Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Nhóm G20 họp thượng đỉnh với hai trọng tâm : Khí hậu và Covid

Thanh Phương

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres đến dự G20-Roma. Ảnh ngày 30/10/2021. REUTERS – GUGLIELMO MANGIAPANE

Tại thủ đô Roma của Ý hôm nay, 30/10/2021, các lãnh đạo nhóm G20 họp thượng đỉnh để bàn về phòng chống đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế thế giới và nhất là chống biến đổi khí hậu. Riêng hồ sơ khí hậu được đặc biệt quan tâm, bởi vì sau Roma, các lãnh đạo nhóm G20 sẽ sang Glasgow, Scotland dự hội nghị COP26. Không có gì bảo đảm là trong hai ngày cuối tuần này họ sẽ đạt được đồng thuận về các cam kết chống biến đổi khí hậu.

Từ Roma, đặc phái viên RFI Dominique Baillard tường trình:

“Đại dịch Covid-19, vốn đã buộc nhóm G20 phải họp trực tuyến vào năm ngoái, năm nay vẫn là mối quan tâm lớn của câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới, bởi vì đại dịch này chưa chấm dứt. Do virus corona lại lây lan mạnh trở lại tại Nga và Trung Quốc, nên tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Tập Cận Bình đã không đến dự thượng đỉnh Roma. Ít ra đây là lý do chính thức.

Để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19, nhóm G20 phải đề ra mục tiêu giống như Tổ chức Y tế Thế giới, đó là đạt tỷ lệ 70% dân số được chích ngừa từ đây đến giữa năm 2022, trong khi ở các nước nghèo hiện chỉ mới có 5% dân số được tiêm một liều vac-xin.

Một tham vọng khác cũng cấp thiết không kém, đó là chống biến đổi khí hậu. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi lãnh đạo các nước giàu có mặt tại Roma đi theo đúng con đường vào trước lúc khai mạc hội nghị COP26. Nếu có những thông báo táo bạo, thì đó sẽ là một bất ngờ thú vị tại thượng đỉnh này, có thể tạo đà cho hội nghị khí hậu diễn ra gần như cùng lúc.

Cũng tại Roma hôm qua, các bộ trưởng Tài Chính và Y Tế của nhóm G20 đã cam kết sẽ gia tăng hỗ trợ cho các nước nghèo và sẽ kềm chế đại dịch Covid-19 “ở mọi nơi và nhanh nhất có thể được”. Để đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới chích ngừa cho 70% dân số  thế giới từ đây đến giữa năm 2022, các bộ trưởng nhóm G20 hứa sẽ « kích thích nguồn cung cấp vac-xin và các sản phẩm y tế căn bản » ở các nước đang phát triển”.

Mỹ thừa nhận “vụng về” gây khủng hoảng tầu ngầm với Pháp

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) hàn gắn quan hệ với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron tại Roma, trước thượng đỉnh G20. Ảnh ngày 29/10/2021. REUTERS – KEVIN LAMARQUE

Đặc phái viên RFI Valérie Gas tóm lược buổi làm việc giữa hai lãnh đạo Pháp Mỹ tại Roma:

“Xuất hiện bên cạnh ông Emmanuel Macron và thừa nhận rằng Hoa Kỳ đã « vụng về » trong cuộc khủng hoảng tầu ngầm, ông Joe Biden nhìn nhận nỗi tức giận chính đáng của tổng thống Pháp. Đây là một điều kiện cần thiết để nối lại quan hệ với Emmanuel Macron. Chủ nhân điện Elysée tỏ ra hài lòng ghi nhận nỗ lực của nguyên thủ Mỹ.

Sau cuộc gặp, trả lời báo chí Pháp , tổng thống Macron đã khẳng định: « Chúng tôi đã tái lập niềm tin. Niềm tin cũng như tình yêu, mọi tuyên bố đều tốt, nhưng đưa ra bằng chứng thì còn tốt hơn ».

Và bằng chứng về sự tin tưởng đó, theo như ông Macron hiểu, là tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện trong một lĩnh vực rất quan trọng đối với Pháp, đó là vùng Sahel. Ông Macron phát biểu : « Sau lời yêu cầu của chúng tôi, đã có sự hứa hẹn gia tăng phương tiện. Đây là một trong những thành quả để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này ». Theo tổng thống Macron, đó là những phương tiện giúp Pháp trở nên hiệu quả hơn về mặt tình báo để chuẩn bị cho những chiến dịch chống khủng bố.

