Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Tôi là người tha hương trên đất nước tôi!

Diễm Thi (RFA)
2021-10-30

Tập 1 bộ sách “Giấc Mơ Việt Nam Tôi” Photo: Netabooks 00:00/19:06

Diễm Thi: Thưa giáo sư, là người sống xa đất nước nhưng không ngừng yêu thương và giữ gìn tiếng Việt. Xin giáo sư cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do biết nội dung chính của bộ sách “Giấc Mơ Việt Nam Tôi” là gì ạ?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Nội dung cuốn sách có đề tựa là “Giấc mơ Việt Nam tôi”, tóm tắt bằng cái đề tựa ấy, có nghĩa là trong cuốn sách này tôi kể lại những quá trình, những công việc, những giai đoạn, những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, trắc trở mà tôi phải làm để tôi thực hiện “Giấc mơ Việt Nam Tôi”.

Thế thì, Giấc Mơ Việt Nam Tôi là gì?

Đó là điều tôi mong mỏi sau khi học thành tài, làm đến giáo sư đại học chính thức của một trường đại học lớn ở bên Bỉ. Tôi muốn giúp đất nước tôi trong giai đoạn hòa bình để có thể phát triển trong chuyên ngành của tôi. Tôi đã ấp ủ giấc mơ này từ ngày tôi mới ra trường, là một kỹ sư hàng-không không-gian.

Vì chiến tranh kéo dài, tôi không có thể thực hiện được, cho nên tôi phải chờ đến hòa bình. Hòa bình năm 1975 thì đến năm sau, Tết Bính Thìn 1976 tôi mới có thể có điều kiện để về thăm đất nước sau mười mấy năm xa cách. 

Tôi thấy hòa bình đúng là lúc mà đất nước cần sự giúp đỡ của những Việt kiều thành đạt và có điều kiện chuyên môn tốt tại hải ngoại. Tôi muốn thực hiện điều đó. Còn chi tiết thì tôi nói trong cuốn sách.

Năm 1977 tôi về một lần nữa làm thuyết trình khoa học về ngành chuyên môn của tôi, là tính toán, thiết kế và xây dựng công trình bằng máy tính. Tôi thuyết trình tại Hà Nội, trường Đại học Giao thông Vận tải. Đấy là cái thuở ban đầu tôi về giúp Việt Nam, bắt đầu giấc mơ Việt Nam 

Đến năm 1979 tôi về lần nữa. Lúc đó tôi thấy đất nước tiêu tan. Kinh tế ở Sài Gòn lụn bại và những người Việt Nam có khả năng, có điều kiện, có tinh thần và nhất là có chuyên môn tốt lại di tản ra nước ngoài qua đường biển. Về nước tôi phải ăn bo bo, cho nên tôi thấy điều mà mình muốn thực hiện tại Việt Nam không có điều kiện để đạt, bởi khi mà bụng đói thì làm khoa học không đem lại cái gì thiết thực cả. Thế là tôi bỏ, không tiếp tục nữa. Lúc đó tôi có một lời thề với bản thân là tôi sẽ không trở về Việt Nam nữa. 

Tôi nói thẳng với ông Mười Cúc, là cái tên người ta gọi thường xuyên và thân mật ở Sài Gòn về ông Nguyễn Văn Linh, rằng tôi không đồng ý với những cái điều mà họ đã áp dụng tại Việt Nam, gọi là xã hội chủ nghĩa. Tôi thấy như thế là một cái sự sai lầm lớn lao và tôi nói ngay với ổng là bắt đầu kể từ ngày mai, tôi lấy vé máy bay trở lại Bỉ và tôi không trở lại đây nữa. 

Và thực tế là phải 10 năm sau, khi ông Nguyễn Văn Linh khởi xướng công cuộc Đổi Mới, kinh tế tự do thì Việt Nam mới bắt đầu ý thức được cái sự lạc hậu của mình và nối lại những ký kết tài chánh, đặc biệt là những giao tế về văn hóa, khoa học với Châu Âu, trong đó có Bỉ.

Lúc đó là năm 1990. Tôi trở lại và bắt đầu làm việc cho Việt Nam qua những chương trình do Bỉ tài trợ, không lấy của Việt Nam một đồng xu, mà chỉ xin tài trợ của nước Bỉ, của cộng đồng nói tiếng Pháp, và sau này có Liên Âu. Và trong 15 năm, từ năm 1990 đến năm 2006, tôi phần nào thực hiện được giấc mơ của mình, nhưng tôi chỉ thực hiện được 30%  giấc mơ Việt Nam của tôi”.

