Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Tuần hành vì khí hậu tại Glasgow và trên toàn thế giới

Thanh Phương

Ngày thế giới hành động vì biến đổi khí hậu ở Sydney, Úc, 06/11/2021. AFP – STEVEN SAPHORE

Sau lời kêu gọi có hành động trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu của  hàng ngàn người trẻ tại Glasgow, Scotland, nơi diễn ra hội nghị khí hậu COP26, hôm nay, 06/11/2021, các cuộc tuần hành vì khí hậu lại diễn ra tại thành phố này cũng như trên toàn thế giới, với sự tham gia của hàng chục ngàn người.

Theo hãng tin AFP, liên minh các tổ chức đã phát động phong trào này cho biết sẽ có hơn 200 cuộc tuần hành ở nhiều nơi, từ Sydney đến Paris, từ Luân Đôn, Nairobi đến Mexico. Họ xuống đường để đòi « công lý về khí hậu » và đòi các nước phải thi hành ngay các biện pháp cho những cộng đồng dân cư hiện đã bị tác động của biến đổi khí hậu.

Tại Glasgow, cảnh sát dự báo sẽ có đến 50.000 người tuần hành ở một nơi không xa trung tâm hội nghị, nơi diễn ra hội nghị COP26 từ một tuần qua. Riêng tại Sydney, người biểu tình đặc biệt lên án việc chính phủ của thủ tướng Scott Morrison vẫn bảo vệ ngành khai thác than đá, trong khi đây là nguồn năng lượng gây nhiều ô nhiễm nhất.

Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse tường trình:

“Phải có hành động kiên quyết để chống biến đổi khí hậu, đó là yêu cầu của những người biểu tình đã tuần hành ở trung tâm Sydney hôm nay. Trong số này có X, trong dịp này đã hóa trang thành một hòn than. Với bộ đồ hóa trang này, cô muốn lên án việc thủ tướng Úc và đảng của ông vẫn nhất quyết ủng hộ việc phát triển loại năng lượng hóa thạch này.

Cô nói: “Tất cả những gì họ nói hay làm đều là dối trá. Họ không nghĩ như họ nói, chỉ ra các khẩu hiệu chứ không có hành động thật sự. Họ làm việc không phải là cho lợi ích của nước Úc mà cho lợi ích của riêng họ.

Trong lần xuất hiện ngắn ngủi tại hội nghị COP26, thủ tướng Scott Morrison đã từ chối tham gia ký kết hai cam kết chủ yếu tại Glasgow : cắt giảm lượng phát thải khí méthane và dần dần từ bỏ điện than.

Một người biểu tình khác nói : « Chính phủ của chúng tôi là như thế, họ bị giới vận động hành lang cho khí đốt và than đá chi phối. Họ sẽ không có hành động đi ngược lại với lợi ích tài chính của họ.”

Úc là quốc gia xuất khẩu than đá nhiều nhất thế giới và cũng là quốc thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất tính theo đầu người trong nhóm G20. Mặt khác, kế hoạch tiến tới trung hòa carbon mà thủ tướng Scott Morrison trình bày trước khi rời khỏi Glasgow không dự trù chấm dứt việc khai thác than đá”.

CAC 40 – Chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Pháp – đạt mức tăng kỷ lục

Thùy Dương

CAC40, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Pháp. ERIC PIERMONT / AFP

Lần đầu tiên trong lịch sử, hôm qua 05/11/2021 thị trường chứng khoán Paris đã vượt ngưỡng 7.000 điểm. Đây là ngày thứ tư liên tiếp chỉ số CAC 40 (Cotation Assistée en Continu) – chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Pháp – được tính dựa trên trung bình giá trị của 40 công ty lớn nhất Pháp tại sàn Paris Bourse – đạt mức tăng kỷ lục khi đóng cửa phiên giao dịch (+0,76%).

AFP cho biết trong tuần qua, chỉ số chứng khoán CAC 40 của Pháp đã tăng 3,08%, nâng mức tăng tính từ ngày 01/01/2021 lên thành 26,83%. Riêng ngày hôm qua, chỉ số sàn chứng khoán Paris bắt đầu tăng tốc khi có thông báo về hiệu quả của viên thuốc trị Covid-19 của hãng Pfizer và sau đó là báo cáo về việc làm tại Mỹ.

