Nguyên Hương
Hai năm trước, vào mùa thu năm 2019, đại dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Cho đến nay, nó đã tồn tại đủ lâu để bản thảo lịch sử đầu tiên giúp hiểu sâu hơn về các bài học và ý nghĩa của nó.
Trong khi các nhà sử học sẽ tranh luận về hậu quả của đại dịch trong nhiều thập kỷ tới, tại thời điểm này, chúng ta có thể rút ra năm kết luận về những tác động rộng lớn hơn của nó đối với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thế giới.
Bắc Kinh che giấu sự thật
Đầu tiên, khi thời gian trôi qua, một số sự việc ngày nay đã trở nên minh bạch và sẽ được công nhận là sự thật khi nhiều người trong cuộc buộc phải thừa nhận chúng. Chính quyền Trung Quốc đã che giấu sự thật về nguồn gốc của COVID-19, sự lây truyền dễ dàng của virus và giữ kín thông tin để dịch bệnh COVID-19 lây lan ra khắp thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đồng lõa với hành vi lừa dối này khiến tổ chức này phải đeo đẳng vết nhơ. Bắc Kinh không những đã nói dối về nguồn gốc của virus, mà còn đổ lỗi cho Quân đội Hoa Kỳ, nước Ý hoặc những nước khác về nguồn gốc của đại dịch. Có nhiều chính phủ và phương tiện truyền thông khác đã cùng đồng hành với Bắc Kinh để tuyên truyền điều này.
Hơn nữa, ở trong nước Trung Quốc, chính quyền đã đàn áp người dân, những người cố gắng nói ra sự thật. Những cá nhân này vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ thế giới, và trong một số trường hợp, họ vẫn chưa nhận được những lời khen tặng mà họ xứng đáng – trong đó chắc chắn bao gồm cả giải Nobel.
Đại dịch COVID-19 đã dạy thế giới rằng, ĐCSTQ lừa dối, WHO bị Trung Quốc thao túng và cũng lừa dối. Vì ĐCSTQ là không đáng tin cậy, nên hình ảnh của Trung Quốc trong lăng kính thế giới sẽ chỉ là sự lừa dối chừng nào ĐCSTQ còn nắm quyền.
COVID-19 tác động tiêu cực đến dân số và nền kinh tế, chính trị của thế giới
Thứ hai, đại dịch đã chứng minh tác động mạnh mẽ của virus như vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngay cả khi nó tự nhiện xuất hiện trong trường hợp này. COVID-19 đã giáng một đòn hiểm vào dân số, nền kinh tế và chính trị của thế giới.
Nó giết chết và làm suy yếu hàng triệu người, phá vỡ bao gia đình và sinh kế, để lại làng loạt hậu quả và thương tổn, bao gồm sự cách ly xã hội trên diện rộng làm tăng tỷ lệ tự tử, nạn sử dụng ma túy và cản trở việc giáo dục trẻ và chăm sóc những người thân yêu trong viện dưỡng lão.
Virus này đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, làm lung lay nền tảng toàn cầu hóa, cho thấy các nền kinh tế dễ bị tổn thương như thế nào khi phụ thuộc vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, đặc biệt là thuốc, nguyên liệu thô, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE).
Các tác động chính trị của đại dịch bao gồm làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump và khiến mầm mống của các chính sách cứng rắn phù hợp của ông đối với ĐCSTQ không nảy nở dưới thời chính quyền Biden.
Có lẽ tác động lâu dài nhất là đối với các nền dân chủ. Virus cho thấy rằng các nhà chức trách sẽ sử dụng vấn đề sức khỏe cộng đồng để củng cố quyền lực của họ với cái giá phải trả là các quyền tự do cá nhân.
COVID-19 phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu
Thứ ba, virus viêm phổi Vũ Hán đã đưa ra một vấn đề mà lâu nay người ta nghĩ rằng đã được giải quyết: Trung Quốc là nhà sản xuất và cung ứng của thế giới. Điều này cho thấy việc đặt tất cả trứng vào một giỏ rõ ràng là không thông thái. Đồng thời, vẫn còn phải cân nhắc xem liệu việc tái cân bằng sản xuất — tránh sản xuất duy nhất ở Trung Quốc mà sản xuất ở Ấn Độ và các lựa chọn thay thế khác, hoặc ở Hoa Kỳ và phương Tây — là giải pháp vĩnh viễn, hay lại quay lại Trung Quốc nếu các bài học của đại dịch bị lãng quên.
Những kỷ niệm có thể ngắn, và lợi nhuận hấp dẫn hơn. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy ngành sản xuất, bao gồm cả thiết bị bảo hộ cá nhân, lại quay trở lại Trung Quốc và được khôi phục nguyên trạng.
Hơn nữa, ĐCSTQ vẫn giữ được ảnh hưởng lớn đối với các nhà công nghiệp và chính trị gia trên thế giới để bôi trơn bánh xe quay trở lại. Ngày nay, việc quay trở lại lĩnh vực sản xuất quan trọng của Trung Quốc có thể là điều không tưởng, nhưng sẽ là trong tương lai nếu động lực không được duy trì.
