Đông Mai
Tại sao chế độ chuyên chế nhất thế giới – ĐCSTQ, lại ra tay đàn áp và tiêu diệt các tín đồ Cơ Đốc giáo và các học viên Pháp Luân Công? Các nhà lãnh đạo dũng cảm, toàn trí và tài giỏi của ĐCSTQ đang sợ hãi điều gì?
Ai sợ hãi sự lương thiện và ôn hoà?
Các học viên Pháp Luân Công phương Tây thực hành thiền định trong công viên (Ảnh facebook)
Khi nói đến các cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, điều gì đang xảy ra trong trái tim và khối óc của ĐCSTQ (Đảng Cộng Sản Trung Quốc)?
Chắc chắn, các nhà lãnh đạo Đảng không sợ những môn đồ hiền lành của Chúa Jesus, người đã bảo các môn đồ của Ngài rằng: “Hãy yêu kẻ thù của mình” và “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái” (một cụm từ trong giáo lý Cơ Đốc giáo khi đề cập đến thái độ ứng phó trước sự xúc phạm mà không trả thù).
Và chắc chắn, Đảng càng không thể có bất kỳ nỗi sợ hãi lý trí nào đối với những người dân ôn hòa, những người thực hành môn thiền định cổ xưa Pháp Luân Công bình hoà và tĩnh tại. Làm sao mà việc thực hành các bài tập chậm rãi và thiền định trong công viên lại có thể đe dọa ĐCSTQ được?
Về mặt logic, ĐCSTQ, với tất cả sức mạnh và quyền lực trong tay đã kiểm soát hầu hết mọi khía cạnh đời sống của công dân, họ không thể bị đe dọa bởi những người không có vũ khí và từ chối bạo lực.
Vậy nhưng, hai nhóm người này lại là những người khiến lãnh đạo và những người cầm quyền của ĐCSTQ sợ hãi nhất. Tại sao lại như vậy?
ĐCSTQ – ‘Hiện thân’ của nỗi sợ hãi
Trước nhất, chúng ta cần phải hiểu rằng ĐCSTQ nắm độc quyền trong vai trò “phổ biến nỗi sợ hãi”. Nỗi sợ hãi này thể hiện trong các hành vi mang tính then chốt, trong các quyết sách khiến lãi suất tiết kiệm tiêu dùng tăng (lên 34%) trong bối cảnh dân số già hoá và lao dốc. Người dân sẽ không tiêu tiền hoặc không muốn có con khi họ lo sợ về tương lai.
Hơn nữa, ĐCSTQ là “hiện thân” của chính nỗi sợ hãi và chạy theo nỗi sợ hãi. Điều đó nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra nó khá chính xác. Mọi đảng viên đều hết sức lo sợ mình nói sai, hoặc thậm chí bị buộc tội vì… nghĩ sai. Toàn bộ chính quyền ĐCSTQ dù là đàn ông hay phụ nữ thì cũng đều sợ chết khiếp khi lãnh đạo ĐCSTQ phẫn nộ.
Và cuối cùng, bản thân lãnh đạo ĐCSTQ cũng đắm chìm trong nỗi sợ hãi. Sự căng thẳng, lo lắng đặc biệt này nên được gọi là chứng hoang tưởng, và nó là căn bệnh luôn luôn xảy ra với tất cả các chế độ bất chính.
Các nhà lãnh đạo hợp pháp thường cảm thấy thoải mái với phe đối lập và không yêu cầu hay sử dụng cảnh sát mật, hoặc khủng bố nhà nước để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ cầm quyền của ĐCSTQ, các nhà độc tài và các nhà lãnh đạo của Đảng chưa bao giờ có thể dung thứ cho cái nhìn đối lập, và cũng chưa bao giờ có thể tồn tại mà không có cảnh sát chìm hay khủng bố nhà nước. “Phép tính” của nỗi sợ hãi này rất đơn giản: Lãnh đạo đất nước càng bất chính, thì càng có nhiều bạo chúa sợ bị hạ bệ bởi một đối thủ chính trị hoặc thậm chí bởi chính người dân.
Các cuộc thanh trừng chính trị và hệ thống tín dụng xã hội
Hơn nữa, giống như Mao Trạch Đông (hay Stalin) trước đây, Tập Cận Bình đã sử dụng các cuộc thanh trừng chính trị để loại bỏ những kẻ thù thực sự và kẻ thù tiềm năng của cách mạng, của nhà nước, hoặc của chính ông.
Tất nhiên, những hành động này được tiến hành dưới chiêu bài “diệt trừ tận gốc tham nhũng”, đây chỉ đơn giản là một cách nói uyển chuyển tiện lợi. Thực tế là toàn bộ nền kinh tế và cấu trúc chính trị của Trung Quốc đều dựa trên chủ nghĩa thân hữu, trộm cắp và gian dối. Mục đích thực sự của các cuộc thanh trừng của ông Tập không phải là loại bỏ tham nhũng, mà là các đối thủ chính trị. Thêm vào đó, các cuộc thanh trừng cũng có tác dụng gây ra nỗi sợ hãi trong trái tim của tất cả những người liên quan.
Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc phục vụ một mục đích tương tự, được áp lên toàn bộ xã hội nói chung. Nó cũng dùng để xác định những người có thể nói, viết, đọc hoặc “nghĩ sai cách”. Sau đó, hậu quả của việc “nghĩ sai” này là mất việc làm, mất quyền đi lại, hoặc thậm chí bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi xã hội. Có thể khẳng định một cách hợp lý rằng, đất nước Trung Quốc đều sống trong sợ hãi.
Nửa còn lại của phương trình sợ hãi
Những nỗi sợ hãi nói trên dù khá toàn diện nhưng cũng mới chỉ là một nửa của phương trình. ĐCSTQ còn lo ngại các niềm tin tôn giáo và thực hành tâm linh. Việc chính quyền này đối xử một cách tàn bạo và ghê tởm đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, bao gồm lao động cưỡng bức, cải tạo tư tưởng và lạm dụng tình dục phụ nữ, là bằng chứng rõ ràng cho thấy cái nhìn ác cảm của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Điều đó đưa chúng ta trở lại với vấn đề của Cơ Đốc giáo và Pháp Luân Công.
Sự bức hại tôn giáo và các tín ngưỡng tâm linh khác đã ăn sâu vào tiềm thức của chính quyền ĐCSTQ. Đảng sợ hãi Cơ Đốc giáo và các tín đồ, sợ hãi Pháp Luân Công và những người thực hành thiền định, sợ hãi còn hơn cả nỗi sợ các “đồng chí đảng viên”. Lý do rất đơn giản: Hệ tư tưởng duy vật và vô Thần mà chủ nghĩa cộng sản theo đuổi không thể chạm tới trái tim, khối óc và linh hồn của con người – theo cách mà niềm tin tâm linh có thể làm được.
Sợ hãi một vị Thần mà bản thân cho là ‘không tồn tại’
ĐCSTQ sợ hãi khi thấy người dân cầu nguyện vị Thần mà chính quyền này khẳng định rằng: “không tồn tại”. Thế nhưng, sự ngược đãi về thể xác và thiếu thốn về vật chất không dập tắt được đức tin Cơ Đốc, mà chỉ củng cố đức tin đó. Dù điều kiện đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng số lượng các tín đồ Cơ Đốc lại ngày càng tăng lên. Bắc Kinh đáng lẽ đã hành xử tốt hơn nếu biết xem lại lịch sử của Cơ Đốc giáo dưới sự bức hại của Đế chế La Mã.
Trên thực tế, Bắc Kinh đã cố gắng hạ thấp số lượng người theo đạo Cơ Đốc giáo ở Trung Quốc xuống khoảng 44 triệu người. Nhưng thực tế là vào năm 2020, có khoảng 116 triệu Cơ Đốc nhân theo đạo Tin lành ở Trung Quốc đại lục, hầu hết trong số họ sinh hoạt trong các nhà thờ không chính thức.
Đáng lo ngại hơn đối với ĐCSTQ, dự kiến vào năm 2030, Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới về số lượng người theo đạo Tin lành. Ông Tập Cận Bình thậm chí lo sợ sự trỗi dậy của Cơ Đốc giáo ở Trung Quốc đến nỗi đã thay thế “Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời” bằng “Mười Điều Răn” của chính mình.
Chủ nghĩa Mác không là gì so với trí tuệ cổ xưa
Đối với hàng triệu người tập Pháp Luân Công, họ đã đạt được sự thăng hoa về tinh thần và sức khỏe thể chất thông qua thiền định và tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, điều mà ý thức hệ cộng sản không thể cung cấp được. Với những giá trị từ niềm tin tín ngưỡng truyền thống của Phật gia và Đạo gia – những giá trị cốt lõi và cơ bản của những lời dạy Chân – Thiện – Nhẫn đã vượt trên sự tàn bạo của ĐCSTQ hàng trăm năm qua.
Đáp trả những giá trị và trí tuệ cổ xưa ấy, ĐCSTQ đã bức hại những người tập Pháp Luân Công bằng nhiều hình thức, bao gồm cả việc giam giữ và tra tấn tàn bạo trong các trại lao động cưỡng bức và buộc họ trở thành những “người hiến tạng sống”. Tuy nhiên, cũng giống như Cơ đốc giáo, những biện pháp khắc nghiệt này đã không thể ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi việc thực hành và tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Cuối cùng – sẽ là sự kết thúc của ĐCSTQ và sự cai trị độc tài của nó – những kẻ đi bức hại và làm tay sai cho nó sẽ bị cả nhân loại và Đức Sáng Thế Chủ phán xét. Nếu ĐCSTQ có hiểu biết một chút, nó sẽ sợ hãi trước sự phán xét này, nhất là sự phán xét của Đức Sáng Thế Chủ và sẽ ngừng bức hại đồng loại của mình. Nó cũng sẽ nhận ra rằng, đối với tất cả chúng ta, thời gian trên Trái đất này là ngắn ngủi, nhưng những gì tiếp theo sau đó mới là vĩnh cửu.
“Fear and Loathing in Beijing” – Tác giả: James Gorrie
Đông Mai