Hơn 100 lãnh đạo thế giới ủng hộ thỏa thuận nhằm đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030
Katabella Roberts
Hôm 01/11, chính phủ Anh Quốc thông báo rằng hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã cùng cam kết ủng hộ một thỏa thuận nhằm ngăn chặn cũng như đảo ngược nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030.
Các nhà lãnh đạo đại diện cho hơn 86% [diện tích] rừng trên thế giới đã đồng ý làm việc cùng nhau về Tuyên bố của các Lãnh đạo Glasgow về Rừng và Sử dụng Đất tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, hay còn gọi là Hội nghị các Bên 26, tại Glasgow, Scotland.
Các nhà lãnh đạo trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Colombia Iván Duque, và Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi đã tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu để thảo luận về các vấn đề chính liên quan đến sự nóng lên toàn cầu và đặt ra các mục tiêu giảm phát thải mới.
Downing Street cho biết các cam kết này được hỗ trợ bằng 12 tỷ USD (8.75 tỷ bảng Anh) quỹ công từ 12 quốc gia tài trợ trong giai đoạn bốn năm từ năm 2021 đến năm 2025. Khoản tài trợ này sẽ hướng tới việc hỗ trợ các nước đang phát triển, khắc phục nạn cháy rừng, khôi phục đất đai bị suy thoái, và thúc đẩy quyền của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương.
Một khoản nữa trị giá 1.5 tỷ USD (1.1 tỷ bảng Anh) tiền đầu tư tư nhân sẽ đến từ 11 quốc gia và các nhà tài trợ hảo tâm sẽ được sử dụng để bảo vệ các khu rừng ở Lưu vực Congo, nơi có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ hai trên thế giới, và “vô cùng quan trọng đối với các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như phát triển bền vững trong khu vực,” chính phủ này cho biết.
Mười bốn quốc gia và các nhà tài trợ hảo tâm cũng cam kết tài trợ ít nhất 1.7 tỷ USD trong vòng bốn năm để “nâng cao quyền sở hữu rừng của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương cũng như hỗ trợ vai trò của họ như những người bảo vệ rừng và thiên nhiên,” Downing Street cho biết.
Một khoản khác trị giá 7.2 tỷ USD (5,3 tỷ bảng Anh) tài trợ của khu vực tư nhân cũng đã được huy động.
Vùng đất được thỏa thuận tài trợ trải dài từ các khu rừng phía bắc của Canada và Nga đến các khu rừng mưa nhiệt đới của Brazil, Colombia, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo — với diện tích hơn 13 triệu dặm vuông.
Úc, Brazil, Trung Quốc, Đức, Israel, Nhật Bản, và Nga nằm trong số hơn 100 quốc gia tán thành thỏa thuận này.
Thủ tướng Anh Quốc Boris Johnson nói, “Những hệ sinh thái tràn đầy sự sống tuyệt vời này — những thánh đường của thiên nhiên — là những lá phổi của hành tinh chúng ta. Rừng hỗ trợ các cộng đồng, sinh kế, cung cấp lương thực, và hấp thụ khí carbon mà chúng ta bơm vào bầu khí quyển. Chúng rất cần thiết cho chính sự sống của chúng ta.”
“Với những cam kết chưa từng có hôm nay, chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của nhân loại với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó trở thành người coi sóc cho nó.”
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, “Indonesia may mắn là quốc gia giàu carbon nhất trên thế giới với những khu rừng nhiệt đới rộng lớn, rừng ngập mặn, đại dương và vùng đất than bùn. Chúng tôi cam kết bảo vệ các bể chứa carbon quan trọng này và vốn tự nhiên của chúng tôi cho các thế hệ tương lai.”
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hỗ trợ các con đường phát triển bền vững nhằm tăng cường sinh kế của các cộng đồng — đặc biệt là người bản địa, phụ nữ, và nông hộ nhỏ.”
Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, mặc dù đã tán thành thỏa thuận trên.
Chính phủ Anh Quốc cho biết, hiện tại, gần 23% lượng khí thải toàn cầu đến từ hoạt động sử dụng đất như khai thác gỗ, phá rừng, và trồng trọt.
“Đó là một tin tốt khi có một cam kết chính trị để chấm dứt nạn phá rừng từ nhiều quốc gia như vậy. … Việc các dân tộc bản địa cuối cùng đã được công nhận là những người bảo vệ rừng chính là điều đặc biệt đáng hoan nghênh,” ông Simon Lewis, giáo sư ngành khoa học về thay đổi toàn cầu tại Đại học College London, cho biết trong một tuyên bố.
