Tin thế giới sáng thứ Bảy

NATO soạn thảo Khái Niệm Chiến Lược nhắm vào Nga

Trọng Nghĩa

Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg ( thứ ba từ bên trái ) nói chuyện với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd J. Austin III khi chụp hình với các bộ trưởng Quốc Phòng khối NAO tại Bruxelles ngày 21/10/2021. AP – Virginia Mayo

Trong hai ngày 21 và 22/10/2021, các bộ trưởng Quốc Phòng của 30 quốc gia thành viên NATO đã họp tại tổng hành dinh của khối này ở Bruxelles (Bỉ). Ngoài việc rút kinh nghiệm về thất bại của chiến dịch tại Afghanistan, một nội dung quan trọng của hội nghị là hoàn thiện “Khái Niệm Chiến Lược” mới để đưa ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6/2022.

Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, sau khi kết thúc không mấy vẻ vang chiến dịch dài 2 thập niên tại Afghanistan, NATO đang tìm kiếm một nhiệm vụ cụ thể mới và Nga đã trở lại thành tâm điểm chú ý của Liên Minh:

“Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của NATO kể từ sau chiến dịch di tản trong hỗn loạn khỏi Kabul. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin phải xoa dịu các đồng minh đã chỉ trích quyết định vội vàng của Mỹ khi rút khỏi Afghanistan.

Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cuộc thảo luận đã giúp tháo gỡ ngòi nổ của những mối căng thẳng tiềm tàng, và chuẩn bị cho tương lai, cụ thể là Khái Niệm Chiến Lược mới của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Ông Stoltenberg khẳng định: “Đúng là đôi khi có những bất đồng song phương, bất đồng giữa các đồng minh với nhau, nhưng NATO vẫn có thể đoàn kết xung quanh nhiệm vụ cốt lõi của mình, tiếp tục làm việc cùng nhau, củng cố liên minh trong một thế giới ngày càng cạnh tranh hơn. Và những thách thức mà chúng ta thấy ở Châu Á-Thái Bình Dương, sự trỗi dậy của Trung Quốc, chỉ khiến cho việc châu Âu và Bắc Mỹ sát cánh cùng nhau trong NATO càng trở nên quan trọng.”

Và hơn cả Trung Quốc, lý do tồn tại mới của NATO là Nga. Các bộ trưởng trong khối đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố ủng hộ việc răn đe, và các hành động cần thiết ở vùng Biển Đen và vùng Baltic, cũng như thông qua một kế hoạch tổng thể mới về phòng thủ.

Lập trường đối với Matxcơva được gọi là “cách tiếp cận kép” và cũng dựa trên đối thoại. Thế nhưng, đối thoại với Nga đã trở nên rất phức tạp kể từ khi NATO trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp, kéo theo quyết định của Matxcơva đóng cửa cơ quan ngoại giao Nga bên cạnh NATO để trả đũa”.

Thông cáo báo chí của NATO
Trong một thông cáo báo chí công bố hôm qua, NATO xác nhận là các bộ trưởng Quốc Phòng thành viên của khối đã thảo luận về cách thức tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của Liên Minh, giúp NATO tiếp tục thích ứng với một thế giới phức tạp hơn và cạnh tranh hơn.

Thông cáo đã nêu bật việc các bộ trưởng đã đồng ý trên một kế hoạch phòng thủ toàn diện mới của Liên Minh trong thời kỳ khủng hoảng và xung đột, cũng như chấp thuận các mục tiêu tăng cường năng lực của NATO để duy trì được khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy.

Bản thông cáo cũng nói rõ là các thành viên NATO đã rà soát các bước tiến đạt được trong việc đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng đến từ các hệ thống tên lửa của Nga.

Tổng thống Biden tuyên bố: Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc xâm chiếm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) phát biểu về kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, tại Nhà hát Center Stage Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 21/10/2021. REUTERS – JONATHAN ERNST


Một câu trả lời ngắn gọn của tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden cũng đủ để Trung Quốc tức giận nhưng lại trấn an Đài Loan. Trên đài truyền hình CNN ngày 21/10/2021 ông Biden khẳng đỉnh Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo này.

