Ecuador: Hàng nghìn người biểu tình chặn đường vì giá xăng tăng
Ngọc Mai
Tờ DW đưa tin, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đang bị chỉ trích vì tăng giá khí đốt trong bối cảnh các công đoàn và các nhóm khác kêu gọi giảm giá và miễn trừ cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ở các thành phố của Ecuador hôm thứ Ba (26/10). Họ lập rào chắn và đụng độ với cảnh sát, bày tỏ sự phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Lasso.
Các cuộc biểu tình diễn ra vài ngày sau khi nhà lãnh đạo quyết định tăng giá xăng dầu.
Tuần trước, ông Lasso đã chọn phương án tăng giá xăng có chỉ số octan cao lên mức cố định 2,55 đô-la một gallon và dầu diesel lên 1,9 đô-la một gallon. Trong khi đó, loại xăng có chỉ số octan cao là loại nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất ở Ecuador.
Nhà tổ chức biểu tình Julio Cesar nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi đưa ra quyết định này khi phải đối mặt với các biện pháp kinh tế mới đang ngày càng chà đạp dân số, công nhân vận tải và cộng đồng của chúng tôi”.
Khi những người biểu tình xuống đường, giao thông đã bị gián đoạn tại 5 trong số 24 tỉnh của Ecuador.
Chính phủ đã triển khai cảnh sát và binh sĩ để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Cảnh sát đã phóng các thùng hơi cay tại ít nhất một địa điểm để kiểm soát đám đông. Các nhà chức trách cho biết, ít nhất 37 người đã bị bắt.
Từng là chủ ngân hàng, các chính sách kinh tế của Tổng thống Lasso đã “vào tầm ngắm kỹ lưỡng” khi đất nước này phải đối mặt với sự suy sụp kinh tế ngày càng trầm trọng bởi đại dịch, tội phạm bạo lực và sự bất bình của công chúng trên diện rộng.
Tuần trước, ông Lasso đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày để giải quyết tình trạng tội phạm và bạo lực gia tăng do những kẻ buôn bán ma túy ở nước này gây ra.
Philippines: Giữa vùng ô nhiễm đại dương lớn, một đội ngũ đang biến rác thải nhựa thành ván
Adrian Portugal – Hồng Ân biên dịch
MANILA – Một nhóm các nhà tái chế ở Philippines đang cố gắng xoa dịu bớt cuộc khủng hoảng rác thải nhựa ngày càng trầm trọng của nước này bằng cách biến chai lọ, bao bì đóng gói dùng một lần, và giấy gói thực phẩm vốn đang khiến tắc nghẽn các dòng sông và bãi biển thành vật liệu xây dựng.
Như những gì người ta thường biết về họ, nhóm Chim Hồng Bạc bằng Nhựa, hay còn gọi là “The Plaf”, thu gom chất thải, cắt nhỏ và sau đó đúc thành các cột và ván được gọi là “gỗ sinh thái” có thể được sử dụng để làm hàng rào, ván sàn hoặc thậm chí để làm ra những nơi trú ẩn cứu trợ [các nạn nhân của] thiên tai.
“[Nó] là vật liệu 100% có thể tái sử dụng, 100% được làm từ vật liệu phế thải nhựa, chúng tôi cũng đưa thêm vào một số chất phụ gia và chất tạo màu và nó không bị mục, không cần bảo
Adrian Portugal dưỡng, và không có mảnh vụn”, bà Erica Reyes, giám đốc điều hành của The Plaf cho biết.
Cho đến nay, đã thu gom được hơn 100 tấn rác thải nhựa, doanh nghiệp này đang nỗ lực hết sức mình để giải quyết một vấn đề cục bộ mà có tính lan tỏa toàn cầu.
Khoảng 80 phần trăm nhựa đại dương toàn cầu đến từ các con sông Á Châu và riêng Philippines đóng góp một phần ba trong tổng số đó, theo một báo cáo năm 2021 từ Ấn phẩm Our World in Data (Thế giới trong Dữ liệu của Chúng ta) của Đại học Oxford.
Philippines không có chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề nhựa của nước này và bộ phận môi trường của họ cho biết họ đã liên hệ với các nhà sản xuất để xác định các cách quản lý chất thải.
Tuy nhiên, COVID-19 đã khiến cuộc chiến chống lại rác thải nhựa càng khó giành phần thắng hơn.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra hàng năm, một vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch vốn đã gây ra một làn sóng đổ xô cho các tấm che mặt bằng nhựa, găng tay, hộp đựng thức ăn mang đi và bọc bong bóng khi hoạt động mua sắm trực tuyến tăng mạnh.
