Xung đột Trung – Ấn, kẻ gặp nguy khốn thực sự là ai?

Nguyên Vũ

Xung đột Trung – Ấn, kẻ gặp nguy khốn thực sự là ai? (Ảnh: tổng hợp)

Bất cứ quốc gia nào cũng có những khu vực nhạy cảm nhất của riêng họ và trong quan hệ quốc tế, người ta tránh động đến những điểm nhạy cảm này trừ khi có dụng tâm riêng. Các quốc gia ngày nay đã nhận thấy dã tâm không che giấu của Trung Quốc, tất nhiên Ấn Độ càng hiểu rõ điều này và họ cũng không thể ngồi yên. 

Hy Mã Lạp Sơn không còn yên tĩnh

Tiếng động cơ Chinook ầm ầm như bão, khuấy động không gian im ắng của vùng núi Hy Mã Lạp Sơn. 

Trên những con đèo mênh mông trắng xóa, những chiếc trực thăng đồ sộ này liên tục lên xuống các khu bãi đáp, từ đuôi của chúng đổ ra ùn ùn những khí tài quân sự tối tân từ súng trường đến pháo hạng nhẹ, tên lửa hành trình siêu thanh, hệ thống trinh sát hiện đại cùng các vật tư hậu cần… hầu hết là hàng của Mỹ sản xuất. Những chiếc khác nhả ra cơ man nào những người lính nước da ngăm ngăm trong quân phục trắng, họ nhanh chóng xếp thành đội ngũ để di chuyển đến khu doanh trại hiện đại màu xanh lá ở ngay gần đó. Gió núi như dao cắt mặt, hơi thở mù mịt hòa lẫn hơi sương.

Đó là cuộc đổ quân của Ấn Độ tại phần biên giới tranh chấp ở cao nguyên Tawang sau thất bại của cuộc đàm phán quân sự cấp cao vào ngày 10/10/2021, và nhất là sau khi Bắc Kinh ra “Luật Bảo vệ và Quản lý Biên giới Đất liền” vào ngày 23/10/2021 khiến Ấn Độ nhấp nhổm không yên.

Hiện tại, lực lượng chế tài của Bắc Kinh ở đây là khoảng 50.000 binh sĩ. Chưa hết, sau cuộc tranh chấp biên giới Trung – Ấn vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng hàng chục cơ sở chống chịu thời tiết quy mô lớn dọc theo Đường kiểm soát Ấn Độ – Trung Quốc (LAC), xây một sân bay trực thăng mới, một căn cứ tên lửa đất đối không mới, đồng thời mở rộng đường băng.

Không khí chiến tranh nóng rẫy dường như bất chấp cái lạnh cắt thịt của băng tuyết Hy Mã Lạp Sơn. Có phải từ dư âm của cuộc đụng độ đẫm máu năm trước, hay là bóng ma cuộc chiến biên giới năm 1962 lại hiện về? Nhiều người lo ngại liệu xung đột biên giới có leo thang thành cuộc chiến toàn diện?

Không khí chiến tranh nóng rẫy dường như bất chấp cái lạnh cắt thịt của băng tuyết Hy Mã Lạp Sơn. (Ảnh: Luca Galuzzi/CC BY-SA 3.0)

Cuộc chiến Biên giới Trung – Ấn năm 1962

Trung Quốc – Ấn Độ chung nhau đường biên giới dài trên 3500km, cho đến lúc này vẫn chưa chính thức xác định sau những lần đàm phán biên giới thất bại. Trở lại năm 1947, thời điểm Ấn Độ được trao trả độc lập từ Đế quốc Anh, họ cũng tiếp nhận luôn đường biên giới Trung – Ấn hiện nay là kết quả đàm phán của người Anh với Tây Tạng. Lúc đó Tây Tạng mới là quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc. Đường biên giới này gọi là phân tuyến Mc Mahon. 

Tuy nhiên, sau khi cướp được chính quyền trên đất đại lục năm 1949, rồi cưỡng chiếm Tây Tạng năm 1950, Trung Quốc không công nhận đường biên giới này do phủ nhận tư cách độc lập để đàm phán của Tây Tạng. Sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc với người Tạng dẫn đến cuộc khởi nghĩa và rồi lưu vong của chính phủ Tây Tạng do Ngài Đạt Lai Lạt Ma đứng đầu vào năm 1959. Ấn Độ đã cấp cho họ quy chế tị nạn. Một Tây Tạng được Ấn Độ che chở khiến Trung Quốc cực kỳ lo lắng. Vốn dĩ Tây Tạng về mặt văn hóa, tín ngưỡng đã gần Ấn Độ hơn là với Trung Quốc.

