Tổng Thống Pháp vẫn buồn bực vì Úc “đã nói dối” về thỏa thuận tàu ngầm
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Thủ tướng Úc đã nói dối ông về thỏa thuận tàu ngầm hiện đã bị hủy bỏ. Nhận xét này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ngoại giao vốn đã căng thẳng giữa hai nước.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đang tham dự Hội nghị G20 ở Rome và Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Glasgow.
Vào tháng 9, lãnh đạo Úc đã hủy bỏ hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la kéo dài hàng thập kỷ với Pháp để xây dựng một hạm đội tàu ngầm.
Đồng thời, Úc đã đàm phán để mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh trong một liên minh mới gọi là AUKUS.
Tức giận trước hành động trên, Paris đã tố cáo quyết định này như một “cú đâm sau lưng” và triệu tập đại sứ của mình các nước về.
Truyền thông Úc đã hỏi ông Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 rằng liệu ông có nghĩ rằng nhà lãnh đạo Úc đã thiếu trung thực với mình trong các cuộc gặp riêng hay không.
Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh sự cần thiết rằng hai bên cần “tôn trọng lẫn nhau.”
Ông nói: “Bạn phải cư xử phù hợp và nhất quán với giá trị này.”
Ông Macron đã chạm mặt ông Morrison tại G20 và nói chuyện qua điện thoại với nhau vào đầu tuần trước. Tổng thống Pháp nói với Thủ tướngÚc rằng “mối quan hệ tin cậy” đã bị phá vỡ.
Hai nhà lãnh đạo vẫn chưa gặp mặt để đàm phán chính thức, mặc dù đại sứ Pháp đã chuẩn bị gặp ngoại trưởng Australia tại Sydney vào thứ Hai.
Tuy vậy, tại Rome, nhà lãnh đạo Pháp dường như giải tỏa được mối bất hòa với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Chúng tôi không có đồng minh nào tốt hơn Pháp”, ông Biden nói.
Trong khi đó, hôm 31/10, ông Morrison đã bảo vệ hành vi của mình, bác bỏ quan điểm của ông Macron và phủ nhận rằng ông đã nói dối nhà lãnh đạo Pháp tại một cuộc họp riêng vào tháng 6.
“Tôi không đồng ý với điều đó,” ông nói. “Nó không đúng.”
“Chúng tôi đã ăn tối cùng nhau. Như tôi đã nói trong nhiều lần, tôi đã giải thích rất rõ ràng rằng lựa chọn tàu ngầm thông thường sẽ không đáp ứng được lợi ích của Australia nữa,” ông Morrison nói.
“Tôi khá ý thức về sự thất vọng tại đó. Và tôi không ngạc nhiên. Đó là một hợp đồng quan trọng. Và vì vậy tôi không ngạc nhiên về mức độ thất vọng [của Pháp].”
Pháp và Anh cũng đang hướng tới một cuộc đối đầu trực diện tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Chính phủ Pháp hôm thứ Ba đã đưa ra các biện pháp kiểm soát bổ sung đối với hàng hóa di chuyển qua biên giới với Vương quốc Anh và chặn các tàu đánh cá của Anh dỡ hàng đánh bắt của họ ở Pháp để trả đũa những gì họ coi là hạn chế vô lý đối với các tàu đánh cá của Pháp.
Giấy phép đánh bắt cá thời hậu Brexit: Căng thẳng Pháp-Anh tiếp diễn
Trọng Nghĩa
Cuộc họp trực diện giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm qua, 31/10/2021 tại Roma, Ý, bên lề thượng đỉnh G20 vẫn chưa cho phép giảm căng thẳng trong quan hệ song phương liên quan đến vấn đề đánh cá. Pháp vẫn đe dọa áp dụng các biện pháp trả đũa ngay từ ngày 02/11 nếu Anh Quốc không chấp nhận đề nghị “xuống thang” mà Paris đưa ra.
Phát biểu với báo chí vài tiếng đồng hồ sau cuộc tiếp xúc với thủ tướng Anh, tổng thống Pháp khẳng định: “Trái bóng đang ở trên phần sân của Anh” và bày tỏ hy vọng là Luân Đôn sẽ có câu trả lời vào hôm nay về các đề nghị của Paris. Tổng thống Macron không ngần ngại đe dọa: “Nếu phía Anh không có bất kỳ động thái nào, thì hiển nhiên là các biện pháp được dự trù áp dụng từ ngày 02/11 sẽ phải được thi hành vì điều đó có nghĩa là Anh bác bỏ” đề nghị của Pháp.
