Anh Vũ
Vụ lùm xùm quanh cuốn tiểu sử Tập Cận Bình ra mắt tại Đức. Buổi giới thiệu cuốn sách « Tập Cận Bình, người đàn ông quyền lực nhất thế giới » đã bị suýt nữa bị hủy do Bắc Kinh gây áp lực, nhưng vào phút chót đã được lên chương trình trở lại ngày 27/10/2021.
Sự việc xảy ra liên quan đến một Viện Khổng Tử, tại Đức, cơ quan nổi tiếng với sứ mệnh quảng bá quyền lực mềm cho Trung Quốc và vẫn thường hay được nhắc đến ở nhiều nơi vì những hành động can thiệp kiểm duyệt theo sự chỉ đạo từ Bắc Kinh.
Gần đây dư luận nhiều nước thường nói về mối nguy cơ ngày càng lớn trong chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Chiến lược gài người vào giới giảng dạy đại học của Bắc Kinh gây nhiều lo lắng. Ở Pháp hồi tháng 10/2021, Thượng Viện thậm chí đã phải ra một báo cáo về vấn đề này. Và giờ đây, nước Đức vừa cung cấp thêm một minh họa sống động cho cách thức mà Trung Quốc có thể xuất khẩu kiểm duyệt về những chủ đề khiến họ phật ý.
Chuyện xảy ra ở nước Đức liên quan đến cuốn sách tiểu sử của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bỗng nhiên, cuốn sách trở thành tâm điểm đọ sức giữa giới đại học Đức và Trung Quốc. Trường đại học Duisbourg Essen (miền tây nước Đức) đã dự kiến tổ chức vào ngày 27/10/2021 buổi giới thiệu cuốn sách “Tập Cận bình, người đàn ông quyền lực nhất thế giới” của các nhà báo Adrian Geiges và Stefan Aust. Hôm thứ Bảy 23/10, một trong số nhà tổ chức sự kiện là Viện Khổng Tử của Duisbourg rút lui không tham gia, khiến cho buổi giới thiệu sách trước nguy cơ phải hủy bỏ.
Tập Cận Bình “người không thể động chạm tới”
Cảm thấy có không khí kiểm duyệt của Trung Quốc thổi vào việc tổ chức sự kiện mà trong chương trình dự kiến sẽ có buổi tọa đàm về cách cầm quyền của Tập Cận Bình, trường đại học này đã khẩn cấp tìm một cơ quan thay thế. Cuối cùng Viện Nghiên Cứu Đông Á của Duisbourg hôm 26/10 đã chấp nhận tham gia và buổi ra mắt sách vào phút chót đã được duy trì đúng ngày như dự kiến 27/10.
« Chúng tôi không thể chắc chắn 100% ở đây có ý đồ kiểm duyệt, nhưng rõ ràng là chúng tôi sẽ đặt các câu hỏi đối với Viện Khồng Tử này. Tự do giảng dạy và nghiên cứu là các giá trị trọng tâm với chúng tôi. Ông hiệu trưởng cho biết là ông không muốn thấy điều này tái diễn », đại diện của đại học Duisbourg cho France 24 biết.
Nhà xuất bản cuốn tiểu sử của lãnh đạo Trung Quốc, Piper Verlag tin chắc đây là ý đồ kiểm duyệt của Trung Quốc. « Đại học Đồng Tế (Tongji) tại Thượng Hải và tổng lãnh sự Trung Quốc tại Dusseldorf, ông Feng Haiyang, đã can thiệp để ngăn không cho diễn ra sự kiện này », phát ngôn viên nhà xuất bản Piper Verlag cho biết.
Bà nói thêm, khi liên lạc qua điện thoại với Viện Khổng Tử Đức để tìm hiểu chuyện gì đã diễn ra, một trong những người của Viện đã khẳng định: “Không được nói đến Tập Cận Bình như là một người bình thường, vì ông là người không thể động chạm tới được”. Nhưng “đó không phải là lập trường chính thức của Viện Khổng Tử tại Đức”, nhà xuất bản Piper Verlag xác định trong một thông cáo báo chí. Theo nhà xuất bản, lệnh phá đám buổi giới thiệu sách chắc phải từ ở trên cao, tận Bắc Kinh.