Chuyên gia Frédéric Rolin, cố vấn đầu tư cho Pictet AM, giải thích với hãng tin Pháp AFP tuần này là “tuần lễ của những tin tốt lành đến từ nước Mỹ”, với “bài phát biểu ôn hòa” về lạm phát hôm thứ Tư 03/11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như “các số liệu khả quan về việc làm” được công bố hôm thứ Sáu 05/11. Tất cả đã góp phần trấn an các thị trường.

Điểm chứng khoán của tập đoàn máy bay Safran tăng 5,03% hãng Airbus tăng 4,50%, tập đoàn hàng không Air-France-KLM tăng 4,60% … Các trung tâm mua sắm và khách sạn, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nay cũng được hưởng lợi: Accor và Unibail-Rodamco-Westfield tăng lần lượt 5,97% và 5,10%. Lĩnh vực bất động sản tăng 12,78% trong tuần. Đây là mức tăng tốt nhất của chỉ số CAC.

Ngược lại, điểm chứng khoán của tập đoàn khổng lồ về cơ sở xét nghiệm của Pháp, Eurofins Scientific, vốn dĩ tăng trưởng mạnh nhờ bùng nổ xét nghiệm Covid-19, hôm qua đã giảm 3,65% so với tuần trước. Hãng dược Sanofi nổi tiếng của Pháp mất 1,37%.

Quốc Hội Pháp kéo dài thời hạn áp dụng chứng nhận y tế đến hết tháng 7/ 2022

Minh Anh

Hạ Viện Pháp trong cuộc bỏ phiếu ngày 05/11/2021, thông qua dự luật kéo dài thời hạn áp dụng chứng nhận y tế. AFP – CHRISTOPHE ARCHAMBAULT

Thời hạn áp dụng chứng nhận y tế được kéo dài đến 31/07/2022. Đây là kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Pháp ngày 05/11/2021. Phe đối lập tức thì cáo buộc chính phủ tìm cách gạt mọi chất vấn về chính sách phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn bầu cử tổng thống và Quốc Hội sắp tới.

Theo AFP, cuộc bỏ phiếu diễn ra trong một bầu không khí căng thẳng. Với 118 phiếu thuận, 89 chống và một vắng mặt, Hạ Viện Pháp, có thẩm quyền quyết định cuối cùng, đã thông qua dự luật « cảnh giác y tế ». Văn bản mà Hạ Viện thông qua đã bác những phản đối của Thượng Viện, do phe hữu chiếm đa số. Hôm thứ Năm, Thượng Viện Pháp đã bác bỏ văn bản này.

Ngay sau khi dự luật được thông qua, phe đối lập cả tả lẫn hữu lập tức lên tiếng tố cáo chính phủ tìm cách gạt chủ đề này ra khỏi các cuộc tranh luận trong hai kỳ bầu cử sắp tới là bầu cử tổng thống vào tháng Tư và bầu cử Quốc Hội vào tháng Sáu năm 2022. Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) mạnh mẽ cáo buộc chính phủ tổng thống Macron là « chuyên chế dịch tễ ».

Cũng theo AFP, trước khi dự luật được Quốc Hội thông qua, một kiến nghị bác bỏ dự luật, do đảng LFI đề xuất, tuy được nhiều nghị sĩ đối lập ủng hộ, nhưng chỉ nhận được có 71 phiếu thuận so với 112 phiếu chống.

Thủ tướng Pháp Jean Castex, đang đi thăm thành phố Montpellier (miền nam nước Pháp), cho rằng luật này sẽ cung cấp cho chính phủ « những vũ khí » để tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch trong những tháng sắp tới.

Ông cảnh báo nước Pháp cũng như là nhiều nơi khác vẫn “chưa thoát khỏi dịch bệnh”, do vậy, “bây giờ chưa phải là lúc để hạ cảnh giác” vào lúc Tổ chức Y tế Thế giới tỏ ra quan ngại sẽ có thêm 500 ngàn ca tử vong mới từ đây cho đến tháng 2/2022 ở châu Âu.