Cô Allison Tan, người cộng tác tiếp thị của The Plaf cho biết: “Người ta không biết cách giải quyết những loại nhựa này như thế nào”.
“Chúng tôi tạo ra con đường đó thay vì đưa thứ đó vào các bãi rác hoặc đại dương… quý vị đưa thứ đó cho các trung tâm tái chế như chúng tôi và chúng tôi sẽ nâng cấp chúng thành những sản phẩm tốt hơn”.
Ngoài việc giải quyết các vấn đề về rác thải, nhóm này cho biết họ đang đàm phán với các tổ chức phi chính phủ khác để giúp xây dựng lại những ngôi nhà bị bão tàn phá bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng bền vững của họ.
Triều Tiên yêu cầu người dân ‘thắt lưng buộc bụng’ đến năm 2025
Ngọc Mai
Các nguồn tin trong nước nói với Đài Á châu Tự Do, Triều Tiên đang yêu cầu người dân thắt lưng buộc bụng ít nhất đến năm 2025. Chính quyền dự định, biên giới Trung-Triều sẽ không mở lại trước thời điểm này.
Một người dân ở thành phố biên giới phía tây bắc Sinuiju nói với Đài Á châu Tự Do hôm 21/10 rằng: “Hai tuần trước, họ [chính quyền] nói [trong] cuộc họp của đơn vị canh gác khu phố rằng, tình trạng khẩn cấp về lương thực của chúng tôi sẽ tiếp tục đến năm 2025. Các nhà chức trách nhấn mạnh, khả năng mở cửa thông quan lại giữa Triều Tiên và Trung Quốc trước năm 2025 là rất mong manh”.
Nguồn tin giấu tên cho biết thêm, “Tình hình lương thực lúc này rõ ràng đã là tình trạng khẩn cấp, người dân đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thốn. Khi quan chức nói với người dân rằng, cần dự trữ và tiêu thụ ít thực phẩm hơn đến năm 2025… người dân không thể làm gì khác ngoài cảm thấy tuyệt vọng”.
Thiếu lương thực thường xuyên, đất nước 25 triệu dân này đã chứng kiến tình trạng người dân chết đói sau khi biên giới Trung-Triều bị đóng cửa từ tháng 1/2020 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Động thái này đã tàn phá nền kinh tế Triều Tiên, khiến giá lương thực tăng vọt. Việc đóng cửa biên giới Trung – Triều hạn chế mọi hoạt động thương mại và nhiều người dân Triều Tiên gặp khó khăn trong việc chạy bữa ăn hàng ngày.
Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng, Triều Tiên sẽ thiếu hụt khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính rằng, khoảng 40% dân số Triều Tiên bị thiếu dinh dưỡng.
Chính phủ Triều Tiên đã đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài như các biện pháp trừng phạt và phong tỏa với Triều Tiên, COVID-19 và các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng cho sự thất bại của mình.
Người dân ở Sinuiju phàn nàn, “Một số cư dân nói rằng tình hình hiện tại nghiêm trọng đến mức họ không biết liệu có thể sống sót qua mùa đông sắp tới hay không. Họ nói rằng, việc bảo chúng tôi phải chịu đựng gian khổ cho đến năm 2025 cũng giống như nói với chúng tôi rằng ‘hãy chết đói đi’”.
Theo nguồn tin thứ hai, người dân chỉ trích chính phủ Triều Tiên không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực của người dân. Họ cũng lo lắng rằng biên giới sẽ vẫn bị đóng cửa ngay cả khi người dân đang chết vì đói.
Nguồn tin thứ hai cho biết, “Người dân đã phải vật lộn vượt qua và đã thắt lưng buộc bụng nhiều nhất có thể. Họ phẫn nộ với những yêu cầu phi thực tế của các nhà chức trách, hỏi rằng họ có thể thắt lưng buộc bụng chặt hơn đến mức nào nữa?”.
Theo Đài Á châu Tự Do, chính phủ Triều Tiên đã đẩy mạnh khẩu hiệu tự lực cánh sinh kể từ đầu năm nay. Một trong những thông điệp chính của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong Đại hội lần thứ tám của Đảng Lao Động Triều Tiên hồi tháng 1 là yêu cầu đất nước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và giải quyết các vấn đề của chính mình.
Các nguồn tin cho biết, người dân Triều Tiên phẫn nộ vì chính phủ trốn tránh trách nhiệm của mình với người dân, chỉ đơn giản nói rằng người dân hãy tự kiếm ăn mà không làm gì để giải quyết vấn đề.