Trung Quốc đòi Vatican cắt đứt quan hệ với Đài Loan
Anh Vũ
Trang tin Taiwan News ngày 25/10/2021, dẫn nguồn truyền thông Ý cho hay Bắc Kinh đã gia tăng áp lực đối với Vatican để Tòa Thánh cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Nhật báo lớn của Ý, Corriere della Sera đã đăng bài tiết lộ giáo hoàng đang phải đối mặt với một thách thức ngoại giao với Bắc Kinh xung quanh vấn đề Đài Loan. Tòa Thánh đã đề nghị một khuôn khổ cho quan hệ với Bắc Kinh theo đó đồng ý xem xét lại từng bước các mối liên hệ với Đài Loan.
Tại Trung Quốc vẫn tồn tại hai giáo hội Công giáo : Một thân chính quyền và một giáo hội không chính thức, trung thành với tòa thánh La Mã vẫn được biết đến với tên gọi « Giáo hội thầm lặng ». Năm 2018, Vatican đã ký với chính quyền Bắc Kinh một thỏa thuận tạm thời liên quan đến việc chỉ định các giám mục ở Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện hợp nhất hai giáo hội nói trên. Thỏa thuận này đã bị Hoa Kỳ và một số nước chỉ trích mạnh mẽ, nhưng Vatican vẫn bảo vệ quyết định của mình và thậm chí còn kéo dài thỏa thuận đến tháng 10/2020.
Thời gian gần đây, Vatican đã cố gắng duy trì đối thoại với chế độ Bắc Kinh, nhưng ngoại giao Trung Quốc vẫn tìm cách gây sức ép để Tòa Thánh phải có sự lựa chọn rõ ràng, hoặc Bắc Kinh hoặc Đài Bắc, theo nhật báo Ý. Điều này khiến giáo hoàng bị đặt vào hoàn cảnh rất khó xử vì Vatican không bao giờ chủ trương cắt đứt quan hệ ngoại giao với bất kỳ quốc gia nào.
Trong nỗ lực cô lập Đài Bắc, Bắc Kinh không ngừng gây sức ép với các nước, các tổ chức quốc tế để xóa dần sự công nhận và quan hệ với hòn đảo. Cho đến năm 2000, Đài Loan có quan hệ ngoại giao với 32 quốc gia, giờ đây chỉ còn 15 quốc gia nhỏ còn tiếp tục công nhận Đài Loan.
Tòa Thánh Vatican là vùng lãnh thổ duy nhất ở châu Âu hiện còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Ân Xá Quốc Tế đóng cửa văn phòng ở Hồng Kông vì lo ngại bị trấn áp
Amnesty International thông báo đóng cửa văn phòng tại Hồng Kông. © Reuters
Thu Hằng
Hồng Kông không còn là nơi lý tưởng trong vùng của các tổ chức xã hội dân sự quốc tế. Ngày 25/10/2021, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) thông báo đóng cửa các văn phòng tại Hồng Kông vì « không thể » được tự do làm việc kể từ khi luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt tại đặc khu hành chính từ năm 2020.
Trong một thông cáo, ông Anjhula Mya Singh Bais, chủ tịch tổ chức Ân Xá Quốc Tế, giải thích « ngày càng khó tiếp tục làm việc trong một môi trường bất ổn như vậy », cụ thể là « các tổ chức bảo vệ nhân quyền địa phương và nghiệp đoàn trở thành mục tiêu trấn áp trong thời gian gần đây » và điều này cho thấy « chính quyền gia tăng chiến dịch loại bỏ mọi tiếng nói bất đồng khỏi thành phố ».
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế có hai văn phòng ở Hồng Kông. Văn phòng phụ trách địa phương sẽ đóng cửa vào ngày 31/10 và văn phòng trụ sở cho toàn vùng Đông Nam Á – Thái Bình Dương dự kiến ngừng hoạt động vào cuối năm 2021.
