Bảy đảo nhân tạo của Trung Quốc và lý do Tập phải xây nhanh

Trần Trung Đạo

28-10-2021

Trong buổi họp báo tại Rose Garden nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ngày 25 tháng 9 năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu “Hoạt động xây dựng liên hệ mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Nam Sa [Trường Sa] không nhắm mục tiêu hay tác động đến bất kỳ quốc gia nào và không có ý định quân sự hóa”.

Trong lúc Tập mặt dày nói dối trước thế giới, các mục tiêu quân sự hóa Biển Đông gần hoàn tất.

Từ 2013, Trung Quốc (TQ) lợi dụng chính sách đối ngoại hòa hoãn của TT Barack Obama đã tiến hành xây dựng bảy đảo nhân tạo tại các bãi đá họ chiếm được trên Biển Đông với ý định biến các nơi này thành các căn cứ quân sự.

Các đảo nhân tạo được trang bị với phi cơ chiến đấu, oanh tạc cơ, kho đạn dược, các phương tiện phục vụ chiến tranh và được mệnh danh là những “hàng không mẫu hạm không thể chìm” (unsinkable aircraft carriers).

Lo ngại phản ứng của Mỹ và quốc tế, Tập chỉ thị tiến hành xây dựng một cách gấp rút.

Để làm việc này nhanh chóng, TQ đã tàn phá các môi trường biển vốn cần được phát triển tự nhiên. Nhà hải dương học John McManus thuộc đại học Miami tố cáo: “Một cách căn bản, TQ tàn phá mọi thứ sống chung quanh các rạn san hô”.

Bảy đảo nhân tạo đó gồm Johnson Reef South (Đá Gạc Ma), Subi Reef (Đá Xu Bi), Gaven Reef (Đá Ga Ven), Hughes Reef (Đá Tư Nghĩa), Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập), Cuarteron Reef (Đá Châu Viên) và Mischief Reef (Đá Vành Khăn).

Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với tất cả bãi đá nêu trên thuộc quần đảo Trường Sa nhưng các quốc gia khác gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Taiwan và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong số bảy đảo nhân tạo, ba đảo quan trọng nhất được xây trên các bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) và Đá Vành Khăn (Mischief). Ba đảo nhân tạo này được báo chí quốc tế gọi là “Big Three” (Ba đảo nhân tạo lớn).

Riêng tại Đá Chữ Thập, phi đạo có khả năng đáp bất cứ loại chiến đấu cơ và oanh tạc cơ nào của TQ. Các căn cứ quân sự của TQ trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn được trang bị bằng các võ khí tối tân. Các hỏa tiễn địa đối không (SAM) HQ-9 có tầm trung bình 200 km, các giàn Radar và chiến đấu cơ J-11 được phát hiện trên đảo Phú Lâm (Woody) thuộc Hoàng Sa từ năm 2016. Hôm nay, chắc chắn chúng cũng đã được trang bị trên các đảo nhân tạo đã hoàn tất.

MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG CÁC ĐẢO NHÂN TẠO

Tập Cận Bình xây đảo nhân tạo nhắm vào hai mục đích: (1) về chính trị, xây dựng một “tình trạng đang hiện hữu” (status quo) và (2) về quân sự, nhằm dựng hai phòng tuyến mặt đông nam Trung Quốc.

Như người viết đã giải thích trong các bài trước “Status quo” được định nghĩa như là tình trạng của các điều kiện thực tế trước khi có sự thay đổi.

Trong các cuộc thảo luận hay tranh luận các bên thường có khuynh hướng chấp nhận một tình trạng và đôi khi còn được xem đó như là một giới hạn mà nếu bị vượt qua sẽ tạo nên nhiều bất trắc.

Tập Cận Bình nghĩ rằng, trong trường hợp tệ hại các tranh chấp quốc tế phải dẫn tới các hội nghị, các cọc trên Biển Đông sẽ được dùng để xác định chủ quyền của TQ.

Bản chất tham lam và nhỏ nhen của TQ không thay đổi dù chỉ vài mét như trong giai đoạn xây dựng đường xe lửa phía bắc Việt Nam trước đây hay vài ngàn dặm như trên Biển Đông ngày nay.

Phản ứng của TQ sau vụ Philippines kiện TQ cho thấy mặc dù phủ nhận giá trị của phán quyết do Tòa Trọng Tài Thường Trực (The Hague) công bố, TQ trong thực tế đã thừa nhận Philippines thắng kiện. TQ cho xây nhanh chẳng qua để đặt thế giới vào “chuyện đã rồi”.

Related posts