Ngọc Mai
Gần đây, một vụ nổ đã xảy ra trong phòng thí nghiệm của trường Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh, khiến 2 người chết và 9 người bị thương. Nạn nhân trong đó có người là đứa con duy nhất trong gia đình. Nhiều vô số kể những gia đình ở Trung Quốc đã mất đi đứa con duy nhất của mình kể ĐCSTQ đã thực thi chính sách “kế hoạch hóa gia đình” trong gần 40 năm nay, để lại những câu chuyện và nỗi đau bi thảm không ngôn từ nào có thể diễn tả được.
Tờ “Thần báo Tiêu Tương” đưa tin, một nạn nhân trong vụ tai nạn này là Ngô Khả, anh là người con duy nhất trong gia đình và là một trong số ít nghiên cứu sinh trong làng.
Vào ngày 24/10, cha mẹ cùng người thân và bạn bè của Ngô Khả đã tức tốc từ Hà Nam đến Nam Kinh ngay buổi đêm sau khi nhận được tin tai nạn của anh.
Ông Vương, bạn của cha Ngô Khả cho biết, người cha đã hay tin con mình đã chết. Ngô Khả là con một trong gia đình, học rất giỏi. Ông Vương thấy tiếc thương vì Ngô Khả là một trong số ít nghiên cứu sinh trong làng. Bạn cùng lớp của Ngô cũng cho biết, anh không thể tưởng tượng được cha của Ngô Khả đau đớn như thế nào vì anh ấy là người con độc nhất trong gia đình.
Thông tin công khai cho thấy, Ngô Khả là sinh viên tốt nghiệp năm 2020, có bằng thạc sĩ về vật liệu và kỹ thuật hóa học. Cuối năm 2020, anh giành giải nhất Học bổng sau đại học của Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh với số tiền thưởng 10.000 nhân dân tệ.
“Chính sách một con” mang đến thảm họa thê lương cho vô số gia đình Trung Quốc
Theo tờ Vision Times, nhiều người đều biết, tháng 9 năm 1982, ĐCSTQ định ra kế hoạch hóa gia đình là chính sách cơ bản của quốc gia. Nó được viết thành hiến pháp vào tháng 12 cùng năm, chính sách này chủ yếu nhằm kiểm soát dân số một cách có kế hoạch. “Chính sách một con” của ĐCSTQ đề xướng việc một cặp vợ chồng chỉ sinh một con.
Năm 2011, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, Steven Mosher, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Dân số Hoa Kỳ, đã theo dõi Chính sách một con của ĐCSTQ trong 30 năm qua. Vào năm 1979, khi ĐCSTQ áp dụng Chính sách một con cưỡng chế phá thai, ông nói: “Tôi tin rằng ĐCSTQ có thể giảm 400 triệu dân số Trung Quốc thông qua Chính sách một con. Trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ chưa sinh này, bao gồm cả những bào thai ở 3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng là thời điểm trẻ sơ sinh bị phá bỏ, cùng với những đứa trẻ bị giết sau khi sinh”. Ngoài ra, con số ông Steven ước tính cũng bao gồm những trẻ không ra đời do phụ nữ làm triệt sản, tránh sinh đẻ.
Mạng lưới Nhân quyền Trung Quốc báo cáo rằng, 30 năm bạo lực của cái gọi là “kế hoạch hóa gia đình” của ĐCSTQ đã gây ra sự kiện vi phạm nhân quyền lớn nhất. Không chỉ là con số “giảm 400 triệu ca sinh ở Trung Quốc” theo tính toán ở trên, mà tội ác, máu và nước mắt của “Chính sách một con” này đã lây lan sang hàng trăm triệu gia đình.
Các cặp vợ chồng bị buộc phải phá thai, hay nói cách khác, giết chết đứa con của mình. Ngoài ra, vì chỉ được sinh một con nên các cặp vợ chồng có xu hướng lựa chọn giới tính, gây nên sự mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính v.v.
Tuy nhiên, thái độ của ĐCSTQ đối với việc sinh đẻ của người dân đã quay ngoắt từ kiên quyết với “Chính sách một con” tàn nhẫn sang cho phép có hai con năm 2015. Và đến tháng 8 năm nay là cho phép sinh 3 con.
Chính sách một con của ĐCSTQ đã được thực thi gần 40 năm, trong đó vô số gia đình mất con đã lâm vào vực thẳm đau khổ, cuộc sống của họ rơi vào tuyệt vọng. Những đứa con trưởng thành qua đời, cha mẹ họ lúc này đã ngoài 50 tuổi, không còn khả năng sinh sản, cũng không thể chấp nhận nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Vào khoảng 15h15 ngày 5/3/2011, Liêu Vi Minh, phó hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Giang Tây, sau khi say rượu đã lái ô tô cá nhân tông vào đám đông bên đường khiến 2 người chết và 4 người bị thương. Trong số những người thiệt mạng có Dương Phỉ, nghiên cứu sinh trường Đại học Kinh tế Tài chính Giang Tây.
Cha của cô Dương là ông Dương Duy Quốc cho biết, sau khi mất con gái, ông đã một đêm bạc đầu. Loại thống khổ khi mất đi con gái duy nhất là không thể diễn tả thành lời.
Vào ngày 7/9/2011, tại tòa án, cha mẹ của Dương Phỉ đã đệ đơn kiện đòi “bồi thường thiệt hại cho con gái duy nhất”. Đơn kiến nghị nêu rõ: Khi cha mẹ không còn đứa con duy nhất, họ sẽ trở thành những “người già” cô đơn. Mái ấm gia đình, tình cảm đùm bọc của con gái, sự giúp đỡ của cha mẹ đối với con cái, sự quan tâm chăm sóc của con cái với người lớn tuổi, [đây là] tình cảm sâu nặng của gia đình. Đối với những người chỉ có con gái độc nhất mà nói, gia đình càng khó mà chữa lành nỗi đau. Khi tuổi càng cao, sự khó khăn và đau đớn này sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Có quá nhiều gia đình đã mất đi đứa con độc nhất như cha mẹ của Ngô Khả và Dương Phỉ. Thông tin công khai cho thấy, năm 2013, các nhà nhân khẩu học đã dự đoán rằng, số gia đình mất đi đứa con duy nhất ở Trung Quốc sẽ lên tới 10 triệu người trong tương lai.