Andrew Thornebrooke
Trung Quốc đang trên đà có 700 hỏa tiễn nguyên tử có thể dùng để tấn công vào năm 2027 và có thể có tới 1,000 hỏa tiễn vào năm 2030, theo một báo cáo mới của Ngũ Giác Đài.
Báo cáo viết, “Trong thập niên tới, CHND Trung Hoa hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, đa dạng hóa, và mở rộng lực lượng nguyên tử của mình.”
“CHND Trung Hoa đang đầu tư, và mở rộng số lượng bệ phóng nguyên tử trên bộ, trên biển, và trên không cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ cuộc mở rộng quy mô lớn của lực lượng nguyên tử này.”
Các đại diện của Bộ Quốc phòng đã trình bày báo cáo hàng năm nói trên, thường được gọi là Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc, cho Quốc hội hôm 03/11.
Báo cáo khái quát chiến lược của Bắc Kinh nhằm đạt được “sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa” vào năm 2049 – kỷ niệm 100 năm cai trị của chế độ cộng sản ở Trung Quốc – và vai trò của vũ khí nguyên tử trong chiến lược đó.
Kho dự trữ ngày càng tăng
Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020 đánh giá rằng Trung Quốc có tổng cộng khoảng 200 vũ khí nguyên tử và nước này có khả năng tăng gấp đôi con số đó trong thập niên tới.
Báo cáo mới đã nâng ước tính đó lên mức tăng dự kiến gấp 5 lần vào năm 2030 và nêu rõ rằng Trung Quốc sẽ có ít nhất 200 hỏa tiễn nguyên tử trên đất liền có khả năng tấn công Hoa Kỳ trong vòng 5 năm.
Báo cáo đã dẫn chứng các lý do cho sự gia tăng trong ước tính này, bao gồm các khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng năng lượng nguyên tử, nỗ lực tăng gấp đôi số bệ phóng trong một số đơn vị hỏa tiễn, và việc phát hiện ra một số địa điểm mà Hoa Kỳ nghi ngờ là nơi có các hầm chứa hỏa tiễn nguyên tử.
Báo cáo viết, “Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng ít nhất ba khu hầm chứa ICBM [hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa] nhiên liệu rắn, mà sẽ chứa tổng cộng hàng trăm hầm chứa ICBM mới.”
Báo cáo cũng cho biết rằng các nỗ lực năng lượng nguyên tử mới của Trung Quốc có thể hoạt động chéo như một phương tiện phát triển thêm plutonium cần thiết cho việc chế tạo vũ khí nguyên tử mong muốn.
“Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ sự mở rộng của lực lượng này, bao gồm tăng năng lực sản xuất và phân tách plutonium bằng cách xây dựng các lò phản ứng nhanh (fast breeder reactor) và các cơ sở tái chế,” báo cáo viết. “Mặc dù điều này phù hợp với mục tiêu của CHND Trung Hoa là kết thúc chu trình nhiên liệu nguyên tử, nhưng CHND Trung Hoa có thể có ý đồ sử dụng một số cơ sở hạ tầng này để sản xuất plutonium cho chương trình vũ khí nguyên tử đang mở rộng của mình.”
Thúc đẩy công nghệ nguyên tử
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ mở rộng năng lực nguyên tử. Họ cũng phát triển năng lực của mình thông qua hiện đại hóa quân đội, phát triển các công nghệ đột phá như hỏa tiễn hành trình siêu thanh, theo báo cáo.
Báo cáo cho biết, “Trung Quốc có thể dự định phát triển các đầu đạn nguyên tử và bệ phóng mới tối thiểu ngang bằng về tính hiệu quả, độ đáng tin, và/hoặc tuổi thọ của một số đầu đạn và bệ phóng hiện đang được Hoa Kỳ và/hoặc Nga phát triển.”
Sự phát triển này đang diễn ra trên “bộ ba nguyên tử” gồm năng lực nguyên tử trên biển, trên đất liền, và trên không. Bộ ba này bao gồm các ICBM mới, tàu ngầm tấn công nguyên tử, oanh tạc cơ chiến lược tàng hình, phương tiện lướt siêu thanh, và hỏa tiễn hành trình.