« Có, chúng tôi đã cam kết theo hướng này ». Tổng thống Mỹ trả lời một cử tri tại thành phố Baltimore, bang Maryland khi được hỏi liệu rằng Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị xâm chiếm hay không. Ông Biden nói thêm như để trấn an công luận rằng « Trung Quốc, Nga và phần còn lại của thế giới đều biết rằng Hoa Kỳ có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới ».

Một lần nữa tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng về tình hình Đài Loan lại làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính « mơ hồ trong chiến lược » của Washington trên vấn đề Đài Loan. Bằng chứng cụ thể nhất là ngay sau phát biểu của ông Biden, Nhà Trắng xác định với báo chí là chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan « không thay đổi ».

Đài Bắc hoan nghênh câu trả lời của nguyên thủ Mỹ. Phát ngôn của tổng thống Thái Anh Văn, sáng nay tuyên bố « Chính phủ Mỹ, qua những hành động đích thực, đang chứng minh là họ ủng hộ Đài Loan và đó là một sự ủng hộ vững chắc ».

Ngược lại tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo sáng nay kêu gọi Washington « tránh gửi đi những tín hiệu sai lầm đến những thành phần đòi độc lập cho Đài Loan ».

Về lập trường của Nhà Trắng trên hồ sơ Đài Loan, giới phân tích nhắc lại tháng 8/2021 vào lúc cộng đồng quốc tế hoang mang vì Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, trên đài ABC, tổng thống Biden đã có phát biểu tương tự về cam kết bảo vệ Đài Loan. Ông trừng nhấn mạnh Hoa Kỳ luôn luôn bảo vệ các đồng minh, từ Canada đến các nước Châu Âu, tương tự như là « đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, hay đối với Đài Loan »

Nhà nghiên cứu về Đông Á, Richard McGregor, thuộc viện Lowy Institute của Úc được AFP trích dẫn thiên về khả năng Washington không có ý định thay đổi chiến lược về Đài Loan. Có thể là tuyên bố « cam kết bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công », chỉ là một phản xạ vô thức của nguyên thủ Mỹ, lời nói đi quá đà.

Liên Hiệp Quốc : Tình hình tại Miến Điện tiếp tục xấu đi

Thanh Hà

Trước nhà tù Insein, Rangun, Miến Điện. Người thân và bạn bè chờ đón các tù nhân được phóng thích hôm 19/10/2021. AP

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener đánh giá tập đoàn quân sự Naypyidaw « đi lầm đường » và 8 tháng sau cuộc đảo chính, tình hình tại Miến Điện « tiếp tục xấu đi nghiêm trọng ».

Họp báo tại New York hôm 21/10/2021, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener nhấn mạnh « xung đột đang gia tăng tại nhiều vùng và các đợt đàn áp của quân đội tới nay đã làm hơn 1.180 người thiệt mạng ». Đại diện Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện sử dụng một loạt chiến thuật tàn bạo nhắm vào thường dân, như « đốt phá làng mạc, hôi của và bắt giữ thường dân một cách tùy tiện, tra tấn, sát hại tù nhân… ». Bà Schraner Burgener kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc « nỗ lực hơn trong việc bảo vệ thường dân Miến Điện ».

Từ sau cuộc đảo chính của quân đội lật đổ chế độ dân sự của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, hệ thống y tế và tài chính Miến Điện đã hoàn toàn « sụp đổ », với từ 370.000 đến 589.000 người phải tản cư, 3 triệu người cần được cứu trợ nhân đạo. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, con số này cao gấp ba lần so với trước đây.

Ngoài ra, từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021, Liên Hiệp Quốc có thông tin là khoảng 4.000 quân nhân đã đào ngũ, nhưng hiện tại chưa thể kiểm chứng con số nói trên. Bà Schraner Burgener cho biết lần gần đây nhất tiếp xúc với đại diện của chính quyền Naypyidaw là vào tháng 7/2021, khi bà đề xuất phương pháp làm việc với các tướng lãnh Miến Điện, nhưng « từ đó tới nay, vẫn chưa được hồi âm ».