Cho đến nay, Paris rất bất bình trước việc Luân Đôn cấp quá ít giấy phép đánh cá thời hậu Brexit cho ngư dân Pháp, theo thỏa thuận Brexit, và đã yêu cầu Anh Quốc cải thiện tình hình. Trong trường hợp Luân Đôn ngoan cố, Pháp sẽ cấm tàu đánh cá Anh Quốc dỡ hàng tại các cảng của Pháp và sẽ tăng cường kiểm soát hải quan đối với xe tải đến từ Anh.
Về phần mình, thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ tiếp tục kêu gọi Pháp bãi bỏ các biện pháp trả đũa dự trù.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ngay từ trưa hôm qua, phủ tổng thống Pháp và phủ thủ tướng Anh đã đưa ra hai phiên bản khá khác nhau về cuộc gặp Macron-Johnson trước đó.
Trong lúc phủ tổng thống Pháp cho rằng hai lãnh đạo đã quyết định làm việc về “các biện pháp thiết thực” trong “vài ngày tới” để thúc đẩy tiến trình “giảm căng thẳng”, thì phát ngôn viên của ông Boris Johnson tại Roma lại có vẻ thách thức, khẳng định rằng “lập trường của chúng tôi không thay đổi”.
Theo phát ngôn viên của thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã “nhắc lại mối quan ngại sâu sắc về những lời lẽ của chính phủ Pháp trong những ngày gần đây”. Các biện pháp dự trù áp dụng kể từ ngày mai, 02/11 đã bị Luân Đôn đánh giá là “không cân xứng”.
Covid-19: Tổng số ca tử vong từ đầu đại dịch đã vượt ngưỡng 5 triệu người
Thùy Dương
Theo số liệu trang mạng thống kê Wordometers cập nhật lúc 09 giờ 33 (giờ GMT) ngày hôm nay 01/11/2021, tổng số người chết vì virus corona từ đầu đại dịch cho đến nay đã vượt ngưỡng 5 triệu người, chính xác là 5.016.924 ca.
Số liệu được hãng tin Pháp AFP đưa ra là xấp xỉ 5 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo số người chết vì Covid-19 trên thực tế có thể cao hơn gấp 2-3 lần so với số liệu chính thức mà các quốc gia công bố. Theo một ước tính của tạp chí kinh tế The Economist, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 17 triệu nạn nhân. Báo Pháp Sud-Ouest dẫn lời ông Arnaud Fontanet, nhà dịch tễ học của viện Pasteur, thành viên Hội đồng khoa học Pháp, theo đó số liệu the Economist công bố là có vẻ đáng tin nhất.
Nếu tính tổng số ca tử vong, đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của ít người hơn so với một số đại dịch trong quá khứ : đại dịch hồi năm 1918-1919 mang tên gọi “cúm Tây Ban Nha” khiến 50-100 triệu người chết, bệnh SIDA trong vòng 40 năm làm hơn 36 triệu người thiệt mạng. Còn Covid-19, theo nhà virus học Jean-Claude Manuguerra của Viện Pasteur, “khiến rất nhiều người chết chỉ trong một thời gian rất ngắn”. Nhà dịch tễ Arnaud Fontanet nhận định “nếu không có các biện pháp hiện được áp dụng, nhất là các biện pháp hạn chế di chuyển và tiêm chủng, thì tình hình còn bi đát hơn rất nhiều”.
G20 hứa chi 100 tỉ đô la hỗ trợ các nước nghèo
Trong thông cáo sau khi kết thúc thượng đỉnh G20 tại Roma, Ý ngày 31/10, nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển cho biết sẽ trích 100 tỉ đô la từ quỹ 650 tỉ đô la do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cung cấp thông qua việc phát hành Quyền rút vốn đặc biệt (DSR) để giúp đỡ các nước gặp nhiều khó khăn đối phó với khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Một số nước mở cửa trở lại biên giới
Tình hình dịch bệnh diễn biến theo những chiều hướng khác nhau tại nhiều nước. Trong khi tại châu Âu đang có nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới thì ở nhiều nước châu Á, tình hình dịch bệnh lại thuyên giảm. Sau một năm rưỡi đóng cửa, Thái Lan, điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới, hôm nay 01/11/2021 mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ từ hơn 60 quốc gia.
