Mai Hạ
Máy bay trực thăng quân sự Chinook do Mỹ sản xuất được cho là có thể thay đổi “luật chơi” ở biên giới Trung – Ấn. Với việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, Ấn Độ gần đây đã triển khai một lô vũ khí mới của Mỹ đến biên giới để tăng cường khả năng quân sự, chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hiện tại, trực thăng Chinook, lựu pháo kéo siêu nhẹ, súng trường do Mỹ sản xuất và tên lửa hành trình siêu thanh do Ấn Độ sản xuất cũng như hệ thống giám sát mới, đã được quân đội Ấn Độ triển khai tới biên giới Trung – Ấn, giáp với Tây Tạng. Những vũ khí này có thể giúp vận chuyển quân đội, vũ khí nhanh chóng và cung cấp vật tư.
Trung tướng Manoj Pande, Tư lệnh quân đội miền Đông Ấn Độ cho biết, binh lính, thiết giáp, pháo binh và chi viện trên không đang được kết hợp, làm cho quân đội Ấn Độ “linh hoạt, nhẹ nhàng, để chúng tôi có thể triển khai nhanh hơn”.
Ông cho biết, những thiết bị này đã được triển khai đầy đủ cho quân đoàn tấn công miền núi, tất cả các đơn vị bao gồm cả lực lượng chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu đều đã được nâng cấp và trang bị đầy đủ.
Máy bay trực thăng Chinook hiện được trang bị cho Lữ đoàn Không quân Ấn Độ, có thể vận chuyển pháo hạng nhẹ do Mỹ sản xuất và di chuyển nhanh chóng quân đội băng qua các ngọn núi; đồng thời, kết hợp với một máy bay không người lái của Israel, có thể truyền lại hình ảnh thực tế về đối thủ trong 24 giờ.
Phi công của Lữ đoàn Không quân Ấn Độ cho biết: “Chinook là người thay đổi cuộc chơi. Họ đã cung cấp tính cơ động và khả năng thao tác chưa từng có – quân đội và pháo có thể được vận chuyển nhanh chóng từ sườn núi này sang sườn núi khác”.
Năm 2020, Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra cuộc xung đột đẫm máu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ và 4 binh lính Trung Quốc (ngoại giới đặt nghi vấn về số liệu do ĐCSTQ công bố) thiệt mạng. Dù hai bên đã có nhiều cuộc đàm phán nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc rút quân.
Bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ của Observer Research Foundation ở New Delhi, nói với Bloomberg rằng, việc Ấn Độ tập kết ở biên giới cho thấy sự thất vọng của họ trước các cuộc đàm phán với Trung Quốc, cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên khó có thể sớm được giải quyết.
“Luật Bảo vệ và Quản lý Biên giới Đất liền” mới được ĐCSTQ thông qua tuần trước đã khiến New Delhi cảm thấy bất an. Bắc Kinh nói rằng đây là một “tiêu chuẩn thống nhất để tăng cường quản lý biên giới”. Ấn Độ cảnh báo luật mới này có thể ảnh hưởng đến căng thẳng biên giới hiện nay. Ông Uông Văn Bân, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng đây là một phỏng đoán không phù hợp.
Trong năm qua, ít nhất 30.000 tân binh Ấn Độ đã được triển khai tới miền đông. Thủ tướng Narendra Modi luôn lo lắng trận chiến trên dãy Himalaya năm 1962 sẽ lặp lại. Vào thời điểm đó, Ấn Độ đã không chuẩn bị tốt và năng lực lãnh đạo kém, khiến khi quân đội Ấn Độ rút quân, Trung Quốc đã chiếm Tawang.
Mai Hạ