Ứng dụng nhắn tin của Nhật Bản thừa nhận gửi dữ liệu người dùng đến Trung Quốc

Danella Pérez Schmieloz

Bức ảnh này cho thấy Sally, một nhân vật của LINE, được trưng bày ở lối vào của cửa hàng LINE Friends ở quận Harajuku, Tokyo vào ngày 12/07/2016. (Ảnh: Toshifumi Kitamura/AFP/Getty Images) Đông Dương

Ứng dụng nhắn tin Line của Nhật Bản thừa nhận đã gửi dữ liệu người dùng đến Trung Quốc, làm lộ thông tin cá nhân của mọi người cho chế độ cộng sản.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, hay Trung Cộng) đã và đang thu thập dữ liệu lớn – tài sản quan trọng mới cho quyền lực toàn cầu – như một phần của chiến lược tình báo, trong nỗ lực kiểm soát thông tin và giao dịch trên toàn thế giới.

Công ty mẹ của LINE, Z-Holdings, đã phát hành một báo cáo hôm 18/10 cho biết một số dữ liệu của ứng dụng này đã được xử lý ở Trung Quốc. Họ đã không cân nhắc rằng nhà cầm quyền này có thể truy cập vào các dữ liệu đó, và bỏ qua an ninh kinh tế của Nhật Bản, theo The Register.

The Register đưa tin, một Ủy ban Cố vấn Đặc biệt về Quản trị Dữ liệu Toàn cầu đã chuẩn bị báo cáo này sau khi được tiết lộ cho rằng LINE đã xử lý dữ liệu ở Trung Quốc và lưu trữ chúng ở Nam Hàn.

Luật pháp Trung Quốc quy định rằng bất kỳ thông tin kỹ thuật số nào mà một công ty nắm giữ phải được chuyển giao cho chính quyền Trung Quốc theo ý muốn của họ.

Trung Cộng đã thu thập dữ liệu trong nhiều năm, với mục đích trở thành “nguồn dữ liệu và giao dịch lớn nhất thế giới để kiểm soát phần còn lại của thế giới”, theo ông James Gorrie, tác giả cuốn “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”. “Với tư cách là một quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ kỹ thuật số và đánh cắp công nghệ kỹ thuật số, mục tiêu của Trung Quốc là trở thành người gác cổng đối với tất cả dữ liệu và kẻ thống trị không gian mạng của thế giới”.

Ông Arthur Herman, thành viên cao cấp tại Viện Hudson, cho biết dữ liệu là “mặt hàng chiến lược mới cho sự thống trị toàn cầu”. Thông qua trí tuệ nhân tạo, dữ liệu có thể được biến thành một “bức tranh thống nhất có thể định hình các kế hoạch mang tính chiến lược và có thể có tác dụng, đồng thời mang lại cho đối thủ một lợi thế vô hình bằng cách đôi khi biết về đối thủ của mình nhiều hơn họ biết về bản thân”, ông viết trong một bài bình luận cho The Epoch Times.

Ông Herman lập luận rằng nếu ĐCSTQ được phép tích lũy dữ liệu, họ sẽ có một ưu thế chiến lược cho thế kỷ tới. “Bổ sung cả các khả năng của máy điện toán lượng tử như máy gia tốc AI/ML của Trung Quốc, và chúng tôi đang xem xét một lợi ích mang tính quyết định đối với chế độ cộng sản Trung Quốc mà sẽ có thể tạo ra một sự thay đổi lớn cho không chỉ Trung Quốc mà toàn nhân loại”, ông Herman cho biết.

Z-Holdings chính thức hợp nhất với LINE hồi tháng 03/2021. Công ty này cũng sở hữu Yahoo! Nhật Bản.

The Register đưa tin, công ty này xin lỗi và cho biết họ nhận ra tầm quan trọng của việc thận trọng trong việc xử lý dữ liệu đi ra hải ngoại, chú ý đến luật pháp địa phương của các quốc gia khác. LINE cũng bị cáo buộc nói dối người dùng của mình về việc giữ dữ liệu ở Nhật Bản, vì một số thông tin được lưu trữ ở Nam Hàn. Công ty này cam kết sẽ minh bạch hơn.

Ngoài việc là một ứng dụng nhắn tin, LINE còn cung cấp một dịch vụ thanh toán. Ứng dụng này có hơn 85 triệu người dùng hàng tháng ở Nhật Bản và chính quyền địa phương sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số của họ.

LINE cũng hoạt động ở Nam Hàn, Thái Lan, Đài Loan, và các quốc gia Á Châu khác, với tổng số 700 triệu người dùng, mặc dù chỉ có 150 triệu là tích cực sử dụng ứng dụng này hàng tháng, theo The Register.

Cô ​​Danella Pérez Schmieloz là một phóng viên về Trung Quốc của The Epoch Times.

An Nhiên biên dịch

Related posts