Ông Macron cũng nhận thấy tín hiệu công nhận vai trò « khung » của Pháp trong một liên quân quốc tế, một vai trò mà chỉ có Hoa Kỳ nắm giữ trong lịch sử đương đại, theo nhận định của ông Macron. Một sự so sánh giá trị để cho thấy chủ nhân điện Elysée muốn đặt Pháp vào vị trí nào”.

Pháp – Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương
Mỹ công nhận Pháp là “một nhân tố chủ đạo ở Ấn Độ-Thái Bình Dương” dựa trên vị trí địa lý, cam kết của Pháp, cũng như năng lực quân sự với những căn cứ được đặt khắp khu vực, nhằm bảo đảm an ninh, tự do và rộng mở cho khu vực này.

Ngoài ra, trong thông cáo chung ngày 29/10, Hoa Kỳ hoan nghênh chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và cam kết tiếp tục tham vấn sâu rộng về chiến lược của mỗi bên. Nguyên thủ hai nước nhấn mạnh Pháp và Mỹ “cần hợp tác chặt chẽ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, đặc biệt trong bối cảnh những vấn đề về kinh tế, chiến lược ngày càng gia tăng ở khu vực này. Hai bên khẳng định tiếp tục “ủng hộ đối thoại và hợp tác cụ thể với các đối tác trong khu vực, vì chỉ có hợp nhất nỗ lực mới có thể bảo vệ được trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và đạt được những cách tiếp cận chung cho các vấn đề quy mô thế giới”.

Về chủ đề tự chủ quốc phòng Liên Hiệp Châu Âu, được tổng thống Pháp khởi xướng và vận động, nguyên thủ hai nước đã tái khẳng định « sự ủng hộ đối với việc tăng cường đối tác chiến lược giữa Liên Hiệp Châu Âu và NATO ».

Căng thẳng liên quan đến xuất khẩu vũ khí cũng sẽ được hai bên tìm cách giải quyết thông qua “đối thoại chiến lược về thương mại quân sự” để “có cách tiếp cận chung về các vấn đến liên quan đến việc thâm nhập thị trường và xuất khẩu vũ khí”. Hiện Hoa Kỳ có Quy định về Kiểm soát trao đổi vũ khí quốc tế (ITAR) cho phép Washington ngăn tái xuất khẩu linh kiện nhạy cảm của Mỹ được lắp ráp trong vũ khí do nước ngoài sản xuất. Nhiều doanh nghiệp quốc phòng Pháp và châu Âu phàn nàn rằng quy định này gây trở cho việc xuất khẩu vũ khí sang nước thứ ba.

Anh- Pháp: Paris cứng giọng với Luân Đôn về thỏa thuận đánh bắt cá

Thanh Hà

Đối thoại dự trù “gay gắt” giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) cùng thủ tướng Anh Boris Johnson vì hồ sơ đánh bắt cá trong giai đoạn hậu Brexit. Ảnh chụp hồi tháng 8/2019. REUTERS/Gonzalo Fuentes

Vài giờ trước cuộc họp với thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề thượng đỉnh Roma để giải quyết xung khắc về thỏa thuận đánh bắt cá, tổng thống Pháp Emmanuel Macron gia tăng sức ép với Luân Đôn. Trả lời nhật báo tài chính Anh Financial Times hôm 29/10/2021, nguyên thủ quốc gia Pháp cho rằng đây là một trong số các hồ sơ ảnh hưởng đến « uy tín » của Vương quốc Anh.

Đáp lời tổng thống Pháp, thủ tướng Boris Johnson tố ngược lại Paris “vi phạm thỏa thuận Brexit” với Luân Đôn và nhấn mạnh sẽ có những biện pháp « đáp trả phù hợp » trên hồ sơ tranh chấp đánh bắt hải sản trong các vùng biển thuộc vương quốc Anh.

Theo thỏa thuận hậu Brexit giữa Luân Đôn và Liên Âu, Anh Quốc cấp giấy phép cho ngư dân Pháp và các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu hoạt động tại « một số vùng lãnh hải » của Anh với« một số điều kiện ». Ngược lại, tàu cá của Anh được phép cập tất cả các cảng của châu Âu và cung cấp hải sản cho thị trường chung châu Âu, một thị trường mang tính sống còn với ngư dân Anh.