Cuốn sách của tôi kể lại con đường khúc khuỷu mà tôi phải đi qua. Thời ấy, bao cấp vẫn còn ngự trị và đối với chúng tôi, một người muốn làm khoa học trung thực, muốn làm khoa học vô tư, muốn làm khoa học vì quyền lợi của tuổi trẻ Việt Nam đã gặp vô vàn những cái khó khăn, cản trở. Nội dung cuốn sách của tôi là tôi kể lại tất cả những chuyện đó, cũng như tất cả những gì tôi đã làm cho Việt Nam từ trái tim của tôi.

Diễm Thi: Thông điệp mà ông muốn gửi đến độc giả qua quyển sách này là gì, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Có rất nhiều thông điệp đặc biệt tôi muốn nói. Thứ nhất là cách tôi cộng tác với Việt Nam. Do tôi có kinh nghiệm ở Congo bốn năm, tôi rút kinh nghiệm những gì mà nước Bỉ làm cho quốc gia Congo tốn kém mà không hữu hiệu. Tôi sửa chữa và tôi chế ra một cách hợp tác để tào tạo ở Việt Nam hữu hiệu hơn. Đó là chương trình ‘du học tại chỗ’, có nghĩa là du học nhưng không cần rời khỏi Việt Nam. Tôi xây dựng những trung tâm đào tạo và tôi kéo những người bạn của tôi là giáo sư đại học ở các nước châu Âu như Bỉ, Pháp, Ý, Hà Lan, Đức …cùng tôi về Việt Nam dạy một chương trình cao học có tên European Master. Các bạn của tôi vì cảm tình với tôi đã chấp nhận cống hiến như tôi, tức đi dạy mà không lấy lương. Dự án của tôi chỉ lo phần vé máy bay và ăn ở tại Việt Nam cho mỗi giáo sư hai tuần lễ. Bởi nếu trả đủ lương cho họ thì không có dự án nào có thể trả nổi.

Cái này hoàn toàn không đụng tới Việt Nam một đồng xu nào và khó khăn thì vô vàn. Tôi thí dụ sơ một chi tiết thôi, khi tôi về Việt Nam thì mỗi tuần tôi bị công an gọi lên làm việc một buổi. Tôi chỉ nói rằng, quý vị chẳng những cho người theo dõi tôi mà còn gởi người vào tham gia các buổi học thì quý vị biết hết rồi. Quý vị theo dõi tôi mọi nơi mọi lúc nhưng chẳng được gì đâu, bởi cái sâu ẩn nó nằm trong tim tôi. Đó là tình yêu đất nước Việt Nam.

Thứ hai, sau 10 năm, người theo dõi tôi về hưu cùng lúc với tôi có nói với tôi rằng: “Tôi là trưởng ban ba người theo dõi giáo sư từ 10 năm nay. Tôi có cảm tình với giáo sư nhiều lắm. Càng theo dõi thì càng cảm mến, cảm phục cho nên hôm nay về hưu tôi mới nói thật là có mấy lần có lệnh bắt giáo sư, nhưng tôi đem thân mình ra cản, rằng càng theo dõi tôi càng thấy không có lý do gì bắt giáo sư hết. Nhờ tôi can thiệp mà giáo sư không bị bắt. Tôi rất sợ nếu giáo sư bị bắt và với cách tra hỏi của họ thì giáo sư có thể luống cuống và ký vào giấy những điều mà giáo sư không làm có hại cho cả cuộc đời giáo sư.” Ổng còn nói với tôi là ổng được gởi qua Bỉ cả tuần lễ để dò coi tôi phản động như thế nào (cười).

Diễm Thi: Thưa giáo sư, việc phát hành cuốn sách “Giấc mơ Việt Nam tôi” ở trong nước có gặp khó khăn gì không ạ?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Cuốn sách tôi ra là một cái mang nặng đẻ đau đó cô à. Đó là bút ký chứ không phải sử ký của cá nhân. Chỉ là những tự sự của tôi về những công việc tôi làm mà bị khó khăn cùng những niềm vui, nỗi buồn. Tôi kể lại. Có những chuyện tôi thấy không cần nói ra thì tôi không nói, còn những gì tôi nói là có thực. Những gì tôi thấy có lợi cho cộng đồng, nhất là cho tuổi trẻ Việt Nam thì tôi nói. Và khi tôi nói thì dĩ nhiên là nó đụng chạm.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Trong một đất nước độc tài, toàn trị thì những ý kiến gì không hợp với chính quyền đều bị coi là những ý tưởng đến từ thế lực thù địch. Bởi vậy, khi sách được đưa ra thì họ bắt tôi phải dẹp những cái mà họ thấy không ổn.