Ông Anjhula Mya Singh Bais cũng cho biết tổ chức Ân Xá Quốc Tế « đau lòng đưa ra quyết định này » do « các tổ chức bảo vệ nhân quyền không còn được tự do hoạt động mà không lo các biện pháp trấn áp nghiêm trọng từ phía chính quyền ».
Từ khi luật an ninh quốc gia được thông qua vào tháng 06/2020, đã có hơn 70 người Hồng Kông, phần lớn là các nhà hoạt động vì dân chủ nổi tiếng, đã bị kết án, kể cả chỉ vì bày tỏ ý kiến chính trị từ giờ cũng bị coi là phạm pháp. Từ vài tháng gần đây, nhiều hiệp hội và nghiệp đoàn cũng ngừng hoạt động vì sợ bị chính quyền trấn áp.
Thượng đỉnh Y tế Thế giới: Tâm điểm là đại dịch Covid-19
Thùy Dương
Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới khai mạc vào Chủ Nhật 24/10/2021, phối hợp hình thức họp trực tiếp tại thủ đô Berlin của Đức với phương thức họp trực tuyến. Hội nghị kéo dài đến ngày thứ Ba 26/10, quy tụ tinh hoa của giới khoa học, chính trị, xã hội dân sự và kinh doanh đến từ 100 quốc gia. Đây là một trong những diễn đàn chiến lược quốc tế chính trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19.
Thượng đỉnh năm nay được tổ chức dưới sự bảo trợ của thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Mục tiêu là cùng tìm ra các giải pháp cho những thách thức y tế trên quy mô toàn cầu và xác định lộ trình cho tương lai.
Một lần nữa, cuộc chiến chống Covid-19 lại được đưa vào chương trình nghị sự, cụ thể là cách tiếp cận vac-xin như một tài sản chung, sự tăng cường vai trò của Liên Hiệp Châu Âu trong xử lý cuộc khủng hoảng y tế này và hậu quả của Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của con người. Hội nghị cũng sẽ bàn về trí thông minh nhân tạo trong ngành y tế thế giới và các bài học rút ra từ sự lây lan của virus corona để nhằm dự báo, ngăn ngừa các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới ra đời vào năm 2009, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Bệnh viện Charité ở Berlin, Đức. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến theo chiều hướng trái ngược ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tại một số nước châu Âu, chẳng hạn Đức, số ca nhiễm tăng bùng nổ, Nga liên tiếp ghi nhận số ca tử vong thường nhật cao kỷ lục trong những ngày qua, trong khi tại châu Á, một số nước như Ấn Độ hay Việt Nam đang nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch có dấu hiệu tạm thuyên giảm.
Thượng đỉnh Khí hậu COP 26: ‘‘Khó đạt mục tiêu hơn nhiều’’ so với COP 21 Paris
Một tuần trước khai mạc Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí hậu (COP 26) tại Glasgow, chủ tịch COP 26 cảnh báo: đạt được một thỏa thuận toàn cầu trong hội nghị thượng đỉnh lần này là khó hơn rất nhiều so với Paris năm 2015.
Tháng 12 năm 2015, sau rất nhiều nỗ lực, cộng đồng quốc tế đã được Thỏa thuận về khí hậu, thống nhất mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, bởi quá mức nhiệt độ này, nhân loại sẽ phải đối mặt với các điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt, vượt quá khả năng đối phó của nhân loại. Thỏa thuận đạt được trong gang tấc này được nhiều người ca ngợi như một bước tiến lịch sử.
Sáu năm sau, tại Glasgow, cộng đồng quốc tế phải thống nhất được các cam kết cắt giảm mạnh mẽ khí thải để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C nói trên. Trả lời báo Anh The Guardian, chủ tịch COP26 Alok Sharman, cho biết “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở đây, ở Glasgow, thực sự rất khó khăn », « chắc chắn khó hơn tại Paris nhiều bậc ». Vị chủ tịch người Anh giải thích : « Những gì họ đã làm ở Paris thật tuyệt vời, đã ra được một thỏa thuận khung, (nhưng) còn rất nhiều quy tắc chi tiết đã phải gác lại cho tương lai ». Ông Alok Sharman đưa ra hình ảnh ví von về thách thức lớn hiện nay: « Giống như chúng ta ở giai đoạn cuối bài thi và chỉ còn lại những câu hỏi khó nhất, mà chúng ta lại sắp hết thời gian, kỳ thi sẽ kết thúc chỉ trong nửa giờ nữa”.