Tương tự, cũng trong ngày hôm nay, sau gần 600 ngày đóng cửa, nước Úc mở biên giới trở lại. Còn Hàn Quốc, chứng nhận y tế bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay tại những nơi được xem là có nhiều nguy cơ, kèm theo đó là sự nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, hướng tới “sống chung với Covid”.
Bầu cử Nhật Bản: Liên minh cầm quyền đạt kết quả tốt hơn dự báo
Thanh Phương
Theo các thẩm định mới nhất được công bố hôm nay, 01/11/2021, liên minh cầm quyền tại Nhật Bản đã mất ít ghế hơn là dự báo trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 31/10, được xem là trắc nghiệm lớn đầu tiên của đối với thủ tướng Fumio Kishida.
Trong một cuộc họp báo, ông Kishida cho rằng cuộc bầu cử đã “rất khó khăn”, nhưng cử tri đã cho thấy họ mong muốn “một chính phủ ổn định” của phe đa số mãn nhiệm để xây dựng tương lai cho đất nước.
Theo tổng kết mới nhất của truyền thông Nhật Bản, đảng Dân Chủ Tự Do, đảng bảo thủ và đối tác là đảng cánh trung hữu Komeiko đã giành được 293 ghế trên tổng số 465 ghế của Hạ Viện Nhật Bản. Tuy có số ghế ít hơn số 305 ghế trong Hạ Viện cũ, liên minh cầm quyền vẫn giữ được một đa số đáng kể để bảo đảm sự ổn định cho chính phủ của thủ tướng Kishida.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình:
“Đảng bảo thủ vốn ngự trị chính trường Nhật Bản từ sau Thế Chiến thứ hai đã lãnh vài đòn trong cuộc bầu cử này. Ông Akira Amari, nhân vật lãnh đạo số hai của đảng, đã không tái đắc cử. Ông chính là nhà kiến tạo chiến lược tăng trưởng kinh tế Abenomics. Đảng bảo thủ cho tới nay đã không tiến hành các cải tổ cần thiết để tiếp sức sống mới cho nền kinh tế thứ ba thế giới.
Bất ngờ của cuộc bầu cử lần này đến từ Đảng Phục Hồi Nhật Bản (Ishin no kai), đã tăng gấp ba số dân biểu ở nghị viện. Đảng này quy tụ các chính khách bảo thủ trẻ chủ trương các cải tổ sâu rộng cho nền kinh tế Nhật Bản, một nền kinh tế có quy định chặt chẽ nhất thế giới và cũng là nền kinh tế có năng suất kém nhất trong nhóm G7.
Đảng Phục Hồi Nhật Bản sẽ thúc đẩy thủ tướng Fumio Kishida tự do hóa nền kinh tế để đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời buộc đảng bảo thủ từ bỏ thái độ tự mãn”.
Tưởng niệm nạn nhân vụ vây hãm Leningrad cách đây 80 năm
Về lịch sử nước Nga, phóng sự của tờ Le Figaro (Pháp) cho thấy “Ký ức vẫn luôn sống động của những trẻ em thời Leningrad bị vây hãm”. Thành phố nay lại mang tên cũ là Saint-Petersbourg, hôm thứ Sáu tưởng niệm các nạn nhân vụ phát xít Đức bao vây, phong tỏa thành phố năm 1941-1944.
Cách đây 80 năm, Leningrad bắt đầu bị bao vây trong gần 900 ngày, chính xác là 872 ngày, từ 08/09/1941 đến 27/01/1943, với hậu quả khủng khiếp là 1,8 triệu người chết trong đó gần 1 triệu là thường dân. Sự kiện này đến nay còn ám ảnh số ít người còn sống sót, hồi đó là trẻ em. Mỗi năm vào ngày 29/10 họ tập hợp để tưởng nhớ 20 thành phố và 3.000 ngôi làng đã bị quân Đức xóa sổ trong thời kỳ vây hãm.
Bà Nina Lebedeva, hồi đó mới 2 tuổi rưỡi, nhớ lại cả gia đình kiệt sức cho đến nỗi ngày chiến thắng không thể lê bước ra đến đường phố. Ông Herman Smirnov, 85 tuổi, mô tả những hồi còi báo động, đại bác, không kích, đêm đêm thức giấc vì những tiếng nổ, đứa trẻ 5 tuổi phải học trong hầm nhà. Bảo tàng thành phố còn lưu giữ nhật ký của một thiếu niên, Igor Nikitin với một mảnh da chuột trong đó: con vật đã bị ăn thịt trong mùa đông khắc nghiệt 1941. Edouard Smourago, thời đó 13 tuổi, kể: “Để đánh lừa cái đói, người ta ăn hồ dán, thắt lưng da nấu chín. Không có lò sưởi lẫn thức ăn, nước uống”. Tamara Gracheva, 12 tuổi, nhớ lại đã cùng với mẹ đi khiêng xác những người dân Stalingrad chết đói trong nhà hay trên đường phố.