Bài học kinh nghiệm sớm bị lãng quên.
COVID-19: Vũ khí sinh học?
Thứ tư, nguồn gốc đáng ngờ của virus, có thể là do Viện Virus học Vũ Hán phát hành, đã thu hút sự chú ý đến công trình nghiên cứu vũ khí sinh học của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Chương trình của PLA luôn ở trong bóng tối và được che giấu vì vấn đề sử dụng kép. Đó là, những gì được thực hiện cho các mục đích dân sự, chẳng hạn như nghiên cứu tăng cường chức năng, cũng có thể có ý nghĩa quân sự. Phạm vi và khả năng nghiên cứu dân sự của các phòng thí nghiệm của Trung Quốc không tách rời khỏi nghiên cứu cho mục đích quân sự của PLA tại các cơ sở của mình. Điều này cho thấy, PLA đã thu được lợi nhuận rất lớn từ các nghiên cứu dân sự.
Các quốc gia khác vẫn chưa hiểu tại sao PLA lại quan tâm đến vũ khí sinh học như vậy. Hơn nữa, họ vẫn chưa đối mặt với hậu quả tại sao PLA tìm cách phát triển những vũ khí này và cách PLA sẽ sử dụng chúng.
Đã đến lúc thế giới gây sức ép để Trung Quốc tiết lộ sự thật về chương trình vũ khí sinh học của mình. Lịch sử có thể tiết lộ rằng các bài học mà PLA rút ra được từ đại dịch COVID-19 là vũ khí sinh học có thể có tác dụng để đạt được các mục tiêu của ĐCSTQ, mặc dù nó lại là thảm họa đối với dân số thế giới.
Sự bùng phát tiếp theo
Thứ năm, với tác động to lớn của COVID-19, thế giới đang lo ngại về đợt bùng phát tiếp theo. Những vấn đề sau đây được đặt lên hàng đầu. Kể từ bây giờ, mối đe dọa virus ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế, chính trị và thương mại của thế giới.
Sau sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, thế giới có thể tưởng tượng rằng một căn bệnh bí ẩn trong tương lai, COVID-X ở Trung Quốc, sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề sức khỏe toàn cầu, thị trường, thương mại, giao thông vận tải và triển vọng chính trị. Không ai muốn điều đó lặp lại một lần nữa.
Giống như Thế chiến thứ Nhất, đại dịch COVID-19 đã gây ra một trải nghiệm nhức nhối cho tất cả các thế hệ trên toàn thế giới. Tàn dư của cuộc chiến đó và của đại dịch COVID-19 là: giống như Hitler trước Thế chiến thứ Hai, ĐCSTQ sở hữu một công cụ mạnh mẽ để thao túng và thúc đẩy các mục tiêu của mình. Đó là nỗi sợ hãi phải lặp lại một trải nghiệm kinh hoàng.
ĐCSTQ có cơ chế đe dọa một đợt bùng phát khác, hoặc lợi dụng một đợt bùng phát khác, để ép buộc các quốc gia thực hiện yêu cầu của họ. Mối đe dọa về một đại dịch trong tương lai đã xâm nhập vào danh mục đầu tư của Bắc Kinh như một phần mở đầu cho việc kiểm soát quyền lực của mình. Để củng cố tính hợp pháp của nó, ĐCSTQ sẽ lập luận rằng nó phải duy trì quyền lực vì chỉ có thể áp dụng các bước khắc nghiệt cần thiết để ngăn chặn COVID-X trong tương lai, mới có thể cứu thế giới. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi ĐCSTQ có lựa chọn như vậy. Bởi vì chỉ có chính quyền Trung Quốc mới có thể ngăn chặn hoặc tạo điều kiện cho sự lây lan toàn cầu của đại dịch, nên rõ ràng là phần còn lại của thế giới tốt hơn nên làm những gì họ nói. Do đó, Bắc Kinh có một công cụ mới để đạt được những gì họ muốn từ các quốc gia khác và các tác nhân quốc tế.
Các tác động lịch sử của COVID-19 hiện có thể được nhận thức. Đáng buồn thay, hành động cuối cùng của thảm kịch COVID-19 vẫn chưa xảy ra khi ĐCSTQ nhận ra thứ vũ khí mạnh mẽ mà nó sở hữu: mối đe dọa của đại dịch trong tương lai, nỗi sợ toàn cầu trước đại dịch và khả năng điều khiển nỗi sợ hãi này để gia tăng quyền lực của nó, trong khi biến thế giới thành con tin cho các quyết định của mình.
Bradley A. Thayer
Bradley A. Thayer là thành viên sáng lập của Ủy ban về mối nguy hiểm hiện tại của Trung Quốc và là đồng tác giả của cuốn “Cách Trung Quốc nhìn thế giới: Chủ nghĩa trung tâm và cán cân quyền lực trong chính trị quốc tế.”
Nguyên Hương