Du Miên
Yahoo đã đóng cửa các dịch vụ của mình tại Trung Quốc đại lục, trở thành gã trùm công nghệ phương Tây thứ hai rời bỏ thị trường Trung Quốc trong tháng qua.
Công ty đã ngừng cung cấp nội dung cho người dùng Trung Quốc đại lục kể từ ngày 1/11, theo một tuyên bố từ trang web chính thức của Yahoo. Tuyên bố cho biết: “Các sản phẩm và dịch vụ vẫn không bị ảnh hưởng ở tất cả các địa điểm toàn cầu khác”.
Yahoo đã đưa ra quyết định “trong sự nhìn nhận môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức ở Trung Quốc”, một phát ngôn viên của công ty nói với The Epoch Times trong một email hôm 2/11. Người này cho biết thêm rằng: “Yahoo vẫn cam kết với quyền của người dùng của chúng tôi và với một mạng Internet miễn phí và rộng mở”.
Việc Yahoo rút khỏi thị trường đông dân nhất thế giới này tiếp nối bước đi của nền tảng mạng xã hội LinkedIn thuộc Microsoft. Nền tảng này đã rời bỏ thị trường Trung Quốc chỉ hơn hai tuần trước, với lý do “một môi trường hoạt động thách thức hơn đáng kể và các yêu cầu tuân thủ cao hơn ở Trung Quốc”.
Thời điểm mà Yahoo rút lui cũng trùng với thời điểm Bắc Kinh thực hiện luật bảo mật dữ liệu, quy định cách các công ty hoạt động ở Trung Quốc xử lý dữ liệu cá nhân và đưa ra các quy tắc về cách lưu trữ thông tin đó. Tuy nhiên, Yahoo đã không đề cập đến điều này trong tuyên bố của mình.
Mạng blog tập trung vào công nghệ của Yahoo là Engadget cũng sẽ ngừng xuất bản nội dung trên trang web tiếng Trung của mình. Thay vào đó, một thông báo trên trang chủ của nó đã hướng người dùng đến một trang web bằng tiếng Trung riêng biệt để “phủ sóng công nghệ toàn cầu nhiều hơn”.
Thông báo này đánh dấu sự ra đi cuối cùng của Yahoo để rời khỏi Trung Quốc sau nhiều năm công ty phải liên tục thu hẹp quy mô tại quốc gia này. Yahoo mở trang web tiếng Trung vào năm 1998 và vào năm 2005 đã đầu tư 1 tỷ USD cho 40% cổ phần của Alibaba. Gã trùm công nghệ giao các hoạt động ở Trung Quốc của mình cho tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc. Nó dần đóng cửa dịch vụ email và tin tức vào đầu những năm 2010. Vào năm 2015, sự hiện diện cuối cùng còn lại của Yahoo ở Trung Quốc là một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Bắc Kinh cũng đã bị đóng cửa.
Cách đây hơn một thập kỷ, Yahoo đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích sau khi công bố chi tiết email do một nhà báo Trung Quốc là ông Shi Tao gửi đi, theo yêu cầu của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Shi đã sử dụng dịch vụ email của Yahoo để gửi một bản ghi chú của chính phủ Trung Quốc về những hạn chế trong việc đưa tin về lễ kỷ niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn tới một diễn đàn nhân quyền ở Hoa Kỳ. Vì việc này, ông ấy đã bị kết tội làm lộ bí mật nhà nước và bị kết án 10 năm tù vào năm 2005.
Trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ năm 2007, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Yahoo khi đó là ông Jerry Yang đã xin lỗi gia đình ông Shi về “những gì họ đang phải trải qua”. Yahoo sau đó đã thành lập một quỹ nhân quyền để cung cấp “hỗ trợ nhân đạo và pháp lý” cho những người bất đồng chính kiến trực tuyến. Quỹ hỗ trợ Bảo tàng Laogai, dành riêng để vạch trần hệ thống lao động cưỡng bức của Trung Quốc, được mở cửa ở Washington một năm sau đó.
Năm 2020, nhà hoạt động Trung Quốc Ninh Tân Hoa đã khởi kiện các giám đốc điều hành của Yahoo trước đây, bao gồm cả ông Yang. Ông Ninh cáo buộc rằng, Yahoo đã chuyển email của ông cho chế độ ĐCSTQ, khiến ông ấy bị phạt tù từ năm 2004 đến năm 2011.
Verizon Communications Inc. đã mua lại Yahoo vào năm 2017 và hợp nhất nó với AOL để tạo thành một tổ chức mới có tên là Oath. Công ty cổ phần tư nhân Apollo Global Management có trụ sở tại New York sau đó đã mua lại tập đoàn truyền thông với giá 5 tỷ USD. Việc chuyển đổi quyền sở hữu đã hoàn tất vào tháng Chín.