Cựu chiến binh Nga nghèo khổ hơn kẻ bại trận
Tuần trước nhiều cựu chiến binh Pháp, Mỹ đã sang Nga để tưởng niệm các nạn nhân bên cạnh những cựu chiến binh Nga. Trong số đó có ông Marcel Vogele, người Pháp, 100 tuổi, từng chiến đấu và bị thương nặng ở Alsace năm 1944 và Michael Ganitch, người Mỹ, 101 tuổi, thủy quân lục chiến trên chiến hạm USS Pennsylvania khi bị Nhật ném bom ở Trân Châu Cảng tháng 12/1941.
Riêng với Vladimir Putin, người vẫn ca ngợi Leningrad anh hùng – thành phố nơi sự nghiệp ông cất cánh – có một trẻ em đặc biệt trong vụ vây hãm: người anh Vitya đã chết vì đói và kiết lỵ ở tuổi mới lên hai trong mùa đông 1942. Tổng thống Nga, sinh ra 8 năm sau khi chấm dứt phong tỏa, không ngớt nhắc về giai đoạn này của cuộc “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.
Một rapper nổi tiếng là Morgenstern hôm 25/10 chỉ trích việc lãng phí hàng triệu rúp mỗi năm để kỷ niệm, đã bị điều tra và có nguy cơ lãnh 5 năm tù. Zynovi Merkin, cựu dân quân tình nguyện 17 tuổi năm 1941 đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta ngày nay lại sống nghèo khổ hơn các cựu chiến binh Đức, những người đã bị chúng ta đánh bại cách đây 80 năm?”
Liên minh nghị sĩ chống Trung Quốc khiến Bắc Kinh đau đầu
Thụy My
Tờ Le Monde của Pháp quan tâm đến sự kiện “Tại G20, khởi đầu một liên minh nghị sĩ quốc tế chống Trung Quốc”. Được khai sinh cách đây một năm đúng ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn và họp lại lần đầu tiên hôm thứ Sáu 29/10 tại thủ đô nước Ý, bên lề hội nghị G20, khoảng 200 nghị sĩ thuộc đủ mọi đảng phái từ 21 quốc gia muốn đánh động về mối đe dọa Trung Quốc.
Từ Hồng Kông đến Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan: Bắc Kinh thành bị cáo
Không thiếu bất cứ một chủ đề nào có thể khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ. Chà đạp lên quyền tự do ở Hồng Kông? Có La Quán Thông (Nathan Law), cựu lãnh tụ sinh viên đến phát biểu. Tây Tạng bị chiếm đóng do tổng thống chính quyền lưu vong Penpa Tsering đại diện. Việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ được nhạc sĩ, nhà đấu tranh Rahima Mahmut nêu ra. Sự đe dọa nền dân chủ Đài Loan được ngoại trưởng đảo quốc Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) trình bày rất rõ qua hội nghị truyền hình.
Liên minh nghị sĩ về Trung Quốc (IPAC) đã tung ra cú đấm mạnh mẽ ngay trong cuộc họp đầu. Mạng lưới này gồm khoảng 200 dân biểu, thượng nghị sĩ đủ mọi khuynh hướng của nhiều nước, được khai sinh vào ngày 04/06/2020, ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.
Ngoại trưởng Đài Loan – mà sự hiện diện ở Bruxelles không được xác nhận – tuyên bố IPAC đã đi đúng hướng. Ông Ngô Chiêu Tiếp cũng ca ngợi việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) cam kết tăng cường quan hệ với Đài Loan. Nhắc lại các vụ xâm nhập kỷ lục của chiến đấu cơ Trung Quốc và áp lực chính trị liên tục, đại diện Đài Bắc khẳng định Bắc Kinh đang cố phá hủy nền dân chủ và Đài Loan đang trên tuyến đầu.
