Ý hối hận vì đã tham gia BRI của Trung Quốc

Ý hối hận vì đã tham gia BRI của Trung Quốc
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tham gia sự kiện Đối tác cho Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/05/2023. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP qua Getty Images)

Nước Ý đã đưa ra quyết định “ngẫu hứng và tồi tệ” tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc cách đây 4 năm – thời điểm mà Ý không làm được gì nhiều để thúc đẩy xuất khẩu. Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto của nước này đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào Chủ nhật (30/07).

Ý đã đồng ý tham gia BRI trong thời chính quyền trước, trở thành quốc gia lớn duy nhất của phương Tây thực hiện bước đi như vậy. Ông Crosetto là một trong những thành viên chính quyền đương nhiệm đang xem xét cách thoát khỏi BRI.

BRI phỏng theo Con đường Tơ lụa cũ, kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và các vùng đất xa hơn nữa; rất nhiều tiền được chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Các nhà phê bình coi BRI là công cụ để Đảng Cộng sản Trung Quốc truyền bá ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế của họ.

Ông Crosetto nói với tờ Corriere della Sera: “Quyết định tham gia Con đường Tơ lụa [mới] là hành động ngẫu hứng và tồi tệ”; nó làm tăng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Ý lên nhiều lần, nhưng không làm được điều tương tự đối với xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc.

“Vấn đề hiện nay là: làm thế nào để rút khỏi [BRI] mà không làm tổn hại đến quan hệ [với Bắc Kinh]. Bởi vì đúng là Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh, nhưng họ cũng là đối tác”, Bộ trưởng Quốc phòng Ý nói thêm.

Sau cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ 5 tuần trước, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết chính phủ của bà vẫn đang cân nhắc cẩn thận về BRI và sẽ có một chuyến đi tới Bắc Kinh trong tương lai gần.

“Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12”, bà Meloni nói với Fox News của Mỹ trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Chủ nhật. Bà cho biết thêm rằng vấn đề này cần được thảo luận với chính quyền Trung Quốc và trong quốc hội Ý.

Bà Meloni nhắc lại quan điểm của mình rằng, có một “nghịch lý” khi Ý là một phần của BRI nhưng lại không phải là quốc gia G7 có thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Bà cho rằng Ý có thể duy trì mối quan hệ tốt với Bắc Kinh mà không cần Vành đai và Con đường.

Theo Reuters

Xuân Hoa biên dịch

Related posts