Tin thế giới sáng thứ Bảy

Nhóm thượng nghị sĩ Cộng Hòa Mỹ đề xuất dự luật viện trợ quân sự 2 tỉ đô la hàng năm cho Đài Loan

Thùy Dương

Binh sĩ Đài Loan chuẩn bị tham gia cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang), tại Đài Nam, Đài Loan, ngày 14/09/2021. REUTERS – ANN WANG

Nhóm thượng nghị sĩ Cộng Hòa Mỹ ngày 04/11/2021 đề xuất dự luật viện trợ quân sự 2 tỉ đô la/năm cho Đài Loan, trong vòng 10 năm, đến năm 2032, để giúp Đài Bắc đối phó với Trung Quốc.

Dự luật nhấn mạnh : “Việc bảo vệ Đài Loan là rất quan trọng để duy trì sự tín nhiệm của Hoa Kỳ với tư cách là nước bảo vệ nền dân chủ và các giá trị và nguyên tắc thị trường tự do” mà người dân và chính phủ Đài Loan là hiện thân.Dự luật sẽ giúp các công ty Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan dễ dàng hơn, góp phần cải thiện trao đổi quân sự Mỹ – Đài, mở rộng giáo dục quân sự chuyên nghiệp và kỹ thuật cho quân nhân Đài Loan, tạo cơ hội cho họ được đào tạo tại Hoa Kỳ.

Việc tài trợ sẽ đi kèm với các điều kiện, bao gồm cả việc Đài Loan phải cam kết chi tiêu tương ứng với số tiền Hoa Kỳ tài trợ. Washington đang thúc giục Đài Bắc cải cách quốc phòng, tập trung vào các khả năng để lực lượng quân sự Đài Loan cơ động hơn, khó bị tấn công hơn. Đài Bắc cũng phải bảo đảm duy trì một lực lượng dự bị động viên. Dự luật sẽ yêu cầu đánh giá thường niên về những nỗ lực của Đài Bắc trong chiến lược phòng thủ trước Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, với dự luật này, nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa muốn gây thêm áp lực để tổng thống Mỹ Joe Biden có những hành động mạnh mẽ hơn và tăng cường quan hệ với Đài Loan. Hoa Kỳ hiện giờ là nhà cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo. Hiện chưa rõ đảng Dân Chủ phản ứng ra sao về dự luật, nhưng Đài Loan là một trong những chủ đề hiếm hoi được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Thượng Viện bên cạnh những hồ sơ gây chia rẽ nặng nề.

Bắc Kinh lập danh sách để trừng phạt những người ủng hộ Đài Loan độc lập

Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc hôm nay 05/11/2021 phát biểu Bắc Kinh sẽ khiến những ai ủng hộ nền độc lập của Đài Loan phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời. Quan chức này cho biết Trung Quốc đã lập danh sách những người “ngoan cố ủng hộ Đài Loan độc lập” và sẽ trừng phạt họ : không cho những người này vào Trung Hoa đại lục, đặc khu Hồng Kông và Ma Cao, cấm họ được hưởng tiền lợi nhuận từ Hoa lục.

Dược phẩm trị Covid-19: Liên Âu thúc đẩy đánh giá khẩn cấp Molnupiravir

Thu Hằng

Thuốc Molnupiravir của hãng Merck. © MERCK & CO,INC. / AFP

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang thúc đẩy quá trình đánh giá để cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir trị Covid-19 của công ty Mỹ Merck. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm dịch với tốc độ lây nhiễm “rất đáng quan ngại”, theo cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO / OMS).

Trong buổi họp báo ngày 04/11/2021, ông Marco Cavaleri, phụ trách về dược phẩm của EMA cho biết cơ quan này cũng “sẵn sàng cố vấn cho các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để có được loại thuốc uống kháng virus trong trường hợp khẩn cấp, trước khi thuốc được cấp phép”.

Pháp đã đặt mua 50.000 liều Molnupiravir ngay từ cuối tháng 10. Theo bộ trưởng Y Tế Olivier Veran, được AFP trích dẫn, số thuốc này « sẽ được giao cho Pháp vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, có nghĩa là ngay khi thuốc vừa được sản xuất ». Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đang nghiên cứu phê chuẩn thuốc Molnupiravir để sử dụng khẩn cấp. Ngày 04/11, Anh Quốc là nước đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng thuốc Molnupiravir, sau khi đánh giá thuốc « chắc chắn và hiệu quả » để ngăn bệnh chuyển thể nặng.