Lãnh đạo chính phủ Pháp cũng kêu gọi « tổng huy động tiêm ngừa » và cam kết “sớm” trả lời có hay không việc tiêm liều thứ ba sẽ được hiển thị trong giấy chứng nhận y tế, nhằm khuyến khích những người có tình trạng sức khỏe mong manh nhất nên tiêm chủng.

Vào tối thứ Ba, 09/11/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trên truyền hình về tình hình dịch tễ.

Trung Quốc thông báo biện pháp trừng phạt nhắm vào những người ủng hộ độc lập cho Đài Loan

Thùy Dương

Một phụ nữ vẫy cờ Đài Loan trong ngày Quốc Khánh Trung Hoa Dân Quốc ngày 10/10/2021. AP – Chiang Ying-ying

Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc ngày 05/11/2021 thông báo sẽ xử lý hình sự những người muốn độc lập cho Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thông báo công khai các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người ủng hộ Đài Loan độc lập. Bắc Kinh luôn coi hòn đảo là một tỉnh của Trung Quốc.

Những người có tên trong “danh sách đen” của Trung Quốc cũng như các công ty của họ, hay những tổ chức tài trợ cho họ, sẽ không được phép hợp tác hoặc nhận tiền từ các cá nhân và tổ chức tại Hoa lục.

Theo AFP, điều này sẽ gây khó khăn cho các chiến dịch tranh cử tại Đài Loan, bởi các chính trị gia Đài Loan phụ thuộc phần nào vào sự đóng góp tài chính của các doanh nghiệp Đài Loan mà đa phần thu lợi nhuận từ giao thương với Trung Quốc đại lục, nơi có hàng chục ngàn dân Đài Loan sinh sống và làm việc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde giải thích:

Kiên quyết” là từ ngữ mà Văn phòng sự vụ Đài Loan ở Bắc Kinh sử dụng. Hồi năm 2020, chế độ Bắc Kinh đã đề cập đến việc thiết lập một danh sách đen « những phần tử Đài Loan ly khai cứng rắn ».

Lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra những cái tên cụ thể, chẳng hạn thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang), chủ tịch Quốc Hội  Du Tích Khôn ( You Shi-kun ) và ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu), người vừa trở về sau chuyến công du châu Âu.

Những nhân vật nói trên và thân nhân của họ không còn được phép nhập cảnh vào Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc đại lục và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời vì « ủng hộ độc lập » cho Đài Loan.

Sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh diễn ra sau chính sách bị xem là “mơ hồ về chiến lược” của Washington đối với Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc cũng đang tìm cách phá vỡ cuộc phản công ngoại giao của Đài Bắc. Trong những tuần qua, Đài Bắc ngày càng có nhiều sự ủng hộ, nhất là từ các nghị sĩ châu Âu”.

Ngay sau thông báo của Văn phòng sự vụ Đài Loan ở Bắc Kinh, Hội đồng sự vụ đại lục của Đài Loan khẳng định quy định mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đơn phương đưa ra không hề có bất cứ hiệu lực với nhân dân Đài Loan.

Đức: Cái chết đáng ngờ của một nhà ngoại giao Nga tại Berlin

Thanh Phương

Tòa đại sứ Nga ở Berlin. AP – Markus Schreiber

Hôm 05/11/2021, cơ quan đại diện ngoại giao Nga và bộ Ngoại Giao Đức đều xác nhận thi hài của một nhà ngoại giao Nga đã được tìm thấy vào tháng trước đại sứ quán Nga ở Berlin. Trước đó, tuần báo Der Spiegel đã tiết lộ vụ này và cho biết là hoàn cảnh cũng như nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault gởi về bài tường trình:

“Vào sáng sớm ngày 19/10, cảnh sát Đức đặc trách bảo vệ đại sứ quán Nga ở Berlin đã phát hiện thi thể của một nhà ngoại giao trên lề đường. Mãi đến hôm qua, vụ này mới được tuần báo Der Spiegel tiết lộ. Các phản ứng chính thức rất là sơ sài : bộ Ngoại Giao Đức chỉ nhìn nhận có biết về cái chết này. Về phía bộ Ngoại Giao Nga, họ chỉ nói đến một « tai nạn bi thảm ».