Cùng với ông, hai bộ trưởng khác và các chủ doanh nghiệp Đài Loan được tiếp đón ở Cộng hòa Séc. Ngô Chiêu Tiếp nhấn mạnh chính phủ ông khuyến khích đầu tư vào châu Âu nhất là khi thỏa thuận EU-Trung Quốc bị đóng băng do Bắc Kinh trừng phạt các nghị sĩ châu Âu. Nghị sĩ Bỉ Samuel Cogolati cho biết “Hành động như vậy, Trung Quốc chỉ củng cố thêm quyết tâm của chúng tôi về nhân quyền”.
Nghị sĩ bảo thủ Anh Iain Duncan Smith, người chủ trương Brexit, tỏ ý tiếc rằng “Trung Quốc được coi như một quốc gia bình thường tại G20, cho dù vi phạm nhân quyền hàng loạt”, và ông hướng tới các nguyên thủ: “Không phải vì các vị không muốn nghe mà những vấn đề này sẽ biến mất!”
Trung Quốc đau đầu trước ảnh hưởng của liên minh
Liên minh đa dạng mới mẻ này khiến chế độ cộng sản Tập Cận Bình tức tối. Các nhân viên của Bắc Kinh toan phá hoại hội nghị ở Roma bằng các thư điện tử giả danh điều phối viên IPAC, báo với các thành viên rằng cuộc họp bị hủy bỏ hay hoãn lại.
Với các đại diện của 21 quốc gia, IPAC tự coi là một nhóm có khả năng gây ảnh hưởng. Lucy Akello, dân biểu thuộc Diễn đàn vì thay đổi dân chủ ở Ouganda tự hào: “Hội nghị chúng tôi là một thông điệp đoàn kết”. Ông loan báo Ấn Độ tham gia mạng lưới với bốn nghị sĩ. Pavel Fischer, thượng nghị sĩ độc lập, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Cộng hòa Sec nhận định: “IPAC làm sáng tỏ mối nguy từ Trung Quốc. Xã hội bị trói tay, chính phủ phải bảo vệ lợi ích kinh tế, vậy Quốc Hội phải hành động. Chế độ Trung Quốc không chịu đựng được tranh luận dân chủ”. Còn Dovile Sakaliene, dân biểu đảng Xã hội Dân chủ ở Vilnius cho rằng Liên minh có lợi thế là tập hợp cả những nước lớn lẫn nước nhỏ như Litva. Nhờ sức mạnh hỗ trợ này, Quốc Hội Litva đã thông qua một nghị quyết tố cáo nạn diện chủng người Duy Ngô Nhĩ.
Anh quốc có khoảng 30 nghị sĩ thành viên Liên minh. Theo ông Iain Duncan Smith, thủ tướng Boris Johnson không có ý tưởng rõ ràng về Trung Quốc, nhưng quyết định gạt Bắc Kinh ra ngoài lề dự án nguyên tử dân sự là rất tốt. “Vai trò của chúng tôi là củng cố ý thức của chính phủ”.
André Gattolin, thượng nghị sĩ Pháp thuộc đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) cho biết các thành viên trao đổi rất nhiều, thúc đẩy các quyết định, mới đây là về sự can thiệp của nước ngoài vào trường đại học, chủ đề được các đồng nghiệp Úc, Cộng hòa Séc và Anh chia sẻ.
IPAC loan báo tung ra một chiến dịch chống các hiệp định dẫn độ được khoảng 60 Nhà nước ký với Trung Quốc, mà các nhà đối lập lưu vong có thể là mục tiêu. Liên minh cũng mời doanh nhân Mỹ Bill Browder, người xúc tiến cơ chế trừng phạt Magnitski, mong rằng ông sẽ thuyết phục được các Nhà nước khác trừng phạt những nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh với Trung Quốc đang tăng lên
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, chuyên gia địa chính trị François Heisbourg khi trả lời Le Figaro đã đánh giá “Nguy cơ xảy ra chiến tranh cao hơn trước đại dịch”. Sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, công nghệ tăng tiến và sự thiếu vắng trật tự thế giới khiến xung đột dễ xảy ra hơn so với thời chiến tranh lạnh.
Theo nhà nghiên cứu, một trong những lý do chính khiến căng thẳng tăng cao là Trung Quốc tiến nhanh hơn và đối đầu về ý thức hệ, kinh tế, công nghệ, chính trị với Hoa Kỳ và nói chung là với thế giới dân chủ. Thông qua chiến tranh mạng, xung đột trở nên thường nhật, từ hòa có thể trực tiếp biến thành chiến.
