Taliban: Không công nhận chính phủ Taliban-Afghanistan có thể gây ra hậu quả toàn cầu
Đức Thiện
Taliban hôm thứ Bảy (30/10) đã thúc giục Mỹ và các quốc gia khác hãy công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan. Nhóm chiến binh Hồi giáo nói rằng việc cộng đồng quốc tế không công nhận Taliban và tiếp tục phong tỏa tài sản và tiền của chính phủ Afghanistan ở nước ngoài sẽ dẫn tới các vấn đề không chỉ cho quốc gia Nam Á này mà còn cho cả thế giới.
Chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ Taliban kể từ khi nhóm chiến binh Hồi giáo tiếp quản Afghanistan từ giữa tháng Tám. Hơn nữa, quốc tế cũng đang đóng băng hàng tỷ USD tài sản và tiền của Afghanistan ở nước ngoài, trong khi quốc gia Nam Á đang phải đối mặt với khủng hoảng kép nhân đạo và kinh tế.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid nói với báo giới trong buổi họp báo hôm 30/10: “Thông điệp của chúng tôi gửi tới Mỹ là, nếu tiếp tục không công nhận [Taliban], thì đó sẽ là vấn đề của khu vực và có thể chuyển thành vấn đề của cả thế giới”.
Ông Mujahid nói rằng nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến tranh giữa Taliban và Mỹ lần trước cũng là bởi vì hai bên đã không có mối quan hệ ngoại giao chính thức.
Mỹ đã tấn công và chiếm đóng Afghanistan vào năm 2001, không lâu sau vụ khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9. Washington đã quyết định đánh chiếm Afghanistan sau khi chính phủ Taliban khi đó đã từ chối giao nộp thủ lĩnh Osama bin Laden của nhóm khủng bố Al-Qaeda.
“Những vấn đề gây ra cuộc chiến tranh đó lẽ ra đã có thể được giải quyết thông qua đàm phán, chúng lẽ ra cũng đã có thể được giải quyết thông qua nhượng bộ chính trị”, ông Mujahid nói.
Phát ngôn viên của Taliban nói thêm rằng người dân Afghanistan có quyền được quốc tế công nhận chính phủ Taliban- Afghanistan.
Mặc dù chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban, nhưng các quan chức cấp cao của nhiều nước thời gian qua đã gặp gỡ ban lãnh đạo của nhóm chiến binh Hồi giáo này ở cả thủ đô Kabul và ở nước ngoài.
Quan chức nước ngoài gần nhất thăm Kabul là Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Rasit Meredow. Ông Meredow đến Afghanistan hôm 30/10 để thảo luận với Tabiban về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường ống dẫn khí Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI), theo thông tin ông Mujahid chia sẻ trên Twitter.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã gặp các quan chức Taliban tại Doha, Qatar. Ông Mujahid, trong cuộc họp báo hôm 30/10, loan báo rằng Trung Quốc đã hứa cấp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại Afghanistan và cũng cho phép Taliban xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc gián tiếp qua Pakistan.
Cũng theo ông Mujahid, tuần trước ngoại trưởng Pakistan đã tới Kabul. Trong chuyến thăm này, ngoại trưởng Pakistan cùng các quan chức Taliban đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm để thảo luận về vấn đề biên giới Afghanistan-Pakistan vốn đang ngày càng bất ổn hơn. Afghanistan là quốc gia đất liền không tiếp giáp biển và họ phải phụ thuộc nhiều vào cảng biển của Pakistan để giao thương với quốc tế.
Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự ở biên giới Tajikistan với Afghanistan
Lê Vy
Các nhà lập pháp ở Tajikistan hôm 27/10 đã thông báo rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự mới ở biên giới của quốc gia này với Afghanistan trị giá 10 triệu đô la.