Còn đặc sứ ASEAN về Miến Điện, bộ trưởng Brunei Erywan Yusof, sau nhiều tháng thương lượng vẫn chưa được phép tiếp xúc với cựu cố vấn nhà nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.

Sáu người Rohinga chết trong tại tị nạn

Cảnh sát Bangladesh hôm nay, 22/10/2021, cho biết một vụ nổ súng đã xảy ra tại trại Balukhali, ở Cox Bazar, sát biên giới hai nước, khiến 6 người Rohingya thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đây là một vụ « tấn công » nhắm vào một lớp học của người Rohingya theo Hồi Giáo trong trại Balukhali, nơi mà 27.000 người sắc tộc thiểu số này đang tạm trú.

Cox Bazar có nhiều trại tị nạn và là nơi đón nhân hơn 900.000 Rohingya. Cảnh sát địa phương cho biết đã bắt được hung thủ. AFP cho biết tnhắc lại tình hình tại Cox Bazar thêm căng thẳng từ nhiều tuần qua. Một số nguồn tin thông thạo quy trách nhiệm cho nhóm cực đoan mang tên ARSA. Vụ tấn hôm nay diễn ra ba tuần sau vụ một nhà đấu tranh ôn hòa 48 tuổi, đại diện cho những người Rohingya bị sát hại cũng tại Cox Bazar.

Covid: Thái Lan không cách ly du khách đã tiêm chủng từ hơn 40 nước

Trọng Thành

Tại sân bay quốc tế Don Mueang, Bangkok, Thái Lan, ngày 20/10/2021. REUTERS – ATHIT PERAWONGMETHA

Kể từ ngày 01/11/2021, chính quyền Bangkok sẽ cho phép khách nước ngoài đã tiêm chủng, từ hơn 40 quốc gia, nhập cảnh Thái Lan mà không bắt buộc phải cách ly.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha thông báo tin trên vào hôm qua, 21/10/2021. Hồi tuần trước, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ cho nhập cảnh các du khách từ « 10 quốc gia được coi là có nguy cơ thấp ». Hãng tin Pháp AFP dẫn lời thủ tướng Thái Lan cho biết mục tiêu của việc mở rộng danh sách các nước và các vùng lãnh thổ, từ 10 lên hơn 40, là nhằm « kích thích ngành du lịch và các lĩnh vực kinh tế liên quan ». Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh là cần tăng tốc mở cửa, bởi « nếu chờ đợi đến khi nào mọi thứ hoàn toàn ổn thì sẽ là quá trễ ».  Trước đây, thủ tướng Prayut Chan-O-Cha dự kiến phải đạt đến tỷ lệ 70% người dân Thái được tiêm chủng thì Thái Lan mới mở lại biên giới. Hiện tại, chỉ có gần 40% người dân Thái Lan được tiêm chủng đủ liều.

Ngoài Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc, các du khách đã tiêm chủng từ các nước châu Âu, như Pháp, Đức, sẽ được phép viếng thăm Thái Lan, với điều kiện có kết quả xét nghiệm PCR âm tính kèm theo. Cam Bốt, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông cũng nằm trong danh sách các nước được coi là có « nguy cơ thấp ».

Theo quy định này, một khi đến Thái Lan, du khách sẽ phải làm thêm một xét nghiệm Covid-19 nữa, và phải cách ly một đêm duy nhất tại một khách sạn, được chính phủ chấp thuận, trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm, trước khi tiếp tục chuyến du hành. Thủ tướng Thái Lan thừa nhận là « có nguy cơ số người nhiễm virus sẽ gia tăng, nhưng đây là một nguy cơ mà chúng tôi chấp nhận ». Hàng ngày, vẫn có trung bình 10.000 ca nhiễm mới. Cho đến nay, theo số liệu chính thức, đã có hơn 8.500 người Thái Lan chết vì Covid-19.