Thời trước, chưa nổ súng thì chưa có chiến tranh, và răn đe hạt nhân tuân theo các quy luật có thể ngăn cản chiến tranh nổ ra giữa hai khối, hai siêu cường. Ngày nay thì không như thế. Về nguyên tử, việc triển khai các loại vũ khí mới khiến tính răn đe giảm đi. Cuối cùng là sự thiếu vắng trật tự thế giới, nên không còn quy định luật chơi, và khi không có luật chơi thì rủi ro xảy ra bất đồng càng lớn. Đó là ba yếu tố đã có từ trước đại dịch, nhưng dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm.
Về cuộc khủng hoảng tàu ngầm Pháp-Úc, chuyên gia Heisbourg cho rằng Úc đã đúng khi xem xét lại tình hình chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, khi tương quan lực lượng thay đổi nhanh chóng. Hải quân Trung Quốc có số tàu chiến nhiều hơn Hải quân Mỹ (nhưng thấp hơn về trọng tải). Hơn nữa Úc bị Bắc Kinh hà hiếp quá đáng sau khi đòi điều tra nguồn gốc con virus ở Vũ Hán: rượu vang, tôm hùm… của Úc bị cấm nhập. Canberra cũng nhận ra các hoạt động gây ảnh hưởng trắng trợn của Bắc Kinh tại Quốc Hội và các trường đại học Úc. Tất cả dẫn đến quyết định mua tàu ngầm nguyên tử Mỹ, nhưng trước hết là tăng cường liên minh với Hoa Kỳ.
Về phía châu Âu đang ở thế yếu: tỉ lệ tăng trưởng thấp, xã hội chia rẽ, phe dân túy nổi lên khắp nơi, còn Đức không dân túy thì lại bất động. Thêm vào đó là sự lệ thuộc vào Trung Quốc, và Mỹ dành ưu tiên cho khu vực khác. Thời chiến tranh lạnh, số lượng hỏa tiễn và vũ khí nguyên tử là quan trọng hơn hết. Nay trước Trung Quốc, việc kiểm soát công nghệ, thương mại, tiêu chuẩn, hoạt động nắm bắt thị trường là những yếu tố chính trong cuộc chiến. Châu Âu có thể cạnh tranh trong những lãnh vực này, nhưng về quân sự, không thể nói đến một quân đội châu Âu: Liên Hiệp Châu Âu không phải là một Nhà nước, không phải siêu cường.
Biden và Macron tìm đến hòa giải sau AUKUS
Cũng về vụ tàu ngầm, Le Monde mô tả “Giữa Biden và Macron, một sự hòa giải khó khăn sau thỏa thuận AUKUS”. Lần đầu tiên sau xì-căng-đan trên, hai tổng thống Mỹ và Pháp gặp gỡ tay đôi ở Roma trước hội nghị G20.
Vào thời điểm đỉnh cao khủng hoảng, Emmanuel Macron đã buộc ông Joe Biden phải chờ đến bảy ngày mới chịu nói chuyện qua điện thoại, còn hôm thứ Sáu 29/10 tại Roma, tổng thống Mỹ đến trễ một tiếng rưỡi đồng hồ. Tuy không xin lỗi, nhưng Biden nhìn nhận đã “vụng về”, “thiếu lịch sự” với Paris. Bằng những lời ngọt ngào, Biden bày tỏ “rất yêu quý” Pháp, “bạn đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ… nhờ đó mà nước Mỹ tồn tại”. Ông Macron thì kêu gọi “hướng về tương lai”.
Vài tuần trước cuộc gặp, đã có những thương lượng ráo riết nhằm “hạ hỏa”. Các nhà ngoại giao Paris nhất thiết muốn hai nguyên thủ tái ngộ tại một nơi mang dấu ấn Pháp: biệt thự Bonaparte của đại sứ quán Pháp ở Vatican, xưa kia thuộc sở hữu của gia đình Bonaparte. Theo thông cáo chung, cuộc đối thoại dài 90 phút xoay quanh ba chủ đề chính.
Trước hết, Hoa Kỳ nhìn nhận tầm quan trọng của quốc phòng châu Âu, bổ sung cho NATO; tiếp đến là vai trò của Pháp và châu Âu tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cuối cùng là tăng cường hợp tác chống khủng bố ở Sahel: Mỹ tăng thêm số trực thăng và máy bay không người lái tại đây. Macron cũng cho rằng Biden “chân thành”, khi khẳng định “trước Thượng Đế” rằng ông cứ ngỡ Úc đã thông báo trước cho Pháp về vụ tàu ngầm.