Tuy nhiên Paris bất bình vì tại một số khu vực có tranh chấp, phía Anh Quốc chỉ cấp giấy phép hoạt động cho ngư dân của Pháp một cách « nhỏ giọt ». Từ Luân Đôn thông tín viên Laura Kalmus cho biết thêm về căng thẳng Anh-Pháp :

Một cuộc hải chiến chưa đến hồi kết. Tối qua, giọng điệu cứng rắn đã tăng thêm một nấc qua bài trả lời phỏng vấn của tổng thống Pháp. Theo ông Emmanuel Macron, Anh Quốc có thể đánh mất uy tín với các nước châu Âu và toàn thể các đối tác quốc tế, nếu Luân Đôn không tôn trọng một thỏa thuận mà nước Anh đã đàm phán trong nhiều năm. Căng thẳng leo thang. Với lập trường cứng rắn, Paris đe dọa ngăn chận tàu cá của Anh cập các hải cảng của Pháp. Luân Đôn cho rằng Paris phản ứng quá đáng khiến chính phủ Anh thất vọng. Để đáp trả, Anh Quốc cũng có thể tăng cường các biện pháp kiểm soát các tàu cá của Pháp và châu Âu.

Vài tháng trước bầu cử tổng thống, ông Emmanuel Macron đang tìm cách chinh phục cảm tình và kiếm phiếu của ngư dân Pháp. Trả lời báo Financial Times, ông nhấn mạnh ngư nghiệp là một lĩnh vực ‘quan trọng liên quan đến đời sống của các công dân Pháp chúng tôi’. Bình luận này được đưa ra trước cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Boris Johnson nhân thượng đỉnh G20″.

Ấn Độ – Liên Hiệp Châu Âu thắt chặt quan hệ tránh phụ thuộc Trung Quốc

Thu Hằng

Thủ tướng Ấn Độ dự thượng đỉnh G20-Roma. Ảnh ngày 30/10/2021 REUTERS – GUGLIELMO MANGIAPANE

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Roma (Ý) họp thượng đỉnh G20 và nhân đây đã họp với hai nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu ngày 29/10/2021. New Delhi và Bruxelles khẳng định thắt chặt quan hệ trong các lĩnh vực an ninh, thương mại, kết nối mạng và giáo dục.

Theo trang The Tribune của Ấn Độ, thủ tướng Modi cho biết đã có « trao đổi hiệu quả » với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Nhiều chủ đề đã được thảo luận trong cuộc họp « tuyệt vời » với hai nhà lãnh đạo châu Âu.

Vấn đề lệ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là từ khi xảy ra đai dịch Covid-19, được cả hai bên đề cập. Ấn Độ cũng như Liên Hiệp Châu Âu đều bị ảnh hưởng vì phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng đến từ quốc gia đông dân nhất hành tinh.

Để có giảm bớt sự lệ thuộc này, Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu thúc đẩy đàm phán hiệp định tự do thương mại song phương, mà theo tin nhắn trên Twitter của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, “các nhà đàm phán thương mại của hai bên sẽ bắt đầu làm việc”.

Ngoài ra, vai trò chủ đạo của Ấn Độ trong tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh và bảo đảm cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh trong cuộc họp.

Cuối cùng, về Afghanistan, hai bên cho rằng cần có một chính phủ gồm nhiều thành phần xã hội và không để quốc gia này thành cứ địa cho các tổ chức khủng bố tấn công những nước khác.

Nhà nước Pháp quyền: Nghị Viện Châu Âu kiện Ủy Ban Châu Âu

Thu Hằng

Nghị Viện Châu Âu kiện Ủy Ban Châu Âu. Ảnh minh họa trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg. © CC0 Pixabay/Udo Pohlmann

Ba Lan và Hungary, hai quốc gia bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc Nhà nước Pháp quyền, trở thành chủ đề bất đồng giữa hai định chế của Liên Hiệp Châu Âu. Ủy Ban Châu Âu phải chịu trách nhiệm về các chính phủ vi phạm những giá trị của khối 27 nước. Sau những cảnh cáo và đe dọa từ hồi mùa hè, ngày 29/10/2021, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu David Sassoli cho biết bộ phận pháp lý của Nghị Viện đã kiện Ủy Ban Châu Âu lên Tòa Án Công Lý của khối này.