Thông tín viên RFI Claire Digiacomi tại Luân Đôn tường trình:

Đây là thuốc dạng viên dùng tại nhà, mỗi ngày hai lần, sớm nhất có thể, ngay khi phát hiện nhiễm Covid-19. Theo cơ quan Dược phẩm Anh, thuốc giúp giảm khả năng virus nhân bản nhờ đó mà giảm được nguy cơ bệnh chuyển nặng. Một nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy rằng thuốc giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện.

Trong một đoạn video, bộ trưởng Y Tế Anh Sajid Javid hoan nghênh quyết định đầu tiên trên thế giới : « Tôi rất mừng khẳng định với các bạn rằng chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc Molnupiravir chống Covid-19 có thể dùng tại nhà ». Chính phủ không nêu chính xác khi nào thuốc Molnupiravir sẽ đến tay người bệnh, nhưng 480.000 liều đã được đặt mua.

Cùng với liều vac-xin thứ ba, loại thuốc trị Covid-19 này là một vũ khí khác, được chính phủ Anh gọi là « bức tường phòng thủ » chống virus corona. Thuốc được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt sức ép cho các bệnh viện và tránh phải tái lập các biện pháp hạn chế phòng dịch, vì với số ca nhiễm ngày càng gia tăng, thêm hơn 37.000 ca trong vòng 24 giờ qua, Anh Quốc chuẩn bị đối mặt với một mùa đông khó khăn”.

Liên Hiệp Quốc báo động nạn buôn phụ nữ Việt Nam sang Ả Rập Xê Út

Thùy Dương

Ảnh minh họa: Nạn nhân buôn người thường là thiếu nữ hoặc phụ nữ trẻ. Ảnh : AFP

Liên Hiệp Quốc ngày 03/11/2021 báo động về nạn phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam nghèo đói trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người sang Ả Rập Xê Út thông qua hình thức xuất khẩu lao động.

Tuyên bố của nhóm chuyên gia đăng trên website của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 04/11/2021 báo động: “Chúng tôi đang chứng kiến những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người trong số họ đã lâm cảnh dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề xã hội. Những kẻ buôn người hoạt động mà không bị trừng phạt”.

Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số thiếu nữ và phụ nữ bị chủ lao động lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn nhẫn khi đến Ả Rập Xê Út. Thường thì họ không được cung cấp thực phẩm, không được điều trị y tế, không được trả lương, hoặc chỉ được hưởng lương thấp hơn mức lương ghi trong hợp đồng.

Liên Hiệp Quốc báo động có một số công ty khai khống tuổi của trẻ em gái để đưa các em sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình, che giấu sự thật là các em vẫn còn nhỏ tuổi. Các chuyên gia nêu trường hợp một thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi bị ốm vì bị chủ đánh đập, không cho ăn uống và chữa bệnh. Nạn nhân được cho về nước, nhưng chưa kịp lên máy bay thì đã qua đời. Do giấy tờ của cô bị làm giả nên gia đình hiện vẫn chưa nhận được thi thể nạn nhân.

Liên Hiệp Quốc thúc giục chính quyền Việt Nam và Ả Rập Xê Út có thêm nhiều hành động để chống nạn buôn người và bảo vệ những người lao động Việt Nam, trên cơ sở các nguyên tắc về nhân quyền và bảo đảm thực thi trách nhiệm. Liên Hiệp Quốc khuyến nghị Ả Rập Xê Út có luật lao động bảo vệ người nước ngoài nhập cư làm lao động giúp việc gia đình, mở rộng cải cách luật lao động cho nhóm đối tượng này. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng thúc giục chính phủ hai nước tiến hành một cuộc điều tra công bằng và độc lập, thậm chí cả về những cáo buộc liên quan đến sự tiếp tay của các cơ quan công quyền.

Liên Hiệp Quốc cho biết thêm trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 03/09 đến 28/10/2021, có khoảng 205 phụ nữ Việt Nam, trong đó có nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người, đã được hồi hương. Các chuyên gia kêu gọi Việt Nam tăng cường hỗ trợ những người phụ nữ này, kể cả về pháp lý, chăm sóc y tế và tâm lý xã hội.

Liên Hiệp Quốc nhắc nhở Việt Nam và Ả Rập Xê Út về “các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong việc hợp tác chống nạn buôn người”, bao gồm cả trong điều tra tư pháp hình sự, có các biện pháp khắc phục hiệu quả tệ nạn này và hỗ trợ nạn nhân. 

