Hôm 27/10, các quan chức cho biết Ấn Độ đã phóng thử thành công hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất Agni-5, có khả năng tấn công mục tiêu ở cự ly lên tới 3,100 dặm với “độ chính xác rất cao.”
Hỏa tiễn này sử dụng động cơ nhiên liệu rắn ba tầng, đã được phóng lúc gần 7 giờ 50 phút tối theo giờ địa phương từ APJ Abdul Kalam Island, ở Odisha. Hòn đảo cách thủ phủ của tiểu bang Bhubaneswar khoảng 93 dặm về phía đông.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng, “Việc thử nghiệm thành công Agni-5 là phù hợp với chính sách đã nêu của Ấn Độ nhằm tạo ra ‘khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy’ vốn làm cơ sở cho cam kết ‘Không Dẫn đầu trong việc Sử dụng Vũ khí Hạt nhân’”.
Vụ bắn thử hỏa tiễn diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang bế tắc liên quan đến căng thẳng biên giới kéo dài ở khu vực phía tây của biên giới Trung Quốc – Ấn Độ. Bắc Kinh cũng đã tăng cường kho vũ khí hỏa tiễn mạnh mẽ của mình, qua đó thúc đẩy New Delhi cải tiến các hệ thống vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn tầm trung và tầm xa trong những năm gần đây và tăng cường năng lực phòng thủ của đất nước này.
Đầu tháng này, vòng đàm phán thứ 13 giữa hai nước, tập trung vào giải quyết các vấn đề tồn đọng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở phía đông Ladakh, lại thất bại.
Người ta hy vọng rằng các cuộc đàm phán cấp tư lệnh quân đoàn được tổ chức tại điểm họp biên giới Chushul-Moldo hôm 10/10 sẽ mang lại một giải pháp lâu dài cho các cuộc đụng độ gần đây.
Thay vào đó, cuộc đối thoại này – kéo dài gần 8 tiếng rưỡi – đã kết thúc trong bế tắc, với việc quân đội Ấn Độ đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng tình hình dọc biên giới chung là do “nỗ lực đơn phương” của phía Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng vi phạm các hiệp định song phương.
“Trong cuộc họp này, phía Ấn Độ đã đưa ra các đề nghị mang tính xây dựng để giải quyết các lĩnh vực còn xung đột nhưng phía Trung Quốc không đồng ý và cũng không thể đưa ra bất kỳ đề nghị hướng tới tương lai nào,” quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố. “Do đó, cuộc họp này đã không đưa ra giải pháp cho các lĩnh vực tồn đọng.”
“Do đó, phía Trung Quốc cần thực hiện các bước thích hợp trong các lĩnh vực tồn đọng để khôi phục hòa bình và trật tự dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế ở khu vực phía Tây.”
“Hai bên đã đồng ý duy trì trao đổi liên lạc và cũng để duy trì sự ổn định trên mặt đất. Chúng tôi kỳ vọng rằng phía Trung Quốc sẽ tính đến triển vọng tổng thể của mối bang giao song phương và sẽ hướng tới giải quyết sớm các vấn đề còn tồn tại trong khi tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận và nghị định thư song phương.”
Các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia trước đó hai tháng đã dẫn đến một thỏa thuận rút quân khỏi Gogra (Điểm Tuần tra-17A), nơi xuất hiện tình trạng đối đầu kể từ tháng 05/2020. Hiện tình trạng bế tắc ở Depsang và Hot Springs vẫn đang tiếp diễn.
Ấn Độ đã khẳng định rằng việc giải quyết các vấn đề tồn đọng ở tất cả các điểm xung đột dọc theo Đường Kiểm soát Biên giới là điều cần thiết để khôi phục hòa bình và cải thiện mối bang giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo Tướng Manoj Mukund Naravane của Lục quân Ấn Độ, Trung Quốc đang điều động số lượng quân kỷ lục tới biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và thường xuyên thay đổi tư lệnh của Chiến khu phía Tây bao quanh biên giới.
Theo hãng thông tấn The Associated Press, hỏa tiễn Agni-5 có thể tấn công gần như toàn bộ Trung Quốc.
Ấn Độ đã có thể tấn công bất cứ nơi nào nội trong quốc gia láng giềng Pakistan, quốc gia đã mà Ấn Độ đã có ba cuộc chiến tranh kể từ khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh Quốc vào năm 1947.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
An Nhiên biên dịch