Du Miên
Hoa Kỳ đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) ủng hộ “sự tham gia mạnh mẽ, có ý nghĩa” của Đài Loan vào hệ thống, với lý do thế giới có nhiều điều để học hỏi từ “câu chuyện thành công dân chủ” của quốc đảo tự trị này.
Trong một tuyên bố hôm 26/10 đánh dấu 50 năm kể từ khi LHQ bỏ phiếu loại bỏ Đài Loan để nhường chỗ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Khi cộng đồng quốc tế phải đối mặt với vô số vấn đề phức tạp và mang tính toàn cầu chưa từng có, điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải giúp giải quyết những vấn đề này. Việc này bao gồm 24 triệu người dân đang sinh sống ở Đài Loan”.
Kể từ khi Đài Loan bị loại khỏi cơ quan toàn cầu vào năm 1972, ĐCSTQ vẫn luôn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và tuyên bố họ có quyền duy nhất đại diện cho Đài Loan trên trường thế giới. Thậm chí, chế độ Trung Quốc đã hoạt động tích cực để ngăn cản sự tham gia của Đài Bắc vào các diễn đàn quốc tế.
Ông Blinken cho biết, việc Đài Loan tham gia LHQ “không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề thực tế”. Ông nói: “Việc Đài Loan tham gia mạnh mẽ vào một số cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc trong phần lớn 50 năm qua là bằng chứng về giá trị mà cộng đồng quốc tế đặt ra đối với những đóng góp của Đài Loan”.
Ông nhận định, việc Đài Loan bị loại khỏi các hoạt động của LHQ “làm suy yếu công việc quan trọng của LHQ và các cơ quan liên quan của nó”. Ngoại trưởng Mỹ lập luận: “Mặc dù chúng ta có nhiều điều để học hỏi từ phản ứng tầm cỡ thế giới của Đài Loan đối với đại dịch COVID-19, nhưng Đài Loan đã không thể tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới”. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken (CARLOS BARRIA/POOL/AFP / Getty Images)
“Các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà giáo dục, sinh viên, người ủng hộ nhân quyền và những người dân khác của Đài Loan bị chặn không cho tiến vào và tham gia” vào các hoạt động của LHQ mà các thành viên xã hội dân sự trên khắp thế giới tham gia hàng ngày, “chỉ vì hộ chiếu mà họ đang nắm giữ”, ông nói thêm.
Đài Loan tách khỏi Trung Quốc đại lục vào cuối những năm 1940 khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát đất nước rộng lớn này. Đài Bắc tiếp tục giữ một ghế thành viên tại Liên Hợp Quốc cho đến năm 1971, khi một nghị quyết của LHQ bỏ phiếu loại Đài Loan khỏi các cơ quan trực thuộc tổ chức này để tỏ rõ sự ủng hộ đối với Bắc Kinh.
Do chiến dịch cô lập quốc đảo này của Bắc Kinh, Đài Loan đã không được mời tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới hàng năm – cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – kể từ năm 2017.
Mặc dù không duy trì quan hệ ngoại giao với hòn đảo này, Hoa Kỳ có mối quan hệ bền chặt với Đài Loan và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của nước này. Vào ngày 22/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức một cuộc họp cấp cao với các đối tác Đài Loan để thảo luận về việc mở rộng vai trò của Đài Loan trên trường quốc tế.
Hôm 25/10, phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chính quyền này tin rằng Đài Loan, với tư cách là một nền dân chủ hàng đầu, có rất nhiều điều để cung cấp cho thế giới về những thách thức quan trọng này, bao gồm cả trong các diễn đàn quốc tế”.