Các quan chức Tajik tuyên bố căn cứ này sẽ thuộc về Tajikistan chứ không phải của Trung Quốc và là nơi đóng quân của người Tajik, mặc dù Trung Quốc sẽ xây dựng và tài trợ cho dự án này. Thông báo được đưa ra sau nhiều năm đồn đoán rằng Trung Quốc đã bí mật điều hành một căn cứ ở Tajikistan, theo các báo cáo của RFA trong tuần này, trích dẫn các trao đổi ngoại giao bị rò rỉ.
Tajikistan đã phải gánh chịu một số hậu quả nghiêm trọng từ việc Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan khi hàng trăm binh sĩ Afghanistan chạy trốn khỏi đất nước sau khi chính phủ liên bang sụp đổ.
Trong khi Tajikistan cảnh giác trước sự trỗi dậy của Taliban, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở rộng hỗ trợ cho tổ chức khủng bố này. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã gặp các quan chức cấp cao của Taliban hôm thứ Hai và đồng ý với một loạt các thỏa thuận thương mại, theo đó sẽ cho phép các chiến binh thánh chiến xuất khẩu đá cẩm thạch, hạt dẻ cười và các mặt hàng bản địa khác vào thị trường Trung Quốc.
Chưa có quốc gia nào, kể cả Tajikistan và Trung Quốc, chính thức công nhận Taliban là chính phủ chính thức của Afghanistan.
Hạ viện của Quốc hội Tajikistan hôm thứ Tư đã xác nhận rằng Bộ Công an Trung Quốc sẽ “xây dựng và trang bị cơ sở cho đơn vị cảnh sát triển khai đặc biệt của Tajikistan” ở biên giới Tajik-Afghanistan”, mạng tin Tajik Asia Plus đưa tin.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Abdurahmon Alamshozoda, người xác nhận dự án, thừa nhận rằng Tajikistan sẽ không có quyền kiểm soát địa điểm này cho đến khi Trung Quốc hoàn thành việc “trang bị” căn cứ quân sự, nhưng nhấn mạnh rằng tiền đồn sau khi hoàn thành sẽ thuộc về Tajik chứ không phải của Trung Quốc.
Asia Plus đưa tin, các quan chức ước tính Trung Quốc sẽ chi 10 triệu USD để xây dựng căn cứ nói trên.
Một nhà lập pháp khác, Tolibkhon Azimzoda, cho biết hôm thứ Tư rằng hai nước đã nhất trí tiến tới dự án “trong bối cảnh Taliban tiếp quản Afghanistan và các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng dọc theo biên giới của đất nước.”
Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự thường trực được xác nhận công khai ở nước ngoài tại quốc gia Djibouti, miền đông châu Phi. Tuy nhiên, trong nhiều năm, các báo cáo cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã duy trì sự hiện diện ở Tajikistan.
Hãng tin RFE/RL đưa tin trong tuần này rằng họ đã chứng kiến một thông cáo chung giữa hai nước, trong đó “chính phủ Tajik đã đề nghị chuyển giao toàn quyền kiểm soát một căn cứ quân sự hiện có của Trung Quốc trong nước cho Bắc Kinh và miễn mọi khoản tiền thuê trong tương lai để đổi lấy viện trợ quân sự từ Trung Quốc.”
RFE/RL báo cáo, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc đã hoạt động trên căn cứ đó trong ít nhất 5 năm, mặc dù cả hai quốc gia đều phủ nhận việc này, dù có các hình ảnh vệ tinh Tờ Washington Post tiết lộ vào năm 2019 rằng địa điểm này đã hoạt động được ba năm, trích dẫn xác nhận từ những người lính Trung Quốc giấu tên.
Tờ báo tiết lộ: “Trong một chuyến đi gần đây dọc theo biên giới Tajikistan – Afghanistan, The Post đã nhìn thấy một trong những tổ hợp quân sự và bắt gặp một nhóm lính Trung Quốc mặc quân phục đang mua sắm tại một thị trấn của Tajik. “Họ mang phù hiệu trên cổ áo của một đơn vị đến từ Tân Cương, nơi chính quyền đã giam giữ ước tính khoảng 1 triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi.”