Tôi đã nói trong lòng là tôi sẽ chấp nhận chịu một số thiệt thòi, chấp nhận một số thỏa hiệp, bởi vì tôi mong sách của tôi được độc giả trong nước đọc. Còn xuất bản ở Mỹ hay Bỉ thì tôi để nguyên văn. Tôi đã đồng ý bỏ bớt một số lời, một số đoạn hơi nặng nề và sách được xuất bản. Cuốn đầu đã xuất bản và bán rất chạy tại Việt Nam. Tôi mừng lắm.

Cuốn thứ hai thì tôi được tin là giấy phép xuất bản đã có và sắp được in. Cuốn hai bị nặng hơn cuốn một vì trong cuốn hai tôi vừa nói những chuyện tôi làm, tôi vừa phản biện về xã hội Việt Nam hiện nay, không chỉ về giáo dục.

Ở Việt Nam cũng có những nhà báo muốn nghe tôi nói thẳng nói thật nên phỏng vấn và tôi trả lời, và những bài phỏng vấn đó tôi ghi lại trong cuốn sách. Họ không cho phép những bài này có mặt. Ban đầu tôi khá cứng rắn và nói vậy thôi, không xuất bản tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng tôi đi đến thỏa hiệp là trong 80 bài trong cuốn sách, tôi phải bỏ bớt 10 bài. Nhờ đó mới có giấy phép và cuốn sách sẽ được ra mắt nay mai tại Việt Nam.

Diễm Thi: Khi cuốn sách được phát hành, giáo sư có nhận được lời chia sẻ hay cảm ơn từ những vị lãnh đạo đương chức không, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Cái đó phải nói là ‘không có’. Không thấy quan chức hiện hữu, chính thức ra mặt để ủng hộ những gì tôi nói. Chỉ có cựu Thứ trưởng Bộ giáo dục đào tạo (tôi quên tên rồi), người mà sau này làm Tổng thư ký Hội đồng Chức danh của Bộ giáo dục và Đào tạo đã đọc sách và có vài lời ngắn ngủi chia sẻ với tôi rằng rất vui vì những điều tôi làm. Dĩ nhiên với một quan chức thì những chia sẻ đó chưa sâu lắm. Một người nữa là cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin. Ông là một nhà ngoại giao tiến bộ và khi về hưu cũng có những phát biểu tương đối thẳng thắn về những điều không hay, và ông cũng mong mỏi một sự thay đổi. Nhưng tiếng nói của ổng thì cũng như tôi, tức là nói nhưng chẳng ai nghe. Tôi cho đó là một sự lạc hậu trầm trọng ở Việt Nam.

Diễm Thi: Giáo sư có kế hoạch, dự định gì để giúp cải sửa giáo dục tại Việt Nam mà ông từng cho là ‘đang đi lạc đường’?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Đây là câu hỏi rất hay đấy. Khi tôi dùng tới chữ “đi lạc đường” có nghĩa là tôi kết luận nếu sai thì sửa được, nhưng đi lạc đường thì phải ra khỏi khu rừng, đi trở lại chỗ cũ mới có thể thay đổi được. Mà tôi có nói thêm nữa là, những người không có tư tưởng, không có tư duy và không có cái quan niệm về giáo dục đứng đắn, giáo dục đàng hoàng, nhân văn thì những người ấy không thể đứng ra thực hiện chuyện cải cách được. Phải thay đổi hoàn toàn nhân sự. Không thể dùng cái bình cũ mà đổ rượu mới vào được. 

Cho nên điều rất cụ thể là muốn thay đổi giáo dục ở Việt Nam thì phải giao quyền cho một kiến trúc sư. Kiến trúc sư đó phải có hệ thống chính trị ủng hộ thì mới tạo dựng cho mình một đội ngũ cùng với ông ấy thay đổi chính sách giáo dục.

