G20 thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Tom Ozimek
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã xác nhận rằng các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã thông qua một “thỏa thuận lịch sử” về các quy tắc thuế quốc tế mới, trong đó có một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Hôm thứ Sáu (29/10), một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc nói với các phóng viên rằng các nhà lãnh đạo G20 vào cuối tuần này sẽ chính thức hóa sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%.
Theo các dự thảo về kết luận của hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Rome, Ý trong hai ngày, dự thảo thông cáo chung dự kiến sẽ được chính thức thông qua vào Chủ nhật nêu rõ, các quy tắc sẽ có hiệu lực vào năm 2023, Reuters đưa tin.
[Sau khi] đến Rome tham dự hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Joe Biden đã viết trên Twitter rằng các nhà lãnh đạo G20 “thể hiện rõ sự ủng hộ đối với một mức thuế tối thiểu toàn cầu mạnh mẽ,” gọi đó “không chỉ là một thỏa thuận thuế — đó là chính sách ngoại giao định hình lại nền kinh tế toàn cầu của chúng ta và mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta.”
Chính phủ Tổng thống Biden đã thúc đẩy mức thuế tối thiểu toàn cầu như một cách để giảm chênh lệch thuế quốc tế của các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ và phần nào giảm bớt tác động của việc tăng thuế doanh nghiệp trong nước do [chính] ông Biden đề nghị.
Bà Yellen, người ủng hộ mạnh mẽ mức thuế này, đã viết trên Twitter: “Thay vì cạnh tranh về khả năng cung cấp thuế suất thấp hơn, Hoa Kỳ giờ đây sẽ cạnh tranh về kỹ năng của người dân chúng ta, ý tưởng và năng lực sáng tạo của chúng ta – đó là một cuộc đua mà chúng ta có thể giành chiến thắng.”
Vị quan chức Tòa Bạch Ốc viện dẫn một nghiên cứu độc lập cho thấy một mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ dẫn đến doanh thu bổ sung ít nhất là 60 tỷ USD mỗi năm chỉ ở Hoa Kỳ.
Khuôn khổ hai trụ cột – kết quả của các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) điều phối trong phần lớn thập niên vừa qua — nhằm mục đích buộc các Doanh nghiệp Đa quốc gia (MNE) lớn phải nộp thuế tại nơi họ hoạt động và kiếm được lợi nhuận, đồng thời tìm cách chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy về thuế suất doanh nghiệp quốc tế.
“Thỏa thuận này có hiệu quả bởi vì nó loại bỏ các động cơ đưa việc làm của người Mỹ ra hải ngoại, nó sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, và nó sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào người dân ở quê nhà,” vị quan chức Tòa Bạch Ốc này cho biết, gọi thỏa thuận trên là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi cho người lao động, người đóng thuế, và doanh nghiệp Hoa Kỳ.”
“Theo đánh giá của chúng tôi, đây không chỉ là một thỏa thuận về thuế; đó là một lần định hình lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu,” vị quan chức này nói thêm.
Lời kêu gọi hợp tác quốc tế về thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của chính phủ Tổng thống Biden là một nỗ lực nhằm ít nhất chống lại một phần bất kỳ bất lợi nào có thể nảy sinh từ đề nghị của tổng thống về việc tăng thuế suất doanh nghiệp của Hoa Kỳ, một hành động bị Đảng Cộng Hòa và các nhóm kinh doanh coi là làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các công ty Hoa Kỳ và khiến tốc độ tăng lương chậm lại.
Thỏa thuận trên vẫn phải đối mặt với một số trở ngại trước khi có hiệu lực, bao gồm cả việc mỗi quốc gia vẫn phải chuẩn y mức thuế này thông qua một quy trình lập pháp nội bộ. Ngoài ra, việc Hoa Kỳ thông qua luật thuế liên quan do Tổng thống Biden đề xướng sẽ là phần quan trọng, đặc biệt vì Hoa Kỳ là nơi có nhiều công ty đa quốc gia lớn nhất và việc Quốc hội từ chối sẽ gây ra sự không chắc chắn cho toàn bộ dự án này.