Tân Cương hiện có khoảng 1.200 trại tập trung và là nơi đang diễn ra cuộc diệt chủng người thiểu số Hồi giáo dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhu cầu an ninh của Tajikistan đã tăng lên đáng kể trong mùa hè khi Taliban tiếp quản Afghanistan.
Các quan chức Tajik xác nhận vào tháng 7 rằng 1.037 người đã tràn qua biên giới nước này để chạy trốn khỏi Taliban.
Các quan chức Tajik tuyên bố họ đang “thực hiện mọi biện pháp có thể để duy trì tình hình”, trong khi kêu gọi các nước láng giềng – đặc biệt là Nga – giúp đỡ an ninh. Tajikistan cũng đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử của mình, với 20.000 quân, ở biên giới Afghanistan vào tháng Tám.
Ngay sau khi the Taliban chiếm Kabul vào ngày 15 tháng 8, Tajikistan đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Trung Quốc ở Dushanbe, thủ đô quốc gia. Bộ Công an Trung Quốc khẳng định rằng sự trỗi dậy của Taliban đã góp phần vào nhu cầu hợp tác như vậy.
Tuy vậy, bất chấp lời khẳng định này, Trung Quốc đã mở rộng vòng tay thân thiện với Taliban hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh rằng các tổ chức toàn cầu phải giải ngân tài sản của chính phủ Afghanistan cho Taliban. Trung Quốc đặc biệt gây áp lực buộc Hoa Kỳ phải tài trợ cho Taliban.
Dân biểu Gallagher: ‘Mỹ có thể thua’ Trung Quốc trong cuộc chiến Đài Loan
Như Ngọc
Dân biểu Mike Gallagher (Đảng Cộng hòa, bang Wisconsin) mới đây đã nhận định rằng quân đội Mỹ hiện tại chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc tại Đài Loan và Mỹ có lẽ sẽ thua.
Dân biểu Gallagher trước đây từng là sĩ quan tình báo của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Trao đổi trong buổi hội thảo trực tuyến về chủ đề cạnh tranh chiến lược do Viện Dự án 2049 tổ chức gần đây, ông Gallagher cho hay: “Tôi thấy rõ rằng nếu chúng ta bước vào một cuộc chiến tranh tại Eo biển Đài Loan vào ngày mai, thì có lẽ chúng ta sẽ thua. Tôi cũng thấy rõ rằng nguy cơ xảy ra kịch bản chúng ta thua trong chiến tranh Đài Loan đang gia tăng hơn theo ngày”. Viện Dự án 2049 có trụ sở chính tại Washington DC là một nhóm tư vấn chuyên về các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Dân biểu Gallagher đã lưu ý đến khuynh hướng Mỹ liên tục thua Trung Quốc trong tình huống giả định Trung Quốc Đại lục xâm lược Đài Loan trong các trò chơi đánh trận trong nhiều năm qua. Dân biểu đại diện cho tiểu bang Wisconsin cũng bày tỏ quan ngại về việc Mỹ đang không đầu tư vào nâng cấp các khí tài quân sự thể hiện “sức mạnh cứng”, chẳng hạn như các tàu hải quân.
“Tôi rất lo ngại về việc chúng ta không xây dựng lực lượng hải quân lớn hơn. Tôi cho rằng quý vị đều đang nhìn thấy theo từng ngày chúng ta đang mất dần ưu thế cân bằng sức mạnh”, ông Gallagher nói.
Ông Gallagher cho rằng những đội tàu và các khả năng khác đang được Bộ Quốc phòng Mỹ cấp ngân sách chế tạo là quan trọng, nhưng các trang thiết bị này sẽ chưa được triển khai hoặc ít nhất là chưa sẵn sàng tham chiến trước năm 2025 hoặc năm 2026. Trong khi đó, một số quan chức quân sự Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng kịch bản Trung Quốc xâm lược Đài Loan có thể trở thành hiện thực trước năm 2025.