France 24 đã liên hệ với Viện Khổng Tử Đức về những đánh giá kỳ lạ về chủ tịch Trung Quốc nêu trên, Viện Khổng tử Duisbourg đã né tránh không trả lời trực tiếp mà chỉ giải thích quyết định rút khỏi sự kiện được đưa ra sau khi “đã đánh giá các quan điểm khác nhau giữa đối tác Trung quốc và Đức (Viện)”. Các tổ chức như Viện Khổng Tử vẫn có ban lãnh đạo kiểu tay đôi, gồm một đại diện của nước sở tại và một đại diện Trung Quốc.
Vai trò của các Viện Khổng Tử
Vụ cuốn tiểu sử của Tập Cận Bình khơi dậy câu hỏi về vai trò của các Viện Khổng Tử theo quan điểm của Bắc Kinh. Về mặt truyền thống, các viện này đều được nhìn nhận là thân thiện nhất trong chính sách gây ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc. Cơ quan này có 500 chi nhánh trên thế giới, trong đó Pháp có 19 cơ sở. Được đảng Cộng Sản dựng lên từ năm 2004, các Viện Khổng Tử có nhiệm vụ quảng bá phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Hàng chục nghìn người đã học tiếng Trung ở 140 nước nhờ có các Viện Khổng Tử như vậy. Ở đây không có gì đáng để kêu ca về việc xuất khẩu tuyên truyền của Trung Quốc. Nước Pháp cũng có hệ thống các Alliance Française với sứ mệnh tương tự.
Đại học Duisbourg nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa bao giờ có vấn đề với cơ quan này từ trước tới giờ” . Viện Khổng Tử Duisbourg cũng khẳng định với France 24 “từ trước đến nay chưa hề rút sự hỗ trợ nào cho việc tổ chức sự kiện ở trường đại học”.
Dưới tác động căng thẳng Trung-Mỹ, các Viện Khổng Tử bắt đầu hành động như một công cụ phổ biến quyền lực mềm của Bắc Kinh. Tại Canada, các cơ sở viện này bị nghi ngờ được đặt dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhằm bảo vệ lới ích của chế độ ở nước ngoài, báo cáo của thượng Viện Pháp mới đây nhắc lại.
Nhiều nước đã bắt đầu ra tay xử lý. Thụy Điển là nước đầu tiên ở châu Âu cho đóng toàn bộ các Viện Khổng Tử trên lãnh thổ quốc gia từ hồi tháng 05/2020. Trong khi đó phe bảo thủ ở Vương Quốc Anh từ hai năm qua vẫn đấu tranh đòi chấm dứt hoạt động của các Viện Khổng Tử trên đất Anh. Hồi tháng 06/2021, bộ trưởng Giáo Dục Đức Anja Krajicek đã lấy làm tiếc khi phát biểu rằng « chúng ta đã trao cho các Viện Khổgn Tử quá nhiều chỗ ».
Theo những người phản đối các cơ sở gây ảnh hưởng của Trung Quốc này, sự cố tương tự như vừa xảy ra ở Đức sẽ có xu hướng tăng nhiều, không còn là “cá biệt” nữa. Năm 2019, ông Song Xining, giám đốc Viện Khổng Tử trực thuộc Đại học Vrije của Bỉ đã phải từ chức và sau đó bị trục xuất vì bị tố cáo sử dụng cơ quan Viện như là cơ sở để theo dõi các sinh viên Trung Quốc tại Bỉ. Tháng 04/2021, đến lượt Viện Khổng Tử Bratislava bị nêu tên sau khi giám đốc Viện dọa giết một nhà nghiên cứu về việc Bắc Kinh gài người vào giới học thuật Slovakia, theo le Monde.
Rất nhiều tiền lệ đáng tiếc đã xảy ra nhưng cũng không vì thế mà đánh giá quá cao vai trò của các Viện Khổng Tử, Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Qũy Nghiên cứu Chiến lược ( FRS) nhận xét với France 24.
Theo chuyên gia Pháp, “còn có những mạng lưới gây ảnh hưởng khác của Trung Quốc trong giới đại học có nhiều vấn đề hơn các Viện Khổng tử” . Thí dụ như “chương trình 1000 tài năng” lập ra từ 2008, nhằm thu hút các nhà khoa học đến Trung Quốc làm việc. Chương trình này bị Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI tố cáo thực chất là phương tiện để tận dụng tri thức, công nghệ của nước ngoài. Vì không nên quên là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là chiếm dụng công nghệ của nước ngoài, chuyên gia Antoine Bondaz khẳng định.
(Theo france24.com)