Do quy chế ngoại giao của người quá cố, tại chức từ hơn 2 năm nay, phía Đức đã không thể mở điều tra. Thi thể của người đàn ông 35 tuổi đã được đưa về Nga.

Theo tuần báo Der Spiegel, nhà chức trách Đức nghi ngờ nhà ngoại giao này là một nhân viên cơ quan mật vụ Nga FSB, là con trai của một sĩ quan cao cấp của FSB đặc trách thủ tiêu các nhà báo và những người khác mà Matxcơva muốn trừ khử.

Các cơ quan tình báo phương Tây tình nghi đơn vị này có dính líu đến vụ sát hại một công dân Gruzia ngay giữa thủ đô Berlin cách đây 2 năm.

Trên mạng Telegram, Leonid Volkov, một người thân cận với nhà đối lập Nga Alexei Navalny, viết : « Cửa sổ của tòa nhà (đại sứ quán Nga) không đủ cao cho một vụ tự tử », ý muốn nói đây không phải là một tai nạn. Volkov cho rằng đây là một vụ việc nghiêm trọng.

Nikki Haley kêu gọi các chính trị gia cao tuổi phải vượt qua bài kiểm tra nhận thức

Cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm (4/11) rằng các chính trị gia lớn tuổi cần phải vượt qua bài kiểm tra nhận thức để chứng minh họ có khả năng nắm giữ chức vụ.

Bà Haley không phải là người đầu tiên đề xuất việc này. Trước đó, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy, một thành viên đảng Cộng hòa từ Louisiana, đã đưa ra lời kêu gọi tương tự vào năm 2020. 

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump từng khoe rằng ông đã vượt qua bài kiểm tra nhận thức với số điểm rất cao trong một cuộc phỏng vấn năm 2020, trước khi nói rằng ông muốn Joe Biden cũng thực hiện bài kiểm tra tương tự.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Christian Broadcasting Network, bà Haley đã được phóng viên David Brody hỏi về sức khỏe tâm thần của Tổng thống Biden, 78 tuổi và là người lớn tuổi nhất từng giữ chức Tổng tư lệnh.

Trả lời phóng viên, bà Haley cho biết không chỉ riêng ông Biden, mà bất cứ ai vượt quá một độ tuổi nhất định ứng cử vào một vị trí quyền lực nào đó, chẳng hạn như Hạ viện, Thượng viện, phó Tổng thống, Tổng thống… thì đều nên thực hiện một số loại kiểm tra nhận thức. 

“Chúng ta đang có rất nhiều người ở các vị trí lãnh đạo đã già. Và đó không phải là sự thiếu tôn trọng. Đó là sự thật,” bà Haley tiếp tục. “Điều này không nên mang tính đảng phái. Chúng ta nên nghiêm túc nhìn vào lứa tuổi của những người đang điều hành đất nước của chúng ta và hiểu liệu đó có phải là điều chúng ta muốn hay không.”

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc sau đó đưa ra một số ví dụ về việc ông Biden dường như không nhận thức đầy đủ về những gì đang xảy ra trong một số tình huống nhất định. 

Bà cho biết những trường hợp như vậy cho thấy ông Biden “không hoàn toàn làm chủ, và điều đó khiến mọi người lo lắng.”

Trước bà Haley, thượng nghị sĩ Cassidy, người cũng là một bác sĩ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 trên HBO rằng các chính trị gia Hoa Kỳ lão thành trong cả ba nhánh của chính phủ nên vượt qua các bài kiểm tra nhận thức.

Mặc dù không ám chỉ bất kỳ người nào, ông Cassidy cho biết theo thống kê, người ta nhận thấy có “sự suy giảm nhanh chóng hơn” khi đến tuổi 80.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, rất nhiều người chú ý đến độ tuổi của các ứng cử viên khi ông Biden 78 tuổi và ông Trump 75 tuổi. 

Cựu TT Trump đã thảo luận về việc thực hiện bài kiểm tra nhận thức này trong một cuộc phỏng vấn với Chris Wallace của Fox News vào tháng 7 năm 2020. Ông cho rằng nó không quá đơn giản và không tin rằng ông Biden sẽ vượt qua.