Minh Ngọc biên dịch
19 tiểu bang nước Mỹ đồng loạt kiện Tổng thống Biden
Thanh Hải
Hãng tin U.S.News cho hay, 19 tiểu bang nước Mỹ (đa số có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa) đã nộp đơn kiện lên 4 tòa án liên bang đề nghị tuyên án vi hiến đối với quyết định bắt buộc các công ty có từ 100 lao động trở lên phải yêu cầu nhân viêm tiêm vắc-xin Covid-19 của Tổng thống Biden.
Theo AP, Tổng chưởng lý các tiểu bang Alaska, Arkansas, Iowa, Missouri, Montana, Nebraska, New Hampshire, North Dakota, South Dakota và Wyoming đã nộp đơn kiện ông Biden lên tòa án liên bang Missouri.
Các tiểu bang khác bao gồm Georgia, Alabama, Idaho, Kansas, South Carolina, Utah và West Virginia cùng nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Georgia. Bang Texas và Florida nộp đơn kiện Tổng thống lên tòa án liên bang địa phương.
Đơn kiện của 19 tiểu bang yêu cầu tòa án chặn quyết định của ông Biden, cáo buộc Tổng thống Mỹ đã vi phạm quyền tự do nêu trong hiến pháp và có hành vi lạm quyền.
“Việc buộc các công ty có từ 100 lao động trở lên phải yêu cầu nhân viên tiêm vắc xin đã xâm phạm quyền tự do nêu trong hiến pháp, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân lực. Chính phủ không nên bắt buộc ai đó phải tiêm vắc-xin và đó là lý do chúng tôi đệ đơn kiện”, ông Eric Schmitt, Tổng chưởng lý bang Missouri, lập luận.
Tổng chưởng lý tiểu bang New Hampshire, ông John Formella, trong một tuyên bố cho biết vắc-xin COVID an toàn, hiệu quả và được khuyến khích, nhưng lợi ích “không biện minh cho việc vi phạm luật”.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Tổng chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton, nhấn mạnh: “Chính quyền của ông Biden đã nhiều lần thể hiện sự coi thường đối với những người Mỹ không muốn tiêm vắc-xin. Họ lạm dụng quyền lực hành pháp để ép người dân làm điều mình không muốn”.
Ông Ken Paxton nói thêm: “Tổng thống Biden không có quyền tước đi khả năng được lựa chọn việc tiêm hay không tiêm vắc-xin của người dân. Nếu sự kiên nhẫn của ông Biden đối với việc đẩy lùi Covid-19 đang cạn dần thì những người Texas bị ông ấy xâm phạm quyền tự do cũng đã chịu hết nổi”.
Theo Reuters, ít nhất vài nghìn người Mỹ đã bị sa thải vì từ chối làm theo yêu cầu tiêm vắc-xin từ chủ lao động. Doanh nghiệp ở Mỹ để nhân viên đi làm mà chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 có thể bị phạt tiền lên đến 14.000 USD.
Ông Tập kêu gọi các nước công nhận vắc-xin của nhau
Thanh Hải
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/10 kêu gọi các nước công nhận loại vắc-xin được tiêm dựa trên danh sách được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Tập thúc giục: “Chúng ta nên đối xử công bằng với tất cả các loại vắc-xin và thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về vắc-xin dựa trên danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO”.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh đã cung cấp 1,6 tỉ liều vắc-xin COVID-19 các loại cho thế giới và đang hợp tác sản xuất vắc-xin với 16 nước khác.
Ông Tập còn đưa ra một loạt kêu gọi hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận và phát triển vắc-xin COVID-19, thực hiện mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.
Lời kêu gọi đối xử công bằng với tất cả vắc-xin được ông Tập đưa ra trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước không tính người tiêm vắc-xin Trung Quốc vào diện đã tiêm đủ liều.
Không chỉ ông Tập mà Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/10 cũng đưa ra những lời “phàn nàn” về việc vắc-xin Nga không được công nhận.
Trung Quốc có hai loại vắc-xin nằm trong danh sách phê duyệt sử dụng khẩn cấp của WHO là Sinovac và Sinopharm.
Trong khi đó, dù là nước có vắc-xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép, vắc-xin Sputnik V của Nga vẫn chưa được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.