Du lịch là nguồn thu quan trọng của Thái Lan. Do ảnh hưởng của đại dịch, năm ngoái, Thái Lan thiệt hại khoảng 50 tỉ đô la vì mất khách du lịch. Số du khách nước ngoài đã sụt giảm 83%, xuống còn 6,7 triệu, so với 40 triệu khách trước đại dịch.

Tân Cương: 43 nước chỉ trích Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Trọng Thành

Ảnh tư liệu chụp ngày 03/12/2018 tại Trung tâm Dạy nghề Artux, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. AP – Ng Han Guan

Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, hàng chục quốc gia đã ra một tuyên bố chung chỉ trích chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức để các quan sát viên độc lập tới khu vực này.

Theo hãng tin AFP, tại cuộc họp của Ủy ban phụ trách nhân quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (tên chính thức là Ủy ban thứ Ba, phụ trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa), hôm qua 21/10/2021, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ông Nicolas de Rivière, đã thay mặt 43 quốc gia đọc bản tuyên bố chung, bày tỏ « mối quan ngại đặc biệt về tình hình tại vùng tự trị Tân Cương ».

Tuyên bố của nhóm 43 nước nêu lên các thông tin đáng tin cậy về tình trạng « giam cầm một cách độc đoán » hơn một triệu người trong « các trại cải tạo ». Tuyên bố nhấn mạnh đến các hành động tra tấn, cách đối xử độc ác, phi nhân tính và hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và kỳ thị giới tính, cũng như tách trẻ em khỏi gia đình, nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác. Tuyên bố kêu gọi chính quyền Trung Quốc « cho phép ngay lập tức và không gây trở ngại các quan sát viên độc lập, bao gồm Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền và các thành viên của Phủ Cao Ủy vào khu vực Tân Cương ».

Tuyên bố chung lên án Bắc Kinh xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương có sự tham gia của Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 43 nước ký tên. Từ nhiều năm nay, các xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc tại Tân Cương đã liên tục bị lên án tại diễn đàn của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, cách nay hai năm, mới chỉ có 23 quốc gia ký tên vào tuyên bố chung. Hồi năm ngoái, bản tuyên bố đã được 39 nước ủng hộ. Đến năm nay, có thêm ba quốc gia mới tham gia, là Thổ Nhĩ Kỳ, Eswatini (châu Phi) và Cộng Hòa Séc.

Ngay sau tuyên bố chung của nhóm 43 nước, đại sứ Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đã lên án « các vu cáo » và « một mưu đồ nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc ». Theo đại sứ Trung Quốc, Tân Cương đang phát triển và « người dân Tân Cương luôn tự hào về các tiến bộ đã đạt được ». Đại sứ Cuba bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích 43 nước can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Bắc Kinh lên án ngược lại Mỹ, Pháp và Anh về « những xâm phạm nhân quyền khủng khiếp », chuyển đến báo chí một tài liệu lên án Hoa Kỳ tình trạng « thanh lọc sắc tộc chống lại thổ dân » và « sự gia tăng các hành động quấy nhiễu nhắm vào các công dân Mỹ gốc Á » tại Mỹ. Trung Quốc còn cáo buộc Pháp « thảm sát hàng chục nghìn người vào thời kỳ thực dân », « phạm tội ác chống nhân loại ». Tài liệu nói trên cũng nhấn mạnh đến « nạn bài Hồi Giáo »  và « tình trạng tồi tệ trong các nhà tù » tại Pháp.

Theo nhiều nhà ngoại giao, hàng năm, chính quyền Trung Quốc vẫn liên tục gây áp lực lên các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nào ký tên vào bản tuyên bố chung về tình hình Tân Cương.

Haiti và Thụy Sĩ rút khỏi tuyên bố chung

Theo AFP, Haiti và Thụy Sĩ đã rút khỏi tuyên bố chung nói trên: Haiti vì đang trong giai đoạn quan hệ tế nhị với Trung Quốc, từ khi chính quyền nước này công nhận Đài Loan. Thụy Sĩ vì muốn tạo điều kiện cho đối thoại Mỹ – Trung, sau khi làm nơi tổ chức cuộc gặp giữa hai phái đoàn cao cấp Mỹ – Trung mới đây.

Related posts