Bài kiểm tra ông Trump đã thực hiện là Đánh giá Nhận thức Montreal. Nó được tạo ra bởi nhà thần kinh học Ziad Nasreddine vào năm 1996 để kiểm tra các dấu hiệu của chứng mất trí, bệnh Alzheimer hoặc các bệnh khác.

Trong khi đó, ông Biden đã bác bỏ câu hỏi về việc thực hiện bài kiểm tra nhận thức. Ông nói trong một cuộc họp báo rằng “Tôi đã được kiểm tra và tôi liên tục được kiểm tra. Nhìn này, tất cả những gì bạn phải làm là theo dõi tôi và tôi khó có thể chờ đợi để so sánh khả năng nhận thức của tôi với khả năng nhận thức của người đàn ông mà tôi đang chống lại.”

Tháng 6 vừa qua, Ronny Jackson, cựu bác sĩ Nhà Trắng của Trump và hiện là dân biểu đến từ Texas, không đồng ý với cách tự đánh giá của ông Biden. Ông đã gửi một lá thư cho Tổng thống và cố vấn y tế chính của ông Biden, Anthony Fauci, yêu cầu Tổng thống phải trải qua một bài kiểm tra nhận thức. Bức thư đã được đồng ký bởi 13 nhà lập pháp đảng Cộng hòa khác.

Joe Manchin: Mỹ đã chi cho COVID-19 nhiều hơn chi cho Chiến tranh Thế giới 2

Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Đảng Dân chủ, bang Tây Virginia) đã giải thích sự lưỡng lự của ông khi bỏ phiếu cho việc chi tiêu nhiều hơn trong kế hoạch “Xây dựng lại Tốt đẹp hơn” (Build Back Better) của Tổng thống Biden, nói rằng Mỹ đã chi vào đại dịch COVID-19 nhiều hơn là chi trong Chiến tranh Thế giới II, tính theo giá trị đồng đôla ngày nay.

“Chúng ta đã chi 1,9 nghìn tỷ đôla,TNS Manchin nói với MSNBC. “Hãy để tôi giải thích, đã có hơn 5,5 tỷ đôla chi ra kể từ tháng Ba năm ngoái. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã làm việc suốt năm qua. Đúng không? Các bạn có biết là Chiến tranh Thế giới thứ hai và Kế hoạch Marshall tái thiết lại châu Âu chỉ tốn 4.7 nghìn tỷ [tính theo] đồng đôla ngày nay.”

Theo đồng đôla được điều chỉnh do lạm phát, Mỹ đã chi khoảng 4,1 nghìn tỷ đôla cho Chiến tranh Thế giới thứ hai và 114 tỷ đôla cho Kế hoạch Marshall để xây dựng lại châu Âu sau cuộc chiến tranh đó.

“Tôi không biết vì sao điều này cần phải làm ngay bây giờ,” Thượng nghị sĩ nói về việc thông qua kế hoạch chi tiêu đồ sộ của ông Biden. “Tôi không có ý tưởng nào, không biết cần làm gì vào lúc này.”

TNS Manchin và TNS Kyrsten Sinema (Đảng Dân chủ, bang Arizona) đã bày tỏ sự phản đối của họ đối với chương trình nghị sự “Xây dựng lại Tốt đẹp hơn” của ông Biden, bao gồm hai đạo luật: một đạo luật lưỡng đảng xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đôla và một đạo luật tái thiết 3,5 nghìn tỷ đôla. Đạo luật thứ hai này sẽ được thông qua ở Thượng viện nếu tất cả các đảng viên Dân Chủ đều bỏ phiếu cho nó. 

Ông Manchin nói với MSNBC rằng ông đã đạt được một lthoả hiệp với TT Biden để tiêu 1,75 nghìn tỷ đôla, nhưng ông nói rằng tốt hơn nên chờ đợi.

“Người dân đang lo lắng về lạm phát, họ lo ngại với nợ,” ông cho biết, đề cập đến cử tri của ông tại Tây Virginia, những người đang vật lộn với giá thực phẩm và khí đốt tăng cao.  

