, và thành phố Chương Châu, tất cả đều ở tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, nằm đối diện bên kia Eo biển Đài Loan. Các dự án bao gồm phần mở rộng đường băng và khu đậu phi cơ, các công sự, hầm bảo vệ phi cơ, một khu vực phòng thủ hỏa tiễn đất đối không mới, các tòa nhà hành chính, và có thể có doanh trại.

Những hình ảnh này cho thấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới tiếp tục không bị gián đoạn trong suốt đại dịch, cho thấy mức độ ưu tiên của các căn cứ này.

Hôm 18/10, chuyên gia quân sự Đài Loan Kỳ Nhạc Nghĩa (Chi Le-yi) nói với The Epoch Times rằng cả ba căn cứ không quân đều gần Đài Loan – cách đó khoảng 7 phút bay – cách đảo quốc này từ 135 đến 250 dặm (217-402 km).

Ông tin rằng các dự án mới chủ yếu nhằm mục đích chuyển giao, hỗ trợ hậu cần, hay tiếp tế, đặc biệt là khi một số lượng lớn phi cơ phản lực quân sự đã đến. Chuyên gia này cho biết Trung Quốc đang tìm cách đưa sức mạnh không chiến của mình tới gần Đài Loan. Chế độ cũng đang cho thấy sự tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và đưa ra lời cảnh báo đối với Đài Loan và đồng minh của họ là Hoa Kỳ.

Ông Kỳ lưu ý rằng ba căn cứ không quân này, cho đến gần đây, đã không được mở rộng hoặc nâng cấp trong nhiều năm.

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-Yun), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia có trụ sở tại Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 18/10 rằng những bổ sung mới có thể chứa các phi cơ tuần duyên lớn hơn. Chuyên gia này cho biết, đánh giá từ các bức ảnh vệ tinh, ông nhận thấy cả các đường băng và đường lăn đều đã được gia cố để chuẩn bị cho việc cất và hạ cánh của các phi cơ phản lực lớn.

Hơn nữa, các phi trường có thể đóng vai trò là một trung tâm tạm thời cho các trực thăng quân sự có khả năng bay qua Eo biển Đài Loan và tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp vào hòn đảo dân chủ này.

Bên cạnh các căn cứ không quân, chuyên gia này đã đề cập đến việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc dẫn đến thành phố Chương Châu, vốn trước đây không được chú ý nhiều. Tuyến đường này được thiết kế để kết nối với thành phố Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt cao tốc này có thể cung cấp một tuyến đường hậu cần khác cho nhà cầm quyền. Ông nói, đường sắt có thể vận chuyển binh lính đến Chương Châu, nơi binh lính có thể được gửi đến ba căn cứ không quân trên.

Theo chuyên gia này, tuyến đường sắt có thể được hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Thông tin công khai cho biết tốc độ tàu được thiết kế sẽ có thể đạt khoảng 217 dặm một giờ (349 km/giờ).

Related posts