“Tuy nhiên, thách thức thực sự không nằm ở việc đưa ra các thông báo, mà là đưa ra các chính sách và hành động hiệp đồng mang tính liên kết để thực sự giảm thiểu nạn phá rừng trên toàn cầu.”
Đài Loan tăng cường huấn luyện trừ bị giữa bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc
Hạo Văn
TAIPEI – Hôm thứ Ba (02/11), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ sẽ tăng cường huấn luyện lực lượng trừ bị vào năm tới (2022), bao gồm cả việc tăng gấp đôi các cuộc diễn tập tác chiến và bắn súng, giữa bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự gần hòn đảo. Bắc Kinh đã không loại trừ khả năng chiếm hòn đảo này bằng vũ lực.
Căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc, nơi mà chính quyền tuyên bố hòn đảo dân chủ này là lãnh thổ thuộc chủ quyền [của họ], đã leo thang trong những tuần gần đây khi Bắc Kinh gia tăng áp lực quân sự trong đó bao gồm các nhiệm vụ do chiến đấu cơ Trung Quốc thực hiện lặp lại nhiều lần trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Tháng trước (10/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) đã mô tả tình hình là “nghiêm trọng nhất” trong hơn 40 năm qua và kêu gọi bổ sung chi tiêu quân sự cho các vũ khí sản xuất nội địa.
Bắt đầu từ năm tới, việc huấn luyện bồi dưỡng bắt buộc đối với một số lực lượng trừ bị sẽ được tăng từ thời lượng năm đến bảy ngày như hiện tại lên 14 ngày, để “nâng cao hiệu quả khả năng chiến đấu cho lực lượng trừ bị,” Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố.
Những quân nhân trừ bị này sẽ được yêu cầu tăng gấp đôi lượng đạn mà họ bắn ra trong các bài tập bắn đồng thời việc huấn luyện tác chiến sẽ được kéo dài từ nửa ngày lên 56 giờ, bộ này cho biết.
Chương trình mới sẽ được áp dụng cho khoảng 13% trong số 110,000 quân nhân trừ bị mà bộ này có kế hoạch huấn luyện vào năm 2022, trước khi có thể đưa ra các quyết định khác về việc có mở rộng chương trình này hay không.
Đài Loan đang dần chuyển đổi từ quân đội nghĩa vụ sang thành một lực lượng chuyên nghiệp do tình nguyện viên chiếm ưu thế, nhưng theo Reuters đưa tin vào năm ngoái, việc chuyển đổi này rất rắc rối, và đã dẫn đến việc cắt giảm 2.31 triệu quân nhân trong lực lượng trừ bị, một số người trong số họ phàn nàn rằng đã lãng phí thời gian vào các bài tập và bài giảng vô nghĩa trong quá trình tái huấn luyện.
Trung Quốc nói rằng nên đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Phía Đài Loan nói rằng họ là một quốc gia độc lập và sẽ bảo vệ các quyền tự do và dân chủ của mình, đồng thời nói rằng Trung Quốc phải chịu trách về tình hình căng thẳng.
Chùa Hoa Thịnh ở Trung Quốc tổ chức cho các nhà sư xem phim tuyên truyền ‘Hồ Trường Tân’
Ngọc Mai
Tài khoản công khai WeChat của chùa Hoa Thịnh ở Thiên Tân, Trung Quốc gần đây đã đăng tải rằng, năm 2021 là kỷ niệm 71 năm “cuộc chiến tranh kháng Mỹ viện Triều”. Vào ngày 29/10, ngôi chùa này đã tổ chức cho các nhà sư xem bộ phim tuyên truyền “Hồ Trường Tân”.
Website chính thức của chùa Hoa Thịnh thông báo rằng, có khoảng 20 nhà sư đeo khẩu trang xem “Hồ Trường Tân”. Ngoài việc tổ chức xem “Hồ Trường Tân”, ngôi chùa này còn tổ chức lễ hạ cờ vào ngày 1/10 năm nay.
Bộ phim “Hồ Trường Tân” có bối cảnh là Trận chiến ở hồ Trường Tân, được phát hành vào đêm trước ngày 1/10. Nó được coi như một bộ phim nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, báo chí Mỹ gọi “Hồ Trường Tân” là “phim tuyên truyền của Trung Quốc” vì mô tả cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ theo cách Mỹ là quân xâm lược.
Trong nhiều thập kỷ, ĐCSTQ luôn tuyên truyền rằng, chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến tranh “Kháng Mỹ viện Triều”.