Người đó không thể là người của đảng; người đó không thể là người được giáo dục tại Liên Xô hay Trung Quốc. Người đó phải là người được giáo dục tại Tây phương. Tôi nói rõ như thế. Không có dính dáng gì tới giáo dục cũ thì mới xây dựng được cái mới. Chứ bây giờ thay đổi mà lấy một bài tập, một bài giảng của Mỹ đem về Việt Nam rồi cho những người bên Liên Xô về dạy thì vô ích vì họ có hiểu gì đâu mà dạy! Tôi nói rất thẳng thắn như thế nhưng họ không làm vì quyền lợi của họ đang lớn quá. 

Tôi thấy giáo dục càng ngày càng tệ, càng ngày càng lạc hậu. Nó đi đến chỗ không còn cơ đồ nữa chứ không phải là chuyện đùa đâu. Tôi buồn lắm và tôi quyết định là không nói gì nữa. Mà nói thiệt, báo chí Việt Nam giờ không dám hỏi tôi đâu. Hình như có một cái lệnh đâu đó bằng miệng là đừng để ông Hưng xuất hiện trên đài nữa. Tôi là người tha hương trên đất nước tôi!

Diễm Thi: Có bao giờ giáo sư góp ý trực tiếp với giới lãnh đạo Việt Nam về những điều cần thay đổi, nhất là trong lĩnh vực giáo dục không ạ?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Lúc nào mà tôi chả góp ý. Mà tôi nói chuyện với họ cũng như đang nói chuyện với cô. Tôi không có hai ngôn ngữ. Tôi nói với họ rất thường. Nhiều ông còn viết thư riêng xin ý kiến của tôi. Tôi nói rằng tại sao không hỏi công khai, chính thức mà lại hỏi riêng như vậy?

Nếu ý kiến của tôi mà ông lấy làm ý kiến riêng của ông thì không hay. Sau đó họ không dám hỏi nữa. Ngay cả ông Bộ trưởng hỏi ý tôi xong cũng không dám đưa lên mà.

Điều mà tôi nói liên tục là đừng có biến học đường thành chỗ tuyên truyền chính trị. Ai muốn dạy chủ nghĩa này hay công văn nọ của DDảng thì đem vô trường DDảng mà dạy. Không nên dùng những trường học của đại chúng, công chúng làm chỗ để tuyên truyền, bắt học sinh học những điều không đúng thực tế. Những điều đó bây giờ ngày càng trầm trọng chứ không bớt đi tí nào.

Có một thời tôi nghe phong thanh là Bộ giáo dục và Đào tạo mời tôi về làm cố vấn chính thức. Báo chí hỏi tôi chuyện đó thì tôi cũng nói là tôi không nghe chính thức mà chỉ nghe phong thanh vậy thôi. Họ hỏi tiếp là nếu giáo sư về làm cho bộ thì việc đầu tiên giáo sư sẽ làm là gì?

Tôi nói ngay là nếu tôi về bộ thì việc đầu tiên tôi làm là sẽ sa thải ít nhất 50% công nhân viên, quan chức của bộ. Bởi không thể có thay đổi khi những gì tôi nói hay làm mà vẫn còn những người cũ ở đó. Khi tôi đưa ý kiến đó ra thì mỗi lần tôi lên bộ, mấy người ở đó nhìn tôi hầm hầm. Về sau, chuyện mời tôi về làm cố vấn không có.

Diễm Thi: Theo giáo sư, để thu hút những nhân tài trong mọi lĩnh vực về nước đóng góp, Chính phủ Việt Nam cần làm gì ạ?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Úi chà, tôi đã mất lòng tin về những chuyện đó rồi. Trước nhất phải tạo điều kiện cho người ta sống thoải mái, vợ con người ta sống được. Đó là điều tối thiểu nhưng không phải là mấu chốt. Mấu chốt là phải có một môi trường cởi mở, rộng rãi, trung thực để những người tài, những người có chuyên môn có thể về làm việc, đóng góp hiệu quả cho đất nước. Điều này khó vì các trường đại học, ngay cả những trường tư, hiệu trưởng là người được mấy ông trong khoa giáo của địa phương chỉ định, cơ cấu. Những người này phần lớn là những người không được đào tạo bài bản, không có hiểu biết chuyên môn mà chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên. Mà trong 10 chỉ đạo thì hết 8 chỉ đạo là sai lầm thì đụng chạm tới các nhà khoa học. Khoa học mà chỉ đạo sai trái thì ai làm được!

Diễm Thi: Cảm ơn giáo sư đã dành thời gian cho Đài Á châu Tự do. Kính chúc giáo sư sức khỏe và mọi điều bình an.

Related posts