Nhóm của TT Biden đã khẳng định rằng gói chi tiêu sẽ có giá trị bằng “không” vì họ dự định bao gồm các biện pháp tăng doanh thu để trang trải chi phí. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đã cảnh báo rằng chi phí liên bang cao hơn sẽ khiến cho lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

Ông Manchin đã chỉ trích các thành viên cấp tiến của đảng Dân chủ về việc từ chối bỏ phiếu dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng hồi đầu tuần, bổ sung rằng ông sẽ không ủng hộ dự luật chi tiêu khổng lồ mà họ muốn mà không xem xét kỹ việc chính sách của họ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào.

Gián điệp Trung Quốc bị kết tội cố đánh cắp bí mật thương mại hàng không của Mỹ

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) cho biết, điệp viên Trung Quốc đầu tiên từng bị dẫn độ đến Hoa Kỳ đã bị kết tội gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại.

Yanjun Xu, một cựu quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS), hiện phải đối mặt với 25 năm tù giam và khoản tiền phạt 5 triệu USD. MSS là cơ quan tình báo đối ngoại quốc gia của Trung Quốc. Cơ quan này từng bị tờ The Washington Post cáo buộc có liên kết với một số vụ hack thiết bị quân sự.

Bắt đầu từ năm 2013, Xu đã theo dõi một số công ty hàng không và vũ trụ hàng đầu, đáng chú ý nhất là GE Aviation có trụ sở tại Cincinnati. Ông ta sẽ mời các nhân viên từ GE đến Trung Quốc thuyết trình, viện cớ phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường đại học. 

Theo tài liệu của DOJ, một số chi phí đi lại của nhân viên thậm chí còn do chính Xu chi trả.

Xu sau đó sẽ cố gắng đánh cắp bí mật về thông tin mật từ các nhân viên, bao gồm cả công nghệ liên quan đến quạt động cơ máy bay composite độc quyền của GE, mà DOJ tuyên bố không có công ty nào khác có thể sao chép.

GE đã phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) để theo dõi các vụ rò rỉ thông tin và các dấu hiệu cho thấy nó bắt đầu từ Xu. Công ty cũng chỉ chịu thiệt hại nhỏ do âm mưu được phát hiện sớm.

Vào năm 2018, Xu đã đến Bỉ dưới vỏ bọc gặp gỡ một nhân viên của GE để thảo luận thêm về các bí mật thương mại. Tuy nhiên, nhân viên đó cũng đang làm việc với FBI. Cùng với sự kết hợp của chính phủ Bỉ, Xu đã bị bắt và dẫn độ đến Cincinnati.

Quyền Luật sư Hoa Kỳ Vipal J. Patel cho biết: “Xu đã âm mưu thực hiện hành vi gián điệp kinh tế thay mặt chính phủ Trung Quốc, và ông ta đã cố gắng đánh cắp các sáng kiến có giá trị và bí mật thương mại của các công ty công nghệ hàng không hàng đầu của Mỹ.”

“Việc điều tra, bắt giữ và truy tố thành công một sĩ quan tình báo thuộc Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc là một thắng lợi cho người dân Mỹ và cộng đồng tình báo Mỹ”, các đặc vụ từ văn phòng FBI ở Cincinnati nói, theo Newsweek. “Chính phủ Cộng sản Trung Quốc, nơi đã giao nhiệm vụ cho Xu, đang tiếp tục điều các điệp viên, tin tặc và sĩ quan tình báo khác nhằm âm mưu đánh cắp các công nghệ tiên tiến và khai thác các phát minh mới của doanh nghiệp Hoa Kỳ.”

Xu được cho là điệp viên Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ sang Mỹ để hầu tòa vì tội làm gián điệp.

Trợ lý Giám đốc FBI Alan Kohler Jr cho biết văn phòng đang làm việc với hàng chục cơ quan của Hoa Kỳ để chia sẻ thêm thông tin và nguồn lực nhằm chống lại các hoạt động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông nói: “Đối với những người nghi ngờ mục tiêu thực sự của CHND Trung Hoa, đây chính là một lời cảnh tỉnh; họ đang đánh cắp công nghệ của Mỹ để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và quân sự của họ,” theo Reuters.

Related posts