Tuy nhiên, các dữ liệu lịch sử được công bố công khai cho thấy, vào năm 1950, khi cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành tiến hành cuộc xâm lược đối với Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên đã vượt qua vĩ tuyến 38. Để đối phó với hành động gây hấn của Triều Tiên, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết thành lập quân đội Liên hợp quốc với quân đội Hoa Kỳ làm lực lượng chính và sự tham gia của quân đội 16 quốc gia khác, nhằm giúp quân đội Hàn Quốc phản công.
Khi quân đội Bắc Triều Tiên đang đứng trước bờ vực bị tiêu diệt, thì vào tháng 10/1950, ĐCSTQ đã bí mật đưa quân đến Bắc Triều Tiên.
Từ ngày 27/11 đến ngày 13/12/1950, khoảng 120.000 quân ĐCSTQ đã bao vây lực lượng Hoa Kỳ ở Hồ Trường Tân trong nỗ lực tiêu diệt lực lượng Hoa Kỳ. Trận hồ Trường Tân kéo dài 17 ngày trong khí hậu lạnh giá khắc nghiệt.
Cuối cùng, lực lượng Hoa Kỳ đã rút lui thành công. Quân đội ĐCSTQ đã phải trả giá đắt. Những người lính của ĐCSTQ phục kích trong môi trường âm 40 độ C, vì thiếu vật tư hậu cần và quần áo mùa đông, một số người này đã bị chết cóng.
Cuốn “Trận chiến khai quốc đầu tiên” của Nhà xuất bản Lịch sử Trung ương Đảng ghi lại rằng “Quân đoàn số 10 có 19.202 người thương vong trong lúc chiến đấu, 28.954 người bị tổn thương vì giá rét, hơn 1.000 người chết vì tê cóng, hơn 3.000 người chết vì vô phương cứu chữa sau khi bị tổn thương vì giá rét, tổng số người chết là 48.156 người”. Tuy nhiên, ngoại giới ước tính tổng số người thiệt mạng phải là từ 40.000 đến 80.000 người.
Bình luận viên Lưu Thanh của Đài Á Châu Tự Do cho rằng, chính sự nôn nóng và coi thường sinh mệnh của ĐCSTQ khi vào chiến trường đã gây ra thảm cảnh toàn bộ đại đội binh lính bị đông cứng thành những thây ma băng.
Nổ lớn ở bệnh viện quân y Afghanistan, rung chuyển Kabul, hơn 25 người thiệt mạng
Thanh Hải
Một vụ nổ lớn đã xảy ra ở bệnh viện quân y Afghanistan, làm rung chuyển thủ đô Kabul, khiến hơn hàng chục người chết và bị thương.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Taliban cho biết đã có ít nhất 25 người thiệt mạng và 50 người bị thương sau các vụ nổ.
Quan chức này lưu ý bệnh viện bị một nhóm tay súng tấn công và sau đó 1 kẻ đánh bom liều chết kích hoạt chất nổ trên người ở lối vào và tất cả những kẻ tấn công đều đã chết.
Dù chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, hãng tin địa phương Bakhtar dẫn lời các nhân chứng cho hay một số tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xông vào bệnh viện và đụng độ với lực lượng an ninh.
Đài Al Jazeera dẫn lời một nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện kể lại anh nghe tiếng nổ súng trong vài phút, tiếp theo đó là một tiếng nổ lớn. Khoảng 10 phút sau, một vụ nổ khác lớn hơn xảy ra.
Bệnh viện quân y Afghanistan đã từng bị tấn công vào năm 2017. Khi đó các tay súng cải trang thành nhân viên y tế, làm ít nhất 30 người thiệt mạng.
Khoảng 9.000 công nhân viên chức thành phố New York nghỉ không lương vì không tiêm vaccine COVID-19
Ngọc Mai
Thị trưởng Thành phố New York Bill de Blasio thông báo rằng, khoảng 9.000 người lao động ở thành phố đã bị cho nghỉ không lương vì không tuân thủ quy định về tiêm chủng.
Tờ AP đưa tin, Ông Blasio nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày, khoảng 9 trên 10 người lao động của thành phố đã tiêm vắc-xin và các dịch vụ của thành phố không bị gián đoạn do thiếu nhân sự. New York có hơn 300.000 nhân viên thành phố. Thị trưởng cho biết, các trạm cứu hỏa vẫn mở cửa và các nhân viên vệ sinh đã tăng ca vào Chủ nhật để đảm bảo rác không bị chất đống.
Ông Blasio nói “Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã tiêm phòng. Cảm ơn vì đã tiêm phòng. Cảm ơn bạn đã làm điều đúng đắn. Cảm ơn các bạn đã đưa chúng ta tiến về phía trước”.