Báo cáo cho biết, “Trung Quốc đang phát triển các hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới sẽ cải thiện đáng kể các lực lượng hỏa tiễn có năng lực nguyên tử và sẽ cần tăng cường sản xuất đầu đạn nguyên tử, một phần do việc tích hợp các khả năng của phương tiện tiêu diệt đa mục tiêu (MIRV).”
MIRV là một loại hỏa tiễn chở đầu đạn bao gồm nhiều đầu đạn được phóng từ một hỏa tiễn duy nhất, mỗi đầu đạn có thể nhắm vào mục tiêu độc lập của riêng nó sau khi tách khỏi hỏa tiễn đã đưa nó lên quỹ đạo.
Nhìn chung, báo cáo cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao năng lực nguyên tử của mình trong thập niên tới khi nước này tìm cách tích hợp các năng lực nguyên tử, không gian, và không gian mạng của mình thành một lực lượng tổng hợp.
Một tâm thái phát triển
Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “không dẫn đầu sử dụng”, bất chấp việc nước này liên tục tích trữ vũ khí nguyên tử. Chính sách này nêu rõ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ là nước đầu tiên sử dụng vũ khí nguyên tử trong một cuộc xung đột, cũng như sẽ không sử dụng hay đe dọa sử dụng loại vũ khí này để chống lại các quốc gia phi nguyên tử.
Do đó, các chính sách nguyên tử của Trung Quốc ưu tiên khả năng tồn tại các lực lượng của họ sau một cuộc tấn công nguyên tử ban đầu từ kẻ địch.
Báo cáo viết, “Chính sách vũ khí nguyên tử của CHND Trung Hoa hiện ưu tiên duy trì một lực lượng nguyên tử có thể tồn tại được sau một cuộc tấn công ban đầu và đáp trả với đủ sức mạnh để tiến hành nhiều đợt phản công, răn đe kẻ địch với mối đe dọa thiệt hại không thể chấp nhận được đối với khả năng quân sự, dân số, và nền kinh tế của họ.”
Nhưng sự ủng hộ đối với quan điểm đó có thể đang thay đổi trong quân đội của chính quyền Trung Cộng, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Báo cáo có lưu ý rằng một số sĩ quan PLA trước đó đã thảo luận về việc dẫn đầu sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp sự tồn vong của lực lượng nguyên tử PLA hoặc chính Đảng Cộng sản Trung Quốc bị đe dọa.
Báo cáo cũng lưu ý rằng PLA đang thực hiện cái gọi là tâm thái phóng khi có cảnh báo (launch on warning).
Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang đặt một số đơn vị nguyên tử của họ trong tình trạng báo động, vì vậy nếu họ nhận được cảnh báo rằng một vũ khí nguyên tử đã được phóng chống lại họ, họ sẽ ngay lập tức trả đũa bằng lực lượng nguyên tử của mình mà không cần đợi xác minh rằng cuộc tấn công có thực hay không bằng cách chờ một vụ nổ.
Các đơn vị nguyên tử của Hoa Kỳ và Nga duy trì tâm thái tương tự.
Báo cáo cũng nói rằng những người lập kế hoạch cho PLA có thể sẽ tìm cách tránh loạt tấn công qua lại bằng vũ khí nguyên tử kéo dài đối với một đối thủ vượt trội, mặc dù các tài liệu của PLA từ năm 2012 đã nghiên cứu tác động của thứ gọi là vũ khí nguyên tử “hiệu quả thấp” có thể được sử dụng theo một cách thức chính xác hơn.
Báo cáo viết, “Các cuộc thảo luận như vậy cung cấp cơ sở học thuyết cho việc sử dụng vũ khí nguyên tử trên chiến trường một cách hạn chế, cho thấy các nhà hoạch định chính sách nguyên tử của Trung Quốc có thể đang xem xét lại quan điểm lâu nay của họ rằng chiến tranh nguyên tử là không thể kiểm soát.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Minh Ngọc biên dịch