Với lo ngại đó, ông Gallagher cho rằng Mỹ phải xem xét điều chỉnh lại các nguồn lực hiện có và nỗ lực triển khai có hiệu quả các lực lượng quan trọng tới khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Những gì chúng ta cần phải làm là tìm ra những cách thức mà chúng ta có thể nhanh chóng gia tăng sức mạnh chiến đấu tới khu vự Ấn Độ – Thái Bình Dương thông qua những lựa chọn sáng tạo mà chúng ta có thể thực hiện trong vòng 3 đến 5 năm tới”, Dân biểu Gallagher nói.
Ông Gallagher đề nghị triển khai lực lượng phan tán khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm Thủy quân Lục chiến cùng với hệ thống tên lửa tầm xa, đưa lực lượng này tới đồn trú tại các đảo trên Thái Bình Dương như Guam, Midway Atoll, và thậm chí có thể cả ở Palau.
Ông Gallagher cho rằng việc có được sức mạnh cứng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là cần thiết để Mỹ phóng chiếu sức mạnh mềm rộng khắp hơn. Nhưng theo ông Gallagher, Bộ Quốc phòng Mỹ lại không cảm thấy cảm giác cấp bách về tình huống ở Đài Loan và thay vì phát triển lực lượng thêm nữa trong cách tiếp cận nhằm ứng phó với mối đe dọa Trung Quốc, thì họ lại đang thực hiện “bước lùi lớn”.
Ông Gallagher đặt nghi vấn về tính hữu dụng của khái niệm “răn đe tích hợp” mới nổi dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Chiến lược “răn đe tích hợp” tập trung mạnh mẽ hơn vào phát triển khả năng liên tác giữa các lực lượng và sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo thay vì chú ý đến chế tạo và duy trì các hệ thống vũ khí mới.
“Tôi thực sự nghĩ rằng người ta đang dùng cách diễn đạt mới trống rỗng như màn khói thuốc để chơ mờ đi thực tế rằng chúng ta sẽ cắt giảm đầu tư vào sức mạnh cứng, vào khả năng đe dọa thông thường và sẽ đặt tất cả trứng vào một giỏ ‘Bù đắp thứ Ba’ về công nghệ”, ông Gallagher nói.
“Third Offset” (Bù đắp thứ Ba) là chiến lược được Bộ Quốc phòng Mỹ thúc đẩy vào năm 2014. Chiến lược này tập trung các nguồn lực vào kế hoạch nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng cường hợp tác với khối tư nhân, coi đó là những phương thức quan trọng nhằm giảm thiểu lợi thế của các siêu cường mới nổi khác như Trung Quốc và Nga.
Ông Gallagher lập luận rằng Mỹ sẽ cần phải xây dựng cách tiếp cận thực tế hơn, trong đó tích hợp sự hiểu biết toàn diện về các tham vọng toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời không được hy sinh các mục tiêu chiến lược dài hạn vào các cuộc khủng hoảng ngắn hạn.
Với quan điểm như vậy, Dân biểu đại diện cho tiểu bang Wisconsin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Úc và Nhật Bản trong việc đảm bảo ổn định khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông cũng hoan nghênh các tin tức nổi lên gần đây tiết lộ quân đội Mỹ đang ở Đài Loan và huấn luyện cho lực lượng quân đội ở đó.
Dân biểu Gallagher nói thêm rằng còn nhiều việc hơn nữa phải làm để thiết lập cơ chế chỉ huy và kiểm soát chung giữa Mỹ với Nhật Bản và Úc, cũng như để tích hợp kế hoạch hoạt động của Mỹ với các đồng minh.
Nhìn chung, ông Gallagher đã nhấn mạnh rằng mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và tình huống chiến lược tương ứng sẽ không thể nào quay lại được thực trạng đã có từ trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vốn bùng phát từ năm 2018. Theo ông Gallagher, chế độ Trung Quốc với chủ nghĩa phưu lưu đang thắng thế chắc chắn sẽ không cho phép mối quan hệ Mỹ – Trung trở về thời điểm trước năm 2018.
“Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không để chúng ta quay lại [hiện trạng cũ]. Ông ta đang trở nên hung hăng hơn theo từng ngày”, Dân biểu Gallagher nói.