Gần đây, một số người dân ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc tiết lộ rằng phí sưởi ấm ở địa phương đã tăng mạnh. Họ được thông báo phải trả thêm khoản phí phụ, nếu không sẽ không được mở hệ thống sưởi vì giá than tăng đã khiến phí sưởi ấm tăng theo.
Trong vài tháng qua, giá than ở Đại lục đã tiếp tục duy trì ở mức cao, giá than nhiệt dùng để sưởi ấm vẫn ở mức trên 1,000 NDT / tấn. Những thông tin do người dân ở Đại lục tiết lộ, họ đang phải chịu gánh nặng giá cả leo thang.
Vào ngày 25/10, một công ty bất động sản ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã đưa ra thông báo cho biết: “Do giá than tăng nên phí sưởi ấm ở khu sản nghiệp Khả Tâm Cư sẽ khó có thể duy trì như trước đây. Sau khi liên lạc với các bộ phận liên quan, định mức tính phí đã được tăng lên 45 NDT trên mỗi mét vuông đối với các tòa nhà dân cư, 50 NDT trên mỗi mét vuông đối với cửa hàng thương mại và 48 NDT trên mỗi mét vuông đối với nhà để xe”.
Thông báo nói rằng: “Các chủ cơ sở đã nộp phí phải nộp thêm khoản phí phụ trước ngày 10/11, công ty của chủ sở hữu nào không nộp đúng hạn sẽ không được mở khóa hệ thống sưởi. Những hộ dân đã được mở khóa hệ thống sưởi, nếu không nộp khoản phí phụ thì sẽ bị đóng lại”.
Ông Lí, một cư dân ở địa phương nói với Jimu News vào ngày 27/10 rằng, khi ông trả phí sưởi ấm cho tòa nhà dân cư của mình vào tháng 9, nó là 27 NDT cho mỗi mét vuông. Bây giờ nó đã tăng lên 45 NDT, tức là tương đương với phí trên mỗi mét vuông tăng thêm 2/3, một ngôi nhà rộng 100 mét vuông sẽ phải nộp thêm khoản phí phụ là 1,800 NDT.
Ông Lí đặt câu hỏi rằng, phải chăng việc điều chỉnh phí sưởi ấm là nên dựa trên ý kiến của người dân, chứ không phải các công ty đăng thông báo buộc cư dân phải nộp khoản phí phụ.
Theo chủ một cửa hàng ở địa phương này, anh ta đã trả 34 NDT cho mỗi mét vuông để sưởi ấm vào tháng 9. Nếu theo thông báo hiện tại là 50 NDT cho mỗi mét vuông, thì cửa hàng của anh ta cần phải nộp thêm 2,000 NDT cho hệ thống sưởi.
Anh ta nói rằng lúc than giảm giá thì phí sưởi không giảm, cũng không hoàn lại phí sưởi, nay than tăng giá lại tăng phí sưởi, anh ta cảm thấy hơi bất hợp lý.
Theo người dân địa phương, công ty bất động sản này chịu trách nhiệm cho nhiều hơn một khu. Hiện tại, chính quyền chưa trả lời rõ ràng về tiến triển của việc tăng giá này.
Vấn đề này đã làm dấy lên sự chú ý của người dân Đại lục. Một cư dân mạng trên Weibo cho biết: “Cái gì cũng tăng lên rồi, chỉ có tiền lương là không tăng”. Một cư dân khác nói rằng: “Nhiệt độ vào mùa đông ở Đông Bắc Trung Quốc là âm 30 hoặc âm 40 độ C, người ta sẽ chết cóng nếu không được sưởi ấm. Điều này có khác gì các bệnh viện tư nhân ở Phủ Điền đưa bệnh nhân lên bàn mổ rồi ép họ đưa tiền? Thảo nào giới trẻ đổ xô bỏ chạy khỏi vùng Đông Bắc”.
Tình huống bên trên không phải là trường hợp đầu tiên. Vào ngày 24/10, một tiểu khu ở thành phố Du Thụ do thành phố Trường Xuân quản lí đã đăng thông báo phải trả khoản phí phụ cho hệ thống sưởi, mức giá sau khi tăng là 36 NDT trên mỗi mét vuông cho các tòa nhà dân cư, 42 NDT trên mỗi mét vuông cho các cửa hàng và nhà để xe, nguyên nhân tăng giá là do giá than đã tăng mạnh.