Đã chiếm được Tây Tạng, Trung Quốc cũng muốn chiếm luôn cả một tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ mà Trung Quốc thường gọi là Zangnan (Tạng Nam). Trung Quốc còn đứng sau lưng Pakistan – mối lo lắng lớn nhất của Ấn Độ – để gây nên tranh chấp trên vùng Kashmir. Và điểm nóng nhất ở Kashmir chính là Aksai Chin – một vùng đất hoang vu khô cằn, rất ít dân cư nhưng ở vị trí chiến lược giữa ba nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Aksai Chin từng được sáp nhập vào Ấn Độ nhờ vương quốc Anh.

Cũng chính ở vùng Kashmir này, Trung Quốc muốn xây dựng một con đường nối đến Tân Cương.

Với tất cả những mâu thuẫn ấy, sự việc Ấn Độ thiết lập một số tiền đồn nằm ở phía bắc tuyến McMahon, thuộc phần lãnh thổ Trung Quốc tuyên bố sở hữu, đã trở thành lý do để Trung Quốc phát động cuộc chiến biên giới năm 1962. 

Trung Quốc lựa chọn đúng thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cu Ba để phát động chiến tranh khiến Mỹ và Liên Xô không thể rảnh tay để can thiệp giúp Ấn Độ. Cuộc chiến diễn ra trong một tháng, Ấn Độ thua trận do thiếu chuẩn bị, 2.128 người Ấn đã chết, từ 1.047-1697 người bị thương.

Người Trung Quốc và người Ấn Độ lần đầu tiên cầm súng bắn vào nhau sau mấy nghìn năm hai nền văn minh lớn là láng giềng hòa hiếu. Trước khi xuất hiện triều đại đỏ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chưa từng có cục diện “tuốt kiếm giương cung” giữa đôi bên, chỉ có ánh quang diệm nhu hòa rực rỡ của văn hóa tín ngưỡng băng qua những rặng núi cao ngất chập trùng từ xứ Thiên Trúc vào Trung Thổ đại địa.

Người Trung Quốc và người Ấn Độ lần đầu tiên cầm súng bắn vào nhau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên nắm quyền. (Ảnh: KB Teo, “China-India Galwan Conflict: The Perils of Nationalism”, RSIS Commentary, 02/07/2020)

Đã từng có một láng giềng hòa hiếu chia sẻ ánh sáng văn minh

Từ thế kỷ thứ hai sau công nguyên, Phật giáo đã truyền từ Thiên Trúc – tên gọi Ấn Độ cổ đại – vào Trung Thổ, lúc này là thời nhà Hán. Nhờ công lao vun bồi của bao thế hệ tăng sĩ hai xứ mà dần dần Phật Giáo vùng Trung Nguyên lớn mạnh, trở thành một trong ba tôn giáo lớn nhất gồm có “Nho, Thích, Lão”; góp phần đặt định Văn hóa Thần truyền của Thần Châu hạo thổ. Ví như để sưu tầm các bản kinh của Phật Giáo, cao tăng Pháp Hiển đã đi bộ sang tận Thiên Trúc, ngài còn thăm nhiều địa điểm Phật giáo thiêng liêng ở Tân Cương, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka từ năm 399 đến năm 412.

Một thế kỷ sau, Bồ Đề Đạt Ma, tổ Thiền tông thứ 28 của Thiền tông xứ Thiên Trúc cưỡi lau vượt Trường Giang tiến nhập Trung Hoa đại địa, sau đó trùng chấn Thiếu Lâm, khai sáng Thiền môn, trở thành sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa.

Nổi tiếng nhất và cũng gian khó nhất phải kể đến chuyến hành hương đến đất Phật của cao tăng Huyền Trang vào năm 629 đời Đường. Chuyến đi này đã đem về cho Trung Hoa một số lượng đồ sộ những kinh Phật quý báu từ Ấn Độ, là cái tên khác của Thiên Trúc được Huyền Trang nhắc đến đầu tiên trong tác phẩm “Đại Đường Tây Vực Ký”. Huyền Trang là hóa thân của nhân vật Đường Tăng trong đại danh tác “Tây Du Ký” mà những gian lao của cuộc thỉnh kinh cũng là tương đương. Chính là:

Thánh tăng gắng sức lấy kinh
Ruổi rong mười bốn năm ròng trời Tây
Gian lao vất vả đêm ngày,
Trèo đèo lội suối đắng cay muôn phần.
Hoàn thành công quả vô vàn,
Ba nghìn viên mãn đủ vòng đại thiên.
Chân kinh về tới Đại Đường.
Từ nay mãi mãi lưu truyền cõi Đông
(Như Sơn, Mai Xuân Hải dịch thơ Tây Du Ký)

Đạo Phật từ Ấn Độ còn có một nhánh từ Bồ Tát Long Thọ qua con đường Afghanistan sang Tân Cương mà truyền vào Trung Nguyên vào thời Nhà Đường, nên gọi là Đường Mật. Một nhánh khác từ Ấn Độ truyền vào Tây Tạng, gọi là Tạng Mật. Đạo Phật từ Ấn Độ còn có một nhánh từ Bồ Tát Long Thọ qua con đường Afghanistan sang Tân Cương mà truyền vào Trung Nguyên vào thời Nhà Đường, nên gọi là Đường Mật. (Ảnh: Pixabay)

Văn hóa Hoa Hạ đã được hình thành như thế, vừa tự sản sinh vừa hấp thu những tinh hoa từ muôn phương đổ về rồi dần dần hợp dung lắng đọng mà thành bản sắc, quá trình tiếp thu Phật giáo từ Ấn Độ là một minh chứng. Chưa từng có một triều đại Trung Hoa nào rắp tâm chinh phục Ấn Độ, bởi vì khoảng cách xa xôi, hơn nữa lãnh thổ của hai bên vốn đã quá rộng lớn, nhiều chướng ngại địa hình, đặc biệt dãy Himalaya cao ngất làm thành một biên giới tự nhiên rất khó vượt qua. Nhưng ngày nay, công nghệ giúp thu hẹp khoảng cách, rút ngắn chiều cao và dã tâm của gã láng giềng hung hăng Trung cộng khiến cho những vùng đất mênh mông cũng trở nên chật chội.

Ấn Độ bất an trước một Trung Quốc bành trướng và can thiệp không ngừng 

Thực ra, không phải Trung Hoa, mối bận tâm lớn nhất của Ấn Độ suốt từ thời cổ kéo dài đến nay chính là vùng lãnh thổ nằm về phía Bắc và Tây Bắc của Ấn Độ, tương ứng với Pakistan và Afghanistan ngày nay. Đó tuyệt đối là do vai trò của địa dư gây nên những ân oán chằng chịt giữa người với người mà rốt cuộc phải soi chiếu lại từ trong lịch sử mấy nghìn năm của vùng đất này.

Khu vực này, cùng với miền Bắc Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô New Delhi, đã từng là vùng trung tâm của tiểu lục địa Ấn Độ xưa kia, nơi bao nhiêu đế chế đã đến rồi đi, nơi cực kỳ đa dạng về dân tộc, văn hóa, tín ngưỡng. Khác với phần phía Nam của Ấn Độ vốn đa số theo Ấn giáo, ở khu vực này người Hồi giáo chiếm ưu thế. Cuộc chia tách Pakistan ra khỏi Ấn Độ để trở thành một quốc gia riêng của người Hồi giáo vào năm 1947 vẫn không khiến chấm dứt những cuộc bạo động của người Hồi giáo trên đất Ấn Độ, thậm chí còn kích động một khu vực Hồi giáo khác nổi dậy ly khai mà ngày nay người ta gọi nó là Bangladesh. Giữa Pakistan và Ấn Độ đã xảy ra ba cuộc xung đột đẫm máu từ thập niên 40 đến thập niên 70 thế kỷ trước. Vậy nên khu vực từ Afghanistan đến Pakistan với một dải liên tục sắc dân Hồi giáo hiếu chiến tự do đi lại luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất với người Ấn Độ. Khi Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan để cho Taliban lộng hành và Trung Quốc thế chân, có thể thấy Ấn Độ đã bất an đến mức nào.

Không phải Ấn Độ không thể đè bẹp những thế lực này bằng chiến tranh chính quy, mà là e ngại những cuộc tấn công khủng bố bởi du kích quân, trong tình thế các quốc gia này đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Về phía Đông Bắc, vùng đệm Tây Tạng rộng bát ngát xưa kia phân cách Ấn Độ – Trung Hoa nay đã mất, Trung Quốc đã áp sát Ấn Độ với một biên giới dài, phức tạp, tuy khó tiếp cận do độ cao và khí hậu khắc nghiệt nhưng đối với những khí tài tối tân hiện nay, nó chẳng phải là chướng ngại không thể vượt qua. Hai vùng đệm nhỏ hơn là Nepal và Bhutan cũng nằm trong sức ép liên tục của Trung Quốc để lấn chiếm và đặt cứ điểm đe dọa an ninh của Ấn Độ.