Theo báo cáo mới nhất của Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC / IPCC) hồi mùa hè, chỉ cần đến khoảng năm 2030, thế giới có nguy cơ vượt ngưỡng tăng 1,5°C, sớm hơn 10 năm so với ước tính trước đó (hồi năm 2018). Theo tổng hợp mới nhất các cam kết cắt giảm khí thải của các quốc gia, thế giới hiện nay đang trên lộ trình hướng tới mức tăng 2,7°C so với thời công nghiệp.
Theo AFP, các đàm phán về khí hậu đang trở nên nan giải hơn đặc biệt với căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa một bên là Hoa Kỳ và Anh quốc và bên kia là Trung Quốc và Nga. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga không có kế hoạch đến thượng đỉnh Khí hậu tổ chức tại Anh.
Dù sao, theo chủ tịch COP 26, có một điểm tích cực là « ý thức » rõ ràng về cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt khiến cộng đồng quốc tế sẽ « tập trung hơn » vào công việc. Bản báo cáo của Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc là hữu ích khi đưa ra một cảnh báo về cuộc khủng hoảng đáng sợ này.
COP26 : Ấn Độ, Anh, Úc lập nhóm hỗ trợ chống thiệt hại vì biến đổi khí hậu
Bên lề thượng định COP26 tại Glasgow vào tháng 11/2021, ba nước Ấn Độ, Anh và Úc cùng với các tiểu quốc đảo đang phát triển (SIDS) sẽ thành lập một nhóm « Cơ sở hạ tầng bền vững cho các quốc đảo » (IRIS) nhằm triển khai những cơ sở hạ tầng có khả năng chống đỡ thảm họa thiên nhiên và giảm thiểu thiệt hại kinh tế tại những quốc đảo này.
Các bên cam kết khoản ngân sách ban đầu là 10 triệu đô la cho dự án IRIS. Tuy nhiên, theo ông Kamal Kishore, thành viên của Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Ấn Độ, được trang mạng Business Standard trích dẫn ngày 25/10, “sẽ có thêm nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, đóng góp cho sáng kiến này. IRIS hiện trong giai đoạn khởi động và các nguồn lực sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu của các dự án”. Hiện tại, IRIS đã nhận được yêu cầu hỗ trợ cấp Nhà nước ở Fidji và Maurice.
Theo dự kiến, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham gia khởi động sáng kiến IRIS trong hai ngày ông tham dự thượng đỉnh khí hậu COP26. Phát biểu trong một sự kiện tại New Delhi, ông Modi cho rằng “những quốc đảo đang phát triển phải hứng chịu tác động của thiên tai ngày càng nghiêm trọng cần được tiếp cận dễ dàng với mọi công nghệ, kiến thức và trợ giúp mà họ cho là cần thiết”.
Các tiểu đảo quốc đang phát triển (SIDS), gồm 58 nước ở các vùng Caribê, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Biển Đông, chiếm đến 2/3 số nước bị thiệt hại nặng vì thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, như sóng thần, lốc xoáy, động đất, mưa lũ lớn. Thiệt hại kinh tế được thẩm định tương đương từ 1 đến 10% GDP hàng năm.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), thâm hụt đầu tư cơ sở hạ tầng cho các đảo quốc đang phát triển ở Thái Bình Dương và vùng Caribê lần lượt là 42 tỷ đô la và 46 tỷ đô la trong giai đoạn 2015-2040.
Mỹ buộc công dân Nga sang Ba Lan xin thị thực nhập cư
Thu Hằng
Căng thẳng nhân sự ngoại giao giữa Washington và Matxcơva vẫn chưa lắng dịu. Từ ngày 24/10/2021, Nga nằm trong danh sách khoảng 10 quốc gia mà Mỹ không có cơ quan lãnh sự, do nội chiến hoặc là kình nghịch với Washington như Cuba, Iran, Venezuela, Syria. Hệ quả là mọi công dân Nga muốn xin thị thực nhập cư vào Mỹ phải lấy hẹn với đại sứ quán Mỹ ở Ba Lan.