Thông báo cũng cho biết: “Những người đã trả trước phí sưởi ấm trong năm nay (bao gồm: nhà dân dụng, cửa hàng, nhà để xe), sẽ phải trả thêm 9 NDT cho mỗi mét vuông trong khoảng thời gian cho tới ngày 10/11. Nếu nộp sau ngày hết hạn, ngoài toàn bộ số phí, sẽ phải nộp thêm phí thanh toán chậm là 1% trên tổng số tiền phải trả và phí sưởi ấm 600 NDT cho mỗi hộ gia đình mỗi ngày”.
Giá than ở Đại lục đang liên tục tăng cao do nguồn cung thiếu hụt trong nhiều tháng. Tờ China Youth Daily dẫn số liệu ngày 27/10 cho biết, kể từ cuối tháng 8 năm nay, giá than nhiệt kỳ hạn (dùng để phát điện và sưởi ấm) đã tăng từ dưới 800 NDT / tấn lên 1,900 NDT / tấn, có nơi giá than sưởi tăng từ 800 NDT / tấn lên hơn 2,000 NDT / tấn.
Tình trạng thiếu than bùng phát ở Đại lục từ cuối tháng 12/2020 đã khiến hơn chục tỉnh thành “mất điện”. Vào đầu tháng đó, Trung Cộng đã cấm hoàn toàn việc nhập cảng than của Úc, lý do là vì Úc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19).
Trung Quốc là một trong những nước nhập cảng than lớn nhất thế giới, và 60% lượng than xuất cảng của Úc sang Trung Quốc là than nhiệt. Sau khi ĐCSTQ tuyên bố cấm nhập cảng than của Úc, nó đã quay sang tăng nhập cảng than nhiệt từ Indonesia và Nga, từ đó dẫn đến giá than tăng mạnh.
Tờ Reuters trích dẫn số liệu cho thấy giá than của Nga cao gấp đôi giá than cùng loại của Úc. Giá tham chiếu than nhiệt (HBA) vào tháng 10 do Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia đưa ra là 161.63 USD / tấn, là mức cao kỷ lục. Mạng lưới tài nguyên than Trung Quốc cho biết, giá chào bán ra nước ngoài đối với than nhiệt 3,800 kcal ở Indonesia vào đầu tháng 10 là 125 – 130 USD / tấn, tăng 5 – 10 USD / tấn so với cuối tháng 9.
Tờ China Youth Daily vào ngày 27/10 dẫn lời một cư dân ở Sơn Tây nói rằng, do năm nay giá than tăng cao và nguồn cung than thiếu hụt nên nhà cô chỉ có thể dùng lò sưởi điện để tạm thời sưởi ấm. Người dân ở Cam Túc, Nội Mông và những nơi khác đã phản ánh trên các nền tảng trực tuyến rằng, giá than để sưởi ấm trong mùa đông năm nay đã tăng đột biến, có nơi giá than cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ủy ban Cải cách và Phát triển của Trung Cộng kể từ ngày 19/10 đã liên tiếp ban hành các văn bản nhằm kiểm soát giá than. Mặc dù giá than nhiệt giao sau đã giảm trong nhiều ngày liên tiếp, và thậm chí dừng lại vào ngày 27/10 ở mức 1144.6 NDT / tấn, là mức thấp nhất sau gần một tháng, nhưng so với trước đó vẫn cao hơn hàng trăm NDT.
Một số công ty than ở Trung Quốc đại lục gần đây đã thông báo về việc thiết lập giới hạn giá than, tuy nhiên giá cả đã tăng gần gấp đôi. Ví dụ: giới hạn trên do Tập đoàn Yitai, Tập đoàn Than Trung Quốc và Công ty Vận hành Than của Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đặt ra là: Giá đóng cửa của than nhiệt 5,500 kcal là dưới 1,800 NDT / tấn; Giá đóng cửa của than nhiệt 5,000 kcal là dưới 1,500 NDT / tấn; Giá đóng cửa của than nhiệt 4,500 kcal là dưới 1,200 NDT / tấn; giá của các loại than nhiệt năng cao khác là dưới 2,000 NDT / tấn.
Trương Ngọc Khiết, Tôn Vân
Xuân Hoàng biên dịch