Bất cứ quốc gia nào cũng có những khu vực nhạy cảm nhất của riêng họ và trong quan hệ quốc tế, người ta tránh động đến những điểm nhạy cảm này trừ khi có dụng tâm riêng. Các quốc gia ngày nay đã nhận thấy dã tâm không che giấu của Trung Quốc, tất nhiên Ấn Độ càng hiểu rõ điều này và họ cũng không thể ngồi yên.

Các quốc gia ngày nay đã nhận thấy dã tâm không che giấu của Trung Quốc, tất nhiên Ấn Độ càng hiểu rõ điều này và họ cũng không thể ngồi yên.. (Ảnh: AFP / Getty)

Cuộc chạy đua vũ trang Trung – Ấn và tương quan lực lượng đôi bên

Cuộc chiến năm 1962 ở vùng biên giới Ladakh khiến Ấn Độ thay đổi toàn diện về quân đội trước một Trung Quốc không còn hữu hảo như xưa. Bài viết này không có ý định liệt kê và so sánh các khí tài quân sự của đôi bên một cách nhàm chán, vì những yếu tố này có thể liên tục thay đổi. Nhưng điều Ấn Độ có thuận lợi đó là quân đội liên tục được cọ sát trong những cuộc xung đột hạn chế và cường độ thấp với Pakistan ở Kashmir; trong khi đó quân đội Trung Quốc lại được nghỉ ngơi lâu dài từ năm 1979. Thay thế cho kinh nghiệm thực chiến, tướng lĩnh Trung Quốc có kinh nghiệm leo cao trong quan trường và binh lính có kinh nghiệm “bảo thân an mệnh”, “giữ gìn sức khỏe”. 

Nói chung so với đối thủ, lục quân của Ấn Độ được đánh giá cao hơn về khả năng chiến đấu. Đặc biệt Ấn Độ sở hữu lực lượng biên phòng tinh nhuệ có tên SFF gồm khoảng 10.000 lính với thành phần được tuyển lựa từ chính hậu duệ của những người Tây Tạng chạy sang Ấn Độ vào năm 1959 và cả những chiến binh Gurkha nổi tiếng tinh nhuệ gốc Nepal. Những người này rất quen thuộc với việc chiến đấu trong môi trường có độ cao lớn. 

Tuy vậy, phía Ấn Độ có một bất lợi nếu xảy ra xung đột biên giới, đó là địa hình phía Ấn Độ gồ ghề và dốc hơn, tương đối khó tiếp cận hơn bên phía Trung Quốc.

Song, điều Ấn Độ lo ngại có lẽ không phải là vùng biên giới với Trung Quốc, mà chính là từ phía biên giới với Pakistan, nơi Trung Quốc có thể đứng sau những lực lượng thâm nhập quấy rối của Pakistan và Taliban.

Nhưng giả sử trên bộ có gặp chút khó khăn, thì Ấn Độ vẫn có thể lấy lại cả vốn lẫn lãi trên biển.

Ấn Độ không có một biển kín có thể giữ vai trò của một Địa Trung Hải, hay chuỗi đảo để có thể thu hút các thủy thủ giúp phát triển nghề biển, trong khi đất đai màu mỡ từ xưa đã mang lại sản vật dồi dào, nên cho tới tận gần đây, nó chủ yếu là một quốc gia lục địa được bao quanh bởi đại dương mở. Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ quân sự và sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế đột nhiên giúp cho Ấn Độ dễ dàng kiểm soát hơn không gian đại dương và thực hiện những dự án lớn lao về xây dựng hạm đội tàu hay thiết bị hàng hải. 

Nhưng chính tham vọng của Trung Quốc mới là động lực chủ yếu để Ấn Độ mở rộng chủ quyền của mình vào Ấn Độ Dương; tràn ngập nơi này, thậm chí có mặt từ Nam Phi đến Australia theo kiểu chủ thuyết Monroe; khả dĩ đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại những cảng thuộc các nước láng giềng của Ấn Độ như Kyaukpyu ở Miến Điện, Chittagong ở Bangladesh, Hambantota ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan. Trung Quốc đang cung cấp cho tất cả những nước này sự viện trợ đáng kể về kinh tế, quân sự và chính trị. 