Biển Đông: Việt Nam phản đối tầu cá Trung Quốc hoạt động ở cụm Sinh Tồn

Thu Hằng

Các tàu của Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2021. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD

Khoảng vài chục tầu cá Trung Quốc trở lại hoạt động ở đá Ba Đầu (Whitsun Reef), thuộc cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks), quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam khẳng định chủ quyền. Ngày 04/11/2021, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút hết tầu khỏi khu vực này và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Theo hình ảnh của Planet Labs, được trang Radio Free Asia trích ngày 03/11, vài chục tầu cá Trung Quốc hoạt động ở phía bắc cụm Sinh Tồn. Trước đó, Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI, trụ sở tại Washington) nhận thấy số tàu Trung Quốc đến khu vực này ngày càng tăng, khoảng 40 tầu vào tháng 8/2021 lên thành hơn 150 tầu vào tháng 10, theo hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10. Theo AMTI, dường như đó là những tầu dân quân biển Trung Quốc, vì không nhận thấy hoạt động đánh bắt.

Trả lời họp báo trực tuyến ngày 04/11, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tuyên bố: “Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS 1982 và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Một lần nữa, bà Phạm Thu Hằng khẳng định “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút hết số tầu này khỏi cụm Sinh Tồn.

Đá Ba Đầu nằm cách phía tây đảo Palawan của Philippines khoảng 175 hải lý và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Philippines không trả lời yêu cầu bình luận của trang Radio Free Asia. Vào tháng 03/2021, hơn 200 tầu cá Trung Quốc đã neo đậu gần đá Ba Đầu và chỉ rời đi vào tháng Năm.

Chuyên gia Trung Quốc tố cáo Mỹ gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz phối hợp hoạt động tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 09/02/2021. © DEIRDRE MARSAC/U.S. NAVY

Các hoạt động trên không và trên biển của Mỹ tại vùng Biển Đông tăng mạnh trong năm 2021. Điều này làm gia tăng các rủi ro xảy ra sự cố quân sự trong khu vực giữa hai siêu cường, do đó cần phải có một bộ quy tắc ứng xử khẩn cấp. Trên đây là những chỉ trích từ giới chuyên gia Trung Quốc được tờ South China Morning Post ngày 05/11/2021 tường thuật.

Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), chủ tịch Viện Nghiên Cứu Biển Đông, có trụ sở tại Bắc Kinh, trong năm 2021, Hoa Kỳ đã tiến hành hơn 500 chuyến bay trinh sát ở Biển Đông. Nhưng nếu gộp cả các hoạt động trinh thám ở Hoàng Hải và biển Hoa Đông, tổng số chuyến bay dọ thám đã vượt ngưỡng 2.000 vụ, tăng gấp đôi so với năm 2020 (khoảng 1.000 chuyến bay trinh sát).

Cùng với hoạt động trên không, cơ quan tham vấn của Bắc Kinh này còn chỉ trích Hoa Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự trên biển. Số hàng không mẫu hạm được điều đến tuần tra trên Biển Đông cũng tăng theo. Tổng cộng Hải quân Mỹ đã điều động tổng cộng 4 tổ hợp tầu tấn công sân bay trong năm 2021 : Carl Vinson, Theodore Roosevelt, Nimitz và Ronald Reagan.

Số lần hai chiếc tầu đổ bộ USS Makin Island và USS Essex đi qua Biển Đông trong năm 2021 là 11 lần. Không những Hoa Kỳ 14 lần cho triển khai máy bay ném bom B-52H và B-1B ở vùng biển có tranh chấp, mà còn điều đến 11 chiếc tầu ngầm đến Biển Đông, trong đó có chiếc USS Connecticut gần đây bị hư hại sau khi va phải một vật thể lạ dưới nước, khiến viên chỉ huy và hai sĩ quan khác bị cách chức.

Còn trên không, vào năm 2001, một máy bay Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, sau khi va chạm với một máy bay tiêm kích Trung Quốc. Viên phi công Trung Quốc thiệt mạng.

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, từ năm 2009, Hoa Kỳ không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông. Với nhịp độ này, nguy cơ xảy ra sự cố trên không và trên biển và dưới đáy biển sẽ gia tăng. Do vậy, Mỹ và Trung Quốc nên nhanh chóng thúc đẩy các cuộc thảo luận về quy tắc ứng xử để tránh xảy ra những va chạm ngoài ý muốn, liên quan đến tất cả các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh bao gồm cả tàu ngầm quy ước, tàu ngầm nguyên tử và các tàu ngầm tự hành. 

Related posts