Việc hàng nghìn người lao động phải nghỉ việc không lương diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo liên minh an toàn công cộng lo ngại rằng, lệnh bắt buộc tiêm chủng có thể làm giảm nhân viên của lực lượng thực thi pháp luật và cứu hỏa của Thành phố New York.
Tuần trước, Chủ tịch Hiệp hội Lính cứu hỏa thành phố New York cho rằng, luật bắt buộc tiêm vắc-xin của thành phố có thể làm giảm số nhân viên, từ đó làm chậm thời gian phản ứng của lính cứu hỏa và có thể phải trả giá bằng mạng sống của những nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn.
Breitbart đưa tin, Ansbro, Chủ tịch Hiệp hội Lính cứu hỏa thành phố New York, đã cảnh báo rằng 40% các trạm cứu hỏa có thể phải đóng cửa do lệnh tiêm chủng bắt buộc.
Nga: Phát hiện lượng lớn gỗ bị buôn lậu sang Trung Quốc
Ngọc Mai
Theo báo cáo của tờ Kommersant của Nga ngày 1/11, Hải quan Nga, Cơ quan An ninh Liên bang Nga và Văn phòng Công tố đã cùng phối hợp phá được một nhóm tội phạm xuất khẩu trái phép vật liệu gỗ của Nga sang Trung Quốc.
Cơ quan hải quan xác định, từ năm 2018 đến năm 2021, nhóm tội phạm này đã xuất khẩu gỗ bất hợp pháp cho 16 công ty Trung Quốc theo 25 hợp đồng kinh tế liên quan đến nước ngoài. Việc xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ được thực hiện thông qua các trạm kiểm soát hải quan ở các vùng Om, Tomsk, Irkutsk, v.v của Nga. Trong khoảng thời gian này, băng nhóm tội phạm đã vận chuyển hơn 45.000 mét khối gỗ, trị giá hơn 2,5 tỷ rúp. Theo khảo sát, gỗ được khai thác ở vùng Krasnoyarsk và Irkutsk của Nga.
Sĩ quan hải quan Siberia Alexei Yakovlev cho biết: “Để buôn lậu gỗ từ thị trường nội địa sang Trung Quốc, các nhóm tội phạm đã giả mạo các tài liệu khai thác và buôn bán gỗ, đồng thời đưa những thông tin tình báo không đáng tin cậy vào hệ thống [thương mại] gỗ Lesegais của Nga”.
Theo báo cáo, kẻ lập kế hoạch của nhóm tội phạm này đã bị giam giữ tại thành phố Kansk thuộc Lãnh thổ Krasnoyarsk, Nga. Người này đã nhận tội và đang bị điều tra hình sự cùng trợ lý của anh ta.
The Epochtimes, đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc lượng lớn gỗ của Nga bị buôn lậu sang Trung Quốc bị triệt phá gần đây. Theo số liệu liên quan, chỉ trong năm 2019, 100.000 m3 gỗ ở vùng Zabaikalsk của Nga đã bị khai thác trái phép và buôn lậu từ khu vực địa phương sang Trung Quốc.
Truyền thông Nga dẫn số liệu từ Hải quan Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu gỗ của Nga sang Trung Quốc đã tăng 31% trong năm nay. Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu gỗ của Nga với giá trị 481 triệu đô-la Mỹ.
Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu điều tra kỹ lưỡng về việc phá rừng bất hợp pháp và đưa gỗ sang Trung Quốc.
Theo báo cáo ngày 30/10 của mạng radio Business News FM của Nga, ông Putin đã gặp Yuri Chikhanchin, Giám đốc Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Nga vào cùng ngày. Trong cuộc họp, Tổng thống Putin đã ra lệnh rằng ông phải “xua đuổi những kẻ gian lận về lâm nghiệp và ngư nghiệp”.
Ông Yuri cho biết, ông đồng ý rằng ở giai đoạn hiện tại, hai lĩnh vực này là những ngành có “tội phạm tràn lan”.
Những người trong ngành lâm nghiệp do mạng radio Business News FM phỏng vấn nói rằng “vấn đề lâm nghiệp” mà ông Putin đề cập chủ yếu là về lượng lớn gỗ khai thác trái phép ở Viễn Đông, sau đó được chuyển bất hợp pháp sang Trung Quốc.
Mặc dù các quan chức Nga đã đưa ra các biện pháp liên quan để cố gắng hạn chế làn sóng buôn lậu gỗ sang Trung Quốc, nhưng các biện pháp này gần như “muối bỏ biển” khi đối mặt với lợi nhuận do nhu cầu gỗ quá cao ở Trung Quốc. Các vụ buôn lậu gỗ bị bắt giữ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.