Trung Quốc cũng có một hạm đội tàu buôn lớn và đang có tham vọng phát triển một lực lượng hải quân đủ mạnh để đảm bảo những lợi ích và bảo vệ các tuyến đường thương mại của mình đến Trung Đông nhiều dầu mỏ. 

Hãy thử tưởng tượng rằng Trung Quốc phát triển ồ ạt đội tàu, Ấn Độ cũng vậy. Nhưng trên hải phận Ấn Độ Dương, Trung Quốc là khách, Ấn Độ mới là chủ. Với một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc cần đảm bảo thông suốt về tuyến đường cung cấp năng lượng trên biển, như mạch máu phải chảy liên tục không lúc nào ngừng. Bất lợi là ở chỗ cho đến giờ huyết mạch năng lượng duy nhất này phải vượt qua một loạt những vòng vây từ chuỗi đảo thứ nhất – Đài Loan án ngữ, qua chuỗi đảo thứ hai – Nhật Bản nằm chờ, xuống đến Biển Đông luôn có lực lượng Mỹ và đồng minh, qua eo Malacca mới vào đến Ấn Độ Dương nơi Ấn Độ chờ sẵn, lấy sức nhàn thắng sức mỏi… thì Trung Quốc biết chọn lối nào đây? 

Đó là chưa tính đến sức mạnh liên minh “Bộ Tứ Kim Cương” sẽ hỗ trợ cho hải quân Ấn Độ trong tình huống xung đột với Trung Quốc có thể gây nên một sự cản trở tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc tiến lui một mình, chỉ nắm trong tay hai con bài: “Dọa” – vốn đã mất uy, và “Lợi” – giờ đã lộ mặt. Giả như chiến thắng trong xung đột biên giới với Ấn Độ cũng không mang lại ý nghĩa thực tế cho tình cảnh quốc gia lúc này, như nước xa không cứu được lửa gần.

Trung Quốc làm sao có thể không cân nhắc điều này?

Liệu có xảy ra chiến tranh Trung – Ấn leo thang từ xung đột biên giới

Trung Quốc hiện nay, xã hội rối ren, nội bộ đấu đá, e rằng tranh hùng phe phái cũng đủ kiệt tâm, xử lý khủng hoảng trong nước cũng cần tận lực, khó mà theo đuổi một cuộc chiến trường kỳ hao người tốn của với ngoại bang, với Đài Loan còn khó nghĩ, nói gì đến cường địch như Ấn Độ. Nhưng biểu dương lực lượng thì không thể không có, càng rối ren lại càng phải tỏ ra nguy hiểm, như đoàn chiến đấu cơ bay rợp trời Đài Loan trong mấy ngày đầu tháng 10 còn gắng gượng được, bay nữa ngân quỹ quốc gia cũng khó kham nổi; hoặc có thể rầm rộ chuyển quân lên biên giới, gây ra một vài xô xát, nhưng lỡ quá đà khiến chiến cuộc bùng nổ toàn diện và lâu dài thì lại là chuyện khác, động binh nào há phải chuyện đùa? Giữa lúc nhập nhằng trung gian lẫn lộn, khó biết tướng nào phe Tập, tướng nào phe Giang, tướng nào còn phải bàn, tướng nào yên tâm giao phó. Nhiều khi rắc rối với ngoại bang lại bắt nguồn từ cái ngáng chân nội bộ.

Chi bằng cứ để cho các “chiến lang” phía Bộ ngoại giao “đánh giặc miệng” có lẽ an toàn hơn, ít nhất thế cục này còn kéo dài đến khi Tập Cận Bình có thể bình định các sứ quân trong Đảng trước Hội nghị 20 năm 2022.

Đài Loan ở nơi tiền phương sóng lớn còn chưa hề hấn gì, thì Ấn Độ không cần e ngại, vì kẻ đáng phải lo sợ sụp toang nhất là Trung Quốc vẫn đang tỏ vẻ thượng phong kia mà.

Nguyên Vũ

Tài liệu tham khảo:

  1. “Lịch sử văn minh Ấn Độ” – Will Durant
  2. “Sự minh định của địa lý” – Robert D. Kaplan
  3. “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783” – Alfred Thayer Mahan
  4. “What is the Monroe Doctrine?”, The Economist, 12/02/2019
  5. “Đại Đường Tây Vực Ký” – Huyền Trang
  6. “Tây Du Ký” – Ngô Thừa Ân, dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải
  7. Wayback Machine

Related posts