Trả lời AFP, một người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết “sẽ không cấp hẹn cho công dân Nga xin thị thực nhập cư ở Matxcơva”. Từ ngày 12/10/2021, mọi cuộc hẹn được chuyển sang đại sứ quán Mỹ ở Vacxava. Người xin thị thực được khuyến cáo không nên đến Ba Lan nếu không có hẹn phỏng vấn.
Vị quan chức trên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thừa nhận đây không phải là “giải pháp lý tưởng” và đổ lỗi cho chính quyền Matxcơva cấm Mỹ sử dụng “nhân viên người Nga hoặc một nước thứ ba” làm việc cho các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Nga. Vài chục nhân viên địa phương đã bị sa thải và điều này “ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp dịch vụ lãnh sự” của Mỹ.
Trước đó, Mỹ đã ngừng cấp thị thực lao động phổ thông vào tháng 05/2021 cũng vì lý do thiếu nhân sự. Hiện tại, đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva chỉ tiếp tục cấp « thị thực ngoại giao hoặc thị thực công vụ » cho quan chức Nga.
Trên mạng Telegram ngày 24/10, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova lên án quyết định của Hoa Kỳ là « một sư sỉ nhục gần với tàn ác » và chính quyền Mỹ đang phá hoại hệ thống lãnh sự của họ tại Nga.
Hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao Nga và Mỹ ở nước sở tại bị xáo trộn trong những năm gần đây do hai bên vẫn trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau. Vấn đề này đã được thảo luận trong chuyến công du Nga của nhân vật số ba ngành ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, cách đây hai tuần, nhưng không đạt được kết quả.
Iran tố cáo phương Tây làm bế tắc đàm phán hạt nhân
Anh Vũ
Các cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran vẫn bế tắc. Lo ngại Teheran đẩy nhanh chương trình hạt nhân, các cường quốc đang cố gây áp lực để Iran trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, tổng thống Iran đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã làm đàm phán bế tắc.
Thông tín viên Siavosh Ghazi từ Teheran:
Tổng thống bảo thủ của Iran, Ebrahim Raissi đã đẩy trái bóng sang sân các nước phương Tây khi khẳng định rằng các nước châu Âu và Hoa Kỳ phải có những quyết định để nối lại các vòng đàm phán Vienna đã bị đình lại từ khoảng 5 tháng nay.
Teheran đòi Washington phải bãi bỏ các lệnh trừng phạt Tehran đã được cựu tổng thống Donald Trump áp đặt từ năm 2018 sau khi rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Iran Ebrahim Raissi tuyên bố : « Điều khiến Hoa Kỳ và các nước châu Âu lúng túng đó là không chịu đưa ra quyết định. Họ không quyết định. Chúng tôi có quyết định của mình là tôn trọng cam kết của chúng tôi và chúng tôi đã tôn trọng điều đó. Vấn đề bắt nguồn từ thực tế là bên kia không quyết định ».
Tuyên bố mới này được đưa ra trong lúc Iran đẩy mạnh chương trình hạt nhân bằng việc tăng đáng kể kho uranium làm giàu. Đây là điều trái với thỏa thuận 2015. Teheran cũng làm giàu uranium ở hàm lượng 60%, vượt quá ngưỡng cho phép. Đồng thời, Teheran đã hạn chế việc kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế.
Hoa Kỳ và các nước châu Âu ngày càng tỏ khó chịu. Trong khi đó Israel đe dọa có hành động quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Nhưng đô đốc Ali Shamkhami, lãnh đạo Hội Đồng An Ninh Tối Cao Quốc Gia cảnh cáo Israel sẽ phải tốn hàng chục tỷ đô la để sửa chữa những thiệt hại do sự đáp trả của Iran.