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles:

Ngoài khía cạnh nổi bật của sự leo thang pháp lý như vậy giữa hai định chế châu Âu, các nghị sĩ châu Âu nhấn mạnh đến sự nghiêm túc trong thủ tục mà họ tiến hành, nhưng Ủy Ban Châu Âu cũng đang ở trong thế « trên đe dưới búa ». Điều kiện cần thiết đã được quyết định trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 07/2020 về ngân sách và kế hoạch tái thiết.

Yêu cầu chỉ chuyển hỗ trợ tái chính của châu Âu với điều kiện tôn trọng Nhà nước Pháp quyền được cho là có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.  Ủy Ban Châu Âu cũng ghi nhận những vi phạm từ ngày này, nhưng lại vẫn chưa công bố văn bản hướng dẫn áp dụng quy định trên. Thực vậy, Ủy Ban Châu Âu cũng đang gặp khó vì Tòa Án Công Lý vẫn chưa cho biết quy định về điều kiện cần thiết đó có hợp pháp hay không.

Trong thời gian này, xung đột về Nhà nước Pháp quyền thêm trầm trọng. Thủ tướng Ba Lan Tadeusz Morawiecki so sánh khả năng Ủy Ban Châu Âu đình chỉ việc chuyển ngân sách với việc bùng nổ Thế Chiến thứ ba. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thì cho rằng phát biểu như vậy chẳng khác gì đùa với lửa và Liên Hiệp Châu Âu không phải là máy rút tiền tự động. Vì thế, thứ Sáu 29/10, chính phủ Ba Lan đã quyết định triệu mời đại sứ Bỉ lên phản đối”.

Trung Quốc cảnh cáo nhóm G20 không nên ủng hộ Đài Loan

Thanh Phương

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến dự thượng đỉnh G20 tại Roma. Ảnh ngày 29/10/2021. AP – Andrew Medichini

Trong thông cáo báo chí công bố vài giờ trước khi dự thượng đỉnh nhóm G20 tại Roma hôm 30/10/2021 ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo Hoa Kỳ và các đồng minh trong nhóm này không nên « can thiệp » vào vấn đề Đài Loan.

Theo trang thông tin Politico, trong thông cáo, ông Vương Nghị nói: “Gần đây, Hoa Kỳ và các nước khác đã mưu toan tạo những bước đột phá trên vấn đề Đài Loan, mà điều này trái với những bảo đảm chính trị mà các nước này đã đưa ra khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói tiếp: “Nếu đã không thể ngăn chận nguyên tắc Một nước Trung Quốc cách đây 50 năm, thì trong thế giới ngày nay, vào thế kỷ 21, điều đó lại càng không thể được. Nếu họ vẫn tiếp tục làm như thế bất chấp thực tế đó, họ sẽ phải trả một cái giá tương xứng”.

Ông Vương Nghị đưa ra lời cảnh cáo nói trên vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây trên vấn đề Đài Loan, và cũng đúng vào lúc ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đang công du châu Âu. Trong hai ngày thứ 28 và 29/10/2021, ông Ngô Chiêu Nhiếp đã gặp các quan chức và nghị sĩ của Liên Hiệp Châu Âu. Trong các cuộc gặp này, ngoại trưởng Đài Loan đã kêu gọi ủng hộ thỏa thuận đầu tư Liên Hiệp Châu Âu-Đài Loan, thỏa thuận mà Ủy Ban Châu Âu còn ngần ngại chưa khởi động tiến trình đàm phán vì sợ phản ứng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hôm 28/10/2021, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã viết thư gởi các nghị sĩ châu Âu bảo vệ Litva trước những lời đe dọa của Trung Quốc về việc cho mở một văn phòng mới của Đài Loan tại nước vùng Baltic này.

Theo hãng tin Reuters, hôm 29/10/2021 ông Ngô Chiêu Nhiếp cũng đã phát biểu trực tuyến với các đại biểu dự hội nghị do Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc tổ chức tại Roma. Liên minh này quy tụ các nghị sĩ có lập trường rất cứng rắn với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu, ngoại trưởng Đài Loan đã kêu gọi các “quốc gia yêu chuộng tự do” hãy sát cánh với nhau để chống Trung Quốc. Ông Ngô Chiêu Nhiếp còn tuyên bố Đài Loan “đang trên tuyến đầu của cuộc chiến ý thức hệ chống chủ nghĩa độc đoán và thế giới sẽ cảm thấy tác động nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này”.

Related posts